Trong những bài viết trước, chúng ta đã biết được rằng những cái ôm mang lại nhiều giá trị không ngờ cho cả sức khỏe thể chất lẫn tinh thần của người lớn. Và với trẻ nhỏ, điều này lại càng đóng vai trò quan trọng hơn. Thế nhưng, ôm trẻ bao nhiêu lần và bao nhiêu lâu là đủ, ôm nhiều quá có sao không và liệu có ổn với trẻ không khi cha mẹ… không muốn ôm.
Hầu hết trẻ nhỏ thường thích được cưng chiều bằng những hành động như bế, ôm, nựng nịu... Đối với chúng, những cái ôm không chỉ là cử chỉ ấm áp quan tâm mà còn tác động lớn tới tiến trình phát triển, với những lợi ích phải kể đến như:
Nghe qua thì thấy không liên quan nhưng các nhà khoa học đã thực sự chứng minh được điều này. Các nghiên cứu quan sát trẻ sơ sinh ở trại mồ côi cho thấy trẻ chịu nhiều nguy cơ bị suy giảm nhận thức nghiêm trọng vì hiếm khi được chăm sóc chu đáo.
Nhưng khi những đứa trẻ này được ôm 20 phút mỗi ngày trong 10 tuần thì chúng đạt điểm cao hơn trong các bài kiểm tra về sự phát triển trí tuệ (1).
Lý do được đưa ra là bởi trong năm giác quan, xúc giác phát triển đầu tiên, thậm chí là phát triển trong giai đoạn sớm của thai kỳ. Xúc giác được hoạt động nhiều hơn sẽ mang lại sự kích thích mà bộ não trẻ cần để tăng trưởng và phát triển một cách bình thường. Một trong những cách tốt nhất để phát triển xúc giác chính là những cái ôm.
Bên cạnh đó, một nghiên cứu vào năm 2018 nêu bật vai trò của sự gắn bó - được nuôi dưỡng thông qua những cái ôm - tác động lớn đến sự phát triển trí não và sức mạnh cảm xúc của trẻ (2).
Trong một nghiên cứu trên 233 trẻ em 6 - 10 tuổi ở Canada trong vòng một năm, các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng sự ấm áp của cha mẹ giúp trẻ có nhiều hành vi vị xã hội (pro-social) tích cực hơn (3).
Điều này có nghĩa là trẻ có thể trở thành một công dân bác ái và giàu tình thương nếu nhận được các cử chỉ quan tâm từ người chăm sóc - điều được thể hiện rõ qua những cái ôm. Không chỉ vậy, những đứa trẻ này cũng có khả năng điều tiết cảm xúc tốt hơn. Kết quả trên được báo cáo bởi phụ huynh hoặc được đo lường trên chỉ số điều hòa nhịp tim (respiratory sinus arrhythmia - RSA).
Cũng theo một nghiên cứu khác được công bố vào năm 2020, những cử chỉ quan tâm của cha mẹ cũng giúp trẻ đương đầu với những mệt mỏi và căng thẳng trong công việc tốt hơn sau này (4).
Tổng cộng 528 công nhân đã tham gia vào nghiên cứu, các nhà nghiên cứu sau đó đã rút ra kết luận rằng sự gắn kết và ấm áp từ quá trình nuôi dạy trẻ trong gia đình sẽ tác động lớn đến khả năng chịu áp lực và phục hồi căng thẳng sau này.
Và không chỉ trẻ, cả phụ huynh cũng được hưởng lợi từ những cái ôm mà đầu tiên phải kể đến như tăng cường hệ miễn dịch, tim khỏe mạnh giảm triệu chứng trầm cảm và chữa lành. Hơn nữa, những cái ôm này còn giúp củng cố kết nối giữa hai thế hệ, khiến việc tương tác và dạy dỗ trẻ hiệu quả hơn.
Với những cái ôm ở người lớn, nhà trị liệu gia đình Virginia Satir từng chia sẻ rằng: "Mỗi ngày, chúng ta cần 4 cái ôm để tồn tại, 8 cái ôm để sống và 12 cái ôm để phát triển tốt hơn" (4).
Nếu người lớn có công thức ôm 4-8-12 này, vậy ở trẻ thì sao?
Thật ra không có câu trả lời chính xác cho điều này, phụ huynh có thể ôm trẻ 12 lần một ngày như chia sẻ ở trên hoặc ôm nhiều hơn cho… "chắc ăn", vì ôm nhiều cũng không sao. Bên cạnh đó, tổng thời gian ôm trẻ cũng có thể ở mức 20 phút như trong nghiên cứu kể trên.
Ôm trẻ không bao giờ là thừa, nhưng chúng ta cũng cần chú ý đến những điều sau:
Không phải vì trẻ nhỏ thực sự đòi hỏi nhiều cái ôm hơn mà bởi những cái ôm có tác động nhiều tới chúng hơn so với trẻ lớn tuổi.
Chẳng hạn như tương tác "da kề da" với trẻ sơ sinh mang lại rất nhiều lợi ích, bao gồm hỗ trợ phản ứng miễn dịch mạnh hơn và khả năng điều chỉnh nhiệt độ thân thể ở trẻ, đồng thời giúp trẻ tăng cân tốt hơn, ít khóc và ít bị khó thở hơn (5).
Đây là điểm quan trọng mà các phụ huynh phải quan sát ở con, bởi nhiều khi việc ôm ấp cũng có liên quan tới tâm trạng. Việc buộc trẻ ôm, trái với ý muốn của chúng, có thể khiến trong tương lai, khi trẻ đã trở thành thanh thiếu niên hoặc người lớn, vẫn sẽ mang cảm giác tội lỗi khi từ chối tương tác thân thể với người đã tử tế với mình.
Cụ thể, trẻ có thể không thoải mái khi "được yêu cầu" phải ôm những thành viên trong gia đình, như là ông bà, cô bác, dì chú..., hoặc thậm chí là hàng xóm. Nếu trẻ tỏ rõ ý từ chối những cái ôm này, cha mẹ nói riêng và người lớn nói chung cần tôn trọng ranh giới cá nhân của trẻ và không gượng ép.
Điều này còn có nguy cơ dẫn đến những hậu quả tiêu cực như gia tăng bắt nạt và bạo lực (6).
Đây là điều hiếm xảy ra nhưng cũng cần được chú ý. Hành động ôm rất tốt cho trẻ, nhưng khi con từ chối điều này thì chúng cần sự ủng hộ rất lớn từ cha mẹ. Song, điều này không có nghĩa là cha mẹ ngừng quan tâm và không thể hiện những cử chỉ ấm áp đối với con trẻ (7).
Chỉ là nhu cầu này của con cần được đáp ứng theo cách đặc biệt hơn (7). Thay vì ôm, các hoạt động tăng cường sự kết nối mà cha mẹ có thể làm là khen ngợi hoặc một cái bắt tay, đập tay (high-five), vỗ vai...
Về thời gian ôm con, nhiều "giai thoại" gợi ý rằng một cái ôm 15 hoặc 20 giây sẽ rất tốt đối với trẻ. Tuy nhiên, các nghiên cứu khoa học liên quan đến vấn đề này không đề cập đến con số trên. Thay vào đó, các nhà khoa học gợi ý lợi ích của cái ôm được rõ ràng hơn khi ôm 5, 10 giây hoặc lâu hơn. Hạn chế những cái ôm cho có (khoảng 1 giây) (8).
Nghiên cứu trên cũng chỉ ra kiểu ôm không quan trọng như nhiều người vẫn nghĩ, việc ôm choàng tay ra sau lưng, choàng tay bên dưới hông hoặc ôm chéo tay đều mang lại kết quả tương đương nhau - cứ ôm là được.
Một số trẻ có thể rơi vào trường hợp khó khăn khi xử lý giác quan, tức là khả năng xử lý và phản hồi giác quan của trẻ gặp vấn đề. Cứ 6 trẻ thì có 1 trẻ gặp phải điều này, tỷ lệ có thể lên tới 80 - 100% với những trường hợp trẻ mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ, mẹ bé có tiền sử sinh non hoặc hội chứng Down (9).
Khi nghi ngờ trẻ đang ở trong tình trạng này, các chuyên gia y tế khuyến cáo cha mẹ cần phải nói chuyện với trẻ một cách nhẹ nhàng, bình tĩnh cùng với việc sử dụng những câu từ đơn giản cụ thể (9).
Ví dụ, cha mẹ có thể hỏi trẻ trước khi ôm để xem chúng có sẵn sàng hay không. Và trong khi ôm, hãy thử hỏi xem con có cảm thấy quá chặt hay khó chịu. Đây cũng là một cách để khiến việc ôm trở nên "hiệu quả" hơn, vì khi đó, con biết rằng bản thân thực sự được an toàn trong vòng tay cha mẹ.
Cho đến nay, vẫn chưa có nghiên cứu chỉ ra được rằng liệu không ôm sẽ ảnh hưởng thế nào đến trẻ.
Tuy nhiên, việc này vốn mang về rất nhiều lợi ích và giá trị to lớn cho cả trẻ lẫn cha mẹ, nên thực ra chỉ cần cha mẹ ôm con thì đôi bên cũng đã "hời" rồi. Vấn đề lớn nhất đang cản trở hoạt động ý nghĩa này có lẽ chỉ là chúng ta chưa có thói quen đó mà thôi.
Một nghiên cứu năm 2012 cho thấy những người được nuôi dưỡng bởi cha mẹ thường xuyên ôm con có nhiều khả năng cũng sẽ trở thành bậc phụ huynh thích ôm ấp con. Nghiên cứu kết luận rằng, "ôm là một yếu tố quan trọng trong việc thể hiện cách nuôi dưỡng của cha mẹ" (10). Từ đó, có thể thấy việc tạo thói quen ôm con là vô cùng quan trọng, vì khả năng ôm có thể được coi là một giá trị trao truyền giữa các thế hệ gia đình. Những cái ôm bình dị của cha mẹ hôm nay còn có thể tác động tới sức khỏe và chất lượng đời sống của những người cháu, chắt... trong tương lai.
Điều đó càng thể hiện rằng việc làm cha mẹ trong thời đại đổi mới là điều không hề dễ dàng. Và lúc này, chính tình thương cho con trẻ cùng một thái độ tích cực và đúng đắn sẽ giúp phụ huynh chăm con một cách khoa học, hiệu quả hơn.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Cha, Mẹ & Bé?