Chủ đề về bắt nạt học đường (school bullying) đang được quan tâm nhiều hơn từ dư luận. Thế nhưng, từ trước đến nay, khi nói về những hành vi bắt nạt trên ghế nhà trường, chúng ta thường nhắc đến hai chủ thể là người bắt nạt và người bị bắt nạt, mà vô tình quên rằng nguồn cơn của vấn đề là nội tâm phức tạp của trẻ. Hôm nay, thông qua những chia sẻ từ hai chuyên viên tâm lý học đường Lê Toàn và Nguyễn Kiều Anh Trang, LeLa Journal hy vọng có thể mở ra góc nhìn về nguồn cơn của bắt nạt học đường - có thể đã xuất phát từ những cách thức giao tiếp trong đời sống hằng ngày.
Hiện nay, mọi người ngày càng có thêm cơ hội để chia sẻ thông tin và kinh nghiệm cá nhân, nhờ vào sự phổ biến của mạng xã hội và các kênh truyền thông trực tuyến. Bên cạnh đó, các phương tiện truyền thông đại chúng vẫn đang tiếp tục phổ biến rộng rãi những thông tin này đến công chúng. Các nghiên cứu về tình trạng bắt nạt học đường (school bullying) cũng đang được tăng cường, giúp cho những nhà thực hành chuyên môn lẫn cộng đồng có cơ hội nghe - nhìn và hiểu rõ hơn về "câu chuyện" này. Dù vậy, khi nói về sự gia tăng của tình trạng bắt nạt học đường, chúng ta cũng cần ý thức rõ rằng các yếu tố ảnh hưởng đều có thể chỉ là những nguyên nhân tiềm ẩn.
Trong góc nhìn và kinh nghiệm cá nhân trong tiếp cận hỗ trợ tại trường học, tôi hiểu và ý thức rằng bắt nạt học đường là vấn nạn liên quan tới hành vi.
Điều bị thiếu hụt là chúng ta chỉ nhìn thấy hành vi bắt nạt (phần nổi của tảng băng) còn ý nghĩa của hành vi ở mỗi em (phần chìm của tảng băng) thì lại chưa được bàn bạc tới một cách đầy đủ và chính xác. Trong khi đó, điều làm cho vấn nạn bắt nạt học đường gia tăng hay giảm xuống chính là sự thấu hiểu và can thiệp vào phần chìm này.
Vì thế, trong công tác dự phòng và can thiệp, tôi tập trung nhiều hơn vào sự khác biệt về lứa tuổi, cảm xúc, nhu cầu, sự đồng cảm, cũng như môi trường kết nối lành mạnh để tập luyện và củng cố những hành vi tích cực nơi các em.
Theo đánh giá và kinh nghiệm chủ quan, khoảng 60 – 70% các bạn học sinh mới chuyển trường mà tôi từng gặp đều có tiền sử bị bắt nạt. Điều này tác động rất lớn đến trải nghiệm sống, thành tích học tập và cả sự an toàn về sức khỏe tinh thần và thể lý của trẻ.
Không, thực tế là vấn đề bắt nạt học đường được phân loại thành bốn dạng chính và những hành vi gây gổ, đánh nhau chỉ là một trong bốn dạng ấy. Bắt nạt về thể lý (physical bullying) là dạng được nói đến nhiều nhất trên mạng xã hội và truyền thông. Dù vậy, không thể không nhắc tới ba nhóm còn lại với khả năng gây tổn thương không kém, nhất là về tinh thần, bao gồm bắt nạt về ngôn từ (verbal bullying), bắt nạt về xã hội (social bullying) và bắt nạt qua không gian mạng (cyber bullying).
Dạng bắt nạt nào cũng đều gây tổn thương đến sự phát triển lành mạnh về cảm xúc và tâm lý của trẻ. Bắt nạt về thể lý, dù chỉ là những cú xô đẩy hay cú đánh... cũng có thể tạo nên những vết thương về thể chất và tinh thần, kể cả khi những hành vi đó đã kết thúc. Nỗi sợ hãi, căng thẳng và đau khổ trong mối quan hệ vẫn in hằn trong tâm trí các em mãi về sau. Ở góc độ khác, bắt nạt về ngôn từ lại là hình thức xảy ra qua giao tiếp, dễ xuất hiện hằng ngày nhưng lại khó nhận diện, khiến chúng ta khó đưa ra sự hỗ trợ và can thiệp kịp thời.
Khi bị bạo lực ngôn từ, các em có thể nghĩ rằng mình bị "chê bai" là do bản thân không đủ tốt hoặc có ngoại hình xấu xí... nên sẽ không dám phản đối hoặc chia sẻ cho ai đó. Các em sẽ tự nhìn nhận giá trị bản thân bằng những điều người khác nhận xét về "ngoại hình, hành vi, năng lực, tính cách, yếu tố gia đình...". Từ đó, các em nghiễm nhiên đặt bản thân ở "chiếu dưới".
Bắt nạt về xã hội hay qua không gian mạng đều gây ra những vết thương tinh thần như cảm giác bản thân không được đón nhận, không được yêu thương... từ đó kéo theo đau khổ cho các em ngay cả khi đã trưởng thành.
Khi bắt đầu nói về vấn đề bắt nạt xảy ra giữa trẻ, chúng ta sẽ nhận ra rằng các em cũng chỉ là những đứa trẻ đang chật vật trải qua những vấn đề ở từng lứa tuổi, những thay đổi về tâm sinh lý, sự nhạy cảm về cảm xúc... mà không biết cách quản lý. Hoặc, mỗi em lại có những nhu cầu không được đáp ứng, kéo theo đó là cách thể hiện bản thân có phần lệch lạc. Song, các em lại thiếu đi sự thấu hiểu, đồng hành từ người dẫn dắt phù hợp, cũng như không được hướng dẫn kỹ năng giao tiếp và tương tác xã hội.
Vấn nạn bắt nạt học đường không chỉ là câu chuyện một chiều nơi mà những nạn nhân bị bắt nạt mới cần được hỗ trợ. Bản thân những người thực hiện hành vi bắt nạt, gây ra bạo lực cũng cần được chăm lo tích cực về mặt tinh thần.
Mỗi đứa trẻ có trải nghiệm "bắt nạt" hoặc "bị bắt nạt" khác nhau. Như vậy, những yếu tố về sự vững vàng tâm lý, khả năng phục hồi và nguồn lực hỗ trợ mà các em nhận được để đi qua giai đoạn đó cũng khác nhau. Vì thế, hành trình vượt qua (hay đúng hơn là "đi tiếp") với cuộc đời mình cùng việc thừa nhận những trải nghiệm tổn thương từ việc bị bắt nạt chưa bao giờ là dễ dàng. Tuy nhiên, trong thực tế tiếp cận và kinh nghiệm của mình, tôi nhận thấy rằng khi sự can thiệp và hỗ trợ của mọi người xung quanh hướng đến việc gia tăng ý thức và nội lực của trẻ, các em sẽ vững vàng hơn, gia tăng được sức bật về tinh thần để vượt qua tốt hơn.
Khi các em có sự tự ý thức về phẩm chất, tính cách, thế mạnh và cả những hạn chế của bản thân, tự tin vào chính mình, củng cố giá trị nội tại dựa trên những hiểu biết và tự lựa chọn của mình (chứ không phải bởi những lời nói không tốt về mình) thì các em sẽ ít bị ảnh hưởng bởi những lời nói, đánh giá, cư xử từ người khác.
Bởi vì khi ấy, các em đã tin vào chính mình hơn, biết tự đánh giá bản thân một cách mạnh mẽ và vững vàng hơn. Khi củng cố được điều này, sức mạnh cá nhân cũng sẽ tăng lên, vì các em đã không còn phụ thuộc vào ý kiến hay hành động của người ngoài để xác định giá trị bản thân. Khi không để mình trở nên "nhỏ bé", người khác cũng sẽ không có cơ hội để chi phối chúng ta.
Ở độ tuổi của trẻ, nội lực của bản thân chưa đủ mạnh và dễ bị tác động bởi những yếu tố bên ngoài. Vậy nên, vai trò của người lớn lúc này chính là "gia cố nguồn nội lực của trẻ".
Thế nhưng, thực tế lại có không ít trường hợp phụ huynh và nhà trường chính là những nguy cơ củng cố bạo lực ở trẻ thay vì là nguồn động lực để trẻ vượt qua!
Nếu phụ huynh củng cố những cách đối xử tiêu cực, những lời nói chỉ trích có thể tạo ra ảnh hưởng lớn đến tâm lý của trẻ. "Tại sao mày lại như thế?" hoặc "Có nhiêu đó mày không làm được sao?", "Sao mày mập quá vậy?", "Con phải thế này, con phải thế kia"...
Những điều này, đôi khi kết hợp với sự mất cân bằng quyền lực trong mối quan hệ với phụ huynh, là nguy cơ tiềm ẩn trong việc tạo ra một môi trường và những mối quan hệ không lành mạnh với mọi người. Chẳng hạn, trẻ trở thành người bắt nạt để tìm kiếm quyền lực, hoặc chịu đựng việc bị bắt nạt vì không dám lên tiếng.
Ở một góc độ khác, đó là khi các em lên tiếng và chia sẻ "băn khoăn" của mình về một trải nghiệm khiến các em "không thoải mái", nhà trường hoặc phụ huynh đôi khi lại xem nhẹ và phủ nhận, bảo rằng "bạn đùa con đó", "trời, bạn chọc thôi, không sao đâu" hoặc "kệ đi, quan tâm làm chi"... Thậm chí, nhiều vị phụ huynh và nhà trường còn quay sang trách cứ, chỉ trích các em hoặc khiến con trẻ tổn thương thêm vì những câu nói như "con phải làm sao thì bạn mới đối xử với con như vậy chứ", "thì bạn nói đúng thật mà, con mập quá rồi đó"...
Trong nhà trường, yếu tố ngoại lực tác động lớn tới tâm lý của trẻ chính là cách giao tiếp, cư xử của bạn bè xung quanh. Khi không cởi mở hay không chấp nhận được sự khác biệt, nhiều trẻ sẽ có lối cư xử và giao tiếp thiếu tôn trọng. Từ sự thiếu tôn trọng hoặc không chấp nhận người khác, những sự việc bắt nạt tương tự sẽ leo thang. Vì lúc này, các em đâu hiểu được những lời nói của mình gây tổn thương cho người khác như thế nào, cũng như không hiểu được những nỗi tổn thương của bản thân trong cùng vấn đề. Thêm vào đó, nếu các thầy cô không thấu đáo, cho rằng tiến trình thích nghi chỉ nằm ở phía trẻ, còn nhà trường chỉ có nghĩa vụ dạy học, thì nguy cơ về bạo lực học đường sẽ lan rộng.
Vậy nên, thông qua giáo dục, trẻ sẽ dần hiểu rõ bản thân hơn, cả về cảm xúc lẫn nhu cầu của chính mình. Các em cũng dần có ý thức và tôn trọng chính mình lẫn người khác hơn, không sử dụng bạo lực, ngôn từ hay mạng xã hội để làm tổn thương người khác. Bên cạnh đó, điều quan trọng là các em cũng sẽ không dễ dàng bị ảnh hưởng từ những lời nói hay hành vi của người khác.
Trong thời điểm hiện tại, các trường học hướng tới việc tạo ra một môi trường hạnh phúc để học sinh được trải nghiệm sống và thực hành. Điều quan trọng là gia tăng cung cấp cho trẻ những kỹ năng học tập cảm xúc xã hội. Nếu tổ chức nhà trường có vị trí chuyên viên tâm lý học đường, những mục tiêu này sẽ được giải quyết một cách rõ ràng, triệt để và theo đúng phương pháp hơn.
Chuyên viên tâm lý học đường, bên cạnh việc tư vấn 1-1 với học sinh, còn có nhiệm vụ xây dựng khả năng nhận thức và quản lý cảm xúc, đồng thời hỗ trợ học sinh diễn đạt những lo lắng một cách phù hợp.
Sự can thiệp đến từ chuyên viên tâm lý học đường có thể diễn tiến qua 3 tầng:
Không nên đợi "nước đến chân mới nhảy", người lớn nên có những biện pháp can thiệp và nuôi dưỡng nguồn lực nội tại của trẻ từ sớm. Cụ thể, thầy cô ở trường có thể nhận diện bạo lực học đường, thường bắt đầu từ việc quan sát cẩn thận về cách học sinh tương tác trong lớp học, tiêu biểu như sau:
Phụ huynh có thể nhận biết các dấu hiệu bằng cách quan sát cách con nói về trường lớp, như khi con bắt đầu rụt rè hoặc cảm thấy ngần ngại chia sẻ về các hoạt động xã hội tại trường, tránh bàn luận về mối quan hệ bạn bè hoặc không muốn phụ huynh quan tâm nhiều vào các hoạt động vui chơi, ngoại khóa... Nếu phụ huynh không quan sát được sự hài lòng và hào hứng này thì cũng có thể, trẻ đang rơi vào trường hợp bị cô lập.
Hỏi thăm là một cách hữu hiệu để hiểu rõ tâm trạng của con. Khi đặt câu hỏi, đừng chỉ tập trung vào việc học tập, mà hãy mở rộng chủ đề sang những trải nghiệm đa dạng của con.
Hạn chế việc chỉ hỏi về thành tích học tập, mà thay vào đó, hãy khám phá những điều con đã trải qua và muốn chia sẻ với mẹ. Ban đầu, con có thể từ chối, nhưng phụ huynh hãy hiểu rằng đó là một tiến trình cần nhiều thời gian để tạo ra một môi trường giao tiếp an toàn. Kiên nhẫn là chìa khóa quan trọng mà phụ huynh cần ghi nhớ để hỗ trợ con chia sẻ thông tin.
Tuy nhiên, cần phải tránh việc lời hỏi thăm trở thành một cuộc chất vấn hay cuộc điều tra.
Chúng ta có thể hỏi thăm con em theo ba bước tuần tự sau đây:
Bước 1: Tạo ra một cảm giác an toàn đủ cho con trẻ
Cảm giác an toàn này hoàn toàn là cảm nhận chủ quan của các em, không phải bởi cha mẹ "đo lường" hay xác lập. Thế nên, trước hết, cha mẹ hãy chia sẻ (bằng lời nói) để cho con biết rằng cha mẹ là người mà con có thể tin tưởng, và khi con chia sẻ, cha mẹ thật sự sẽ lắng nghe, tin điều con đang nói thật sự là "mối bận tâm" (dù nhỏ hoặc lớn) của con. Quan trọng nhất là cha mẹ cần tạo ra một không gian thoải mái và an toàn để con thoải mái chia sẻ những suy nghĩ và cảm xúc của mình.
"Cha mẹ vẫn ở đây khi con cần", "Hãy nhớ rằng con có thể chia sẻ với cha mẹ bất cứ điều gì", "Nếu có điều gì đó ở trường làm con bận lòng, hãy kể ra cho cha mẹ nghe để cùng con tìm cách giải quyết phù hợp"...
Bước 2: Tập trung và tôn trọng cảm xúc của con
Khi đã tạo ra không gian thoải mái, phụ huynh bắt đầu hỏi về cảm xúc của đứa trẻ để khơi gợi sự chia sẻ sâu sắc hơn.
"Con đang cảm thấy như thế nào?", "Có điều gì khiến con buồn, bực mình, hay khó chịu?", "Con có thể giúp cha mẹ hiểu rõ hơn về những chuyện xảy ra ở trường của con không?", "Nếu con không biết mình đang cần gì, hãy cứ chia sẻ bất kỳ điều gì mà con đang ấp ủ, băn khoăn nhất nhé", "Cha mẹ luôn ở đây để hỗ trợ và lắng nghe con"...
Bước 3: Đề nghị giúp đỡ trẻ
Phụ huynh cần đề nghị giúp đỡ nhưng phải có sự tin tưởng vào khả năng giải quyết vấn đề của con. Cha mẹ chỉ hiện diện như một nguồn lực và trao quyền cho con sử dụng nguồn lực ấy, dưới sự hỗ trợ phù hợp với góc nhìn của con.
Nếu con nói rằng chúng đang gặp khó khăn nhưng không muốn chia sẻ thêm, cha mẹ hãy cho con thêm thời gian khoảng một-hai tuần để từ đó có thể quan sát, ghi nhận và thậm chí là đo lường những chuyển biến của vấn đề, bao gồm sự thay đổi và mức độ phù hợp... Trong giai đoạn này, các bậc phụ huynh vẫn nên tiếp tục hỏi thăm trẻ, nếu nhận thấy mọi thứ đang tiến triển tốt thì ghi nhận và tiếp tục khích lệ con, đồng thời cho con biết rằng cha mẹ luôn bên cạnh nếu con cần.
Nếu vấn đề đang không tiến triển hoặc thậm chí là trở nên tệ hơn, cha mẹ hãy đặt vấn đề với con về những bận tâm của mình, như "Mẹ lo sợ rằng…", "Sẽ như thế nào nếu…" để cùng con bàn bạc và tìm phương án tiếp theo. Nếu có ý định can thiệp như liên hệ và trao đổi với trường học, cha mẹ cũng nên hỏi và trò chuyện trước với trẻ về những ý định đó: "Sẽ như thế nào nếu mẹ….?", "Các thầy cô/trường học có biết và hỗ trợ con trong việc này không?"...
Khi các em chia sẻ về cảm xúc bị tổn thương khi bị bạn bè cười chê hoặc bôi nhọ trên mạng xã hội, bên cạnh việc phối hợp với nhà trường về phương án xử lý để ngăn chặn hành vi không phù hợp, phụ huynh cần trò chuyện với con về cách mà con định nghĩa và đánh giá bản thân.
Ví dụ khi con chia sẻ rằng "Bạn A nói con ngu (dở/dốt) môn Toán", phụ huynh cần làm rõ với con rằng "Vậy con có thấy việc học yếu hoặc chưa giỏi môn Toán khiến con trở thành một người xấu không?", "Đâu là những môn học (hoặc điều gì) mà con nghĩ mình làm tốt?"
Thông qua cách hỏi như vậy, phụ huynh sẽ giúp trẻ ý thức hơn về năng lực, thế mạnh và cả những hạn chế của bản thân.
Trong các bước phía trên đã có lồng ghép sự phối hợp làm việc và hỗ trợ giữa phụ huynh-học sinh cùng giáo viên-nhà trường. Bất kỳ thời điểm nào phụ huynh cần liên hệ với trường để có những chia sẻ về điều phụ huynh bận tâm hay lo lắng, điều này luôn được khuyến khích. Vì với vai trò là chuyên viên tâm lý học đường, sự quan sát và cập nhật từ phụ huynh cũng là "chất liệu" để chúng tôi chú ý, có sự can thiệp kịp thời và dự phòng kỹ càng hơn.
Sự ngỏ ý của phụ huynh về việc "làm gì đó" trong bước can thiệp khi trò chuyện với học sinh vẫn cần duy trì sự trao quyền, gồm cả việc khích lệ con chia sẻ với một người lớn trong nhà trường mà con cảm thấy đủ an toàn và tin tưởng để bày tỏ, hoặc cha mẹ có thể là người thay mặt con để trao đổi với giáo viên-nhà trường. Dù cha mẹ làm gì thì đó vẫn là vấn đề ảnh hưởng đến cảm xúc, mối quan hệ của con, thế nên, nhu cầu được trao quyền, "được biết" của các bạn cũng rất chính đáng.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về LeLa Talk?
Kinh doanh, khởi nghiệp, kinh nghiệm sống và những cuộc trò chuyện truyền cảm hứng.
Nếu bạn không muốn bỏ lỡ những bài viết thú vị