Nhiều người thường cho rằng giữa hai người yêu nhau không nên tồn tại bí mật, kể cả... mật khẩu cá nhân. Không những vậy, còn có ý kiến khác cho rằng "yêu là phải cho cả thế giới biết", vậy nên các cặp đôi thường thích công khai thể hiện tình cảm trên mạng xã hội. Thế nhưng, liệu việc này có đang làm tổn hại đến ranh giới cá nhân của chúng ta hay không? Làm sao để chúng ta có thể giải quyết các vấn đề liên quan tới ranh giới cá nhân trên không gian số, cũng như trao đổi hiệu quả với nửa kia về vấn đề này?
Khi nhắc đến ranh giới cá nhân trong tình yêu, ta thường nghĩ về những vấn đề liên quan tới cơ thể, cảm xúc, không gian riêng tư... Tuy nhiên, trong thời đại công nghệ, ranh giới cá nhân không chỉ tồn tại ở đời thực mà còn cần thiết cả trên không gian số.
Nghị định 13/2023/NĐ-CP của Việt Nam và Quy định Bảo vệ Dữ liệu chung của châu Âu (GDPR) đều công nhận quyền bảo vệ dữ liệu cá nhân trên không gian số của mỗi người (1), (2).
Trong đó, mỗi người chúng ta đều có quyền quyết định ai được phép hoặc không được phép tiếp cận, xử lý các dữ liệu cá nhân của mình. Điều đó có nghĩa là bạn không nhất thiết phải cung cấp mật khẩu cá nhân cho bất kỳ ai, bao gồm cả người yêu. Ngoài ra, đối phương cũng không được phép đăng ảnh có mặt bạn lên mạng khi chưa được sự đồng ý của bạn.
Về pháp luật là thế, nhưng trên thực tế, nhiều nghiên cứu và khảo sát lại cho thấy rằng phần lớn các cặp đôi cam kết lâu dài thường thoải mái chia sẻ mật khẩu với đối phương, từ tài khoản mạng xã hội, điện thoại, email, đến cả... tài khoản ngân hàng. Một trong những nguyên nhân phổ biến là họ cảm thấy "không có gì phải giấu", hoặc điều đó sẽ có ích trong những trường hợp khẩn cấp (3), (4). Ví dụ, khi một người phải nhập viện, người còn lại có thể thay mặt đi rút tiền, liên lạc với người thân hay xin nghỉ phép. Hay việc chia sẻ thông tin tài khoản trên ứng dụng sức khỏe cũng giúp đôi bên dễ dàng hỗ trợ nhau khi có sự cố như tai nạn xảy ra.
Việc người yêu muốn biết mật khẩu của bạn có thể xuất phát từ ý tốt, nhưng cũng có thể ẩn chứa nhiều nguyên nhân khác. Ghen tuông là một trong những lý do phổ biến khiến nhiều người muốn kiểm soát các hoạt động trên mạng của người yêu.
Một nghiên cứu vào năm 2013 tại Canada cho thấy những người có xu hướng gắn bó lo âu (anxious attachment) thường dễ ghen tuông hơn. Họ thường dành nhiều thời gian để kiểm soát đối phương trên mạng mỗi khi cảm giác ghen tuông "trỗi dậy" (5).
Không chỉ muốn biết mật khẩu của nhau, nhiều cặp đôi còn tìm kiếm cảm giác an toàn qua mức độ công khai mối quan hệ trên không gian số. Điều này không hẳn là vô lý. Theo một phân tích vào năm 2017, nhiều người thường vô thức so sánh người yêu hiện tại với các đối tượng có vẻ "lấp lánh" trên mạng, được gọi là "lựa chọn thay thế tiềm năng". Nhưng họ quên mất rằng mạng xã hội chỉ là nơi mỗi cá nhân thể hiện "phiên bản tốt nhất của chính mình" (6).
Vì thế, việc một người không công khai tình trạng mối quan hệ hoặc chỉ đăng ảnh cặp đôi ở chế độ riêng tư cũng có thể khiến người yêu của họ lo lắng, đặc biệt là đối với phụ nữ, cảm giác lo lắng này càng nặng nề và tiêu cực hơn (7). Ngược lại, khi các cặp đôi công khai tình cảm trên mạng, ảnh hưởng của xu hướng gắn bó né tránh (avoidant attachment) giảm dần và mức độ hài lòng trong mối quan hệ sẽ tăng lên (8).
Tuy nhiên, xoa dịu cơn ghen của người yêu không phải là lý do để phớt lờ những vấn đề liên quan tới ranh giới cá nhân của bản thân. Một nghiên cứu thực hiện ở châu Âu năm 2017 đã kết luận rằng việc bị xâm phạm ranh giới cá nhân trên mạng cũng góp phần làm giảm sự hài lòng trong mối quan hệ (9).
Có nhiều lý do chính đáng khiến chúng ta mong muốn giữ gìn sự riêng tư trên mạng. Trong đó, ba lý do phổ biến có thể được kể đến như sau:
Thứ nhất, bạn có thể không muốn tiết lộ quá nhiều thông tin cá nhân trên mạng xã hội, đặc biệt là hình ảnh. Ngày nay, tin tặc dễ dàng sử dụng các công cụ deepfake để tạo hình ảnh giả mạo nhằm đánh cắp danh tính cá nhân hoặc thực hiện các hành vi lừa đảo khác. Với một số người, việc giữ kín tình trạng mối quan hệ không hẳn là vì dành cơ hội cho "mối khác", mà chỉ đơn giản để tránh cho chuyện tình cảm của mình bị phán xét bởi người khác (10). Chẳng hạn, một người luôn bị người thân can thiệp quá mức vào các vấn đề cá nhân trong cuộc sống sẽ có xu hướng tránh công khai mối quan hệ, nhằm bảo vệ ranh giới cá nhân của người yêu, tránh bị người thân làm phiền.
Thứ hai, việc chia sẻ mật khẩu có thể đi kèm với những rủi ro bảo mật. Bạn khó kiểm soát được liệu đối phương có vô tình tiết lộ mật khẩu của bạn cho người khác hay không. Ngoài ra, cũng khó có thể bảo đảm rằng người yêu của bạn sẽ bảo vệ mật khẩu theo đúng cách an toàn. Chẳng hạn, lưu mật khẩu trong những ứng dụng ghi chú không có tính năng mã hóa sẽ dễ dẫn tới nguy cơ mất mật khẩu. Bên cạnh đó, dù không thể phủ nhận rằng việc chia sẻ vị trí cho người yêu qua GPS (hệ thống định vị toàn cầu) có thể hỗ trợ chúng ta trong một số tình huống nguy cấp, nhưng điều này cũng mang lại rủi ro khiến bạn bị theo dõi nếu điện thoại của đối phương bị tin tặc tấn công.
Thứ ba, một nghiên cứu vào năm 2022 đã cho thấy rằng công nghệ có thể trở thành phương tiện cho các hành vi bạo hành trong tình cảm. Trong đó bao gồm kiểm tra điện thoại của đối phương, sử dụng các app giám sát, cài spyware (phần mềm gián điệp, có khả năng nghe lén cuộc gọi và theo dõi các hoạt động trên điện thoại), theo dõi qua video (11)… Việc cung cấp mật khẩu điện thoại hay tài khoản mạng xã hội cho người yêu có thể làm tăng nguy cơ bị đối phương theo dõi hoặc kiểm soát, đặc biệt khi bạn lỡ rơi vào lưới tình với những người mang "đặc điểm đen tối" ("dark triad" – gồm những người thái nhân cách, ái kỷ và xảo quyệt). Cụ thể, người thái nhân cách thường công khai theo dõi người yêu với những hành vi rủi ro và mang tính gây hấn, còn người xảo quyệt và ái kỷ thường lén lút rình rập (12).
Ngược lại, bạn cũng đừng vội thấy an tâm khi yêu một người nằm ngoài nhóm "nhân cách đen tối". Như đã đề cập ở trên, cơn ghen tuông từ bất kỳ ai cũng có thể dẫn đến các hành vi kiểm soát người yêu quá mức. Thậm chí, theo một nghiên cứu năm 2006 của Susan M. Dennison và Anna Stewart, những người nảy sinh cảm giác xấu hổ sau khi chia tay có khuynh hướng tiếp tục "rình rập" người yêu cũ (13). Người bị theo dõi có thể cảm thấy bất an và trong một số trường hợp xấu, danh dự của họ bị tổn hại (như hình ảnh nhạy cảm lưu trong máy bị phát tán). Họ có thể phải tốn thêm chi phí cho việc bảo mật và nhờ pháp luật can thiệp.
Có thể thấy, chúng ta không nên chia sẻ mật khẩu, dữ liệu cá nhân với những đối tượng yêu đương ngắn hạn, hoặc khi cả hai chỉ vừa hẹn hò không lâu. Tuy nhiên, ngay cả khi đã ở trong những mối quan hệ lâu dài với đủ sự tin tưởng, đôi bên vẫn có quyền bảo đảm ranh giới cá nhân trên không gian số của mình.
Sau đây, LeLa Journal chia sẻ đến bạn đọc một số kinh nghiệm để bảo vệ dữ liệu cá nhân, trong khi vẫn giữ được hòa khí với người yêu.
Yêu cầu và mức độ chấp nhận chia sẻ quyền riêng tư của mỗi người không giống nhau, chẳng hạn có người sẵn sàng công khai ảnh với người yêu, cũng có người không bao giờ đăng ảnh cá nhân. Thậm chí, một số người vì tính chất công việc nên luôn phải bảo mật email, điện thoại... Vì thế, khi nửa kia muốn bạn chia sẻ quyền riêng tư trên không gian số với họ, hãy xác định xem đâu là giới hạn của bản thân.
Bên cạnh lý do bảo mật vì tính chất công việc, nhiều người vẫn có thể cảm thấy không thoải mái khi ranh giới cá nhân có nguy cơ bị xâm phạm. Điểm quan trọng là bạn cần xác định rõ mức độ chấp nhận và ranh giới cá nhân của bản thân.
Đừng vội lo lắng hay cảnh giác khi đối phương muốn có mật khẩu hay quyền truy cập thiết bị cá nhân của bạn. Hãy thử tìm hiểu nguyên nhân và kiên nhẫn giải thích để họ hiểu về những ranh giới của bạn, chẳng hạn như sau:
- Những thông tin nào bạn đồng ý và không đồng ý chia sẻ với nửa kia? Chẳng hạn, một số người lựa chọn phương án nhượng bộ là tự tay dùng máy người yêu để đăng nhập vào Facebook của mình. Điều này có nghĩa là họ đồng ý cho người yêu truy cập vào Facebook cá nhân nhưng không trực tiếp đưa mật khẩu để thực hiện những tùy chỉnh cần bảo mật.
- Họ có quyền sử dụng thông tin của bạn vào việc gì? Ví dụ, bạn có thể cung cấp mật khẩu Facebook cho đối phương, nhưng liệu họ có được phép xem tin nhắn và đăng nội dung lên trang cá nhân của bạn hay không?
- Những phương thức bảo mật nào cần được tuân thủ tuyệt đối? Ví dụ, đối phương phải đảm bảo không chia sẻ mật khẩu của bạn với người nào khác, bạn cũng có thể hướng dẫn họ lưu mật khẩu theo cách mà bạn tin tưởng, như là dưới dạng mã hoá, viết tay, hay sử dụng phần mềm quản lý mật khẩu…
- Những hành vi nào khiến bạn không thoải mái trên mạng? Lưu ý, điều này chỉ nhắm đến những hành vi trực tiếp ảnh hưởng tới sự riêng tư của bạn, không phải những hành động thuộc quyền cá nhân của người kia. Cụ thể, đây không phải là lúc để bạn trao đổi về việc đối phương kết bạn hoặc "thả tim" một đối tượng hấp dẫn khác trên mạng, nhưng đôi bên có thể cần phải trao đổi nếu đối phương làm những hành động đó khi đang sử dụng tài khoản cá nhân của bạn.
Bạn nên thường xuyên kiểm tra các thiết bị số. Nếu bạn phát hiện ra những dấu hiệu bất thường, rất có thể thiết bị của bạn đã bị tấn công. Những dấu hiệu phổ biến bao gồm, nhưng không bị giới hạn như sau:
Điều bạn cần làm là lập tức tìm chuyên gia công nghệ đáng tin cậy để kiểm tra và gỡ spyware hoặc virus ra khỏi thiết bị của mình. Nếu không tìm được ai giúp đỡ, bạn cũng có thể sử dụng phần mềm diệt virus để xóa các chương trình độc hại, nhưng cách này lại không thể xử lý được tận gốc vấn đề.
Có một cách hiệu quả hơn là khôi phục cài đặt gốc của thiết bị, nhưng điều này cũng đồng nghĩa với việc xóa toàn bộ dữ liệu. Do đó, tốt nhất là bạn nên sao lưu dữ liệu trong máy vào thiết bị khác trước khi thực hiện. Bạn cũng cần thường xuyên cập nhật phần mềm và hệ điều hành để tin tặc không có cơ hội khai thác các lỗ hổng bảo mật.
Cần lưu ý rằng chúng ta rất khó xác định kẻ tấn công là ai, sự việc là vô tình hay cố ý (hoặc có liên quan đến người yêu của bạn hay không). Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, bạn nên thay đổi tất cả mật khẩu và chế độ chia sẻ tài khoản (trên các app định vị, sức khỏe, công việc, Netflix...) sau khi chia tay người yêu cũ. Bên cạnh đó, một cách làm khác có thể hữu ích nhưng không giải quyết triệt để được vấn đề, đó là dùng chức năng thoát ra khỏi tất cả các thiết bị.
Ai cũng có định nghĩa của riêng mình về ranh giới cá nhân, dù là trên thực tế lẫn trong không gian số. Còn bạn và nửa kia của bạn thì sao? Liệu cả hai có cảm thấy thoải mái, an toàn và được tôn trọng khi trao đổi với nhau về chủ đề này?
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Tâm Lý?
Cập nhật những nghiên cứu và khám phá mới nhất về tâm lý.