Hai bạn cùng trở về nhà sau một ngày làm việc mệt mỏi, "nửa kia" của bạn lập tức than vãn, cằn nhằn, tỏ rõ thái độ bực bội vì những căng thẳng trong công việc. Nếu rơi vào tình huống đó, làm sao để bạn có thể vừa lắng nghe một cách chân thành, vừa an ủi người thương, mà bản thân không cảm thấy mệt mỏi và ngao ngán?
Tổ ấm là không gian thiêng liêng mà những phiền muộn ngoài xã hội nên bị bỏ lại đằng sau cánh cửa. Thế nhưng, thời buổi kinh tế khủng hoảng và môi trường làm việc thiếu lành mạnh đang khiến đời sống công sở dần len lỏi, đeo bám trong tâm trí người lao động, từ đó gây mất cân bằng cho cuộc sống riêng tư.
Theo khảo sát năm 2022 của Anphabe, có khoảng 42% người lao động Việt Nam đang làm việc trong trạng thái thường xuyên chịu áp lực, mệt mỏi và stress. Đặc biệt, con số này chưa có dấu hiệu suy giảm (1).
Với các cặp đôi cùng là nhân viên văn phòng thì áp lực này dường như lại được nhân đôi. Ai cũng có những mục tiêu riêng và những vấn đề cá nhân cần giải quyết. Chính vì thế, việc xoa dịu, an ủi "nửa kia" đang gặp áp lực trong khi bản thân cũng đang chật vật là một vấn đề đầy thách thức trong đời sống cặp đôi.
Các chuyên gia tâm lý đã có một vài gợi ý để xử lý tình huống này. Jennifer Petriglieri, Phó Giáo sư về hành vi trong tổ chức tại INSEAD, nói rằng: "Cặp đôi công sở chịu áp lực nhân đôi, nhưng họ cũng có gấp đôi sự thấu cảm và thấu hiểu". Hơn nữa, bà cũng cho rằng, giúp đỡ người thương quản lý căng thẳng cũng chính là tự giúp mình kiểm soát căng thẳng tốt hơn. Khi cặp đôi đều được trang bị kỹ năng quản lý tinh thần này thì mỗi người sẽ đều có sức bật nội tại để bản lĩnh và vững vàng hơn trước mọi biến động (2).
John Coleman, tác giả của cuốn Passion & Purpose cũng cho rằng các cặp đôi nên từ bỏ quan điểm "mỗi người tự quản chuyện của mình" mà nên hướng đến mục tiêu "trở thành điểm tựa của nhau" để cùng đối phó với áp lực.
Nếu người yêu hoặc bạn đời của bạn đang rơi vào tình huống như cãi nhau với sếp, áp lực vì "bão sa thải" (lay-off), bị khách hàng phàn nàn... bạn có thể dỗ dành, an ủi đối phương bằng các mẹo tâm lý sau (3).
Vì áp lực công việc nhân đôi như đã đề cập ở trên, có vài cặp đôi không thật sự lắng nghe mà chỉ hời hợt "nghe tai này qua tai nọ", an ủi qua loa, hoặc ậm ừ cho qua chuyện. Biết rằng ai cũng bận rộn và có nhiều nỗi lo, nhưng việc lắng nghe không chủ động như thế chỉ khiến người yêu hoặc bạn đời của chúng ta thêm tủi thân, muộn phiền.
Thay vào đó, bạn có thể tạm gác công việc cá nhân sang một bên và tập trung toàn tâm toàn ý để lắng nghe đối phương. Đôi khi, bạn đời hoặc người yêu của bạn chỉ cần vài phút "dốc bầu tâm sự" để giải tỏa căng thẳng đang dồn nén mà thôi.
Bên cạnh việc lắng nghe chủ động và toàn tâm toàn ý, bạn cũng nên đưa ra những phản hồi tích cực để đối phương biết rằng bạn vẫn luôn tập trung vào câu chuyện của họ. Nếu câu chuyện tương đối dài dòng và phức tạp, bạn có thể đúc kết lại cách hiểu của bạn sau những chia sẻ của người ấy, để chắc rằng mình hiểu đúng vấn đề, đồng thời thể hiện thành ý "Anh/Em vẫn đang lắng nghe để hiểu tường tận câu chuyện mà".
Người yêu hoặc bạn đời của bạn không cần một chuyên gia giải quyết vấn đề kiểu "tư vấn viên công sở", nên bạn không cần, và cũng không nên "lên lớp nói đạo lý" hoặc chỉ ra hững điểm cần cải thiện. Với một người đang tổn thương, nhu cầu được lắng nghe, được chấp nhận và nâng đỡ tinh thần luôn cấp thiết hơn nhu cầu phân tích tình huống.
Bên cạnh đó, Coleman cũng khuyên rằng đừng nên so bì hơn thua về mức độ chịu áp lực của nhau bằng những câu nói như: "Chuyện này nhỏ mà, bản thân em/anh từng phải trải qua mấy chuyện còn bức bối hơn nhiều...", "Như vậy là còn đỡ, chứ bản thân anh/em còn áp lực hơn nữa…". Nên nhớ, khả năng chịu đựng áp lực và sự kiên cường của mỗi người là khác nhau, vì vậy đừng mang gánh nặng áp lực của mỗi người đặt lên bàn cân để so cao thấp.
Thay vào đó, bạn nên dùng những ngôn ngữ tích cực và có những hành động nâng đỡ cảm xúc cho đối phương như vỗ vai, vuốt lưng, nắm tay, hoặc chuẩn bị một món ăn, thức uống yêu thích cho người yêu trong lúc nghe cô ấy/anh ấy tâm sự.
Lợi ích của cặp đôi công sở là họ thấu hiểu công việc và áp lực của nhau. Điều này có nghĩa là đối phương cũng phần nào hiểu được khó khăn của bạn và ngược lại. Thế nên, sau khi đã lắng nghe chủ động, phản hồi tích cực và nâng đỡ cảm xúc, giờ là lúc bạn có thể cùng người ấy đánh giá tình hình thực tế trước khi lên kế hoạch ứng phó.
Theo Phó giáo sư Jennifer Petrigileri, điều quan trọng là phải biết được loại áp lực mà người yêu hoặc bạn đời của mình đang trải qua. Có hai loại áp lực trong công việc: áp lực bùng phát (chẳng hạn, bực tức vì tranh cãi với đồng nghiệp trong cuộc họp) và áp lực dai dẳng (biểu hiện của burn-out). Đối với loại áp lực dai dẳng, bà Petrigileri cho rằng đây là dấu hiệu điển hình của "hội chứng ếch luộc" (boiling frog syndrome) cho thấy người ấy của bạn đang "đi làm nhầm chỗ".
Việc tiếp theo sau khi nhận diện vấn đề là đặt những câu hỏi phản tư, giúp đánh giá tình hình một cách khách quan. Hãy thử đặt câu hỏi: "Anh/Em có hài lòng với công việc hiện tại không?", "Có điểm nào anh/em muốn thay đổi để giúp công việc tốt lên không?"... Những câu này sẽ giúp bạn đời nhìn nhận thực tế đúng hơn, cũng như đánh giá lại lộ trình sự nghiệp của họ đã đi đúng mục tiêu hay chưa.
Nếu bạn nhận thấy "nửa kia" của mình đang có vài góc nhìn chưa đúng với thực tế, hãy giãi bày và chia sẻ một cách tinh tế. Coleman khuyên rằng bạn nên đặt những câu hỏi mở để làm rõ góc nhìn của bạn đời hoặc người yêu, chẳng hạn như: "Điều gì khiến anh/em nghĩ như vậy?", "Anh/Em nghĩ mình có thể xử sự khác đi nếu việc này lặp lại không?". Hoặc bạn có thể chủ động đưa ra gợi ý như: "Anh bỗng nảy ra ý này, em nghe xem ổn không nhé?", "Em nghĩ trong trường hợp đó mình có thể giải quyết theo một hướng khác, chẳng hạn như...".
Đôi lúc vì nóng giận nhất thời mà chúng ta rơi vào những "điểm mù - mỗi người một góc nhìn". Chính vì vậy, việc tỉnh táo đưa ra lời khuyên thực tế (sau khi đã vỗ về an ủi) thay vì ủng hộ một cách mù quáng sẽ giúp ích rất nhiều cho mối quan hệ cũng như củng cố sức mạnh nội tại cho người thương của chúng ta.
Dù người yêu hoặc bạn đời là chỗ dựa tinh thần đáng tin cậy nhưng không vì thế mà hai người yêu nhau cứ như "hình với bóng". Chúng ta cũng cần tôn trọng sở thích và các kết nối xã hội của người thương, bởi lẽ đó có thể là những nguồn lực giúp san sẻ những vấn đề nằm ngoài khả năng hỗ trợ của chúng ta, đồng thời giúp "nửa kia" có không gian riêng tư ngoài đời sống cặp đôi.
Chính vì vậy, việc cả hai cùng thống nhất về "đời sống thứ ba" bên ngoài công việc và gia đình, bao gồm bạn bè, cha mẹ, sở thích chơi game, thể thao... cũng là một cách giúp cặp đôi có thêm sự tự do và không gian riêng để tự hồi phục sau những căng thẳng.
Điều quan trọng nữa là cả hai phải duy trì một "cộng đồng hỗ trợ bên ngoài" gồm những người có thể giúp họ vượt qua những thách thức trong công việc lẫn đời sống cá nhân. Phó giáo sư Petriglieri khuyên rằng các cặp đôi nên "duy trì các mối quan hệ hiện có" và "kết nối thêm những mối quan hệ mới" để đời sống cá nhân trở nên phong phú, đồng thời mỗi người đều có thêm nhiều nguồn lực hỗ trợ.
Bà gợi ý thêm một phương pháp hữu ích khác là đến gặp bác sĩ trị liệu hoặc nhờ hỗ trợ từ một chuyên viên tư vấn nghề nghiệp. Điều này có thể giúp người yêu hoặc bạn đời của bạn vượt qua căng thẳng, từ đó phát triển sự nghiệp. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng nhà trị liệu hoặc tham vấn viên chỉ là người hỗ trợ, chứ không thể thay thế bạn trong vai trò đồng hành, xoa dịu hoặc làm chỗ dựa tinh thần.
Điều quan trọng cuối cùng là cả hai phải cùng xác định rằng "nhà là nơi để trở về và chữa lành". Điều này được Coleman goi là "thiết lập thói quen lành mạnh không mang việc về nhà" nhằm biến "tổ ấm thành nơi an trú". Sau khi an ủi và vỗ về người yêu hoặc bạn đời, cả hai có thể cùng đặt ra các nguyên tắc như:
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Tâm Lý?
Cập nhật những nghiên cứu và khám phá mới nhất về tâm lý.