Ngày 9/9/2023 đánh dấu cột mốc 1 năm LeLa Journal chính thức ra mắt và ngày càng được nhiều bạn đọc tin tưởng vì nội dung thiết thực, gần gũi với đời sống thường nhật. Thông qua góc nhìn khoa học cùng những câu chuyện truyền cảm hứng từ người thật - việc thật, hơn 900 bài viết trong 365 ngày qua đã là cầu nối để "LeLa Land" (tên gọi của cộng đồng người viết tại LeLa Journal) gửi gắm nhiều thông tin hữu ích đến độc giả dù ở bất kỳ nơi đâu. Không chỉ dừng lại ở việc gửi gắm thông điệp tích cực đến mọi người, LeLa Journal cũng chính là nơi được rất nhiều nhân vật tìm đến để gửi gắm nỗi lòng, tâm sự chuyện đời - chuyện nghề. Mời bạn đọc cùng điểm lại câu chuyện của 9 nhân vật truyền cảm hứng đã từng đến "lê la tán gẫu" với LeLa Journal.
Trước khi sống vì mình, hãy học cách sống cho người khác. Sau 32 năm cầm máy ảnh, dường như nhiếp ảnh gia Lê Hồng Linh đã cô đọng tất thảy những trăn trở và suy tư về cuộc đời, về nghề, về việc phụng sự nghệ thuật chỉ bằng một câu nói trên. Để có thể "tự chụp" nên bức ảnh đời mình, theo nhiếp ảnh gia Lê Hồng Linh, người nghệ sĩ cần phải sống cuộc đời người khác trước. Bởi sau cùng, công chúng ghi nhận người nghệ sĩ nhiếp ảnh qua đôi mắt đã nhìn và trải đời, chứ không qua sự hào nhoáng của những giải thưởng nhất thời.
Mời bạn đọc trọn vẹn bài phỏng vấn này tại đây.
Với những bạn trẻ Gen Z cực kỳ năng động và ôm nhiều tham vọng hoài bão trong sự nghiệp, một vị trí nhân sự cấp cao như Phó Tổng Giám đốc luôn nằm trong tầm ngắm. Mang theo những trăn trở của nhiều bạn trẻ, chúng tôi đến gặp CEO La Bùi Hồng Ngọc, Tổng Giám đốc Công ty Circular Plastic và nhận được những chia sẻ quý giá. Không chỉ giúp LeLa Journal giải đáp những thắc mắc liên quan đến Phó Tổng - vị trí mà từ trước đến nay ít được nhắc đến, chị Hồng Ngọc giúp cho độc giả có thêm kiến thức chuyên môn để trau dồi kỹ năng, chinh phục những đỉnh cao nghề nghiệp sắp tới.
Mời bạn đọc trọn vẹn bài phỏng vấn này tại đây.
Việc tạm dừng công việc giảng dạy tại trường đại học của đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh đã mở ra một cuộc trò chuyện giữa LeLa Journal và vị đạo diễn trẻ về những dự án sắp tới của anh. Không chỉ dừng lại ở những kỷ niệm thú vị từ lúc bắt đầu làm phim, đạo diễn còn chia sẻ thêm về thẳng thắn về một số thực trạng đang diễn ra của nền điện ảnh Việt, về lý do của những tác phẩm không đạt chuẩn vẫn ồ ạt ra rạp, về chất lượng của các bộ phim trăm tỷ. Và với những độc giả quan tâm đến việc tự mình bắt tay vào việc làm phim, đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh gợi ý rằng trước khi dẫn thân vào con đường chông gai này, các bạn trẻ nên tự hỏi rằng có đang thật sự muốn kể một câu chuyện gì đó không.
Mời bạn đọc trọn vẹn bài phỏng vấn này tại đây.
Trong mùa Vu Lan 2023, một trong những cây bút của LeLa Journal đã có cuộc tái ngộ với người thầy đáng kính của mình - bác sĩ kiêm nhà giáo Phan Thiệu Xuân Giang - và cùng trò chuyện về chữ "hiếu" trong thời hiện đại. Những phân tích chuyên môn và cách kể chuyện gần gũi của vị bác sĩ này đã giúp độc giả của LeLa Journal hiểu được tầm quan trọng của việc dạy con về lòng biết ơn thông qua cách dung dưỡng tình yêu thương vô điều kiện cho trẻ ngay từ nhỏ. Bài phỏng vấn còn mang đến một góc nhìn thú vị khi phân biệt hai "trạng thái" của chữ "hiếu" là hiếu thảo bằng tấm lòng (lòng hiếu) và hiếu thảo theo bổn phận (phải hiếu).
Mời bạn đọc trọn vẹn bài phỏng vấn này tại đây.
Nuôi mèo để hiểu thêm về sự thong dong trong đời, có thể tạm xem là đúc kết giản đơn nhưng đầy tính chiêm nghiệm mà nhạc sĩ kiêm nhà văn Hamlet Trương gửi gắm qua buổi chia sẻ về nuôi Thú Cưng - cũng là tên gọi chuyên mục được các độc giả của LeLa Journal yêu thích. Qua những lời bộc bạch chân thành và nhẹ nhàng như cách anh thả từng con chữ trong những quyển tản văn về tình yêu của mình, Hamlet Trương không ngần ngại bày tỏ những góc khuất cô đơn của người nghệ sĩ và vai trò an ủi của thú cưng trong quá trình sống và làm nghề của anh.
Mời bạn đọc trọn vẹn bài phỏng vấn này tại đây.
Đến với LeLa Journal để chia sẻ về hành trình làm nghề sáng tạo nội dung (content creator), Dustin Phúc Nguyễn đã tiết lộ cho độc giả thấy toàn cảnh sự dịch chuyển định dạng của nội dung hiện đại trong thời đại số lên ngôi, về những khác biệt giữa người người dẫn chuyện – kể câu chuyện người khác và người kể chuyện – kể câu chuyện của chính mình. Đồng thời, anh cũng cho người đọc thấy được những trăn trở và sự tử tế là yêu cầu tất yếu của người làm nội dung, cũng như cho rằng bằng việc hạ cái tôi xuống, những nhà sáng tạo nội dung "có tuổi" sẽ có thể tiếp cận được khán giả "trẻ tuổi".
Mời bạn đọc trọn vẹn bài phỏng vấn này tại đây.
Với sự nghiệp biên kịch thành công, ít ai ngờ rằng biên kịch Kay Nguyễn đã phải trải qua một giai đoạn "khủng hoảng" khi mất phương hướng trên hành trình của chính mình. Và "tấm áo phao" kéo chị ra khỏi giai đoạn này chính là cuốn sách The Artist's Way của tác giả Julia Cameron. Đến với LeLa Journal, cùng mong muốn mang đến những kiến thức giá trị cho nhiều bạn trẻ, biên kịch Kay Nguyễn đã giới thiệu một phương pháp cực kỳ hữu ích để chào ngày mới, đó là phương pháp Morning Pages. Chỉ với 10 phút mỗi ngày, lợi ích khi thực hành Morning Pages là rất lớn, từ "thải độc tâm trí" đến cho đến nâng cao hiệu suất công việc. Không chỉ hữu ích với người làm nghệ thuật, những trang viết vào buổi sáng còn phù hợp với những người thuộc ngành nghề khác. Vì biết đâu đó ẩn sâu trong mỗi chúng ta, vẫn còn những tố chất nghệ sĩ đang chực chờ thức giấc.
Mời bạn đọc trọn vẹn bài phỏng vấn này tại đây.
Không chỉ quan tâm đến giáo dục trẻ nhỏ, Jesse Peterson là một cây bút chuyên viết hài châm biếm cho các tờ báo trong nước, từ đó mang đến góc nhìn riêng của một người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam. Trải qua cuộc chiến khốc liệt ở Afghanistan và chọn Việt Nam làm "chốn về yên ổn", Jesse Peterson chia sẻ với LeLa Journal rằng anh dần nhận ra giá trị của sự sống và cái chết, từ đó anh quan tâm đến việc chia sẻ và đóng góp tích cực cho cộng đồng nhiều hơn. Jesse cũng là người sáng lập Trôi Academy - một cộng đồng giúp cho các thành viên tập trung cho các kỹ năng phát triển bộ não, thúc đẩy sức bền tinh thần, thể chất và hàn gắn sợi dây liên kết giữa người với người.
Mời bạn đọc trọn vẹn bài phỏng vấn này tại đây.
Trong buổi nói chuyện về việc thưởng tranh, nhà nghiên cứu Lý Đợi nói rằng cần phân biệt giữa sưu tầm và nghiên cứu, đồng thời nhấn mạnh việc chơi tranh cần phải có kiến thức - mà phải là kiến thức phát xuất từ niềm đam mê chân thực. Anh bày tỏ rằng trong cuộc đời đã quá tất bật với những hợp đồng, những deadline, thì nghệ thuật chính là một bí ẩn, cũng là một giải tỏa cho bản thân. Chính sự bí ẩn đó dẫn đến cho mình những điều bất ngờ và may mắn. Những chia sẻ của anh giúp độc giả của LeLa Journal hiểu hơn về vị thế cần thiết của một người làm phê bình nghệ thuật, cũng như mang đến một "bức tranh" toàn cảnh về thị trường tranh tại Việt Nam mà theo anh đang là "một trong những thị trường tranh tăng trưởng nhanh nhất thế giới".
Mời bạn đọc trọn vẹn bài phỏng vấn này tại đây.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về LeLa Talk?
Kinh doanh, khởi nghiệp, kinh nghiệm sống và những cuộc trò chuyện truyền cảm hứng.
Nếu bạn không muốn bỏ lỡ những bài viết thú vị