Tốt nghiệp khoa Cơ – Điện tử, Đại học Bách khoa Hà Nội, nhưng chàng trai trẻ sinh năm 1995 Hoàng Quý Bình lại "bén duyên" với các hoạt động vì môi trường và trở thành người sáng lập (founder) của tổ chức "Green Life". Đây là nơi quy tụ những người trẻ mang đầy nhiệt huyết với việc lan tỏa lối sống xanh đến cộng đồng.
Hoàng Quý Bình, sinh năm 1995, quê Hải Dương, tốt nghiệp ngành Cơ điện tử - Đại học Bách Khoa Hà Nội.
Một số giải thưởng nổi bật:
Trước khi chính thức thành lập Green Life, mình đã thực hiện một số dự án cộng đồng và thấy việc vận hành tương đối thuận lợi. Từ đó, mình đã tích lũy được một số kinh nghiệm nhất định về làm việc nhóm, quản lý dự án...
Song, cơ duyên đưa mình đến với ý tưởng tạo nên một nhóm hoạt động vì môi trường bắt đầu khi mình loay hoay tìm địa điểm thu gom rác điện tử vào năm cuối đại học và nhận thấy khó tìm được nơi hỗ trợ xử lý rác thải tại Hà Nội. Bên cạnh đó mình cũng quan tâm nhiều về vấn đề môi trường và trăn trở về việc làm thế nào để nâng cao ý thức của cộng đồng về việc theo đuổi lối sống xanh. Do vậy mình và một số người bạn đã tập hợp cùng nhau thành lập Green Life.
Tính đến nay Green Life đã đi vào hoạt động được 5 năm và đối với cá nhân mình thì đây là một dự án mang lại nhiều giá trị tích cực cho xã hội.
Sau khi tốt nghiệp đại học, mình có "Nam tiến" trong hai năm để học tập và phát triển hoạt động của Green Life. Hiện chúng mình có hai địa điểm hoạt động, một ở trụ sở chính tại Hà Nội và một cơ sở mới tại TP. HCM.
Cho đến nay, Green Life cũng đã thực hiện nhiều hoạt động khác nhau, song tập trung vào bốn mảng chính. Thứ nhất là tổ chức các sự kiện thu gom rác tập trung trong cộng đồng theo mô hình đổi giấy lấy cây, đổi chai lấy cây, đổi rác nhựa lấy sen đá... và xử lý rác ở khâu hậu cần với sự hợp tác của những tổ chức khác như Ve Chai Cứu Hỏa, Việt Nam Tái Chế, Dấu Chân Xanh... Bên cạnh đó, chúng mình cũng thực hiện đào tạo mô hình vận hành nhóm hoạt động vì môi trường tại các trường phổ thông và đại học.
Ngoài ra, Green Life cũng đồng hành với Corelex và một số đơn vị khác để làm nhà phân phối các sản phẩm thân thiện với môi trường, ví dụ như chế phẩm tẩy rửa có nguồn gốc tự nhiên, giấy vệ sinh tái chế, xà phòng hữu cơ...
Mảng cuối cùng mà Green Life hoạt động khá tích cực là truyền thông trên mạng xã hội để nâng cao hiểu biết của mọi người về việc sống xanh thông qua các bài đăng với nội dung bảo vệ môi trường.
Trong thời gian hoạt động vừa qua Green Life cũng đã gặt hái được một số thành tựu nho nhỏ trong việc bảo vệ môi trường. Sự kiện đầu tiên được tổ chức sau khi chúng mình đi vào hoạt động mang tên "đổi rác lấy cây" đã gom được gần 3 tấn rác với hơn 2.000 người tham gia – một con số không tưởng với nhóm tại thời điểm non trẻ lúc ấy.
Một điều đáng mừng là các sự kiện thu gom rác sau này vẫn duy trì được số lượng hưởng ứng đông đảo như thế.
Trong 5 năm hoạt động, Green Life đã tổ chức được hơn 400 sự kiện ở cả Hà Nội và TP. HCM với tổng khối lượng rác thu gom được rơi vào khoảng 600 tấn. Con số mà Bình nêu trên còn khá khiêm tốn so với lượng rác thải ra trên thực tế, nhưng chúng mình luôn tự động viên nhau là những hành động giúp được cho cộng đồng và làm cải thiện được môi trường sống cũng đều đáng quý. Từ đó, chúng mình luôn cố gắng cho các chương trình tiếp theo.
Một điều quan trọng nữa là ngoài hoạt động trực tiếp, Green Life cũng lan tỏa tinh thần sống xanh tương đối thành công với một fanpage có hơn 160.000 người đăng ký (tổng cộng hơn 200.000 người nếu tính cả fanpage tại TP. HCM). Đội ngũ thành viên thường trực luôn dao động trong khoảng 30 người, còn cộng đồng tình nguyện viên, cộng tác viên tham gia theo từng dự án của Green Life lên đến 1.000 bạn.
Tại đây, chúng mình duy trì văn hóa "lắng nghe phản hồi" qua các sự kiện để nhìn nhận điểm mạnh, điểm yếu, cái tốt, cái dở và tự nhủ sẽ hoàn thiện mình trong những lần tiếp theo.
Để nói về những điểm thuận lợi, mình nhận thấy Green Life có gặp may mắn khi được chính quyền địa phương ủng hộ nhiệt tình và tạo điều kiện cho các hoạt động. Thời gian chúng mình còn thu gom rác tập trung ngay tại khu tập thể nơi đặt trụ sở, bác tổ trưởng tổ dân phố đã cho phép nhóm được sử dụng khoảng sân ngay trước mặt để tập kết rác. Mặc dù bình thường thì hoạt động này có thể gây cản trở đời sống sinh hoạt của người dân xung quanh, song, cả bác và mọi người đều rất hoan hỉ giúp đỡ nhóm mình.
Ngoài ra, tinh thần tương thân tương ái, sức mạnh cộng đồng cũng đã giúp hoạt động của bọn mình có thể kết nối đến với nhiều người hơn. Green Life nhận được sự yêu mến và tin tưởng của bà con từ Bắc vào Nam nên hầu như sự kiện nào cũng có đông đảo người dân tham gia đổi rác và mua các sản phẩm tái chế.
Còn về những khó khăn, chúng mình hiện cũng có một vài trăn trở về việc quản lý nhân sự. Mỗi sự kiện có rất nhiều người tham gia nên cần có đội ngũ tình nguyện viên, cộng tác viên hỗ trợ ổn định. Trong khi đó, phần lớn các bạn chạy dự án vẫn đăng ký theo sự kiện riêng lẻ chứ không phải thành viên thường trực. Một điểm cần cải thiện nữa là khả năng cập nhật kiến thức về hoạt động môi trường và xử lý rác của toàn nhóm. Chúng mình vẫn cần học hỏi thêm nhiều điều nữa để việc tổ chức các hoạt động của nhóm thêm hiệu quả. Bên cạnh đó, kinh phí duy trì hoạt động dài hạn cũng là một vấn đề phải cân nhắc nếu Green Life muốn mở rộng quy mô trong tương lai.
Quả thực, những hoạt động của Green Life đã đem đến cho cá nhân Bình và các bạn trong nhóm những trải nghiệm đáng quý của tuổi trẻ khi được đồng hành với cộng đồng, từ đó gặp được những người kiên trì theo đuổi lối sống xanh và "truyền lửa" đến cho thế hệ con cái của mình. Có một em bé mà chúng mình từng gặp từ sự kiện đầu tiên, lúc đó bé mới 2 tuổi, đến nay đã vào tiểu học mà vẫn đều đặn theo bố mẹ đến đổi rác tại các sự kiện.
Có những phụ huynh trong khu tập thể nơi Green Life đặt trụ sở đã kể với mình rằng các con đã quen với việc tái chế vỏ sữa sau khi uống hết. Ngày nào, các bé cũng háo hức thu gom để đến sự kiện tiếp theo sẽ mang qua gửi nhóm.
Đặc biệt, cũng có những tình huống "dở khóc dở cười" xảy ra với nhóm trong thời gian cả nước giãn cách xã hội do tình hình dịch COVID-19. Lúc đó, Green Life không thể tổ chức sự kiện thu gom rác tập trung tại nơi đông người. Chúng mình khi ấy phải đưa ra thông báo nhận rác tại trụ sở nằm trên tầng 3 khu tập thể. Điều không ngờ tới là lượng rác gửi đến... quá lớn đến mức không có chỗ chứa. Cả nhóm phải chia nhau phân loại và xử lý liên tục, rồi thì cũng xong.
Qua những trải nghiệm đó, chúng mình thấy tin tưởng hơn vào công việc hiện giờ, vì Green Life đã và đang lan tỏa những hạt mầm tốt vào cộng đồng để mọi người sống xanh, sống bền vững hơn.
Việt Nam là nước đang phát triển và vấn đề ô nhiễm rác thải ở nước ta cũng đáng báo động. Chỉ tính riêng hai thành phố lớn nhất nước thì lượng rác xả ra môi trường ở Hà Nội là 7.000 tấn/ngày trong khi TP. HCM là 9.000 tấn/ngày. Trong đó, rác thải nhựa chiếm tỷ lệ cao nhất.
Rác thải nhựa có đặc điểm là cồng kềnh, chiếm không gian lớn khi chở đi xử lý và khó hoặc không phân hủy sau khi chôn lấp.
Đây là một bài toán nan giải mà Green Life cũng đang chung tay với cộng đồng để tìm lời giải. Chúng mình vẫn đang khuyến khích người dân thực hiện giảm lượng rác, sau đó phân loại để gửi đến Green Life tái chế theo từng đợt.
Mình nghĩ chúng ta có thể lý giải xu hướng này từ nhiều khía cạnh.
Trước tiên là về nhận thức. Người trẻ hiện đại cập nhật thông tin nhanh nhạy hơn nhiều so với lớp trước. Họ nhìn thấy những cái tiêu cực đang xảy ra xung quanh mình và điều đó thôi thúc họ hành động thay vì hô hào khẩu hiệu.
Bên cạnh đó, các bạn trẻ mà tiêu biểu là Gen Z hiện nay luôn muốn kiến tạo một cuộc sống có giá trị và có ý nghĩa hơn. Họ quan tâm đến nhiều mặt trong đời sống chứ không chỉ riêng vấn đề môi trường. Mọi người ý thức được tầm quan trọng của lối sống xanh và thực hiện nó, hướng đến tiêu dùng xanh để trở thành người tiêu dùng thông thái.
Ngay trong nhóm thành viên thường trực và cộng đồng tình nguyện viên, cộng tác viên hiện nay của Green Life có một tỷ lệ lớn các bạn Gen Z yêu môi trường đang tích cực hoạt động. Các bạn rất năng nổ và ham học hỏi, có tinh thần trách nhiệm với công việc chung và mình nghĩ đây là một tín hiệu đáng mừng cho tương lai của nhóm nói riêng cũng như xã hội nói chung.
Ngay cả bản thân Bình khi mới bắt đầu lối sống xanh như đi chợ tự mang túi, mang hộp... cũng từng gặp nhiều "định kiến tiêu dùng". Nhiều người nói với mình rằng "một cánh én nhỏ chẳng làm nên mùa xuân", ý là chỉ có mình mình bảo vệ môi trường thì không ăn thua.
Tuy nhiên mình nghĩ là điều quan trọng là cá nhân mình phải lan tỏa tinh thần sống xanh đó cho những người quanh mình, trước tiên là trong phạm vi những anh chị em trong Green Life đã. Đơn cử như về mặt tương tác trực tuyến, các bài đăng trên fanpage của tụi mình thường xuyên chia sẻ "tip" sống xanh và thông tin sự kiện đổi rác để khuyến khích các bạn tới tham gia, các thành viên tag (gắn thẻ) nhau vào rồi tag cả bạn bè, rồi những người bạn lại tag người khác vào... Dần dần như thế, mọi người biết đến hoạt động của chúng mình nhiều hơn và phản hồi ngày một tích cực hơn.
Còn về tương tác trực tiếp ngoài xã hội, mình thấy mọi người rất ủng hộ việc duy trì lối sống xanh trong việc đi chợ, đi siêu thị, giao thông công cộng... Các bác bán hàng khi thấy mình mang túi, mang hộp đựng thì dành cho mình những lời khen và cổ vũ mình lần tới tiếp tục duy trì thói quen này. Tuy lượng rác hiện giờ chưa giảm đi đáng kể vì chỉ có một số ít cá nhân thực hiện lối sống xanh, nhưng nếu cả xã hội cùng hưởng ứng thì nhất định môi trường sẽ bớt đi một gánh nặng lớn - đặc biệt là đối với nhóm rác thải nhựa.
Việc hình thành lối sống xanh không khó, chúng ta hoàn toàn có thể bắt đầu từ những điều nhỏ bé hàng ngày để hướng đến mục tiêu dễ thấy nhất là giảm lượng rác nilon thải ra. Một số "tip" tiêu dùng mà mình và các bạn trong nhóm đang thực hiện có thể kể đến như:
Về dài hạn, có một hoạt động mà mình và Green Life rất tâm huyết thực hiện là triển khai hoạt động phân loại rác, trước tiên là trong phạm vi nhóm nhỏ của quận Hai Bà Trưng - nơi có trụ sở của nhóm, sau đó sẽ lan tỏa sang các quận khác tại Hà Nội, TP. HCM. Hoạt động này hướng đến mục tiêu hình thành thói quen phân loại rác cho người dân tại 5 thành phố lớn trực thuộc Trung ương. Vào năm 2002, Việt Nam và Nhật Bản đã phối hợp để thực hiện dự án này nhưng không thành công, vậy nên, Green Life hi vọng mình sẽ có đủ tiềm lực về nhân sự và tài chính để góp phần vào công cuộc thay đổi nhận thức về việc phân loại và xử lý rác thải của người dân.
Song song với đó, chúng mình vẫn tiếp tục đẩy mạnh truyền thông để quảng bá các sản phẩm thân thiện với môi trường đến với người tiêu dùng, từ đó thúc đẩy hoạt động sản xuất bền vững của các địa phương. Bên cạnh đó, Green Life cũng đặt mục tiêu tổ chức các hoạt động, workshop giáo dục về vấn đề bảo vệ môi trường tại các trường học để giúp các em học sinh hình thành lối sống bền vững từ khi còn nhỏ.
Mình vẫn nhắn nhủ với các bạn trong Green Life rằng trong khi chúng ta ngồi đây, trên thế giới vẫn có những cánh rừng đang cháy và còn rất nhiều nơi mà người dân không được tiếp cận với nguồn nước, chịu cảnh dịch bệnh phá hoại mùa màng... Vậy nên, khi chúng ta có điều kiện tiếp xúc với thông tin và hưởng một cuộc sống tốt đẹp thì hãy trân quý những giá trị mình được hưởng, cũng như có hành động rõ ràng để bảo vệ môi trường xung quanh mình.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về LeLa Talk?
Kinh doanh, khởi nghiệp, kinh nghiệm sống và những cuộc trò chuyện truyền cảm hứng.
Nếu bạn không muốn bỏ lỡ những bài viết thú vị