Truyền thông như thế nào để tạo ra lực đẩy hành động cho toàn xã hội và hướng mọi người đến những giá trị bền vững chứ không chỉ tạo ra xu hướng nhất thời? Đối với anh Huỳnh Lê Khánh - một người đã gắn bó với truyền thông doanh nghiệp và các công tác xã hội hơn chục năm nay - chúng ta cần tập trung nâng cao nhận thức của mỗi người, bởi đây là điều cốt lõi để đi đến hành động. Thế hệ trẻ muốn làm nghề truyền thông một cách bài bản, tạo được những tác động tích cực thì cần đứng cùng với nhau và đặt bản thân trong mối tương quan với cộng đồng.
Một số hoạt động phục vụ cộng đồng đã được anh triển khai ở ForGood bao gồm: tổ chức chương trình Future for Women (huấn luyện 80 chủ doanh nghiệp hoặc những người đang có ý tưởng kinh doanh, trang bị đầy đủ kiến thức và nguồn lực để họ phát triển mục tiêu), SheFuture (cuộc thi dành cho sinh viên nữ nhằm nâng cao ý thức thế hệ trẻ về năng lực phụ nữ khi tham gia vào kinh tế xã hội, giúp các bạn tự tin hơn), tổ chức workshop mỗi tháng cho một cộng đồng phụ nữ với hơn 400 người đăng ký tham gia…
Tôi nghĩ nó giúp ích rất lớn. Bàn về lý thuyết truyền thông, hành động của mỗi người thường xuất phát từ tầng cao nhất của nhận thức, nhận thức đi qua nhiều màng lọc (filter) mới trở thành hành động. Nhận thức càng kém thì lực đẩy hành động càng thấp. Khi các vấn đề xã hội không được truyền thông hiệu quả, nó không tạo ra lực đẩy cần thiết để mọi người hành động. Khi truyền thông tốt, ý thức người dân được nâng cao, nhu cầu xã hội về một cuộc sống tốt hơn càng cao, nó sẽ đưa đến những động lực cho sự chuyển đổi vận hành của nền kinh tế và cả một đất nước tốt hơn.
Các yếu tố tích cực và tiêu cực luôn song hành với nhau. Về mặt tích cực, tôi nghĩ truyền thông ở Việt Nam đang ngày càng chuyên nghiệp và tiệm cận với thế giới, dù là truyền thông thương hiệu hay truyền thông xã hội. Cụ thể chúng ta đã có rất nhiều chiến dịch hiệu quả, tác động đến xã hội ở bình diện rộng. Ví dụ, chính phủ ta cũng áp dụng nhiều phương thức truyền thông sáng tạo về bầu cử để kêu gọi gen Z ý thức hơn về quyền công dân và tham gia bầu cử; hay trong đợt dịch cũng có rất nhiều cách thức truyền thông để mọi người có hành động đúng như rửa tay, tiêm vaccine và phòng ngừa dịch bệnh. Các doanh nghiệp dẫn đầu nền kinh tế cũng bắt đầu quan tâm đến việc truyền thông về các chương trình hành động hướng đến bền vững.
Xu hướng tích cực ngày một nhiều, nhưng cũng có một điểm “đau đầu” là tin giả. Chính vì các platform (nền tảng) ngày càng cởi mở, tin giả cũng xuất hiện nhiều hơn. Từ hoạt động chính trị đến hoạt động kinh tế, xã hội đều có tin giả. Đây là một nỗi đau nhức nhối của tất cả mọi ngành nghề và của toàn thế giới.
Về bình đẳng giới, Việt Nam nằm trong số những nước có chỉ số bình đẳng giới cao nhất thế giới. Đó là một tín hiệu khá tích cực để chúng ta có quyền hy vọng vào những nỗ lực tương lai có thể tạo ra được những kết quả tốt đẹp hơn khi phụ nữ ngày càng có cơ hội bình đẳng tham gia vào kinh tế chính trị xã hội, được đảm bảo quyền lợi chính đáng.
Tuy nhiên, nhiều định kiến xã hội đã ăn sâu bám rễ nên còn gây nhiều cản trở cho phụ nữ. Trong thống kê về những trở ngại của nữ giới khi tham gia vào kinh tế Việt Nam, có rất nhiều định kiến như “phụ nữ không thể quản lý kinh doanh”, “phụ nữ không thể huy động vốn tốt”, hay “phụ nữ kinh doanh chơi chứ không phải thật lòng”... Nên khi mình nói truyền thông đang tốt lên, nghĩa là mình cảm thấy tiến trình đang diễn ra tốt, nhưng hỏi về ý thức xã hội đã thay đổi được nhiều chưa thì tôi nghĩ chúng ta còn nhiều việc phải làm.
Với cộng đồng LGBT, vẫn còn rất nhiều những trở ngại mà họ phải đối mặt. Nhiều công ty thường nói rằng công ty chúng tôi có ý thức rất tốt về việc ủng hộ LGBT, vậy ý thức đó được đo đạc bằng thước đo cụ thể gì? Nhiều thống kê cho thấy họ vẫn bị từ chối khi đi xin việc, chịu những lời nói hành động kỳ thị từ đồng nghiệp, cấp trên trong môi trường làm việc. Tôi biết có những lãnh đạo rất giỏi trong lĩnh vực giáo dục đã phải dừng công việc quản lý khi công khai xu hướng tính dục. Hay xa hơn, những quyền lợi nơi công sở dành cho nhóm đối tượng này vẫn đang bị bỏ quên hoặc bỏ ngỏ. Ví dụ, với quyền được thụ hưởng những chăm sóc dành cho người nhà, nhiều đơn vị chưa có chính sách cho người nhà của người LGBT.
Có rất nhiều người, nhiều tổ chức vẫn luôn nói rằng họ rất cởi mở với cộng đồng LGBT, nhưng khi có các chương trình hành động vì quyền lợi người LGBT muốn mời họ tham gia thì họ lại giữ im lặng.
Như việc bạn khẳng định rằng bạn rất cởi mở, bạn sẵn sàng là đồng minh, nhưng khi người khác kêu gọi lên tiếng thì bạn lại im lặng. Đó không phải là biểu hiện của một người đồng minh. Một người nếu là đồng minh thì phải lên tiếng và phải hành động. Nếu chỉ nghĩ trong đầu, nó không có ý nghĩa gì cả. Rõ ràng ý thức vẫn rất quan trọng, nhưng ý thức không diễn ra thành hành động thì nó không có ý nghĩa.
Đúng vậy, có thể bạn nghe được nhiều nhận định nguyên văn như “mấy người bê-đê hay làm lố”, vậy thế nào là “lố”? Mọi người sẽ đưa ra tất cả những miêu tả mà nếu tách chúng ra khỏi bối cảnh LGBT, nó đều tồn tại trong xã hội cùng với tất cả xu hướng tính dục khác. Tôi không bàn chuyện tốt, xấu, mà chúng ta đang bàn về chuyện phân biệt, định kiến.
Chúng ta rất thường nói về vấn đề quyền của nhiều nhóm người trong xã hội, nhưng khi những chương trình ủng hộ hôn nhân cùng giới được phát động và nhận được sự lắng nghe ủng hộ từ xã hội, nhiều người sẽ nhìn vào và bảo rằng “lại tối ngày đem chuyện này ra!”, “lại đi đòi quyền!”. Tại sao chúng ta phải đòi quyền? Lẽ ra quyền này không cần phải “đi đòi”, bởi nếu mọi người đều sinh ra bình đẳng, thì phải bình đẳng trong tất cả mọi việc. Tại sao xu hướng dị tính có quyền kết hôn mà những người đồng tính lại không có quyền đó? Và tại sao một nhóm khi thảo luận về quyền thì được ủng hộ và một nhóm thì không?
Theo tôi, truyền thông về biến đổi khí hậu ở Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn sơ khai, nhưng sự khó khăn khi truyền thông về chủ đề này là vấn đề chung của toàn thế giới chứ không chỉ riêng nước nào. Nó khó khăn ở chỗ, người ta luôn hành động vì những thứ khẩn cấp (urgent) hơn là hành động mỗi ngày vì những điều quan trọng (important). Khi thấy lũ lụt xảy ra, chúng ta đi quyên tiền, hỗ trợ ngay lập tức, nhưng nếu sau đó khuyên mọi người rằng “hãy làm 10 hành động này mỗi ngày để đồng bào không bị lũ lụt nữa”, sẽ chẳng có mấy người làm một cách thường xuyên.
Đồng thời, biến đổi khí hậu còn là vấn đề mang tính khoa học - tức là những nghiên cứu khoa học đúc kết từ hiện thực cuộc sống. Truyền thông mà không có chứng cứ khoa học thì không thể thuyết phục, dẫn đến các giải pháp hướng dẫn hành động. Nhưng nói về khoa học nhiều quá mọi người sẽ không hiểu. Ở Việt Nam, vấn đề môi trường đã được lan tỏa hơn trong những năm gần đây, cũng nhờ cam kết của chính phủ đối với cộng đồng thế giới về việc giảm phát thải. Vì điều này ảnh hưởng đến nhiều ngành công nghiệp nên bắt buộc các công ty kinh doanh phải cam kết hành động theo. Ý thức của thế hệ trẻ cũng đã tốt hơn và hướng đến xã hội bền vững hơn. Thế nhưng, để nhận thức chuyển thành các hành động cụ thể, có lẽ chúng ta cần thêm thời gian.
Điều đầu tiên, tôi nghĩ các bạn trẻ cần hiểu rõ về năng lực và sức mạnh thực sự của mình, và phải hành động, đừng chỉ nói. Khi Facebook mới ra đời, họ bán cho cả thế giới concept “ai cũng có thể trở thành publisher (người phát hành)”, chứ không chỉ báo chí và nhà đài mới sản xuất thông tin được. Bây giờ đến lượt TikTok và YouTube, họ bán cho người trẻ khái niệm “ai cũng có thể là nhà sáng tạo”. Và nhà sáng tạo chính là những người có ảnh hưởng trên thế giới, nên bằng một cách nào đó thông qua truyền thông, các bạn trẻ sẽ nghĩ rằng tôi có kiểm soát mạng xã hội, tôi có sức mạnh lớn lao và tôi đang thay đổi thế giới.
Điều này vừa có điểm lợi và điểm hại. Khi tự tin, chúng ta làm được rất nhiều thứ. Nhưng nếu sự tự tin này không đặt trên một nền tảng vững chắc, nó bị rỗng và trở thành tự cao, tự kiêu. Nó khiến chúng ta dễ khu biệt bản thân, ảo tưởng về sức mạnh mình đang có. Sự tự tin phải tạo được tác động mới đo đạc được tầm ảnh hưởng. Tác động tiêu cực hay tích cực đều có thể tạo ra ảnh hưởng, còn việc bạn theo đuổi giá trị nào là do chính bạn quyết định.
Câu chuyện thứ hai là, để truyền thông tạo được những tác động tích cực, chúng ta phải đứng cùng với nhau và đi cùng với nhau. Nghĩa là khi làm truyền thông, các bạn không làm một mình và không làm một kênh, không chỉ chăm chăm chú ý đến chính mình mà phải hướng ra việc đóng góp được gì cho cộng đồng.
Đây là một điều quan trọng. Bạn làm được gì cho cộng đồng thông qua năng lực của bạn sẽ quan trọng hơn chuyện bạn là ai và làm được gì cho bạn. Hiện giờ chúng ta đang được “vuốt ve” và nói nhiều về việc bạn phải điều gì cho mình, phải sống hạnh phúc cho bản thân. Điều đó tốt, nhưng người ta quên nói cho bạn vế phía sau, rằng bạn làm được điều đó để làm gì. Để sau đó, bạn tạo được sự cộng hưởng chung với cộng đồng bạn đang sống, khi đó hành trình của bạn mới được trọn vẹn, khi đó bạn mới thực sự là sống hạnh phúc.
Nếu bạn chỉ có bản thân chính mình thôi thì không ổn. Khi người ta nói bạn cần hiểu mình là ai, nó không chỉ là việc kết nối với bản thân bạn, mà còn phải đặt trong mối quan hệ tương quan giữa bạn và cộng đồng xung quanh. Câu hỏi đó chỉ rõ ràng khi đặt bạn với cộng đồng và xã hội, để những kết nối đó giúp bạn nhìn rõ xem mình là ai, mình có cái gì để mang đến cho mọi người và mình sẽ tiếp nhận được gì từ mọi người. Vậy nên khi hỏi người trẻ cần làm truyền thông như thế nào, các bạn hãy thử suy nghĩ: một là mình có năng lực gì, hai là năng lực đó tạo ra giá trị tích cực cho cộng đồng nào, ba là bằng cách nào để mình làm được điều đó.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về LeLa Talk?
Kinh doanh, khởi nghiệp, kinh nghiệm sống và những cuộc trò chuyện truyền cảm hứng.
Nếu bạn không muốn bỏ lỡ những bài viết thú vị