Theo các quan điểm trị liệu của ba trường phái liệu pháp tâm lý trước đó (phân tâm học, nhận thức-hành vi và nhân văn-hiện sinh), nhà trị liệu thường tập trung vào việc "bắt bệnh" và "trị bệnh". Tuy nhiên, theo quan điểm trị liệu gần đây nhất của Tâm lý học Tích cực, các nhà tâm lý học lâm sàng không còn diễn giải các bất lợi, rối loạn như những vấn đề khiếm khuyết cần cải thiện nữa. Thay vào đó, họ cho rằng chính những rối loạn tinh thần đó tạo ra một hiện thực mới ở người bệnh, từ đó, công tác trị liệu hướng đến việc chấp nhận, chữa lành tổn thương và nuôi dưỡng một "cái tôi mới" từ thương tổn.
Trước đây, các hướng trị liệu thường nhìn nhận vấn đề tinh thần và thể lý như những nỗi khổ đau mà con người phải chịu đựng. Thế nhưng, mục tiêu của ngành Tâm lý học hiện đại lại là nâng cao hoàn cảnh sống, hướng đến sự an lạc (well-being) và vượt lên trên khó khăn.
Các nhà tâm lý học lâm sàng hiện đại không còn tập trung vào vấn đề nữa, mà dần xem các rối loạn như một dạng động cơ và điều kiện để thân chủ vươn tới sự phát triển cao hơn - phát triển tâm linh. Từ đây, một hướng tiếp cận trị liệu mới đã được hình thành: Tâm lý học Tích cực và trị liệu tâm linh.
Trong lịch sử ngành trị liệu, ba trường phái tiếp cận phổ biến trước đây là phân tâm học, nhận thức-hành vi và nhân văn-hiện sinh cũng đã từng lồng ghép hình thức thực hành chánh niệm tỉnh thức (mindfulness) (1), (2), (3), (4). Đây là một cách hữu hiệu để các nhà tâm lý học lâm sàng mổ xẻ, bóc tách triệu chứng và các vấn đề về tâm thức, nhân cách, cái tôi... của thân chủ.
Trị liệu tích cực kết hợp trị liệu tâm linh là trường phái đang dần nổi lên, khi nó vừa bảo đảm được mục tiêu kể trên của các nhà tâm lý học lâm sàng, vừa bắt kịp tinh thần "cần được chữa lành" của thời đại mới. Đây được coi là trường phái thứ tư trong trị liệu tâm lý, sau ba trường phái lớn vừa kể trên là phân tâm học, nhận thức-hành vi và nhân văn-hiện sinh.
Những nhà tiên phong trong trường phái thứ tư này có thể kể đến những cái tên như Martin E. P Seligman hay John R. Peteet, với mục tiêu chung là xây dựng khái niệm an lạc (well-being) như một hướng tiếp cận trị liệu mới (1). Cũng từ đó, khái niệm triển nở (flourish) và siêu năng (ultrabilitation) được xây dựng dựa trên công trình của Seligman về sự lạc quan, động lực và tính cách, chẳng hạn như Lý thuyết PERMA™.
Mời độc giả tham khảo bài viết đã được đăng tải trên LeLa Journal với tựa đề Lý thuyết PERMA: 5 điều làm nên sự hạnh phúc, an lạc
Siêu năng và triển nở là một trong hai từ khóa quan trọng của trường phái trị liệu tích cực và trị liệu tâm linh. Siêu năng (tạm dịch từ thuật ngữ "ultrabilitation") là khái niệm dùng để chỉ sự vượt lên trên "năng lực thể chất", nhằm thúc đẩy sự triển nở (flourishing), mà không quan tâm hoặc không chú trọng việc phục hồi.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng việc "thừa nhận" này không có nghĩa là chúng ta bỏ mặc hay không xử lý vấn đề, mà là chúng ta biết chấp nhận nỗi đau, thẳng thắn nhìn nhận và đối diện vấn đề để vượt qua nó. Chỉ như vậy, ta mới thực sự được chữa lành.
Để hiểu rõ về hướng trị liệu này, chúng ta có thể lấy ví dụ từ tác phẩm Die Erblindende (tức "Người phụ nữ mù dần") của nữ nhà thơ người Đức là Rainer Maria Rilke.
Die Erblindende nói về một người phụ nữ phải chấp nhận và tập thích nghi với việc mất năng lực thị giác. Bài thơ bắt đầu bằng cảnh người phụ nữ ngồi trong bữa tiệc, với động tác chậm chạp hơn người khác vì bà đang tập thích nghi với sự mù lòa như một điều "bình thường mới". Đến cuối bài thơ, người đọc thấy rằng bà đã dần chấp nhận thực tại mới, rằng bản thân không thể có lại thị lực như trước. Sau đó, bà trở nên tự do hơn, an lạc hơn.
Trong trường hợp này, siêu năng chính là khả năng phát triển các giác quan khác của người phụ nữ mù, triển nở là chấp nhận thực tại để sống an lạc hơn mà không đặt nặng việc phải phục hồi thị lực.
Theo ba quan điểm trị liệu tâm lý trước đây, nhà trị liệu thường chỉ xoay quanh vấn đề về sự thiếu hụt. Cụ thể, họ thường cho rằng bệnh tật là sự thiếu hụt các điều kiện và khả năng để giữ gìn sức khỏe lành mạnh.
Chính vì vậy, các nhà trị liệu trước đây thường tập trung vào việc "bắt bệnh" và đưa ra chiến lược đối phó với triệu chứng (8). Họ tìm cách khắc phục rối loạn và học cách thích nghi, trong khi bỏ qua các tiềm năng phát triển mới của thân chủ, cũng như không xét đến tình trạng tổng hợp về tinh thần, tâm linh, đạo đức... (5).
Với quan điểm trị liệu tích cực và trị liệu tâm linh, các nhà tâm lý học lâm sàng không còn diễn giải các bất lợi, rối loạn như những triệu chứng hay khiếm khuyết cần cải thiện nữa. Thay vào đó, họ cho rằng chính những khiếm khuyết, bất lợi, rối loạn sức khỏe đó tạo ra một "thực tại mới" ở thân chủ, từ đó, mở ra những hướng phát triển mới.
Cũng vì lẽ đó mà công tác trị liệu hiện nay đang dần "chuyển dịch", hướng đến việc chấp nhận, nuôi dưỡng và phát triển một "cái tôi mới" cả về mặt tâm linh, đạo đức lẫn thể lý. Như vậy, trường phái trị liệu tích cực và trị liệu tâm linh tập trung vào việc dung dưỡng giá trị tinh thần và đạo đức, kết nối tâm linh để tìm đến sự an lạc (well-being).
Chúng ta dễ thấy rõ xu hướng này ở các hình thức chữa lành (healing), phát triển (growth) các giá trị đạo đức và tinh thần, nhằm triển nở (flourish) từ chính điều kiện đó.
Tóm lại, làn sóng thứ tư chính là vận dụng Tâm lý học Tích cực để hướng đến sự an lạc và triển nở thông qua việc chấp nhận bản thân, chấp nhận nghịch cảnh và tập trung phát triển hệ thống giá trị đạo đức, tôn giáo/tâm linh. Nói cách khác, trị liệu tâm linh (spiritual therapy) có thể sẽ là xu hướng trị liệu tiếp theo (9).
Trong xu hướng này, hai điểm mấu chốt cần được nhắc tới là tâm linh và chữa lành tâm linh.
Như vậy, khái niệm "tâm linh" đi kèm các giá trị, ý nghĩa và mục đích sống, cũng như tiến trình phát triển nội tại của mỗi cá nhân, cộng đồng và cả sự vận hành thay đổi của các yếu tố truyền thống xã hội (11).
Trọng tâm của các liệu pháp trị liệu này là củng cố hệ thống giá trị đạo đức, ý nghĩa và niềm tin, cũng như phát triển các thế mạnh của thân chủ sau biến cố/nghịch cảnh. Dựa vào đó, người đang gặp vấn đề có thể tiếp tục phát triển bản thân mà không cần quan tâm đến kết quả của việc phục hồi, đồng thời, tìm được hạnh phúc từ việc đón nhận khiếm khuyết như những đặc điểm "bình thường mới" của mình.
Các nhà trị liệu theo làn sóng thứ tư dựa vào nền tảng là các triết thuyết tôn giáo/tâm linh, kết hợp cùng các quan điểm nhân văn-hiện sinh, chánh niệm và liệu pháp thân-tâm (psycho-soma therapy).
Cụ thể, một số liệu pháp phổ biến hiện nay của trường phái trị liệu tích cực và trị liệu tâm linh có thể kể đến như sau:
Tâm lý học Tích cực với các kỹ thuật như liệu pháp hy vọng, viết chữa lành, liệu pháp tự lực, liệu pháp nhóm, khai vấn cuộc đời... giúp thân chủ hình dung ra được phiên bản tốt nhất mà họ có thể đạt tới (13). Trong đó, chúng ta có thể đặt ra một số câu hỏi, như: "Điều gì làm nên một cuộc đời đáng sống?", "Cách để tìm kiếm sức mạnh nội tại để vượt qua thách thức?", "Cách để nuôi dưỡng lòng biết ơn từ những điều nhỏ nhặt lẫn to lớn", "Cách để tìm thấy ý nghĩa từ cuộc sống mỗi ngày?"... (14).
Đề cao khả năng chú tâm và tỉnh thức, liệu pháp này giúp thân chủ nuôi dưỡng khả năng quán chiếu hiện tại, nhận thức hiện thực mà không phán xét hoặc đánh giá các chấp niệm, cảm xúc mạnh, trạng thái cơ thể và tinh thần, đồng thời học cách chấp nhận trải nghiệm trong hiện tại (14), (15).
Chẳng hạn, phương pháp 8 tuần giảm căng thẳng dựa trên tỉnh thức (mindfulness-based stress reduction - MBSR) cũng dựa vào việc thực hành chiêm nghiệm (16). Cách làm này có thể cải thiện tình trạng lo âu, trầm cảm, đau mạn tính, nghiện ngập, rối loạn miễn dịch, huyết áp cao... Mục tiêu của MBSR là đưa mọi người vào trạng thái tỉnh thức ở khoảnh khắc hiện tại, chiêm nghiệm những suy nghĩ, cảm xúc cá nhân mà không đánh giá, phán xét, chìm sâu trong nỗi đau ở quá khứ và lo lắng cho tương lai.
Liệu pháp này hướng đến việc giúp thân chủ "kể lại" câu chuyện cuộc đời họ theo một góc nhìn mới, tích cực hơn thông qua việc nhận diện các giá trị cá nhân quan trọng mà không bị áp đặt các giá trị hay buộc phải chấp nhận góc nhìn của nhà trị liệu (17), (18).
Theo đó, thân chủ có khả năng tự quyết, tự xác định các giá trị quan trọng và viết lại câu chuyện đời mình sau khi đã xác định rõ các giá trị (19). Liệu pháp này giúp các cá nhân chống lại xu hướng bi kịch hóa, tâm lý tự lụn bại (self-defeating), để rồi được chữa lành và hướng đến sự an lạc (20).
Nhà trị liệu cùng thân chủ khám phá các ý niệm về hoàn cảnh sống, các giá trị đạo đức, diễn ngôn cuộc đời, ý chí của thân chủ... để từ đó đi tìm ý nghĩa mới cho cuộc sống. Theo cách làm này, chúng ta cần chú tâm đến ý nghĩa của từng hoạt động hằng ngày, kể cả khi rơi vào khốn khó. Viết nhật ký biết ơn có thể được xem như một hình thức tìm kiếm ý nghĩa từ những điều nhỏ nhặt thường ngày.
Đây được xem như một cách hỗ trợ tinh thần giúp nâng cao khả năng chịu đựng (21).
Liệu pháp này có mối liên quan khá rõ rệt với liệu pháp ý nghĩa (logotherapy) được đề ra bởi Victor Frankl, với trọng tâm là tìm kiếm ý nghĩa cuộc đời để được chữa lành (22).
Liệu pháp thông linh bao gồm nhưng không giới hạn các thực hành như cầu nguyện, nghiên cứu văn kiện cổ linh thiêng, các bí tích lịch sử và tìm sự trợ giúp của cộng đồng tôn giáo.
Nghiên cứu tổng hợp về liệu pháp này cho thấy có hiệu quả về mặt trị liệu, kể cả khi nhà tâm lý học lâm sàng không đứng trên quan điểm tôn giáo (23), bởi nó cung cấp cho chúng ta những lý tưởng, giá trị và các nguyên tắc đạo đức từ ngàn xưa để lại. Từ đó, ta dễ tìm thấy ý nghĩa sống mới, hạnh phúc, hy vọng và khả năng vượt qua cơn tuyệt vọng hiện tại (24).
Ngoài các kỹ thuật chính vừa nêu trên, các nhà trị liệu có thể vận dụng kết hợp thêm các kỹ thuật khác như liệu pháp lòng trắc ẩn trọng tâm (compassion focused therapy), thiền tâm từ (loving-kindness meditation) hoặc các liệu pháp can thiệp tập trung vào phẩm hạnh và sức mạnh tự thân (strength-based and virtue-centered) cũng như thực hành nuôi dưỡng lòng biết ơn, lòng vị tha...
Giáo sư John Peteet, trong một buổi hội thảo năm 2017, đã bàn luận về các thách thức đạo đức, thực tiễn và khó khăn khi đề cập tới "trường phái thứ tư" - trị liệu tâm linh & tích cực này (25).
Peteet quan sát thấy rằng các nhóm liệu pháp hiện nay đặt ra nhiều thách thức. Trong đó, một trong số những vấn đề lớn nhất là cách xác định rõ tiến trình chuyển dịch xu hướng trị liệu này. Chính xác hơn là các chuyên gia hiện nay đang gặp trở ngại trong việc xác định hệ thống lý thuyết và đánh giá đúng mực về khả năng can thiệp của các liệu pháp kết hợp.
Chẳng hạn, liệu "lòng biết ơn" phải được nhận diện như thế nào? Sẽ thế nào nếu một người thấy biết ơn và hạnh phúc với những nhiều nhỏ nhặt trong đời sống, nhưng chưa thể thấy biết ơn những người thân trong gia đình đã từng gây ra khổ đau cho mình? Như vậy, liệu người này đã được chữa lành hay chưa, khi mà vẫn còn những vấn đề tiềm ẩn có thể ảnh hưởng tới hạnh phúc cá nhân trong tương lai?
Thách thức lớn hơn lại có liên quan đến xung đột giá trị. Trong bối cảnh này, có thể tồn tại xung đột giá trị giữa ba bên là thân chủ, nhà trị liệu và môi trường trị liệu.
Peteet lo ngại rằng hệ giá trị của nhà trị liệu có thể tác động đến thân chủ một cách vô tình hoặc có chủ đích. Chẳng hạn, nhà trị liệu có thể áp đặt nhân sinh quan cá nhân lên nạn nhân bị bạo hành và khuyên nhủ rằng họ nên tha thứ cho kẻ bạo hành.
Để giảm thiểu rủi ro này, các nhà trị liệu cần thẳng thắn về mục tiêu trị liệu và nỗ lực hướng tới các mục tiêu tích cực đã được thân chủ đồng thuận. Bên cạnh đó, nhà trị liệu cũng cần chia sẻ từ sớm về hệ thống giá trị sẽ được sử dụng trong trị liệu, cũng như cam kết về lợi ích của giá trị đó.
Môi trường và bối cảnh trị liệu cũng có thể là nguồn gốc của xung đột giá trị. Peteet nhận thấy rằng tính hợp lệ của một liệu pháp can thiệp được xác định phần lớn dựa trên các hướng dẫn chung của chính phủ/tổ chức quản lý, chính sách, quy tắc, đạo đức chuyên môn...
Do các liệu pháp can thiệp mới của làn sóng thứ tư ít tập trung vào sự thiếu hụt và bệnh tật (vấn đề) mà chú trọng vào sự phát triển, nên thân chủ sẽ gặp nhiều trở ngại để được xác nhận điều kiện y tế, chẳng hạn như là lãnh trợ cấp bảo hiểm hoặc lấy phép ngày nghỉ bệnh...
Chẳng hạn, một người khó có thể xin nghỉ phép bệnh để đi trị liệu với mục đích "tìm kiếm ý nghĩa cuộc đời".
Với quan điểm vị nhân sinh, vị đạo đức và hướng đến hiện tại chủ quan của mình, các nhà tâm lý học lâm sàng của làn sóng trị liệu thứ tư thừa nhận rằng: Chấp nhận nghịch cảnh và triển nở hướng đến sự siêu năng có thể tác động tích cực đến sự an lạc. Song, chúng ta không thể phủ nhận rằng điều này cũng dấy lên nhiều vấn đề, hoặc có một số cá nhân lợi dụng liệu pháp tâm linh để trục lợi từ thân chủ.
Dẫu còn nhiều thách thức về mặt lý thuyết và thực hành, nhưng với quan điểm cấp tiến, làn sóng thứ tư hứa hẹn sẽ tạo ra một cuộc cách tân về triết học và về quan điểm trị liệu khi xem xét các rối loạn dựa trên khả năng phát triển về tinh thần và tâm linh của con người, thay vì tập trung vào "hậu quả" trong tâm lý.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Tâm Lý?
Cập nhật những nghiên cứu và khám phá mới nhất về tâm lý.