Tình cảm là một món quà giá trị mà chúng ta dành tặng cho người xứng đáng. Thế nhưng, làm sao biết người ấy có phải đối tượng để tiến tới? Green flag chính là tín hiệu chỉ dẫn dành cho bạn. Hãy cùng tìm hiểu green flag là gì và cách nhận biết cờ xanh trong tình yêu nhé!
Bước vào mối quan hệ mới giống như lái xe trên đường - chúng ta thường bắt lấy tín hiệu đèn để quyết định đi tiếp hoặc dừng lại. Hãy cùng tìm hiểu "green flag" trong mối quan hệ là gì qua nội dung dưới đây.
Cờ xanh (green flag) chỉ những tín hiệu tốt cho thấy bạn có thể an toàn tiến về phía trước. Các dấu hiệu này có thể là phẩm chất, tính cách, giá trị, hoặc những điều ở đối phương khiến bạn cảm thấy thoải mái và tích cực.
Nói cách khác, cờ xanh là dấu hiệu bạn có thể tin tưởng gửi gắm trái tim cho người ấy. Họ luôn khiến bạn cảm thấy tự tin và thoải mái là chính bản thân khi ở bên cạnh họ. Họ có những mục tiêu, giá trị tương đồng với bạn và sẵn sàng cùng bạn xây dựng tương lai.
Trái ngược với "green flag", cờ đỏ (red flag) dùng để cảnh báo mối quan hệ tiêu cực. Nếu cờ xanh là dấu hiệu an toàn thì cờ đỏ là dấu hiệu bạn nên cân nhắc "chạy lẹ". Đó có thể là những hành vi, hành động ảnh hưởng xấu đến tâm lý và sức khỏe của bạn.
Ví dụ, người đàn ông thường xuyên lắng nghe bạn và khiến bạn cảm thấy đặc biệt. Đây là dấu hiệu "green flag". Tuy nhiên, nếu người đó bắt đầu kiểm soát hoặc khiến bạn cảm thấy bản thân tồi tệ, đó là một "red flag".
Không chỉ trong tình cảm, thuật ngữ này còn được dùng trong công việc hoặc mối quan hệ bạn bè. Chẳng hạn, công ty có môi trường làm việc lành mạnh, không làm ngoài giờ... được coi là "green flag". Trong khi đó, một công ty đăng tin tuyển dụng gấp hàng loạt vị trí là có thể "red flag".
Đáng lưu ý là trong xã hội ngày nay, các dấu hiệu cho thấy mối quan hệ độc hại hoặc lành mạnh ngày càng trở nên phức tạp hơn. Chúng ta không còn dễ phân biệt và xếp loại các dấu hiệu như trước. Điều này nghĩa rằng một dấu hiệu là cờ xanh của người này lại không phải cờ xanh của người khác.
Từ đó, chúng ta cũng có một số trường hợp đánh giá một dấu hiệu là cờ xanh, để rồi sau này mới biết đó không phải tín hiệu tốt như mình tưởng mà chỉ là mức tối thiểu (bare minimum) trong tình cảm, hoặc tệ hơn, chỉ là cách "che giấu" lá cờ đỏ chực chờ xuất hiện.
"Bare minimum" là thấp và ít hết mức có thể (1), (2). Trong tình cảm, nó cho thấy những hành động ít nỗ lực và tâm sức mà bạn cần cẩn trọng và đặc biệt là không nên xếp vào nhóm "green flag".
Chẳng hạn, đối phương cam đoan là sẽ chăm sóc cho bạn nhưng cả tháng chỉ hỏi han bạn được vài lần, nấu ăn một bữa và cũng chẳng biết tình trạng sức khỏe của bạn ra sao, thì đó nhất định là sự quan tâm "bare minimum" rồi.
Hoặc, đối phương nói với bạn rằng sẽ đưa đón bạn đi làm mỗi ngày. Lúc mới đầu, bạn có thể thấy đây là hành động quan tâm, chăm sóc, đáng được xem là "green flag". Tuy nhiên, khi mới yêu nhau được một thời gian ngắn, người yêu lại thường xuyên viện cớ để không qua đưa đón bạn, khiến bạn liên tục bị trễ nải trong công việc. Hành động thực tế cho thấy việc đưa đón của người này chỉ ở mức tối thiểu và thậm chí, việc thiếu thiện chí và không thực hiện được lời nói còn được coi là một dấu hiệu "red flag".
Bên cạnh đó, nếu đối phương thực sự qua đưa đón bạn mỗi ngày nhưng lại có mục đích kiểm soát cuộc sống của bạn thì đó vẫn là "red flag" đấy nhé.
Vậy, nếu green flag, red flag và bare minimum dễ lẫn lộn như vậy, đâu mới là những dấu hiệu green flag thực sự?
Sau khi tìm hiểu "green flag" là gì trong tình yêu, hẳn bạn đang thắc mắc một tình yêu lành mạnh với lá cờ xanh thì sẽ như thế nào. Nếu người ấy có 3 dấu hiệu dưới đây thì có thể bạn đã tìm được "cờ xanh" của đời mình:
Để nhận biết dấu hiệu "green flag" là gì trong mối quan hệ này, bạn cần xem bản thân có được là chính mình hay không. Liệu bạn có thoải mái nói lên suy nghĩ của bản thân hay luôn sợ bị phán xét? Mối quan hệ được xây đắp từ sự chân thật sẽ giúp bạn đi xa hơn trong tình yêu.
Một người yêu "green flag" sẽ không chế giễu và cười cợt bạn. Thay vào đó, họ sẽ khuyến khích bạn phát triển bản thân và hỗ trợ bạn đạt được mục tiêu.
Đôi khi, cờ xanh trong mối quan hệ chỉ đơn giản là bạn thích dành thời gian bên người ấy. Họ luôn khiến bạn cảm thấy hạnh phúc và được yêu thương khi ở bên. Hãy thử hỏi bạn bè hay người thân về những thay đổi tích cực của bạn. Nếu bạn cười nhiều hơn, vui vẻ hơn mỗi ngày thì xin chúc mừng, bạn đã bắt đầu một mối quan hệ lành mạnh và lâu dài.
Ngoài ra, khi dành nhiều thời gian cho nhau, chúng ta có thể dễ dàng tìm hiểu và chia sẻ về sở thích, niềm vui và những khó khăn trong cuộc sống, từ đó xây dựng nền móng vững chắc cho mối quan hệ và tạo ra những kỷ niệm khó quên.
Sự tôn trọng là gia vị thiết yếu trong tình yêu. Để mối quan hệ bền chặt, tôn trọng và lắng nghe đôi khi còn quan trọng hơn cả việc thể hiện tình cảm. Bởi nó thể hiện sự quan tâm đến ý kiến lẫn cảm xúc của bạn.
Dĩ nhiên, trong mối quan hệ chúng ta luôn có những bất đồng. Điều này khá dễ hiểu, bởi chúng ta đều có hoàn cảnh khác nhau dẫn đến quan điểm và kinh nghiệm sống khác nhau. Quan trọng là cả hai có thể thoải mái chia sẻ ý kiến, thừa nhận và tôn trọng sự khác biệt của nhau.
Ngược lại, bạn nên cân nhắc nếu đối phương có những biểu hiệu thiếu tôn trọng như luôn hạ thấp bạn, khiến bạn cảm thấy tồi tệ và bạn thường thỏa hiệp vì sợ nói ra sự khác biệt với người ấy... Đây là lúc cờ đỏ đang bay phấp phới rồi và "chạy là thượng sách".
Điều quan trọng nhất trong một mối quan hệ lành mạnh là khi cả hai tôn trọng lẫn nhau, bạn sẽ xây dựng được niềm tin vững chắc và có thêm cảm giác an toàn trong mối quan hệ.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Tâm Lý?
Cập nhật những nghiên cứu và khám phá mới nhất về tâm lý.