Với luật sư Trí Đặng, chơi nghệ thuật đơn thuần nên bắt đầu từ cảm xúc thật, rồi từ đây con đường sưu tập sẽ dần tự trưởng thành. Còn nếu mục đích của bộ sưu tập là “đầu tư tài chính” thì nên có sự hỗ trợ của giám tuyển và nhà nghiên cứu ngay từ đầu.
Tôi bắt đầu sưu tập tranh cách đây gần ba năm. Nhân duyên đưa tôi đến với tranh là từ một người bạn. Lần đó, người bạn gửi cho tôi xem một vài bức tĩnh vật hoa của một họa sĩ qua ứng dụng Messenger. Dù chỉ xem qua màn hình điện thoại nhưng những bức tranh đó đã mang đến cho tôi thật nhiều xúc cảm. Tôi cảm nhận được nỗi buồn và sự cô đơn của người họa sĩ khi vẽ nên những tác phẩm đó. Bẵng đi một thời gian, tình cờ có dịp đi ngang Bảo tàng Mỹ Thuật Tp.HCM, nhớ đến cảm xúc của lần xem tranh trước, tôi đã bước vào đó và bất ngờ khi khám phá được những cảm xúc mới mẻ mà hội họa mang đến cho mình.
Còn trước đó, do có niềm yêu thích đọc nên tôi cũng thường xuyên sưu tập những thể loại sách báo, đặc biệt là dòng sách xưa. Một cuốn sách hay cũng như một bức tranh đẹp đều mang đến cho người đọc, người thưởng lãm nhiều chiêm nghiệm và cảm xúc đẹp trong tâm hồn.
Khi bước vào một trải nghiệm mới, cụ thể là hội họa, tôi nghĩ bất kỳ ai cũng không tránh khỏi những bỡ ngỡ ban đầu, chỉ là ở khía cạnh này hay khía cạnh khác mà thôi. Thời gian đầu chơi tranh, tôi có nhiều bỡ ngỡ với sự đa dạng của các trường phái hội họa, với chất liệu thể hiện. Bỡ ngỡ trong việc việc lựa chọn dòng tranh, họa sĩ, cách tiếp cận và tạo mối quan hệ với những họa sĩ… những điều này càng thu hút mình tìm hiểu nhiều hơn về hội họa và thú vui sưu tập.
Hành trình chơi tranh của tôi tương ứng với 4 giai đoạn.
Giai đoạn đầu tiên là khám phá được tình yêu hội họa trong bản thân mình.
Giai đoạn thứ hai là “nạp” kiến thức về hội họa. Tôi vốn dĩ thích đọc sách nên điều này cũng đem lại cho tôi nhiều điều thú vị. Tôi tìm đọc các ấn phẩm về hội họa từ cơ bản đến các bài phê bình của những nhà nghiên cứu. Cuốn sách đầu tiên tôi đọc là "Câu chuyện Nghệ Thuật" của Susie Hodge, cung cấp góc nhìn tổng quát, hệ thống về nghệ thuật nói chung và hội họa nói riêng. Tiếp đến, tôi tìm đọc Tạp chí Mỹ Thuật, một tạp chí chuyên ngành rất hữu ích, cung cấp nhiều kiến thức và những bài phê bình chuyên sâu. Ngoài ra, tôi cũng tham gia vào các hội nhóm những người yêu nghệ thuật trên mạng xã hội, tham gia các buổi nói chuyện chuyên đề về hội họa của các họa sĩ và nhà nghiên cứu. Bên cạnh đó, bản thân cũng thường xuyên trao đổi với một vài họa sĩ thân thiết để tìm hiểu thực tế cách thức vẽ lên một bức tranh: kỹ thuật, chất liệu, bảng màu,... và qua những cuộc trò chuyện đó, tôi cũng hiểu hơn về thực tế của nghề "họa sĩ" tại Việt Nam.
Giai đoạn thứ ba là lựa chọn và tìm mua những bức tranh theo cảm xúc và khả năng tài chính của mình. Bất kỳ ai khi bước vào một cánh cửa mới của tâm hồn đều không tránh khỏi sự “choáng ngợp” cảm xúc mà nó mang lại. Và tôi mua phần lớn tranh trong giai đoạn này. Đây cũng chính là giai đoạn cho bạn nhiều kinh nghiệm và kiến thức thực tiễn nhất trong quá trình sưu tập của mình. Bạn bè và tôi thường nói vui rằng đây là giai đoạn “đóng học phí” cho một thú vui mới mà ai cũng phải trải qua.
Khi vượt qua được những “choáng ngợp” của giai đoạn thứ 3, tôi mua tranh một cách “bình tĩnh, kỹ càng và chọn lọc hơn” và ý thức định hình “bộ sưu tập” cũng xuất hiện trong giai đoạn thứ 4 này. Ý thức định hình bộ sưu tập xuất hiện với những câu trả lời của bản thân về việc sưu tập: mình sẽ gắn bó với việc sưu tập như một thú vui và trong chừng mực nào đó, có thể thực hiện việc “mua bán” như một phần của việc sưu tập; xác định được những dòng tranh và những họa sĩ mà mình sẽ sưu tập; lên kế hoạch tài chính cụ thể và dài hạn… Tất cả những điều này giúp mình chủ động hơn trong quá trình sưu tập.
Ban đầu tôi chỉ sưu tập như một thú vui vì những cảm xúc mới mẻ mà hội họa đem đến cho mình. Tuy nhiên, càng về sau thì những suy nghĩ về việc “mua bán” như một kiểu đầu tư tài chính dần xuất hiện, và tôi nghĩ tại sao không?
Xét ở một góc độ nào đó, hội họa sẽ phát triển hơn nếu có một lớp nhà sưu tập theo kiểu “đầu tư tài chính”. Tuy nhiên, hiện tại nó chỉ dừng lại ở trong “suy nghĩ”, vì để “kiếm lời tài chính” từ nghệ thuật không phải là chuyện đơn giản muốn mà được. Nó đòi hỏi tiềm lực kinh tế lớn, sự am hiểu sâu sắc về hội họa và thị trường hội họa, sự bài bản, chuyên nghiệp trong việc tạo lập thị trường…
Thú thật, khi bắt đầu tôi cũng không có bất kỳ định hướng nào cho bản thân. Trong thời điểm bắt đầu, tôi luôn đặt cho mình những câu hỏi: mình có thực sự yêu thích hội họa không? Hay đó chỉ là một cơn say nắng thoảng qua? Mình sưu tập để làm gì và việc sưu tập sẽ đi đến đâu? Mình nên chọn tranh theo "cảm xúc thật" của bản thân hay theo những tên tuổi thời danh cho an toàn? Và những dòng tranh nào mà mình thực sự yêu thích? Và một câu hỏi quan trọng là mình sẽ sẵn sàng trả bao nhiêu cho một bức tranh?… Và tôi đã trả lời những câu hỏi đó bằng tất cả sự thành thật của bản thân. Và khi đó, tôi đã cảm thấy vững vàng hơn trên con đường sưu tập của mình.
Đối với nhà sưu tập thì đó là mong muốn dùng bộ sưu tập để chứng tỏ “đẳng cấp của bản thân” và với người họa sĩ là khi bắt đầu được nhiều người biết đến và bán được nhiều tranh.
Với nhà sưu tập, chạy theo “đẳng cấp” sẽ đánh mất niềm vui, cảm xúc tốt đẹp mà nghệ thuật mang lại. Với họa sĩ, sự ảo tưởng này sẽ gây ra sự thụt lùi về “tay nghề” khi cứ bám vào “dòng tranh ăn khách” mà không tích cực thay đổi, tìm kiếm, thử nghiệm những điều mới. Nói chung, sự ảo tưởng dù ở đâu và lĩnh vực nào cũng đều không tốt.
Với tôi, mục đích sưu tập sẽ quyết định thời điểm và cách thức tham gia hỗ trợ của giám tuyển và nhà nghiên cứu. Nếu mục đích của bộ sưu tập là “đầu tư tài chính” thì nên có sự hỗ trợ của giám tuyển và nhà nghiên cứu ngay từ đầu. Còn nếu để chơi và không đặt nặng vấn đề “tài chính” thì bạn hãy để bản thân “tự trưởng thành” trong quá trình sưu tập. Trong trường hợp này, việc tham khảo giám tuyển hay nhà nghiên cứu chỉ nên dừng lại ở các vấn đề “kỹ thuật” của tác phẩm như: chất liệu, trường phái, giá tranh…
Bạn không nên tham khảo ý kiến kiểu như "Anh thấy bức này đẹp không và có nên mua hay không?", bởi lẽ tranh sẽ được treo ở nhà bạn và bạn nhìn ngắm nó hàng ngày chứ không phải là giám tuyển hay nhà nghiên cứu.
Tôi may mắn có được mối quan hệ tốt với một vài nhà giám tuyển và nhà nghiên cứu. Việc tham khảo ý kiến giám tuyển và nhà nghiên cứu rất quan trọng và không thể thiếu trong quá trình sưu tập. Và như tôi đã chia sẻ, tùy thuộc vào mục đích của bộ sưu tập mà thời điểm tham khảo và nội dung tham khảo giám tuyển và nhà nghiên cứu sẽ khác nhau.
Bản thân tôi thường tham khảo về các vấn đề “kỹ thuật” của hội họa: định hướng và cách thức xây dựng một bộ sưu tập, vấn đề thị trường, xu hướng tương lai của các ngành nghệ thuật… Còn về việc có nên mua một bức tranh nào đó hay không, thì tôi thường dựa vào cảm xúc và tin vào sự đánh giá lẫn kinh nghiệm của chính bản thân mình. Đôi khi có thể đúng, có thể sai nhưng điều đó đem lại cho mình niềm vui và bài học trong việc sưu tập.
Tôi tìm hiểu về họa sĩ và tác phẩm thông qua mạng xã hội, các cuộc triển lãm và tham khảo thông tin từ bạn bè. Đối với những họa sĩ yêu thích và phù hợp với định hướng “túi tiền”, tôi sẽ chủ động gặp gỡ, trao đổi để tìm hiểu nhiều hơn về con người và tác phẩm.
Có thể tôi hơi cực đoan nhưng với tôi, một tác phẩm đẹp khi có sự cộng hưởng một lúc hai yếu tố: tay nghề và nhân cách của họa sĩ. Bộ sưu tập của tôi hiện có một số bức của hoạ sĩ Văn Ngọc ở Vũng Tàu, Văn Quân ở Hưng Yên, của họa sĩ Lê Triều Điển ở Sài Gòn, Phạm Hà Hải, Nguyễn Minh Hiếu, Trần Thị Thu ở Hà Nội và một vài họa sĩ khác.
Nói định hướng thì hơi lớn lao với tôi, tôi chỉ nghĩ sau này mình sẽ vẫn tiếp tục mua tranh theo “cảm xúc thật” của mình, chỉ mua những bức tranh mình thật sự yêu thích mà không chạy theo các tên tuổi thời danh. Tôi sẽ ưu tiên tìm hiểu và sưu tập tranh của những họa sĩ trẻ. Và có thể trong chừng mực nào đó, sẽ có sự mua bán, trao đổi để nâng chất bộ sưu tập của mình.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về LeLa Talk?
Kinh doanh, khởi nghiệp, kinh nghiệm sống và những cuộc trò chuyện truyền cảm hứng.
Nếu bạn không muốn bỏ lỡ những bài viết thú vị