Café Slow mang đến cho người ta cảm giác chậm rãi, tự tại ở lối đi vào và không gian thi vị bên trong.
Tôi chào người bạn: "Ồ, sao chị tìm thấy một quán cà phê hay vậy?". Chị mỉm cười, chúng tôi hòa vào câu chuyện trong khi tận hưởng âm nhạc cổ điển từ đĩa than đặt đối diện quầy barista phía dưới. Thanh âm du dương hòa quyện trong những tiếng nói cười nhã nhặn và giàu nhịp điệu xung quanh khiến bầu không khí Slow tràn đầy cảm hứng và dễ chịu đến kỳ lạ.
Thi thoảng ghé quán vào những buổi sáng sớm lúc 7g, tôi chọn cho mình chiếc bàn độc lập cạnh cửa sổ ở lầu trên, nhìn ra ban công và khoảng sân vườn phía dưới. Tôi thường gặp Phương và Quỳnh, hai người cùng sáng lập Slow, cùng hai chú chó Bulldog dễ thương của họ. Chúng thường nằm và đi lại quẩn quanh chỗ khách ngồi, đóng vai trò như người bạn âm thầm, luôn sẵn sàng ở đó để mang lại cảm giác gần gũi và thoải mái cho mọi người.
Một sáng sớm, tôi ngồi lại với Quỳnh, một cô gái Hà Nội với mái tóc ngắn và xoăn nhẹ cùng nụ cười hiền dịu trong sáng. Quỳnh và Phương có duyên gặp tại thủ đô trong một quán cà phê, và giờ đây, họ lại cùng nhau xây dựng quán Café Slow ở Sài Gòn.
"Chúng tôi đã tìm rất nhiều nơi mở quán, và khi không thực sự hài lòng với địa điểm nào, thì địa chỉ này xuất hiện. Nó nằm trong một con hẻm yên tĩnh, cạnh bên một ngôi chùa. Ban đầu, Quỳnh và Phương cũng e ngại. Nhưng do cũng đang cần một chỗ ở, vì thế, cả hai đã trải nghiệm sống ở đây khoảng nửa năm, khi thực sự đủ hiểu nơi này, thì mới đi đến quyết định mở Slow" - Quỳnh chia sẻ.
Ngôi nhà lùi vào khoảng 3m so với mặt đường, để lại một khoảng sân nhỏ với cây ngọc lan cao và tán lá mọc xum xuê lên tận ban công lầu trên, tạo nên bóng râm mát cho chính nơi này. Bất cứ thời khắc nào trong ngày, bạn cũng đều thấy khách khứa ngồi đây, trò chuyện, thưởng thức những ly cà phê. Cửa kính gỗ ra vào dẫn bạn đi thẳng vào quầy barista, ở đó có một kệ sách dài, đĩa than, cùng không khí quán cà phê được biểu lộ rõ nét nơi này. Tôi thường đi lên cầu thang gỗ, để ngồi ở vị trí quen thuộc. Tại đây, có một khoảng thông tầng rộng để bạn ngắm nhìn không gian quán bên dưới như là quầy barista và kệ sách.
Người chủ của ngôi nhà này làm về thiết kế, và trước đó, khung công trình đã thực chỉn chu. Khoảng sân vườn phía trước cùng khoảng hở phía sau kết hợp cửa kính giúp lưu thông gió và ánh sáng vào bên trong. Ngồi ở đây, chúng ta có thể cảm nhận được bước đi của thời gian, từ sáng, chiều đến tối. Quỳnh và Phương thiết kế lại sàn sắt sẵn có ở lầu 1 bằng cách thêm nhiều khe rãnh dài và nhỏ, và thêm một sàn kính mica ở dưới sắt để tránh bụi. Khoảng thông tầng giúp hai lầu có sự điều hòa và kết nối với nhau. Vì thế, bạn sẽ không có cảm giác tách biệt dù ngồi ở lầu trên hay lầu dưới, nhưng vẫn đủ độc lập và riêng tư vì thiết kế chỗ ngồi chừa đủ khoảng trống cho cá nhân hay nhóm người.
"Slow mang nguồn năng lượng khá giống với quán cà phê ở Pháp nơi mà tôi từng có thời gian ngắn làm việc. Đó là sự ấm cúng từ chất liệu gỗ và sắt, cùng ánh sáng dịu và điều hòa từ bóng đèn led được bố trí khoa học ở trên trần, để mỗi người không cảm giác quá chói hay gắt. Dưới điều hòa âm trần cũng có bố trí một thảm tre để không khí lạnh không phả trực tiếp vào người. Quỳnh và Phương đều rất sợ cảm giác quá gần máy lạnh, hay ở trong không gian máy lạnh bật quá lạnh..." - Quỳnh chia sẻ.
Cả hai đều có niềm đam mê nghệ thuật, như Phương thì từng tham gia thực hiện những vở diễn đình đám như À Ố Show. Vì thế, cả hai đều mong muốn đưa vào không gian dẫu khiêm tốn này những trang trí giàu khoảng lặng và thi vị. Đó có thể là một kệ trang trí bức tượng Phật nhỏ nhắn đặt giữa những chậu cây cảnh, hay một vài kệ sách gọn ghẽ nép vào bức tường. Bàn và ghế ở đây được bổ trí để cân bằng mục đích ghé quán của mỗi người, chẳng hạn như bàn ghế làm việc chung, ghế sofa êm để trò chuyện thư giãn, bàn ghế trò chuyện hay làm việc... Tất cả đều làm bằng chất liệu gỗ sồi và tràm để mỗi người có thể chạm vào và cảm nhận.
Vì muốn mọi thứ tốt, ổn định ngay từ đầu và để đi lâu dài, nên khi quyết định mở quán, cả hai đều tỉ mỉ chọn những vật liệu tốt nhất có thể. Như Phương có chơi nhạc như piano, nên cũng chọn đĩa than cho quán và thường mở những bản nhạc cổ điển. Quỳnh từng làm cho các quán cà phê và nhà hàng nên cũng rõ quy trình phục vụ. Làm ngành này, mỗi ngày sẽ phát sinh thêm vấn đề mới, vì thế cả hai đều muốn chỉn chu vật liệu ngay từ đầu để hạn chế hư hỏng và sửa chữa.
Khi trở về Việt Nam và chọn sống ở Sài Gòn, Quỳnh vẫn tiếp tục công việc yêu thích trong ngành F&B, đồng thời tìm hiểu văn hóa cafe ở Việt Nam nói chung và Sài Gòn nói riêng. Họ có một đối tác thú vị từ Đài Loan, chuyên cung cấp đa dạng hạt xanh cà phê chất lượng từ châu Phi, châu Mỹ, Việt Nam,... Quỳnh thẳng thắn: "Làm kinh doanh, mình luôn cần một lượng hàng chất lượng trong một thời gian dài nhất định. Cả hai đều muốn có chất lượng sản phẩm ổn định. Khi tính đoán được số lượng hạt xanh cần dùng cho khoảng thời gian đó, mình sẽ báo cho nhà cung cấp chuẩn bị và rang theo công thức bên mình. Việc tính toán này nhằm để không bị thừa thãi và lãng phí thực phẩm lẫn chi phí, vì cà phê để lâu sẽ bị giảm chất lượng, thậm chí không còn dùng được".
Thực đơn của Slow nhìn chung khá đơn giản, chỉ tập trung vào cà phê và bánh ngọt, vì họ muốn chất lượng ổn định và dài lâu, rồi mới đi đến sự thay đổi nếu có. Bảng thực đơn được ghi rõ mỗi món bao nhiêu % robusta và % arabica để khách hàng dễ dàng tùy vào gu cà phê của mình mà đưa ra lựa chọn. Họ đều đã thử trước mẫu phối giữa tỷ lệ cà phê arabica và robusta. Khi cho ra hương vị cân bằng, họ mới liệt kê vào thực đơn. Cũng nhờ cách "blend" này mà dễ mang đến nhiều lựa chọn thú vị hơn cho khách hàng.
Ở mức độ rang khác nhau, cà phê sẽ mang đến hương vị khác nhau. Chẳng hạn, loại đậm nhất tại Slow là cà phê sữa đá (nhiều robusta). Nếu bạn ưa thích cà phê nhẹ thì nên dùng hạt arabica rang ở mức độ vừa (vì nếu rang nhẹ quá thì vị chua nhiều), như latte và cappucino đều 100% arabica với hương vị nhẹ và thơm.
Ngoài đối tác trên, cả hai cũng hợp tác Breadventure để cung cấp bánh croissant và pain au chocolat cho quán. Slow còn tự làm bánh choux. Mỗi chiếc bánh được nướng tại quán vào các khung giờ trong ngày, thường phục vụ buổi sáng sớm và hết lúc 4g chiều vì họ mong muốn đem lại những món bánh tươi nhất cho mọi người. Cũng nhờ quy trình làm bánh tại chỗ mà họ có thể linh hoạt thay đổi nguyên liệu phù hợp với từng khách hàng. Chẳng hạn, nếu người nào dị ứng với bơ và lạc, quán sẽ bỏ hai nguyên liệu này ra khỏi bánh.
Kệ sách ngoại văn thú vị đối diện quầy barista là từ cuộc hợp tác thứ ba giữa Slow và Paperbacks in Saigon, mà chủ nhân là một người đam mê sách và thường nhập sách ngoại văn cho khách hàng có nhu cầu. Kệ sách này gia tăng tính văn hóa cho Slow và đóng góp như một hoạt động thú vị khác cho khách hàng khi đến quán. Với Phương và Quỳnh, họ luôn cảm thấy tự hào vì có những đối tác thú vị, để cùng nhau học hỏi và phát triển.
Chỉ mở cửa vào Thứ 3 đến Chủ nhật, Slow dành một ngày thứ 2 để nghỉ ngơi, trò chuyện với đối tác và lau chùi, sửa chữa bất cứ thiết bị nào nếu hư hỏng. Mỗi ngày, quán chỉ mở đến 7g tối vì nằm trong con hẻm yên tĩnh với nhiều người đã lớn tuổi. Như Quỳnh nói: "Slow chỉ phục vụ cà phê là chính, không có món mặn, nên mở từ 7g sáng đến 7g tối là hợp lý vì không ai uống cà phê sau giờ đó. Con hẻm này cũng nhiều người già cần nghỉ ngơi sau khung giờ này. Còn nếu mở quán ở mặt đường, cả hai sẽ chọn phương án khác".
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về LeLa Talk?
Kinh doanh, khởi nghiệp, kinh nghiệm sống và những cuộc trò chuyện truyền cảm hứng.
Nếu bạn không muốn bỏ lỡ những bài viết thú vị