Xuất thân từ nghề viết chuyên về lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật, đến nay nhà nghiên cứu Lý Đợi đã gắn bó với mỹ thuật được hơn 20 năm. Nhờ quá trình nghiên cứu bền bỉ, cùng với sự nhiệt huyết, đam mê dành cho nghề, anh đã đúc kết nên những quan điểm sâu sắc về tình hình thị trường tranh Đông Dương và tranh đương thời, từ đó nhìn rộng ra tương lai phát triển khởi sắc của ngành mỹ thuật Việt Nam.
LeLa Journal đã có buổi trò chuyện cùng nhà nghiên cứu Lý Đợi và lắng nghe những góc nhìn của anh về ngành tranh nghệ thuật Việt Nam.
Không hẳn vậy. Tôi nghĩ bây giờ người ta mua tranh Đông Dương nhiều, đó là vì 3 lý do chính:
Thứ nhất, chơi tranh nổi tiếng mình đỡ phải giải thích. Mua tranh đương thời thường bị hỏi nhiều, mà đa số các câu hỏi đều sơ đẳng và có thiên hướng “ngớ ngẩn”, ví dụ như: bức tranh này thông điệp là gì, tại sao vẽ lá cây màu đỏ… Tranh thiên về mặt thị giác, nên phải trải nghiệm bằng con mắt trước. Nó không phải bài thơ hoặc triết lý để mà đặt câu hỏi. Bức tranh là về thị giác, nhưng lại bắt đầu bằng câu hỏi sẽ dễ khiến người ta cảm thấy bực mình, vì đó là sai phương pháp luận.
Thứ hai, đó là tâm lý muốn treo gì cho sang trọng, cho tương xứng với ngôi nhà đắt tiền. Người ta thường chuộng treo tranh Đông Dương ở phòng khách để không gian thêm sang trọng. Vài người còn tự thấy việc này là “phú quý sinh lễ nghĩa”, có tranh Đông Dương là có thêm đẳng cấp sống.
Thứ ba, đúng là tranh Đông Dương đang khan hiếm và đắt đỏ. Trải qua chiến tranh, thiên tai và sự phôi pha của thời gian, bây giờ có lẽ đang còn tồn tại khoảng 5.000 bức Đông Dương trên thị trường và chắc cũng phải gấp đôi, gấp ba số đó là tranh giả, tranh nhái. Tranh giả, tranh nhái lại linh hoạt hơn cả tranh thật, thường tìm được các cách tiếp thị tinh tế, hữu hiệu. Như trong nguyên tắc tài chính, đồng tiền giả lưu thông nhanh hơn cả đồng tiền thật.
Những người chơi tranh Đông Dương thường là người lớn tuổi. Người trẻ khó chơi vì chưa tích lũy đủ tiền và ký ức của họ với Đông Dương cũng chưa nhiều. Với những người lớn tuổi, họ đã mơ mua tranh Đông Dương từ nhỏ và gắn bó khá nhiều với nó. Họ còn ít thời gian nên cần tìm thứ mình yêu thích và biết rõ. Đồng thời, tranh này mua đi bán lại tương đối dễ, nên có thể là một kênh đầu tư nhanh, vài bức chỉ cần trong khoảng 5-7 tuần là bán lại được.
Tôi không thường dùng chữ đương đại, vì nó phức tạp, nhập nhằng, thiên về khái niệm nghệ thuật, không phải thời gian. Thay vào đó, tôi thích chữ đương thời hơn, vì nó mới là khái niệm về lịch sử, thời gian. Cái gì cũng bắt đầu từ đương thời, như Đông Dương ngày xưa cũng là đương thời ở mốc thời gian đó.
Thị trường tập trung vào cái nào là vấn đề mà ta không quyết định được, bởi nó thuộc về xu thế. Chúng ta không thể đếm tiền trong túi người khác, như là “đếm cua trong lỗ”. Chúng ta không biết người ta sắp mua gì, thích hoặc muốn mua gì. Dù đương thời đang lên ngôi những năm gần đây, nhiều nghệ sĩ đương thời có sức thanh khoản tốt, tranh ngang giá với nhiều họa sĩ Đông Dương, như Danh Võ, Dinh Q. Lê, Lê Kinh Tài, Phạm An Hải, Hồng Việt Dũng… chẳng hạn. Đông Dương là một cõi, đương thời là một cõi, đôi khi hai bên không cần giúp sức gì cho nhau, vì mỗi cõi có một quy luật hoạt động riêng. Trong 5 thế hệ sưu tập của Việt Nam, thế hệ thứ 5 thường là những người trẻ, đa số là phụ nữ, họ chuộng tranh đương thời nhiều hơn. Những người trẻ đó là CEO, người sáng lập, các nhà tài chính thực thụ và kinh tế tự thân…, nên họ sẽ biết cách giúp cho tranh đương thời mà họ mua tăng giá, tăng thanh thế, đó không chỉ có lợi cho bản thân họ, mà cho cả thị trường.
Vấn đề hiện nay là chúng ta không phải cần ưu tiên Đông Dương hoặc đương thời, mà nên hiểu Đông Dương mãi mãi là Đông Dương, đó là một quá khứ tươi đẹp, quá khứ vàng son, theo năm tháng sẽ càng có giá cả khủng khiếp hơn nữa. Bây giờ đã có tranh giá 3 triệu USD, ở tương lai gần sẽ là 5-7-10 triệu. Trong tương lai, nếu đất nước không có chiến tranh hoặc những cản trở khách quan, giá tranh Đông Dương trên 10 triệu USD, thậm chí hàng chục, hàng 100 triệu USD là bình thường. Đông Dương lên giá, hiện đại lên giá, đương thời cũng sẽ lên theo, như nước lên thì thuyền lên. Đông Dương bán 10 triệu USD thì đương thời bán được vài ba triệu USD là chuyện bình thường. Dù hai bên có không trực tiếp giúp đỡ gì nhau, nhưng đây là quy luật tương hỗ, cộng sinh, cùng nhau đi lên, cùng nhau phát triển.
Giá công khai là hơn 3 triệu USD cho bức “Chân dung cô Phượng” của họa sĩ Mai Trung Thứ. Việt Nam cũng đã có khoảng chục bức tranh công khai với giá trên 1 triệu USD. Chính nhờ sự tham gia của người Việt trong nước và thị trường tranh Việt ở quốc tế, tranh mới leo thang mạnh như vậy. Hiện nay, Việt Nam đang là một trong những thị trường tranh tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
Thời điểm này, những bài báo, bài dự đoán của tôi trong quá khứ đều đã trở thành lạc hậu, nhưng lúc đó chúng bị xem như một sự ảo tưởng. Tôi dự đoán tranh Đông Dương đến năm bao nhiêu là 1 triệu USD, tranh đương thời đến năm bao nhiêu là 10.000 USD. Lúc đó người ta chửi tôi rất nhiều, gọi tôi là ảo tưởng, cóc ngồi đáy giếng, số lượng chửi lên đến hàng trăm đơn vị. Giờ nhìn lại, họ mới thấy tôi quả thực may mắn khi có thể dự đoán đúng hướng được như vậy.
Không phải tôi hay ho gì, mà vì tôi hiểu được quy luật chung và không bao giờ đặt Việt Nam như một đất nước riêng lẻ, một hành tinh đơn côi. Tôi đặt Việt Nam trong tương quan với những đất nước mình hiểu biết chút ít về thị trường nghệ thuật của họ, như Liên bang Nga, Trung Quốc, Indonesia, Singapore, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Hàn Quốc... Sau đó đặt ra một cái nhìn dài hạn, tiên liệu cho thực tế ở Việt Nam.
Đó là nhu cầu tất yếu. Không riêng tranh bị giả bị nhái, mà kể cả túi xách, đồng hồ, xăng, xe hơi cũng bị giả bị nhái, thậm chí cả phi công, tu sĩ cũng có người giả người xạo đó thôi. Thậm chí văn hóa, lịch sử, địa lý… mà nhiều nước còn làm giả làm nhái. Chúng ta có thể nỗ lực kiểm soát hàng giả hàng nhái, nhưng không bao giờ dứt điểm, triệt để. Chỉ là nước này nhiều hoặc ít tranh giả tranh nhái hơn nước kia mà thôi, chứ không có nước nào mà không tồn tại tranh giả tranh nhái. Người ta chỉ làm giả làm nhái những thứ có giá cả và giá trị mà thôi.
“Chúng ta cứ đấu tranh, cứ tuân thủ luật chơi, nhưng đừng nên ngạc nhiên và quá thất vọng với chuyện này”.
Tôi không phải là nhà sưu tập. Tôi có chơi tranh, nhưng không có định hướng thành nhà sưu tập, dù số tranh mình sở hữu có thể nhiều hơn một vài nhà sưu tập nho nhỏ. Vì cái nhìn của một nhà nghiên cứu sẽ khác hẳn với nhà sưu tập. Tôi không muốn việc sưu tập quay lại định hướng hoặc làm thiên lệch ngòi bút của mình. Đồng tiền đi liền khúc ruột, nếu đã đầu tư vào cái gì đó, có thể ngòi bút của mình sẽ phải né chữ này, chọn chữ kia để có lợi cho việc đầu tư đó. Tôi tin rằng không ai chống được điều này, nên tốt nhất từ đầu mình cần có tiêu chí, định hướng là chơi cho vui thôi, chứ không quan trọng chuyện lời lỗ.
Tôi mua tranh vì cảm thấy yêu thích bức tranh hoặc thích người họa sĩ. Đôi khi vì mình tạo được chút niềm tin nên họa sĩ cho trả góp. Chơi tranh cần sự hiểu biết, nhưng hiểu biết này cần xuất phát từ đam mê, sở thích. Nếu không thích bóng đá, không cách gì bạn có thể đầu tư vào một câu lạc bộ bóng đá mà thấy vui. Nhiều người tin rằng đầu tư vào CLB bóng đá hoặc nghệ thuật sẽ có lời, nhưng vì họ không hiểu biết (theo nghĩa là không xuất phát từ yêu thích), nên kết quả lỗ chỏng gọng. Lỗ thì buồn gấp đôi, mà khi có lời thì không thấy vui, vì nó cực quá.
Tôi nghĩ nếu chúng ta không xuất phát từ niềm yêu thích, nếu không thể bao dung, xí xóa được nhiều khía cạnh, kiểu từ bi hỉ xả, thì không nên thử chơi tranh. Tôi rất thích ba chữ “bi, trí, dũng” của nhà Phật.
Điều đầu tiên là bớt “xì-trét”, bởi mình được chơi cái mình thích, mình cảm thấy nhẹ nhàng. Sở thích làm nên hạnh phúc là vì vậy. Thứ hai là được nghiên cứu. Đôi khi tôi cũng cười mỉm chi vì thấy những nhìn nhận, tiên liệu, dự đoán của mình ở quá khứ đã dần dần thành hiện thực. Điều đó đem lại cảm giác vui và hài lòng. Mình thấy suy nghĩ của mình đúng một phần nào đó, chứ không cần đúng tất cả, đúng tất cả sẽ là ảo tưởng. Và trong cuộc đời đã quá chặt chẽ bởi những hợp đồng, những deadline, thì nghệ thuật là một bí ẩn, một giải tỏa. Chính sự bí ẩn đó dẫn đến cho mình những điều bất ngờ và may mắn.
Một hạnh phúc khác là tôi quan sát người Việt bây giờ bắt đầu chơi tranh Việt nhiều hơn. Lượng tranh giả, tranh nhái, tranh bờ hồ hoặc các loại tranh in Thái Lan, Trung Quốc giờ đã hiếm gặp. Người ta bắt đầu chơi tranh có tác giả, có nguyên tác nhiều hơn. Chính điều đó giúp cho họa sĩ sống được với nghề, sống trung lưu, sống sung túc, thậm chí là sống vương giả. Một xã hội lành mạnh thì nhà văn, nhà báo, nhà giáo nên… thoát nghèo, có thể sống một cách tự tin, độc lập với thu nhập của mình.
"Điều đó làm mình thấy vui. Bởi trong hành trình này, tôi có đóng góp được một vài viên gạch, một vài nét sơn, dù không nhiều nhặn gì, nhưng cũng đã là một kỷ niệm".
Qua 2 năm dịch COVID-19, phần lớn các ngành nghệ thuật ở Việt Nam đều tê liệt, nhưng tranh lại có sự sôi động và linh hoạt riêng, nhờ mạng xã hội. Nhiều người trước đây do quá bận rộn, không có thời gian sửa nhà hoặc mua tranh về treo, 2 năm qua họ lại mua khá nhiều. Phim, kịch không sản xuất được vì nó thường mang tính tập thể, cần khán giả, rạp chiếu và sân khấu. Còn tranh thì mang tính cá nhân, bị cách ly ở nhà càng là dịp để họa sĩ sáng tác.
Xét về sự tăng trưởng nói chung và cơ hội nghề nghiệp hoặc cơ hội khởi nghiệp, tôi nghĩ tranh Việt đang có tiềm năng khá tốt, những ngành nghệ thuật còn lại, đặc biệt nghệ thuật truyền thồng, thì khá nan giải. Ngoài ra, có những ngành, bản copy thì cũng có giá trị gần như bản thật, ví dụ thơ, ca khúc hoặc tiểu thuyết, in càng nhiều càng tốt. Riêng tranh chỉ cần nhân bản một lần thì đã mất giá trị hơn một nửa. Đó là cái tính độc đáo, nguyên bản của tranh, khiến cho việc sáng tạo ít bị cạnh tranh hoặc thất nghiệp.
Ảnh: NVCC
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về LeLa Talk?
Kinh doanh, khởi nghiệp, kinh nghiệm sống và những cuộc trò chuyện truyền cảm hứng.
Nếu bạn không muốn bỏ lỡ những bài viết thú vị