Từ góc độ người trẻ từng đi xa để học hỏi, Thạc sĩ Tô Tôn Thành (còn được biết đến với vai trò chủ nhân kênh Youtube & Tiktok "A Síng đi Đại Hàn") khuyến khích các bạn trẻ Việt Nam, đặc biệt là Gen Z, hãy mạnh dạn bước ra khỏi vùng an toàn. Có như vậy, người trẻ mới có thêm cơ hội học cách tự chăm sóc bản thân, tích lũy kỹ năng, kinh nghiệm, thậm chí là tài sản, và để xây dựng một cuộc sống tự lập theo "đúng nghĩa".
Thạc sĩ Tô Tôn Thành
Có lẽ, hành trình du học ở đất nước Hàn Quốc chính là bước đệm thành công nhất của chàng sinh viên 23 tuổi ngày đó. Nhớ lại khoảng thời gian ngây ngô tìm hiểu về văn hoá châu Á, Tô Tôn Thành - A Síng chia sẻ rằng: "Mình vẫn nhớ như in giây phút lên Google để tìm kiếm không phải là từ khóa 'Hàn Quốc' mà là 'cờ Hàn Quốc'. Bởi, với đứa nhóc đam mê tìm hiểu về ngũ hành và bát quái như mình thì không khó để nhận ra quốc kỳ Hàn Quốc mang 4 quẻ Càn Khôn Ly Khảm, cùng với lưỡng nghi màu xanh và đỏ. Vậy là định mệnh với đất nước này của mình bắt đầu từ đó…"
Thời điểm Thành tốt nghiệp ngành Dầu khí ở Đại học Bách khoa TP.HCM cũng là thời điểm ngành dầu khí xảy ra khủng hoảng. Được nghe tiền bối trong ngành chia sẻ về cơ hội và rủi ro, anh vừa hoang mang vừa lung lay vì "đầu ra không như mơ". Do vậy, anh quyết định rẽ hướng, và nhờ sự động viên của gia đình, anh đã có một khoảng thời gian "giao thoa" đáng nhớ giữa Việt Nam và Hàn Quốc.
"Bằng một nhân duyên nào đó, người có sức ảnh hưởng lớn nhất ở những năm đầu 20 của mình lại chính là bác chủ người Mỹ gốc Hàn", Thành chia sẻ. "Lúc bấy giờ, dù giấy tờ du học đã xong xuôi, mình từng nghĩ sẽ bỏ cơ hội du học để ở lại làm cho công ty bác. Mình nhớ rõ ràng hôm cuối cùng, bác trả lương tháng cuối cho mình dù mình chỉ mới làm có mấy ngày, rồi còn trả thêm một tháng lương nữa và đưa mình một cái bao thư, trong đó có 4 tờ tiền màu vàng (50 nghìn won)...". Trong thư có ghi:
Thành kể tiếp: "Lúc đó, mình cầm tiền trên tay mà rưng rưng nước mắt. Thế là dù vẫn chưa biết nấu ăn, nhưng mình bắt đầu nhen nhóm trong lòng quyết tâm có thể ăn kim chi dài hạn"...
Như trong cuốn sách Những ấn tượng đầu tiên (First Impressions), các tác giả cho biết mọi người thường ấn tượng bởi người khác dựa trên bốn tiêu chí là sự đánh giá cao, lòng trân trọng, sự kết nối và khai sáng. Cụ thể, chúng ta sẽ tìm kiếm những người có thể thấu hiểu mình, mang đến giá trị sống hữu ích, cũng như có góc nhìn cởi mở với thông tin mới. Nói cách khác, đó là những người giúp ta cảm thấy hài lòng về chính mình và làm cho đời sống của ta thêm phong phú.
"Chiếc bao thư trắng bên trong có 4 tờ tiền màu vàng kia vẫn đang nằm ngay ngắn trong một góc phòng của mình, như một kỷ vật nhắc nhớ về người Hàn đầu tiên ảnh hưởng đến mình nhiều như vậy, một người có tâm và có tầm" - Thành chia sẻ.
Du học là một lựa chọn mang nhiều trăn trở, cũng có "được và mất" như bất cứ lựa chọn nào khác. Thành chia sẻ rằng anh từng thấy hình ảnh của mình trong các bạn trẻ sống ở thành phố. Họ đều không thể thoát khỏi cái bóng của gia đình, cả về mặt địa lý lẫn tinh thần.
Đây là những cái "có" mà anh buộc phải gác bỏ đi để tìm cho mình cái "được" mới mẻ hơn.
Anh cho biết: "Sang Hàn Quốc du học, vì có cơ hội ở xa gia đình nên mình phải học cách sống tự lập hơn, học kỹ năng sinh tồn khi thiếu vắng ba mẹ. Và mình cũng được tiếp xúc với một nền văn hoá mới, kết thêm nhiều bạn mới ở khắp mọi nơi trên thế giới. Khác với ba, bốn năm trước, mình chỉ quan tâm đến những thứ nằm ngoài tài chính, như là nói được bao nhiêu thứ tiếng, học đủ giỏi chưa... vì hồi xưa mình học trường chuyên nên mọi thứ đều quy về điểm số, xếp hạng. Giờ mới biết người ta không cần mình quá giỏi, thậm chí thiếu kinh nghiệm hay bằng cấp thì cũng không có vấn đề gì. Thực sự, du học đã giúp mình nhìn thế giới rộng hơn".
Thành chia sẻ rằng trong thời gian đầu sống ở Hàn Quốc, anh đã "trải qua một cảm giác lạ lùng và không mấy dễ chịu từ chính bản thân mình".
Từ lâu, anh luôn kỳ vọng rằng người Việt như anh và cộng đồng người Việt phải nổi bật hơn bạn bè quốc tế trong mọi tình huống, từ học nhóm đến thuyết trình. Tuy nhiên, mỗi người lại có những thế mạnh khác nhau, mỗi du học sinh dù đến từ bất kỳ nơi đâu cũng có những điều hay ho để anh học hỏi. Anh đã trải qua khoảng thời gian chông chênh về tinh thần khi đối diện điều này và dần học cách chấp nhận rằng mình đang sống trong một thế giới đa dạng, có người giỏi cái này còn người khác lại thạo cái kia, dù là ở Hàn Quốc hay bất cứ đâu.
Từ góc độ người trẻ từng đi xa để học hỏi, Thành khuyến khích các bạn trẻ Việt Nam, đặc biệt là Gen Z, hãy mạnh dạn bước ra khỏi vùng an toàn, tạm thời rời xa vòng tay của ba mẹ. Có như vậy, họ mới có thêm cơ hội để học cách tự chăm sóc bản thân, tích lũy kỹ năng, kinh nghiệm, thậm chí là tài sản, và để xây dựng một cuộc sống tự lập theo "đúng nghĩa".
Khi nói về sự thuận lợi cũng như khó khăn khi đi du học, Thành cũng chia sẻ: "Các bạn Gen Z ngày nay có nhiều thông tin hơn về đất nước, đời sống thông qua media nên sự bỡ ngỡ phần nào cũng ít hơn. Nhưng cũng chính vì điều này mà có thể các bạn chưa trân trọng những gì mình đang có. Các bạn cảm thấy do dự khi gặp một cái tốt hơn, kể cả cái chưa tốt: Mình có nên làm cái này không? Lỡ cái kia tốt hơn sao? Nhìn người ta đi nước này cũng thích mà nước kia mình cũng lại thích, thì nên chọn nước nào đây?...
Thành nêu ra ví dụ: "Nếu chọn du học, mình phải hiểu mình đang đầu tư vào kiến thức nhiều hơn là tài chính ở thời điểm đó. Một yếu tố quan trọng khác là tâm lý, mình cần phải trang bị kỹ năng để thích nghi và thấu hiểu văn hoá, cũng như bối cảnh học tập và làm việc ở một quốc gia khác ra sao".
Ngoài văn hoá đại chúng đang ở thời kỳ đỉnh cao mà mọi người biết tới với tên gọi "hallyu" ("làn sóng Hàn lưu"), các bạn trẻ Việt Nam còn có cơ hội được mài giũa thông qua những ngành nghề có chuyên môn cao và nổi bật ở Hàn Quốc như y khoa, thẩm mỹ, kỹ thuật điện tử, truyền thông đa phương tiện… Từ đó, các bạn có thể tạo ra một cuộc sống riêng của mình, kiếm được nguồn thu nhập tốt hơn trong tương lai và quyết định sự thịnh vượng cho bản thân.
Thạc sĩ Tô Tôn Thành đã trải qua một hành trình học hỏi ở "xứ sở kim chi" dù không quá dài nhưng cũng đủ giúp chàng sinh viên ngày nào trưởng thành hơn rất nhiều. Khi trở về Việt Nam, anh quyết tâm trở thành một người thầy giáo, một người dìu dắt thế hệ trẻ trên con đường học vấn.
Anh Thành còn xem đây là một cái duyên vì anh được sống lại khoảnh khắc của tuổi trẻ ham học ngày xưa thông qua những buổi dạy học ở giảng đường. Niềm hạnh phúc càng đong đầy khi anh chứng kiến các sinh viên của mình sử dụng tiếng Hàn tốt hơn hoặc cảm thấy yêu mến tiếng Hàn nhiều hơn.
Khi được hỏi về sự nghiệp giảng dạy cũng như con đường sư phạm mà mình đã chọn, Thành tâm sự: "Lúc ở Hàn, mình cũng hay làm nội dung chia sẻ về đất nước Hàn Quốc, lối sống, công việc, quá trình học tập... trên mạng xã hội. Thế là, khi về lại Việt Nam, mình vẫn tiếp tục duy trì công việc này, chỉ có điều là theo một cách thức khác: Trực tiếp đứng trên giảng đường đại học và truyền đạt mọi kiến thức mình tích lũy được cho các bạn sinh viên. Đây thực sự là một cơ hội mà mình rất trân trọng".
Và cũng chính vì thấu hiểu những băn khoăn của các bạn trẻ nên anh Thành đã chính thức cho ra đời "đứa con tinh thần" của mình là SVEdu Du học Hàn Quốc sau nhiều năm ấp ủ.
Anh chia sẻ: "Mình rất muốn mang cơ hội trải nghiệm 'vừa đi vừa học' đến với nhiều bạn trẻ Việt Nam, làm cầu nối giúp các bạn có thể tiếp cận một môi trường học tập quốc tế như Hàn Quốc, đồng thời tạo ra một cộng đồng người Việt trẻ tri thức, vừa có tay nghề vừa giữ vai trò nòng cốt ở nhiều lĩnh vực như kinh tế, giáo dục, công nghệ thông tin. Để hình ảnh người Việt tài giỏi sẽ ngày một xuất hiện nhiều hơn trên bản đồ thế giới".
Xin cảm ơn những chia sẻ của anh với LeLa Journal!
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về LeLa Talk?
Kinh doanh, khởi nghiệp, kinh nghiệm sống và những cuộc trò chuyện truyền cảm hứng.
Nếu bạn không muốn bỏ lỡ những bài viết thú vị