Dường như con người trong thời đại ngày nay đang phải ngầm đấu tranh với một vấn đề dần nhen nhóm thành "đại dịch": Sự cô đơn. Vậy, liệu có liều thuốc nào chữa trị cô đơn?
Vào tháng 1/2018, cả thế giới sững sờ khi Chính phủ Anh tiên phong lập ra cơ quan chữa trị cô đơn với đầy đủ ban bệ như một bộ ngành bình thường (1). Khi đó, nhiều người đã buông lời chế giễu tên gọi của cơ quan này – Bộ Cô đơn. Tuy nhiên, giữa thời cuộc khác lạ, sự xuất hiện của những ban ngành lạ thường cũng... chẳng có gì bất thường cả.
Bộ Cô đơn Anh Quốc giám sát các mối quan hệ hợp tác công-tư đang gắn kết hàng triệu người với nhau, bằng các chương trình cộng đồng như tản bộ giữa thiên nhiên, workshop sáng tác, nhặt rác nơi công cộng... Sau Anh, chính phủ các quốc gia khác như Thụy Điển và Úc, dù không lập ban ngành riêng để giải quyết tình trạng cô đơn, cũng đã kêu gọi Bộ trưởng Xã hội đặc biệt lưu tâm đến vấn đề này.
Song, Nhật Bản mới là nước đưa tình trạng cô đơn lên tầm vấn nạn quốc gia. Vào ngày 12/2/2021, truyền thông Nhật "chấn động" khi Tetsushi Sakamoto được bổ nhiệm làm Bộ trưởng cho một cơ quan vô cùng đặc biệt: Bộ Phòng chống Cô đơn (kodoku mondai tantō kokumu daijin trong tiếng Nhật) (2). Các mục tiêu được đề ra như giảm tình trạng cách ly trong xã hội, giảm tỷ lệ tự cô lập bản thân và giảm tỷ lệ tự sát chính là những nhiệm vụ tối quan trọng của ngài Sakamoto – Bộ trưởng Bộ Phòng chống Cô đơn đương nhiệm.
Sau trầm cảm, thế giới cần chữa cô đơn. Câu hỏi đặt ra là tại sao chúng ta cần chữa cô đơn? Và chúng ta có thể tìm liều thuốc trị cô đơn ở đâu?
Cô đơn là cảm giác khó chịu về mặt cảm xúc và nhận thức khi ở một mình hoặc nhận thấy bản thân đang đơn độc (3). Như vậy, nếu bạn bắt gặp một người ở một mình mà vẫn thoải mái, hạnh phúc thì người đó không chịu cô đơn, tức là chưa hoặc không gặp phải những vấn đề nghiêm trọng mà chúng ta đang nói đến.
Trong khi đó, sự cô lập xã hội mới là tình trạng đáng báo động. Chúng ta sống trong kỷ nguyên nội dung nhanh, nơi thông tin tràn ngập, trong những thành phố có mật độ dân cư dày đặc. Thế nhưng, ta vẫn có thể thấy cô đơn, lạc lối và thậm chí là rơi vào trầm uất.
Chẳng hạn vài năm trước đây, do đại dịch COVID-19 mà mọi người phải hạn chế gặp gỡ, từ đó cô đơn đã tác động không nhỏ đến tâm lý và sức khỏe tinh thần của nhiều người (4).
Cô đơn không chỉ "nghiền nát" tinh thần chúng ta, mà theo các nhà nghiên cứu, tình trạng này còn gây nguy hại cả về thể chất. Những người rơi vào cảnh cô đơn dễ gặp nguy cơ mắc bệnh tim mạch, sa sút trí tuệ, đột quỵ hoặc thậm chí là có tỷ lệ tự sát cao hơn người bình thường (5), (6), (7).
Trên thực tế, cô đơn liên quan đến sự cô lập xã hội do chính cá nhân hoặc do xã hội gây ra. Chẳng hạn, một cá nhân bị tập thể cô lập có thể là do nhóm đó không muốn tương tác với người này, hoặc do chính người này chủ động tách mình ra khỏi đó. Song, dù vì lý do nào chăng nữa, tình trạng cô lập cũng có thể khiến con người dần suy kiệt sức khỏe thể chất lẫn tâm lý, thậm chí là... tiêu tốn tài nguyên quốc gia. Ví dụ dễ nhận thấy chính là việc các chính phủ phải trích một khoản trợ cấp cho các người cô đơn, neo đơn trong xã hội (8). Đặc biệt, vấn nạn cô đơn này đã tiêu tốn của Chính phủ Hoa Kỳ tới 406 tỷ USD/năm (hơn 9,8 triệu tỷ đồng/năm) (9).
Theo báo cáo từ Tổng Y sĩ Hoa Kỳ là Tiến sĩ Vivek Murthy, mức độ "ăn mòn cơ thể và tâm hồn" của cô đơn không kém gì việc hút 15 điếu thuốc hoặc nốc 6 cốc rượu mạnh mỗi ngày (10), (11), (12), (13).
Dữ liệu cho thấy người trưởng thành gặp rắc rối tâm lý sẽ có nguy cơ cảm thấy cô đơn cao gấp hai lần so với nhóm có sức khỏe tinh thần lạc quan (14), (15). Ở chiều ngược lại, người cô đơn cũng có rủi ro gặp biến cố về sức khỏe tinh thần cao hơn, nghiêm trọng hơn người bình thường.
Tồi tệ hơn, cô đơn cũng chính là "thủ phạm" hàng đầu gây ra những vụ tự sát và những hành vi tự hoại, như là hút thuốc, uống rượu, lạm dụng thuốc. Tại Nhật Bản, đại dịch cô đơn này đã "càn quét" và cướp đi hàng nghìn sinh mạng chỉ vì mọi người vẫn còn xấu hổ và ái ngại khi đề cập đến nỗi cô đơn và việc vật lộn với trầm cảm. Sau 11 năm tìm cách hạn chế số ca tự sát, nỗ lực này bị đánh bại vào năm 2020, khi số người chết vì tự sát và cô đơn còn cao hơn tổng số ca tử vong vì COVID-19 trên toàn nước Nhật (16).
Paul Dolan - Giáo sư Khoa học Hành vi tại Trường Kinh tế London (Anh) - chia sẻ rằng:
Con người vốn là sinh vật xã hội, nhưng con người hiện đại lại đang sống trong những xã hội nguyên tử (atomized society), nơi mỗi cá thể là riêng lẻ, phát triển độc lập và hạn chế tương tác qua lại giữa các thành viên (17).
Có thể nói rằng tình trạng cô đơn ít liên quan đến sự khó khăn về kinh tế, mà thường đi kèm với những khủng hoảng xã hội. Trong lịch sử, đã có những cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng, nhưng con người lại không rơi vào tình trạng tuyệt vọng như trong thời đại hiện nay (18). Theo lý giải của nhà báo Nicholas Kristof trên tờ New York Times:
Từ quan điểm này, chúng ta dễ nhận thấy rằng các trung tâm hỗ trợ, hội nhóm cộng đồng địa phương, cơ sở tôn giáo, các tổ chức chính phủ, bạn bè và người thân… chính là những sự kết nối giúp con người vượt qua nỗi đau suy thoái kinh tế, thất nghiệp, phá sản...
Một trong những nghịch lý của loài người là sự giàu có về đời sống vật chất lại dễ tạo điều kiện cho sự cô độc. Khi ngừng sống chen chúc trong một "túp lều tranh", chúng ta có xu hướng tách ra riêng, ở những căn phòng biệt lập, trong những ngôi nhà kín cổng cao tường.
Từ đó, mỗi người có một căn buồng bê tông riêng biệt, với lịch làm việc độc lập, vật lộn với những nỗi lo riêng như các khoản thế chấp và hóa đơn cá nhân... Tất cả những điều này đã khiến các gia đình trở nên bận rộn đến mức không có thì giờ để ngồi ăn một bữa cơm tề tựu với đầy đủ thành viên.
Khủng hoảng xã hội trở thành tiền đề của những cuộc khủng hoảng niềm tin, khủng hoảng căn tính... nối tiếp và chồng chất lên nhau. Nhiều người nghĩ rằng Facebook và các mạng xã hội khác sẽ gắn kết chúng ta lại với nhau, nhưng nhiều chuyên gia đã cho rằng những nền tảng này lại khiến chúng ta cô đơn hơn, chính xác hơn là "mạng xã hội khiến chúng ta mất kết nối xã hội" hơn (19).
Khi dùng Instagram, chúng ta thực chất chỉ đang nhìn ngắm đời sống vui vẻ của người khác qua chiếc màn hình xanh.
Một lý do quan trọng là nhiều người hiện nay không thể gượng dậy sau những đổ vỡ tình cảm và mối quan hệ (20). Dẫu con người luôn tìm kiếm người bạn đồng hành và các mối quan hệ gắn kết, nhưng trước hiện thực kinh tế và cảm xúc tiêu cực như hiện nay, họ lo sợ vấp phải những vấn đề như chia tay, tình cảm tan vỡ, gãy đổ hôn nhân, thậm chí là "vòng xoay khổ đau", giống như những thế hệ trước. Từ đó, nhiều người ngày càng thoái lui khỏi các hoạt động kết nối xã hội.
Nhiều người đã tự nguyện thoái lui, còn một số khác là do bất lực với hiện thực nên buộc phải trốn mình trong nhà. Tại Nhật Bản, tình trạng này được gọi là "hikikomori" (21).
Ai đang cô đơn hơn ai?
Tất cả những điều trên có thể góp phần giải thích cho cuộc khủng hoảng về sức khỏe tâm thần của giới trẻ trong hơn chục năm qua (22). Chúng ta thường nghĩ rằng những người lớn tuổi là những người cô đơn nhất, nhưng các cuộc thăm dò ngày càng cho thấy những người trẻ tuổi lại có nguy cơ chịu cô đơn cao gấp đôi so với những người cao tuổi. Theo khảo sát của Meta-Gallup tại 142 quốc gia, chỉ có 17% người từ 65 tuổi trở lên cho biết họ cảm thấy cô đơn, trong khi hơn một nửa những người dưới 45 tuổi báo cáo họ "luôn cảm thấy vô cùng cô đơn" (23).
Tại Việt Nam, báo cáo năm 2021 về “Cô đơn và đau khổ tâm lý ở học sinh
Trung học Phổ thông Thừa Thiên – Huế” của tác giả Hồ Thị Trúc Quỳnh và Nguyễn Thanh Hùng cho thấy, có 97,3% học sinh trung học phổ thông tự báo cáo cảm thấy cô đơn và 78,3% gặp vấn đề tâm lý (24). Theo công bố của "Báo cáo Khảo sát hành vi sức khỏe học sinh toàn cầu tại Việt Nam năm 2019", có khoảng 7% trong số 7.800 bạn trẻ trong độ tuổi 13 – 17 thường xuyên cảm thấy lo lắng, 13% bạn trẻ cảm thấy cô đơn trong phần lớn thời gian hoặc luôn thấy cô đơn (25).
Stuart Andrew, Bộ trưởng đương nhiệm của Bộ Cô đơn Anh quốc nói rằng một trong những thách thức chữa trị cô đơn là những định kiến xoay quanh nó – tức là, chúng ta sợ sự xấu hổ và cảm giác lạc loài. Sự thật là liều thuốc chữa trị cô đơn không hề đắt đỏ, càng không cần đến công nghệ tân kỳ mà ngược lại, chỉ một bữa ăn quây quần, một buổi sinh hoạt thiện nguyện cộng đồng... cũng đủ chữa lành cảm giác cô độc, hiu quạnh trong lòng mỗi người.
Một nghiên cứu đánh giá tổng hợp 148 nghiên cứu đã kết luận rằng:
Chính vì vậy, việc gia nhập các đội nhóm tình nguyện, các sự kiện xã hội, các không gian học tập cộng đồng, hoặc chỉ đơn giản hơn là những không gian công cộng như công viên, thư viện... cũng có thể giúp bạn cải thiện cảm giác mất kết nối.
Đó là cũng là cách mà Bộ trưởng Bộ Cô đơn Anh quốc đã đề xuất gói hỗ trợ 100 triệu USD (hơn 2,4 ngàn tỷ đồng) để thúc đẩy các sáng kiến cộng đồng và xây dựng cơ sở hạ tầng, phục vụ mục tiêu kết nối hỗ trợ (27).
Cách làm trên cũng phù hợp với giải pháp thực tiễn được đề xuất bởi Tiến sĩ Vivek Murthy, với bộ khung giải pháp gồm 6 khía cạnh cốt lõi như sau (13):
Bên cạnh đó, khi xét theo cấp độ nhỏ hơn, báo cáo của Tiến sĩ Vivek Murthy cũng đề cập tới 3 yếu tố tiên quyết của sự kết nối xã hội, bao gồm cấu trúc, chức năng và chất lượng của kết nối đó (13), (28).
Chẳng hạn, bạn có thể tìm kiếm sự hướng dẫn (chức năng) từ nhóm bạn bè (cấu trúc) để thấy bản thân được đón nhận trong tương tác đó (chất lượng).
Như vậy, chỉ cần lưu ý tới ba yếu tố kể trên, bạn đã có thể bước từng bước trên hành trình "chữa lành" cô đơn rồi.
Bên cạnh đó, nuôi thú cưng cũng là một giải pháp để mang lại cảm giác đồng hành, bầu bạn và xoa dịu cảm giác cô đơn.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Tâm Lý?
Cập nhật những nghiên cứu và khám phá mới nhất về tâm lý.