Những mâu thuẫn và xung đột thế hệ xuất hiện gần đây khiến nhiều bậc cha mẹ thời hiện đại cho rằng họ phải trở thành một người bạn mới có thể hoà hợp với con cái. Bởi đây là cách thông dụng của phụ huynh ở phương Tây để trẻ chịu chia sẻ tâm tư, nguyện vọng hoặc các vấn đề nhạy cảm của bản thân. Thế nhưng, khi áp dụng lối sống Tây phương này vào Việt Nam, rất nhiều rắc rối đã phát sinh vì thực tế khác với những lý thuyết trên sách vở. Vì lẽ đó, LeLa Journal đã có cuộc gặp với Tiến sĩ Tâm lý học Lê Thị Mai Liên - trưởng khoa Tâm lý học Trường đại học KHXH&NV TP.HCM - để cùng chia sẻ về chủ đề đang rất được quan tâm này.
Với hai vai trò khác biệt như vậy, nhiều bậc phụ huynh cho rằng cha mẹ không cần thiết phải quan tâm đến việc trở thành bạn với con. Tuy nhiên theo Tiến sĩ Lê Thị Mai Liên, "làm bạn" không những giúp trẻ phát triển theo hướng tốt nhất mà còn là cách để cha mẹ hoàn thiện bản thân mình. Nhưng cũng theo cô, khái niệm "làm bạn" này cần phải được hiểu một cách chính xác nhất.
Tốt nghiệp hạng xuất sắc chương trình đào tạo Tiến sĩ tại Viện nghiên cứu Tâm lý (IPSY) Đại học Louvain (Bỉ), Tiến sĩ Lê Thị Mai Liên có nhiều nghiên cứu, luận án được công bố quốc tế trong lĩnh vực Tâm lý học Phát triển ở trẻ em (1). Ngoài ra, cô hiện đang là Trưởng khoa Tâm lý học Trường ĐHKHXH & NV TP.HCM và chuyên gia tâm lý tại Viện Tâm lý Việt - Pháp
Dưới góc nhìn cá nhân, tôi rất khuyến khích phụ huynh làm bạn với con cái.
Vì sự quan tâm và dành thời gian của cha mẹ là một trong những nhu cầu rất quan trọng của một đứa trẻ. Nhiều ông bố bà mẹ chỉ có thể hoàn thành những vai trò như cung cấp về vật chất, tiền bạc nhưng lại quên nhu cầu tinh thần, chẳng hạn như chơi với con, nói chuyện với con hay dành thời gian để lắng nghe, chia sẻ tâm tình của con.
Đặc biệt là ở những đứa trẻ nhỏ tuổi, lúc này chúng rất cần tình yêu, sự quan tâm và cả niềm vui - điều mà tốt nhất nên đến từ những người nuôi nấng và chăm sóc trực tiếp của mình.
Rất có thể. Bởi lẽ nhiều bậc cha mẹ luôn có xu hướng tạo ra khoảng cách với con hoặc chính họ không được học cách xây dựng mối quan hệ cởi mở như vậy từ những ông bố, bà mẹ của họ.
Cần lưu ý rằng, việc làm bạn sẽ tạo ra một mối quan hệ bình đẳng hơn giữa hai thế hệ. Mục đích của việc này là để đứa con không có cảm giác "thấp cổ bé họng" và nó có thể chia sẻ những góc nhìn, ý kiến của bản thân cũng như những quan điểm về một vấn đề nào đó trong cuộc sống. Thế nhưng, không nên hiểu khái niệm "làm bạn" trong nuôi dạy con cái theo nghĩa đơn thuần, giống kiểu "cá mè một lứa" được.
Thứ nhất, làm bạn chính là việc việc người cha mẹ dành thời gian cho đứa con của mình - thông qua các hoạt động như cùng chơi với con, trò chuyện lắng nghe con, hoặc đơn giản là có mặt ở đó khi con cần đến. Điều thứ hai quan trọng không kém chính là "làm bạn" ở trong tinh thần nuôi dạy con cái.
Tinh thần nuôi dạy này không được mang tính áp đặt theo kiểu cha mẹ nói sao con phải nghe vậy, nó mang tính trao quyền đề giúp con được tự lập nhiều hơn. Điều này sẽ giúp chúng xây dựng tính tự chủ cũng như tự mình tham gia vào các hoạt động khác trong cuộc sống.
Đúng vậy, ý nghĩa của việc làm bạn ở đây chính là để trẻ có thể cảm nhận được "sự ngang hàng" - là cơ sở cho sự lắng nghe và chia sẻ. Thông qua đó, trẻ có thể gửi gắm những tâm tư mang những mặt cảm xúc khác nhau. Bởi vì nếu như không phải là một người bạn thân hữu, trẻ sẽ không bao giờ nói lên những điều (có thể nặng lòng) này.
Khi khoảng cách giữa cha mẹ con cái sẽ được rút ngắn, những tương tác về mặt cảm xúc sinh ra, cùng với cảm giác thân thuộc ngang hàng và sự tin cậy, đây chính là môi trường giúp trẻ chia sẻ nhiều hơn. Qua đó, điều này giúp chúng được phát triển tính độc lập và bản sắc riêng vốn có của mỗi người.
Đồng hành với con mình trên quá trình phát triển là một chặng đường dài, và với mỗi một giai đoạn, vai trò của người bạn - người đồng hành này sẽ khác nhau. Đây là điều mà phụ huynh rất cần phải lưu ý vì nó giúp cho chúng ta hiểu được nên làm gì ở từng thời điểm nào.
Theo tôi, ở độ tuổi nào thì cha mẹ cũng sẽ là những người bạn - những người đồng hành với con, những ở mỗi giai đoạn phụ huynh sẽ phải biết rằng là vai trò này sẽ thay đổi và mang ý nghĩa khác nhau.
Ví dụ như khi bắt đầu đến trường, các con sẽ cần những người bạn học, những người bạn thân rồi đến những nhóm bạn cùng chia sẻ một sở thích. Sau đó đến một độ tuổi các con sẽ có người yêu - những bạn trai bạn gái hoặc bạn đồng giới. Lúc này các con cần một người hướng dẫn giúp chúng hiểu rõ những vấn đề mới đối diện lần đầu trong cuộc sống.
Đến một độ tuổi nhất định, các con bắt đầu lập gia đình và mối quan tâm khi ấy của chúng có thể là công việc, cũng có thể là bạn đời và tổ ấm riêng. Và lúc này, cha mẹ sẽ là những người động viên khuyến khích, hay là những điểm tựa để con cái quay về "sạc lại" năng lượng tinh thần.
Giai đoạn mà đứa trẻ rất là cần cha mẹ thể hiện vai trò người hướng dẫn là ở độ tuổi là vị thành niên. Lúc này, cần một người lớn định hướng cho nó, chúng có thể sẽ cần khoảng cách với cha mẹ vì chúng muốn chia sẻ thế giới của mình với những người bạn thực sự ở bên ngoài nhiều hơn.
Khi ấy, nếu cha mẹ quá gần gũi thậm chí là gượng ép để trở thành "người bạn" thì có thể sẽ không phù hợp với nhu cầu của con mình và có khả năng khiến trẻ cảm thấy bị "xâm lấn" - tức là bị can thiệp nhiều và mất đi cảm giác được riêng tư, tự chủ. Trong trường hợp đó, cha mẹ cần phải lùi lại để con mình tìm được cảm giác thuộc về với nhóm bạn đồng trang lứa. Vai trò người hướng dẫn sẽ phù hợp hơn với phụ huynh, điều này giúp con hiểu được những nguy cơ ở trong các hoạt động mà chúng tham gia.
Những nguy cơ có thể kể đến như những cám dỗ, những suy nghĩ bồng bột hoặc đơn giản là nhiều khi con trẻ sẽ không biết nói "không".
Và chỉ cần một lần như vậy thì các vấn đề liên quan đến tệ nạn xã hội có thể xảy ra.
Quay trở lại với câu chuyện làm bạn - làm người đồng hành. Để có thể làm một người hướng dẫn, giúp trẻ phân biệt được tốt xấu, nên và không nên làm gì thì trong những năm đầu đời, phụ huynh phải thực sự là một người bạn của con.
Nếu như không xây dựng được một mối quan hệ cởi mở, tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau như giá trị cốt lõi của tình bạn ngay từ đầu, thì rất khó để cha mẹ có thể nghe những đứa con của mình chia sẻ các vấn đề trong cuộc sống. Xa hơn nữa là đưa ra lời khuyên và khiến chúng lắng nghe.
Vấn đề này tôi cũng đã nhận được rất nhiều từ phụ huynh trong các lớp học, dường như hiện nay rất nhiều gia đình đang rơi vào tình trạng này. Mà đây không phải là chuyện có thể giải quyết ngày một ngày hai, nó cần xây dựng trong một quá trình dài.
Điều này trước tiên nằm ở tầm nhìn nhận và ý thức của cha mẹ. Cha mẹ phải tự hỏi rằng họ có thật sự muốn làm một người bạn với con mình không và hiểu được vai trò của việc này quan trọng như thế nào.
Giống như đã chia sẻ ở trên, làm bạn với trẻ phải ở trên cả hai phương diện. Đó là dành thời gian để đáp ứng nhu cầu vật chất, tinh thần cho con và thay đổi quan điểm của mình về vai trò làm cha làm mẹ. Nếu như một người bảo thủ, không biết quan sát, không biết nhìn nhận hay lắng nghe thì cũng không biết cách để suy tính về những nhu cầu này của con mình.
Đây là điều rất quan trọng trong việc xây dựng và tạo dựng niềm tin của con cái nơi cha mẹ, là cơ sở để chúng chia sẻ và lắng nghe hướng dẫn của cha mẹ mình trong khoảng thời gian sau này. Tuy nhiên, đã rất nhiều phụ huynh để lỡ thời khắc quan trọng đó.
Lúc này, cách duy nhất để lấy lại niềm tin và sự cởi mở của con trẻ là phải xây lại mối quan hệ cha mẹ-con cái. Cơ sở để thực hiện điều này chính là dựa trên nhu cầu từ những đứa con của mình.
Bởi đã là con người thì giai đoạn nào trong cuộc đời cũng sẽ có nhu cầu, và con mình cũng vậy. Trong đó, nhu cầu được quan tâm, được yêu thương và được cảm thấy mình có giá trị của con luôn là điều mà bậc cha mẹ cần lưu ý.
Khi đã nắm được nhu cầu của trẻ, cha mẹ có thể tập trung bù đắp và thể hiện sự quan tâm của mình bằng cách đầu tư thời gian và công sức cho điều này. Có một cách cơ bản để thực hành dễ dàng hơn đó là thông qua "5 ngôn ngữ yêu thương". Phụ huynh hãy tìm hiểu 5 yếu tố này và xem đứa trẻ nhà mình thích "ngôn ngữ" nào nhất để học cách thể hiện.
Thứ nhất là lời nói, thứ hai là hành động quan tâm, thứ ba là dành thời gian bên nhau, thứ tư là quà tặng và thứ năm là sự thân mật.
Quan trọng là cho con thấy được sự chân thành, thấy được sự nhìn nhận vấn đề của cha mẹ bây giờ đã khác đi và can đảm nói lời xin lỗi nếu đã lỡ làm tổn thương trẻ. Đó là những bước rất cần thiết và cơ bản để lưu giữ lại niềm tin ở con. Niềm tin mà nếu đánh mất, không chỉ dẫn đến sự mất kết nối với trẻ mà còn khiến bản thân phụ huynh mất kết nối với chính bản thân mình.
Rõ ràng khi một phụ huynh thực hiện điều này thì đã cho thấy sự trưởng thành trong chức năng làm cha làm mẹ của họ. Bởi không ai tự dưng được sinh ra đã có thể trở thành những chuyên gia trong việc chăm sóc và dạy dỗ con cái. Chưa kể ở mỗi một đứa trẻ sẽ là một cá nhân có tính độc đáo riêng và khi nuôi dạy, cha mẹ sẽ học được một điều gì đó, bao gồm cả việc nhận ra những sai lầm mà mình mắc phải.
Tôi cho rằng khi một một phụ huynh coi làm cha mẹ là một công việc, một trách nhiệm thực sự thì họ sẽ tìm ra được ý nghĩa thiêng liêng của tình phụ tử-mẫu tử, qua đó hiểu thêm được những khúc mắc riêng ở bản thân trong mối quan hệ với chính cha mẹ của họ.
Bởi vì có thể, chính họ cũng được nuôi dạy bởi một phong cách tương tự, một phong cách hoặc đàn áp hoặc thờ ơ và không quan tâm. Cho nên khi cha mẹ cố gắng làm bạn với con thì họ sẽ phải học cách điều chỉnh bản thân rất nhiều. Họ phải tự nhìn nhận, xem xét lại chính mình và nhiều khi phải hạ cái tôi xuống để có thể lắng nghe và tâm sự với con.
Cảm ơn Tiến sĩ đã dành thời gian chia sẻ với LeLa Journal.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về LeLa Talk?
Kinh doanh, khởi nghiệp, kinh nghiệm sống và những cuộc trò chuyện truyền cảm hứng.
Nếu bạn không muốn bỏ lỡ những bài viết thú vị
Mọi người đều đọc