World's Global Style Network (WGSN) là một tổ chức toàn cầu, công bố dự báo của chuyên gia kết hợp với khoa học dữ liệu để giúp mọi người đón đầu các xu hướng thời trang phù hợp. Chuẩn bị cho năm 2024, WGSN đã chỉ ra 4 tâm lý tác động đến người tiêu dùng, từ đó gọi tên bốn nhóm tiêu dùng chính cho một năm đang được dự đoán là "năm kinh tế tiếp tục... buồn".
Cú sốc tương lai (future shock) là một thuật ngữ mà cố nhà xã hội học và tác giả Alvin Toffler đã giới thiệu trong cuốn sách cùng tên vào năm 1970. Thuật ngữ này ám chỉ một tình trạng cảm xúc và tâm lý xảy ra khi con người đối diện với một sự thay đổi và biến đổi quá nhanh, quá mạnh mẽ, và không thể dự đoán trong cuộc sống (2).
Vào năm 2024, chúng ta sẽ chứng kiến ranh giới giữa thế giới vật lý và thế giới kỹ thuật số dần bị "xóa nhòa" bởi những công nghệ vẫn đang "mọc lên" mạnh mẽ hơn (AI, VR, metaverse...). Mặc dù có nhiều hứa hẹn, nhưng sự thay đổi công nghệ nhanh chóng ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày và gây ra cảm giác lo lắng, trong đó, vấn đề làm việc đa nhiệm (multitasking) nổi lên như một yếu tố hàng đầu.
Trong một thế giới tràn ngập thông tin, thì chính sự đưa ra quyết định của bản thân mỗi người mang một yếu tố then chốt. Cái gì nên bấm vào, cái gì nên cho qua, có nên làm việc đa nhiệm không, có nên chi tiền theo cảm tính… Và giống như tác giả Alvin Toffler đã nhắc đến trong cuốn sách của mình:
"Sự thay đổi và mới lạ làm tăng cái giá về mặt tinh thần của việc đưa ra quyết định".
Kích thích quá mức là sự quá tải của kích thích được thúc đẩy bởi sự kết nối liên tục thông qua sự phát triển của công nghệ thông tin hay còn được gọi là "cuộc cách mạng giác quan".
Nhà sử học Mark Smith cho biết đại dịch đã gây ra một "cuộc cách mạng về giác quan", theo đó sự cô lập và việc thay đổi mô hình làm việc cũng như thói quen xã hội đã nhanh chóng thay đổi cách chúng ta sử dụng các giác quan của mình để định hướng thế giới, tạo ra một sự nhảy vọt về tốc độ thương mại điện tử (6).
Thế nhưng, quá nhiều thông tin cũng đồng nghĩa với sự suy giảm khả năng tập trung và chú ý, dẫn đến những tín hiệu không mấy tích cực cho đời sống sức khỏe tinh thần.
Vì những bức xúc trên, Zhonghuai, Phó Chủ tịch của Tencent đã chỉ trích các nền tảng video ngắn vì thường xuyên đăng tải nội dung thô tục và kém hiểu biết cho người dùng:
"Việc phân phối nội dung được cá nhân hóa quá mạnh mẽ. Nếu bạn thích thức ăn cho lợn thì họ sẽ cho bạn ăn luôn, đơn giản thế thôi" (11).
Mặc dù trông có vẻ giống nhau, lạc quan bi tráng lại không phải là sự tích cực độc hại - thực hành sự vui vẻ giả tạo ở mức độ không lành mạnh. Thay vào đó, lối suy nghĩ này đưa ra một khuôn khổ cuộc sống thực tế hơn. "Lạc quan bi tráng" là việc tìm kiếm ý nghĩa trong những bi kịch không thể tránh khỏi của sự tồn tại của con người, và tốt cho chúng ta hơn là trốn tránh tiêu cực và cố gắng "giữ thái độ tích cực".
Được định nghĩa lần đầu tiên bởi nhà tâm lý học người Áo là Viktor Frankl vào năm 1985, lạc quan bi tráng liên quan đến việc tìm kiếm ý nghĩa giữa những bi kịch không thể tránh khỏi của sự tồn tại của con người (11).
Các nhà nghiên cứu về sự phát triển về mặt tinh thần diễn sau chấn thương đã phát hiện ra rằng con người có thể phát triển tích cực sau những thời điểm khó khăn. Điểm mấu chốt là cách đối mặt và xử lý những vấn đề xảy ra đó. Sự "lạc quan bi tráng" sẽ trở nên cấp thiết vào năm 2024, không chỉ vì tình hình rối ren mà còn bởi nhiều người sẽ bị choáng ngợp bởi "văn hóa đối phó" và lo sợ việc trở lại trạng thái bình thường không còn phù hợp với nguyện vọng của họ.
Trong cuộc sống đầy rầy những tổn thương về tinh thần, việc đi tìm kiếm hạnh phúc là một hành trình mà nhiều người hướng đến. Nhưng có một nghịch lý mà chúng tôi đã nêu rằng, từ bỏ việc tìm kiếm những câu chuyện về hạnh phúc mới khiến chúng ta… hạnh phúc hơn.
Những nghiên cứu đã gợi ý rằng những người có xu hướng đối phó tốt hơn trong khủng hoảng vốn không phải là những người tập trung vào việc tìm kiếm hoặc tạo ra hạnh phúc, mà là những người nuôi dưỡng thái độ lạc quan bi tráng mà chúng ta đang nhắc tới ở đây.
Như đã nhắc tới trong bài trước, trải nghiệm kính sợ/kính ngưỡng (awe) là cảm giác khi chúng ta thấy nể phục, kính sợ và thậm chí là ngước nhìn một vẻ đẹp về ngoại hình, một khả năng xuất chúng hoặc lòng tốt (biểu hiện qua những hành xử đạo đức). Mức độ kích thích liên quan tới cảm giác kính ngưỡng được cho là "gây choáng ngợp" và "khó hiểu" (15).
Đây là sự pha trộn giữa sợ hãi và ngạc nhiên, đó là một cảm xúc đã bị gác lại trong những năm gần đây khi mọi người đánh đổi khoảnh khắc đầy cảm hứng để lấy sự ổn định, sinh tồn và chắc chắn (16).
"Awe" gắn kết mọi người lại với nhau và truyền cảm hứng cho mọi người. Các nhà khoa học tin rằng "awe" có thể đã giúp tổ tiên tiến hóa của chúng ta tồn tại khi đối mặt trước những môi trường bất ổn, đòi hỏi sự hợp tác nhóm. Là một công cụ giúp con người sinh tồn từ nhiều thế kỷ trước, trải nghiệm "awe" là cần thiết cho sự phát triển trong tương lai.
Điều này, cũng như 3 yếu tố trên, có ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý người tiêu dùng trong năm 2024.
Từ những tác động lớn đó, thị trường được dự đoán là sẽ có bốn nhóm tiêu dùng chính, LeLa Journal gửi đến bạn đọc trong bài viết với tựa đề Gặp gỡ người tiêu dùng 2024 (P2): 4 nhóm khách hàng và chiến lược tiếp cận.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về LeLa Shopping?