Đứa trẻ bên trong là "ai" mà các nhà phân tâm, tâm động học lẫn các nhà trị liệu tâm linh đều khuyên chúng ta nên cất công đi tìm, nuôi dưỡng và chữa lành? Các nhà khoa học đang tìm cơ sở xác định nguồn gốc của đứa trẻ bên trong và phát hiện ra "nó" nằm đâu đó ở hạt hạnh nhân (amygdala) trong não bộ.
Đứa trẻ bên trong (inner child) hay đứa trẻ dễ bị tổn thương là khái niệm được nhắc đến rất nhiều kể từ sau thập niên 1960 và đã trở thành một cách tiếp cận trị liệu thuộc Phân tâm học và Tâm động học. Cụ thể là thân chủ sẽ lấy bản ngã làm trọng tâm, nhằm tháo gỡ những chấn thương tâm lý bắt nguồn từ các trải nghiệm bất lợi thời thơ ấu (childhood adversity).
Bằng cách quay lại bản ngã đích thực và dùng suy nghĩ tích cực, chúng ta cũng có thể áp dụng các phương pháp thiền định, thiền quán... để chữa lành cơ thể. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra giữa lúc các luồng tư tưởng đang phân nhánh là: Khoa học nói gì về đứa trẻ bên trong?
Carl Gustav Jung được cho là cha đẻ của khái niệm "đứa trẻ bên trong", căn cứ vào công trình nghiên cứu của ông về các nguyên mẫu, hay còn là điển mẫu (archetype) (1).
Nhà phân tâm học người Áo là Heinz Kohut thì mô tả khái niệm này gắn liền với nỗi đau và những nỗi căng thẳng không được thừa nhận (2).
Bên cạnh đó, bác sĩ nhi khoa và nhà phân tâm học người Anh là Donald Winnicott lại tập trung vào mối liên kết giữa trẻ và người chăm sóc. Winnicott còn nhấn mạnh rằng khi một cá nhân được thừa nhận hoặc bị chối bỏ bản ngã đích thực (tức đứa trẻ bên trong) thì kết quả sẽ tác động tới toàn bộ đời sống sau này của cá nhân đó (3).
Từ những nhận định này, các học giả tiếp nối Freud và Jung, tức là những người theo quan điểm tâm động học và phân tâm học, đang có xu hướng coi khái niệm "đứa trẻ bên trong" như một nhánh của tâm lý tổng hợp (psychosynthesis).
Thậm chí, theo bác sĩ tâm thần người Ý là Roberto Assagioli, đứa trẻ bên trong còn là sự tổng hợp tâm lý của mọi độ tuổi (4). Những cột mốc (độ tuổi) phát triển trong quá khứ vốn không bị bỏ lại, mà thay vào đó, lại giúp định hình nên toàn vẹn con người chúng ta.
Assagioli cũng cho rằng con người tổng hợp tâm lý mọi độ tuổi bằng cách giữ lại những khía cạnh đã phát triển tốt nhất qua từng giai đoạn. Tương tự, cũng có ý kiến cho rằng đứa trẻ bên trong gồm toàn bộ những tháng năm trong quá khứ làm nên cuộc đời của mỗi cá nhân (5). Từ đó, quan điểm này cũng nhấn mạnh rằng việc tổng hợp tâm lý mọi độ tuổi đóng vai trò quan trọng trong việc nuôi dưỡng đứa trẻ bên trong.
Vậy khoa học hiện đại nói gì về đứa trẻ bên trong? Hạch hạnh nhân (amygdala) trong não bộ con người có thể góp phần trả lời cho điều này.
Hạch hạnh nhân (amygdala) là một bộ phận trong não có hình quả hạnh nhỏ, nằm sâu trong thùy thái dương. Hạch hạnh nhân đóng vai trò quan trọng trong việc phản ứng cảm xúc để điều tiết và đưa ra phản ứng phù hợp với môi trường.
Trong thời thơ ấu và ở tuổi dậy thì, hầu hết các phần trong não bộ đã phát triển tối đa, thế nhưng hạch hạnh nhân thuộc số ít các bộ phận vẫn còn đang tiếp tục phát triển.
Cụ thể, hạch hạnh nhân vẫn tiếp tục gia tăng số lượng tế bào thần kinh – có thể lên tới hai triệu (6).
Hiện tượng phát triển muộn nhưng mạnh mẽ này khiến các nhà nghiên cứu tin rằng hoạt động bất thường của hạch hạnh nhân có thể liên quan đến một số rối loạn phát triển thần kinh, đặc biệt là trong giai đoạn phát triển. Ví dụ, hiện tượng gia tăng số lượng tế bào thần kinh này ít hoặc không xuất hiện ở trẻ tự kỷ (6).
Các nghiên cứu gần đây đã phát hiện có một nhóm tế bào thần kinh chưa trưởng thành trong một vùng của hạch hạnh nhân, được gọi là nhân paralaminar (PL). Điều đáng nói là nhóm tế bào này không phát triển – hay nói chính xác là vẫn giữ nguyên trạng thái chưa trưởng thành – ở não người trưởng thành, thậm chí là ở cả những người 70 tuổi (7).
Điều này khiến các nhà khoa học bất ngờ vì hiện tượng này đi ngược với xu hướng phát triển của hầu hết các cơ quan trong cơ thể. Phát hiện trên khiến các nhà nghiên cứu tin rằng não bộ vẫn duy trì "một lối nhỏ" để quay về với những phản ứng cảm xúc xưa cũ.
Những trải nghiệm bất lợi thuở thơ ấu đã được chứng minh là tác động đến chức năng và cấu trúc (hay còn là thể tích) của hạch hạnh nhân, từ đó làm tăng nguy cơ phát triển các rối loạn tâm thần ở tuổi trưởng thành.
Về mặt chức năng, hạch hạnh nhân đã bị "buộc" phải trưởng thành bởi các biến cố đầu đời (8).
Điều đáng buồn là hoạt động bất thường của hạch hạnh nhân do các biến cố đầu đời gần như không thể nghịch đảo được. Chẳng hạn, hoạt động của tế bào hạch hạnh nhân trong chu trình đối phó với căng thẳng là không thể khôi phục, ngay cả khi môi trường đã trở về trạng thái cân bằng (9), (10). Các thiếu niên mắc rối loạn khí sắc - trầm cảm, lo âu, rối loạn lưỡng cực, rối loạn căng thẳng hậu chấn thương (PTSD)... - cũng gặp các vấn đề về phát triển hạch hạnh nhân và đây cũng chính là một nguyên nhân dẫn tới các rối loạn này ở tuổi trưởng thành (11), (12), (13)...
Có thể trong quá trình phát triển trước đây, các biến cố bất lợi đã khiến chúng ta liên tục có cơ chế "cảnh giác quá mức" (over-cautious mechanism) để đảm bảo cơ thể luôn được chuẩn bị cho các biến cố bất ngờ, nhất là trong môi trường được ghi nhận là đầy rẫy mối đe dọa.
Chẳng hạn, các nhà nghiên cứu đã phát hiện được rằng trẻ bị rối loạn lo âu cho thấy phản ứng hạch hạnh nhân quá mức trước những gương mặt đáng sợ (trong các sản phẩm giải trí) so với những đứa trẻ khỏe mạnh. Trong khi đó, những đứa trẻ bị trầm uất lại cho thấy phản ứng hạch hạnh nhân kém hơn (14).
Những người bị tổn thương hạch hạnh nhân xử lý thông tin cảm xúc chậm hơn, như là ít có khả năng phán đoán được cảm xúc qua nét mặt và mô tả tình huống (15). Trái lại, những người có hạch hạnh nhân dễ bị kích thích thường có xu hướng lo âu và sợ hãi (16), (17).
Các nhà khoa học đã nghiên cứu hình ảnh thần kinh của trẻ mồ côi được các gia đình có địa vị xã hội cao nhận nuôi. Họ đã phát hiện được rằng thể tích hạch hạnh nhân ở những trẻ này gia tăng. Nghiên cứu này củng cố cho tuyên bố rằng những biến cố đầu đời có thể gây ra hậu quả không thể nghịch đảo lên hạch hạnh nhân, cụ thể là gây bất thường về hình dạng và thể tích của bộ phận này (18), (19), (20).
Một vài nghiên cứu hình ảnh thần kinh khác lại cho kết quả về sự thu nhỏ hạch hạnh nhân.
Chẳng hạn, một số nghiên cứu ở những người trưởng thành từng chịu chấn thương tâm lý cho thấy hạch hạnh nhân nhỏ hơn và tăng cường hoạt động hơn (hyperactive) (11), (12), (21). Điều này cũng có thể được quan sát ở người mắc trầm cảm, rối loạn tính cách ranh giới (11), (12), (22). Tuy vậy, chúng ta vẫn cần cân nhắc tới tác động của tình trạng teo thần kinh do tuổi tác (aging-related neural atrophy) tới việc thu nhỏ thể tích này.
Nghiên cứu dựa trên phỏng vấn sâu 13 cụ già trong độ tuổi 70 - 91 đã cho thấy rằng đứa trẻ bên trong dường như vẫn hiện hữu trong tâm lý và nguồn lực nội tại của chúng ta trong suốt cuộc đời, bao gồm trí tưởng tượng, trí tò mò, cảm giác được yêu thương, sự gắn bó với người chăm sóc... (23). Theo nghiên cứu trên, đứa trẻ bên trong hiện diện khi ta đối diện với các khó khăn trong cuộc sống và hồi tưởng lại cảm giác được yêu thương, được chấp nhận thời thơ ấu.
Như vậy, có thể nói rằng câu chuyện cổ tích Cô bé bán diêm của Hans Christian Andersen chính là một hình ảnh minh họa cho đứa trẻ bên trong.
Không chỉ vậy, đây còn là bằng chứng rõ rệt rằng những tổn thương trong quá khứ không chỉ là khúc mắc tâm lý đơn thuần, mà còn là vấn đề thể lý. Đây được gọi là tình trạng chấn thương đã "mắc kẹt" (trapped) trong cơ thể (24).
Vậy, chúng ta phải làm gì để có thể chữa lành hạch hạnh nhân và đứa trẻ bên trong?
Hiện tại, khoa học thần kinh hiện đại vẫn chưa đưa ra được cách tối ưu để đảo ngược các "di chứng" ở hạch hạnh nhân.
Song, ngày càng có nhiều nghiên cứu cho thấy khả năng giảm thiểu những tổn hại, từ đó cải thiện sức khỏe hạch hạnh nhân.
Điểm mấu chốt là chúng ta cần nâng cao độ linh hoạt của thần kinh bằng các liệu pháp can thiệp về mặt xã hội, nhận thức và hành vi (25). Ví dụ, một nghiên cứu cho thấy Liệu pháp Hành vi Nhận thức (Cognitive Behavioral Therapy - CBT) được áp dụng cho bệnh nhân trầm cảm, giúp giảm tình trạng hoạt động bất thường của hạch hạnh nhân và thùy trán (frontal cortex) (26).
Bên cạnh đó, các liệu pháp tác động tới thể chất, như là liệu pháp thân nghiệm (somatic experience) có thể hỗ trợ cải thiện chức năng của các cấu phần trong não bộ, bao gồm cả hạch hạnh nhân. Tuy nhiên, hiệu quả này sẽ nâng cao hơn khi được kết hợp cùng các phương pháp phù hợp, như là thiền tập... (24), (27).
Một nghiên cứu khác cho rằng các khóa học và thực hành giảm căng thẳng dựa trên chánh niệm (Mindfulness-Based Stress Reduction - MBSR) giúp đẩy lùi mức độ căng thẳng, cũng như tăng cường mật độ thần kinh và chất xám ở hạch hạnh nhân. Bởi lẽ, cơn căng thẳng được cho là tỷ lệ thuận với mật độ chất xám ở hạch hạnh nhân (28).
Cũng như LeLa Journal đã nhắc tới ở bài trước, phương pháp thiền siêu việt (transcendental meditation) cũng có thể giúp bạn tìm về và cải thiện sức khỏe của đứa trẻ bên trong.
Phương pháp kích thích não sâu (deep brain stimulation) có thể hỗ trợ cải thiện tình trạng của hạch hạnh nhân. Đây cũng là phương pháp chữa trị cho những người mắc bệnh Parkinson - nhóm người bệnh thường gặp vấn đề bất thường ở hạch hạnh nhân (29), (30).
Tập thể dục có thể hỗ trợ cải thiện chứng teo thần kinh liên quan đến lão hóa giúp duy trì khối lượng hạch hạnh nhân ở mức lành mạnh (31). Nghiên cứu chỉ ra rằng càng lớn tuổi, những người ít tập thể dục có nguy cơ giảm khối lượng hạch hạnh nhân hơn nhóm người tập đều độ.
Việc tập thể dục vào buổi sáng cũng đóng góp tích cực vào tiến trình chữa lành này. Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc hưởng ánh nắng hoặc ánh sáng vào buổi sớm có thể giúp giảm các phản ứng quá mức ở hạch hạnh nhân - điều thường thấy ở người từng trải qua chấn thương tâm lý (32).
Thực phẩm lành mạnh, như các thực phẩm giàu vi chất, có thể hỗ trợ sự linh hoạt của khớp thần kinh và các chức năng nhận thức, cảm giác... (33), (34).
Như đã nhắc tới ở bài trước, LeLa Journal đã đề cập tới việc chúng ta cần chú ý tới chất lượng mối quan hệ - một yếu tố làm nên sự kết nối xã hội. Đặc biệt, khi đứa trẻ bên trong bạn đang chịu tổn thương và cần được chữa lành, bạn có thể trở nên nhạy cảm, dễ tổn thương trước những biểu hiện, lời nói và hành động tiêu cực.
Bạn có thể tăng cường "giao tiếp" với đứa trẻ bên trong, thông qua ghi chép các loại nhật ký như nhật ký biết ơn, nhật ký tự yêu bản thân, nhật ký 30 điều thiện nguyện mỗi tháng... (35). Ngoài ra, nguyên tắc quan trọng nhất khi chữa lành đứa trẻ bên trong là soi rọi vào quá khứ, thừa nhận những tổn thương, yêu thương bản thân vô điều kiện và xác định giới hạn cho đứa trẻ bên trong.
Các bài tập như bảng hỏi xác định cơ chế phòng vệ, xác định tác nhân kích hoạt các phản ứng phòng vệ hoặc khiến bạn lo sợ. Nếu bạn không thể nhớ lại các sự kiện thơ ấu, hãy thử bảng hỏi liệt kê dòng thời gian, hoặc công cụ điểm mặt các sự kiện quan trọng thời thơ ấu.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Tâm Lý?
Cập nhật những nghiên cứu và khám phá mới nhất về tâm lý.