Thông thường, nhiều người thường cho rằng những người béo phì vốn nạp thừa chất vào cơ thể nên mới sinh ra tình trạng quá cân và ngược lại, người nạp thiếu chất sẽ bị suy dinh dưỡng. Song, vẫn có một nhóm người tuy mắc béo phì nhưng vẫn rơi vào tình trạng… suy dinh dưỡng. Tại sao lại như vậy và phải làm sao để xử lý vấn đề "oái oăm" này?
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thế giới hiện nay có khoảng 1 tỷ người mắc chứng béo phì. Trong đó, người trưởng thành chiếm 65%, trẻ vị thành niên chiếm 34% và trẻ nhỏ chiếm 3,9%. Đặc biệt, con số này vẫn đang tiếp tục tăng, tới mức WHO đã đưa ra cảnh báo rằng đến năm 2025, sẽ có thêm 167 triệu người bị suy giảm sức khỏe vì thừa cân hoặc béo phì (1). Đáng nói nhất là ngay tại Việt Nam, số người béo phì lại tăng nhanh nhất trong các nước Đông Nam Á (2).
Nhưng vấn đề không dừng lại ở đó, bởi trong nhóm thừa cân, béo phì này cũng có những người bị suy dinh dưỡng.
Thừa cân và béo phì là tình trạng tích tụ mỡ bất thường hoặc quá mức, dẫn đến suy giảm sức khỏe. Trong đó, chỉ số khối cơ thể hay chỉ số thể trọng BMI (viết tắt của "Body Mass Index") là một công cụ quan trọng để xác định tình trạng thừa cân, béo phì (3).
Tuy nhiên, như LeLa Journal đã nhắc tới ở bài trước, nhược điểm lớn của BMI là không phân biệt được cơ và mỡ, trong khi đây là hai yếu tố quan trọng và có thể thay đổi theo độ tuổi, giới tính, chủng tộc...
Bên cạnh đó, tình trạng suy dinh dưỡng (malnutrition) là khi cơ thể thiếu hụt hoặc dư thừa chất dinh dưỡng nạp vào, gây mất cân bằng các chất dinh dưỡng thiết yếu, dẫn đến suy giảm hoạt động của các cơ quan (4), (5). Như vậy, suy dinh dưỡng không chỉ dùng để chỉ tình trạng thiếu dinh dưỡng (undernutrition, malnourishment) mà còn bao gồm cả tình trạng thừa cân (overweight) và béo phì (obesity) (4). Vì điều này mà vấn đề suy dinh dưỡng còn được gọi là "ăn thiếu chất" để tránh gây nhầm lẫn.
Từ đó, chúng ta dễ thấy rằng vẫn có một nhóm người có BMI cao ở mức thừa cân, béo phì nhưng cơ thể lại không đủ dưỡng chất – chính là đối tượng đang nhắc tới ở đây.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từng thống kê rằng tình trạng ăn thiếu chất có thể xuất hiện ở 20 – 60% người bệnh nhập viện trên thế giới (6). Tại Úc, các nhà nghiên cứu đã đưa ra cảnh báo rằng có tới 40% bệnh nhân nhập viện và 50% người già cần chăm sóc đang rơi vào tình trạng ăn thiếu chất/suy dinh dưỡng không thuộc thể thấp còi (7).
Không chỉ vậy, điều đáng quan ngại hơn là các nhà nghiên cứu đã nhận thấy rằng người mắc chứng thừa cân, béo phì lại có xu hướng ăn thiếu chất. Nguyên nhân là bởi họ tiêu thụ lượng thực phẩm chứa lượng calorie cao quá ngưỡng cần thiết nhưng lại có thành phần dinh dưỡng thấp.
Những thực phẩm này chỉ bổ sung calorie cho cơ thể chứ không cung cấp đủ vi chất cần thiết, dẫn tới vấn đề thiếu hụt vi chất (micronutrient deficiency) (5), (8), đặc biệt là một số chất như sắt, kẽm, vitamin A, canxi... (9).
Ví dụ, đối với trẻ em và người trưởng thành tại Hoa Kỳ, khoảng 27 – 30% tổng lượng calorie nạp vào cơ thể hằng ngày đến từ đồ ăn nhanh (fast food) như burger, khoai tây chiên, gà rán, nước ngọt có ga... (5), (10).
Trên thực tế, các nhóm vi chất thường bao gồm vitamin và khoáng chất đóng vai trò quan trọng trong việc vận hành cơ thể con người. Bởi lẽ, những chất này góp mặt trong hầu hết các hoạt động của cơ thể, bao gồm cấu tạo tế bào và mô, hô hấp, chuyển hóa, xây dựng và củng cố hệ thống miễn dịch... (11).
Đối với sự phát triển của trẻ nhỏ, việc thiếu hụt vi chất sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển cả về thể chất và trí tuệ.
Vậy chúng ta cần ăn gì để nạp đủ vi chất cần thiết?
Đầu tiên, để xác định cơ thể mình có thiếu vi chất hay không, bạn có thể đến các cơ sở y tế để làm những xét nghiệm cần thiết và nhận kết quả đánh giá từ chuyên gia dinh dưỡng.
Song song đó, hãy bắt tay vào bổ sung vi chất từ những chế độ ăn phù hợp. Vi chất có mặt trong rất nhiều loại thực phẩm mà chúng ta dung nạp hằng ngày. Nếu chúng được kết hợp một cách hợp lý, các nhóm chất dinh dưỡng có thể "hợp lực", cùng thúc đẩy sức khỏe thể chất một cách vượt trội.
Tiêu chí đánh giá các loại thực phẩm bổ dưỡng và giàu vi chất là hàm lượng vi chất (micronutrient density) (9).
Những nguồn thực phẩm chứa vi chất đầu bảng là nội tạng động vật (tim, gan, lòng), cá khô loại nhỏ, rau lá xanh đậm, các động vật thân mềm có vỏ (sò, hàu, tôm, cua), thịt động vật nhai lại (thịt dê, thịt bò, thịt cừu), trứng, sữa và cá có xương đóng hộp. Ngoài ra, những nguồn thực phẩm như phô mai, thịt heo, sữa chua, cá tươi, các loại đậu hạt và ngũ cốc cũng được chứng minh là chứa hàm lượng vi chất tương đối cao.
Sau đây là bảng tổng hợp thông tin về mật độ vi chất trong một số loại thực phẩm (9):
Cần lưu ý rằng bảng trên chỉ mang giá trị tham khảo. Chúng ta cần cân nhắc kỹ về tình trạng cơ thể và chế độ ăn hiện tại để lựa chọn loại thực phẩm phù hợp. Chẳng hạn, nếu đang ăn theo chế độ DASH, bạn cần bỏ qua các lựa chọn thịt, phô mai...
Như vậy, nếu biết cách kết hợp các loại thực phẩm với những phương pháp chế biến phù hợp để giữ lại vi chất, bạn hoàn toàn có thể yên tâm tận hưởng niềm vui ẩm thực mà không còn phải lo lắng nhiều về việc thiếu hụt vi chất nữa.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Sức Khỏe?
Thông tin khoa học về các chế độ dinh dưỡng thiết thực. Kiến thức y học cần biết và cần thiết trong đời sống hằng ngày. Hướng dẫn thực hành Yoga, Thiền, Fitness và những kiến thức giúp bạn có một đời sống thể trạng lẫn tâm trạng bình an