Trong những năm gần đây, nhu cầu về "chữa lành tinh thần" bắt đầu rộ lên và trở thành một trào lưu của đời sống hiện đại. Số lượng tìm kiếm trung bình hằng tháng cho các từ khóa liên quan đến "chữa lành" trong năm vừa qua là 85.870 lượt (theo công cụ phân tích từ khóa Semrush). Thế nhưng, liệu sau khi gõ những dòng tìm kiếm trên Google, bạn đã thật sự hiểu đúng về chữa lành hay tìm được đúng cách chữa lành?
Đằng sau sự gia tăng về nhu cầu chữa lành là một loạt các yếu tố phức tạp, từ thay đổi về lối sống, môi trường, đến tình trạng tâm lý và xã hội, đặc biệt là ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Sau đây là 5 nguyên nhân rõ rệt có thể kể đến:
1. Áp lực công việc và nỗi lo tài chính: Cuộc sống hiện đại đặt lên chúng ta áp lực từ nhiều phía, gồm kỳ vọng của gia đình đối với thành tích học tập, công việc đòi hỏi hiệu suất cao, thời gian làm việc kéo dài, cắt giảm nhân sự và sa thải hàng loạt, tài chính thiếu ổn định… Các dẫn chứng từ một nghiên cứu được công bố trong tạp chí The Lancet đã cho thấy rằng áp lực công việc có thể dẫn đến tăng nguy cơ mắc các rối loạn tâm lý như trầm cảm và lo âu (1). Nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học K. Zivin, M. Paczkowski và S. Galea đăng trên tạp chí National Library of Medicine cũng đã chỉ ra mối liên kết giữa suy thoái kinh tế với những trạng thái tâm lý tiêu cực ở con người (2).
2. Chạy theo những tiêu chuẩn xã hội vô hình: Xã hội hiện đại đang đặt ra quá nhiều tiêu chuẩn và kỳ vọng về cách con người nên sống, hành xử và thành công như thế nào. Chẳng hạn, ngày trước, chúng ta không có tiêu chuẩn về cách "phát ngôn" trên mạng xã hội, không phải vì những tiêu chuẩn đó không đúng hay không quan trọng, mà chỉ là mạng xã hội lúc đó còn chưa tồn tại.
Trong số đó, tiêu chuẩn về ngoại hình cũng tác động mạnh trong một thời gian dài với từ khóa "body shaming" xuất hiện trung bình 54.260 lần mỗi tháng trên Google tại Việt Nam nói riêng, và 230.100 lần trên thế giới nói chung (theo công cụ phân tích từ khóa Semrush). Chạy theo những tiêu chuẩn vô hình này cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến căng thẳng tinh thần và các vấn đề rối loạn tâm lý (3).
3. Sự phát triển của công nghệ và "lối sống vội": Cuộc sống hiện đại kéo theo nhịp sống nhanh và vội hơn bao giờ hết, cùng với đó là sự phụ thuộc vào công nghệ và các thiết bị điện tử. Trong thập kỷ qua, mạng xã hội trực tuyến đã gây ra những thay đổi sâu sắc trong cách con người giao tiếp và tương tác. Chúng ta bắt đầu dành nhiều thời gian hơn trước màn hình điện thoại, máy tính và đặc biệt là ngủ ít hơn. Đôi lúc, chúng ta có thể có cảm giác bị "cắt đứt" khỏi thế giới thực. Một số nghiên cứu đã chỉ ra việc sử dụng các trang mạng xã hội trong một thời gian dài, như là Facebook, TikTok... có thể liên quan đến dấu hiệu của chứng nghiện Internet, tự ti, trầm uất... (4).
4. Biến đổi khí hậu và thảm họa tự nhiên: Sự biến đổi khí hậu và thiên tai như bão, lũ lụt, hạn hán, cháy rừng… cũng có thể gây ra lo âu và sự bất ổn trong tinh thần. Người dân sống ở các khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng bởi những hiện tượng này thường phải đối mặt với căng thẳng tinh thần và tổn thương tâm lý cao hơn. Gần đây, các nghiên cứu khoa học cho thấy không chỉ biến đổi khí hậu có thể làm tăng nguy cơ trầm uất và rối loạn căng thẳng do chấn thương tâm lý, mà nhiệt độ tăng cao và chất lượng không khí giảm cũng có hại cho sức khỏe tinh thần của con người (5), (6).
5. Đại dịch COVID-19 và những tàn dư còn sót lại: Có thể đã trải qua một khoảng thời gian đủ lâu để chúng ta tạm quên đi sự tồn tại của cơn đại dịch xảy ra gần 4 năm trước, nhưng không thể phủ nhận những hậu quả mà COVID-19 để lại là quá lớn. Đó là những di chứng về sức khỏe, sự cô lập vì cách ly kéo dài, chuyển đổi từ học và làm việc trực tiếp sang học và làm việc trực tuyến, song song đó là gánh nặng về kinh tế đã được đề cập ở mục đầu tiên.
Một loạt nghiên cứu khoa học đã chỉ ra tác động mạnh mẽ của đại dịch COVID-19 đối với các vấn đề tâm thần như rối loạn trầm uất, lo âu, chấn thương tâm lý… Điều đáng buồn là tất cả những tác động này hầu như ảnh hưởng đến mọi đối tượng là phụ huynh, trẻ em, trẻ vị thành niên (7), (8), (9).
Như vậy, nhu cầu chữa lành tinh thần ngày càng tăng không vì một nguyên nhân cụ thể, mà là kết hợp của nhiều yếu tố. Việc nhận thức và đối phó với những thách thức này trở nên ngày càng quan trọng để đảm bảo sức khỏe tinh thần cho tất cả mọi người.
Thế giới càng biến động, chúng ta càng nên bình tĩnh để nhìn nhận tình trạng tâm lý và lắng nghe cảm xúc của chính mình.
Có bao giờ bạn dừng lại và tự hỏi: "Chữa lành thực chất là dũng cảm đối mặt với mọi vấn đề hay chạy trốn để tạm quên những nỗi đau?"
Vậy "healing" (chữa lành) khác với "retreat" như thế nào?
Trên thực tế, chữa lành không chỉ là "sửa chữa" bên ngoài, mà còn là khám phá, hiểu rõ và đối diện với bản thân mình từ bên trong. Đó là một tiến trình phức tạp, bao gồm việc xoa dịu tâm hồn và tạo điều kiện để tinh thần phục hồi, phát triển. Bạn có thể tìm hiểu thêm về lý do chúng ta cần chữa lành và những liệu pháp chữa lành đã được công nhận từ bài viết đã được đăng tải trên LeLa Journal.
Trong khi đó, "retreat" (tạm dịch là "nghỉ dưỡng", "tĩnh dưỡng" , "nghỉ ngơi tịnh tâm") là khoảng thời gian mà chúng ta tạm dừng các hoạt động thường ngày của mình và đi đến một nơi yên tĩnh để cầu nguyện hoặc tập trung suy nghĩ với sự hướng dẫn nhất định (10).
"Retreat" chính là "ta dại ta tìm nơi vắng vẻ" (theo lời cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm) để an trú trong sự yên bình, tĩnh lặng và thư giãn sau những bộn bề lo toan của cuộc sống.
Một số hoạt động hỗ trợ tiến trình "retreat" có thể kể đến là thiền, yoga, liệu pháp spa, vẽ tranh, viết, làm thủ công hoặc tham gia vào các khóa học nghệ thuật, trở về và kết nối với thiên nhiên.
Đối mặt để "healing" và "retreat" để tạm quên, ta chọn cái nào?
Mục tiêu của chữa lành là thấu hiểu và thúc đẩy sự phục hồi tâm lý, phát triển và thay đổi cuộc sống theo hướng tích cực hơn. Hay nói cách khác, chữa lành là dũng cảm đối mặt và vượt qua những nỗi đau để trở nên mạnh mẽ và tự tin hơn.
Trong khi đó, "retreat" hướng đến việc tạo điều kiện để cơ thể tái nạp năng lượng, thư giãn và tăng cường sự tập trung, thay vì giải quyết các vấn đề tâm lý phức tạp. Có thể nói "retreat" là một cuộc chạy trốn tạm thời để quay lại và "lợi hại hơn xưa".
Tựu trung lại, có thể nói rằng tốc độ lan truyền của Internet đã khiến thuật ngữ "chữa lành" bị hiểu lệch đi phần nào. Trên thực tế, đây là một tiến trình vô cùng phức tạp và đôi khi đầy gian nan. Bằng cách hiểu rõ bản thân, tham khảo ý kiến chuyên gia và tạo ra một môi trường tích cực, lành mạnh, chúng ta sẽ có cơ hội để hồi phục và trưởng thành. LeLa Journal mong rằng, trên hành trình tìm kiếm sự tự do và bình yên trong tâm hồn, bạn luôn có đủ kiên nhẫn và dũng khí để tạo nên một phiên bản tốt hơn của chính mình.
Du lịch có thật sự giúp chữa lành?
Những năm gần đây, các địa danh nổi tiếng với thiên nhiên hoang dã và phong cảnh hữu tình ngày càng thu hút khách du lịch. Người người rủ nhau đi du lịch để… chữa lành. Nhưng thực tế, du lịch chỉ là một hình thức "retreat" giúp chúng ta tạm thoát khỏi môi trường quen thuộc và nhìn cuộc sống từ một góc nhìn khác, khám phá cảnh quan mới và thư giãn tinh thần, đồng thời gặp gỡ và tạo mối liên kết xã hội với những người xung quanh.
Kết quả nghiên cứu khoa học cho thấy, những chuyến du lịch có tác động tích cực đến sức khỏe và tinh thần của chúng ta, nhưng không nhiều, và những tác động này sẽ sớm phai mờ đi sau khi chúng ta quay trở lại với cuộc sống thường ngày (11), (12). Thậm chí, nhiều người vừa đi du lịch về còn có thể thấy mệt mỏi hơn, do suy nghĩ "lại phải quay trở về đồi mặt với vấn đề này".
Do đó, nếu bạn đang trải qua tổn thương tâm lý, căng thẳng kéo dài hoặc các vấn đề tâm lý nghiêm trọng, du lịch không thể giải quyết hoàn toàn vấn đề. Bạn cần tìm kiếm sự giúp đỡ từ chuyên gia để nhận được sự hỗ trợ và trị liệu chuyên nghiệp.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Tâm Lý?
Cập nhật những nghiên cứu và khám phá mới nhất về tâm lý.