Nhiều năm qua, chuyên gia giáo dục Nguyễn Thị Thu (Aki Nguyễn) đã được đông đảo phụ huynh biết đến như một tác giả sách kỹ năng nuôi dạy trẻ và nhà đồng sáng lập kiêm Giám đốc đào tạo của Hệ thống giáo dục Tsubaki (Hà Nội). Trong buổi trò chuyện với LeLa Journal, chị đã chia sẻ những câu chuyện nghề và bật mí "kim chỉ nam" để giúp cha mẹ định hướng giáo dục cũng như vững tâm đồng hành cùng bé bước vào lớp 1 – chủ đề đang nhận được sự quan tâm của nhiều độc giả là bố mẹ trẻ hiện nay.
Chuyên gia giáo dục Aki Nguyễn chia sẻ: "Xuyên suốt các cuốn sách, tôi luôn trung thành với phương châm 'Dạy con bằng kỷ luật mềm' và truyền tải thông điệp 'yêu thương – kiên nhẫn – thừa nhận – khen ngợi – tin tưởng'. Có lẽ tinh thần này đã được đồng tình bởi nhiều bậc cha mẹ lẫn các bé, nên những cuốn sách của tôi cũng nhận được sự ủng hộ. Điều này là một niềm cổ vũ giúp tôi vững tin hơn vào sự nghiệp giáo dục của mình".
Cá nhân tôi nhận thấy phụ huynh Việt Nam có nhiều điểm thuận lợi hơn phụ huynh Nhật Bản trong việc nuôi dạy con. Điều đầu tiên là ngày nay chúng ta có rất nhiều nguồn thông tin để tham khảo cũng như có những công cụ và nhân sự hỗ trợ mang tính "chuyên môn hóa" trong việc nuôi con như sách, khóa học của chuyên gia, gia sư...
Tiếp theo, phụ huynh trẻ thường nhận được sự hỗ trợ chăm sóc con cái từ ông bà và chồng/vợ chứ không phải gánh vác một mình, nhờ vậy mà chúng ta có thể cân bằng giữa việc xây dựng sự nghiệp và chăm sóc gia đình. Ngoài ra, ở Việt Nam phụ huynh nuôi con khá thoải mái do tính tự quyết cao và tính linh hoạt cao so với xã hội Nhật Bản. Một điều thuận lợi nữa là môi trường giáo dục ở Việt Nam rất đa dạng, phụ huynh với bất kỳ nhu cầu nào cũng có thể chọn được ngôi trường phù hợp khả năng của trẻ và điều kiện kinh tế gia đình.
Tuy nhiên vì có nhiều lựa chọn bày ra trước mắt nên bố mẹ sẽ gặp khó khăn trong việc tìm ra môi trường và phương pháp giáo dục tương ứng với con mình, hay nói cách khác là phụ huynh chưa hình thành được một "phễu lọc thông tin" hiệu quả.
Tôi nghĩ điều này xuất phát từ việc các bậc làm cha làm mẹ chưa hiểu về chính bản thân mình do bối cảnh giáo dục truyền thống không chú trọng vào việc dạy con người tìm về với giá trị bên trong, cũng như thiếu đi tư duy phản biện với các sự vật, hiện tượng trong cuộc sống được xây dựng từ nhỏ. Điều trở ngại thứ hai đến từ việc chúng ta khó dung hòa với ông bà hoặc chồng/vợ trong việc duy trì quan điểm nuôi dạy con cái, nhất là khi có nhiều thế hệ với các hoàn cảnh trưởng thành khác nhau cùng chung sống dưới một mái nhà. Chính vì thiếu sự thống nhất về phương pháp giáo dục trẻ giữa các thành viên trong gia đình, chúng ta khó hoặc không thể tạo nên kỷ luật cho trẻ cũng như cho chính mình. Tôi cho rằng đây là khó khăn lớn nhất mà phụ huynh trẻ hiện đại phải vượt qua.
Tôi nghĩ rằng việc trẻ thành công bước vào lớp một không nằm ở việc trẻ đã biết đọc, biết viết hay có thể nói tiếng Anh trôi chảy hay chưa, mà là sự tổng hòa của ba yếu tố: khả năng ngôn ngữ, sự tự tin và tính kỷ luật của trẻ.
Ở Việt Nam chúng ta vẫn sử dụng tiếng Việt trong đời sống hàng ngày, trong khi tiếng Anh sẽ chỉ giới hạn trong một số môi trường nhất định. Do đó, trẻ cần có vốn từ vựng và khả năng diễn đạt tốt bằng tiếng mẹ đẻ trước, để tự tin thể hiện những suy nghĩ của mình. Nhờ đó mà việc tiếp thu một ngôn ngữ mới cũng trở nên dễ dàng hơn. Khi trẻ tự tin rồi thì học cái gì cũng dễ dàng hơn do các bạn hiểu những điều mình học bằng khả năng ngôn ngữ của mình.
Đặc biệt, kỷ luật trong sinh hoạt đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển cả về thể chất và tinh thần của trẻ, do đó phụ huynh cần nuôi dưỡng điều này cho trẻ từ sớm. Trong các cuốn sách của tôi cũng có hướng dẫn rất chi tiết về cách tạo lập "kỷ luật mềm" đối với trẻ từ giai đoạn 0 - 3 tuổi và 4 - 6 tuổi mà độc giả có thể tham khảo.
Khi trao đổi với các phụ huynh ở trường mầm non, tôi cũng gặp áp lực tương tự trong việc định hướng học tập cho các bé ở giai đoạn tiền tiểu học. Tôi nghĩ nhu cầu của phụ huynh là chính đáng, song có một vài điểm cần cân nhắc.
Trước tiên, bố mẹ cần hiểu việc học tập cũng giống như khi ta trồng một cái cây, muốn cây phát triển khỏe mạnh thì bộ rễ phải đủ chắc để hút dinh dưỡng lên nuôi thân, lá, cành, từ đó cây mới ra hoa, kết quả. Nếu "ép chín" quá sớm, cây sẽ không lớn được, trái cũng không đủ ngọt. Tương tự như thế, trẻ phải học sớm khi tâm sinh lý chưa sẵn sàng sẽ dẫn đến những tác hại về sau này, như chán nản, chống đối, càng thụt lùi khi học lên cao.
Vì vậy, ở giai đoạn tiền tiểu học chúng ta chỉ nên giới thiệu cho trẻ về những kiến thức cơ bản, nếu trẻ không hứng thú bố mẹ cũng không nên cố ép, và không tạo áp lực với con. Khoa học đã chứng minh sự khác biệt giữa những trẻ học trước và những trẻ không học trước chương trình lớp một chỉ kéo dài đến năm tám tuổi, thậm chí kết quả nghiên cứu còn cho thấy những bé học trước thì sau tám tuổi lại có kết quả thấp hơn những bé chưa được học trước.
Nếu ép trẻ học sớm quá hoặc nhiều quá, trẻ sẽ bị thui chột năng lực học tập về lâu dài do mất đi sự tự tin và động lực tự thân.
Ngoài ra, đối với việc chọn trường nào cho con, phụ huynh nên lấy kim chỉ nam là năng lực của con mình để đưa ra quyết định phù hợp. Sự phát triển của một đứa trẻ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố: gen – hay thiên hướng, môi trường gia đình/nhà trường, nội lực – hay tính khí. Từ đó, mỗi đứa trẻ là một phiên bản độc lập, do đó bố mẹ không nên áp dụng một công thức chung trong việc định hướng trường cho con mà nên nhìn vào các yếu tố của con mình để có sự đánh giá thấu đáo.
Bên cạnh đó, phụ huynh cũng nên đánh giá lại sự cần thiết của việc ôn thi và lấy chứng chỉ tiếng Anh IELTS ở bậc tiểu học. Chứng chỉ này yêu cầu người học am hiểu một lượng kiến thức học thuật tương đối lớn so với khả năng dung nạp của não bộ trẻ em. Thay vì yêu cầu não bộ trẻ làm việc “quá sức” khi ôn chứng chỉ tiếng Anh, hãy để trẻ học một cách tự nhiên thông qua các trải nghiệm với năm giác quan của mình: cho trẻ vận động, vui chơi, sáng tạo, cảm nhận cái đẹp, tiếp xúc với nhiều nền văn hóa và môi trường địa lý khác nhau...
Tôi thấy tôi may mắn vì nhận được sự ủng hộ của nhiều phụ huynh qua các kênh tương tác. Các bố mẹ nhắn tin tâm sự và chia sẻ về những khó khăn trong việc dạy con cũng như nhờ tôi tư vấn khiến tôi rất vui. Tôi vẫn nhớ có trường hợp một mẹ chia sẻ rằng khi con trai bước vào tuổi teen (vị thành niên) thì chị và con mất kết nối tinh thần, mẹ không biết làm như thế nào để hiểu được con. Sau khi tham gia khóa học để hiểu về bản thân mình, người mẹ này thay đổi một cách tích cực hơn.
Người mẹ ấy đã học được cách lắng nghe và thừa nhận những cảm xúc của con, từ đó cậu con trai cũng mở lòng hơn và chịu tâm sự với mẹ.
Nhận thấy những hiệu quả trong việc tái kết nối với con thông qua việc hiểu về chính mình, chị ấy đã chia sẻ những điều này với nhiều phụ huynh khác với hy vọng sẽ giúp họ đồng hành với con vững vàng hơn. Hiện giờ, chị đã trở thành một trong những tình nguyện viên của team "Kỷ luật mềm" do tôi khởi xướng và lan tỏa thông điệp nuôi con với sự tự tin đến mọi người.
Ngoài ra cũng có nhiều câu chuyện phụ huynh chia sẻ về việc áp dụng rất hiệu quả những kiến thức trong sách tôi viết khi đối phó với các tình huống phản kháng, ăn vạ... của trẻ. Đối với tôi, được giúp đỡ các bố mẹ trong công cuộc giáo dục con cái là một niềm hạnh phúc khó diễn tả bằng lời.
Như đã chia sẻ ở trên thì quá trình con trai lớn lên cũng song hành với sự ra đời của những cuốn sách tôi đã viết. Qua những quan sát đối với sự trưởng thành của Bon và cùng con trải nghiệm cuộc sống với tư cách một người mẹ, cá nhân tôi cảm nhận được việc nuôi dạy con theo "kỷ luật mềm" mang lại sự bình an, niềm hạnh phúc và tự tin cho chính tôi.
Sự tự tin này không nằm ở việc tôi thấy con mình giỏi giang hơn người khác hay tôi nuôi con tốt hơn người khác, mà nằm ở việc tôi cảm thấy hạnh phúc khi đón nhận những khoảnh khắc con lớn lên và tiến bộ hơn mỗi ngày.
Về phần Bon, khi soi chiếu sự trưởng thành của con trong mối quan hệ gia đình, tôi nhận thấy Bon rất gắn bó, tin tưởng và tôn trọng bố mẹ; thêm vào đó, con hiểu được rằng dù con có mắc lỗi, có phạm sai lầm, con vẫn nhận được sự bao dung của bố mẹ. Từ đó, con học cách bao dung với chính tôi và người khác, chấp nhận chính bản thân con và sự khác biệt giữa con và mọi người, học được những bài học đạo đức để biết cách phân định đúng – sai và ứng xử phù hợp hoàn cảnh. Việc lớn lên với "kỷ luật mềm" cũng giúp Bon có một cơ thể khỏe mạnh cả về thể chất và tinh thần, đồng thời học cách đối mặt với cảm xúc của mình và từ đó sẵn sàng thử thách với những trải nghiệm mới.
Tôi đang ấp ủ ý định viết tiếp một cuốn sách về đề tài "hạnh phúc" để truyền tải những thông điệp tích cực đến những độc giả đang làm cha mẹ cũng như mở rộng hơn nội dung của cuốn e-book Hành trang vào lớp một với các chủ điểm mang tính thực hành hơn dành cho bố mẹ. Song song với đó, tôi vẫn sẽ tiếp tục hoạt động hỗ trợ phụ huynh qua các khóa học và buổi nói chuyện thực tế để giúp mọi người vững tâm đồng hành cùng con thực hiện "kỷ luật mềm".
Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về LeLa Talk?
Kinh doanh, khởi nghiệp, kinh nghiệm sống và những cuộc trò chuyện truyền cảm hứng.
Nếu bạn không muốn bỏ lỡ những bài viết thú vị