Đi qua 9 sắc cờ tình yêu, chúng ta dễ nhận thấy rằng dấu hiệu "cờ hồng" (pink flag) thường đem lại nhiều sự hoang mang nhất. Bởi lẽ, đây chính là ranh giới mỏng manh giữa những lá "cờ đỏ" nguy hiểm và "cờ xanh" an toàn khi chúng ta chưa thật sự thấu hiểu và giao tiếp thấu đáo với đối tượng hẹn hò.
Như đã nhắc tới ở bài trước, cờ hồng (pink flag) không phải một chỉ dấu cho thấy mối quan hệ đang "toàn màu hồng", hoặc nếu có thì nó cũng chỉ... cho thấy rằng chúng ta nên đề phòng. Trước khi cờ đỏ xuất hiện, cờ hồng xuất hiện để cảnh báo nhẹ các cặp đôi rằng đang có điều gì đó bất ổn trong mối quan hệ. Những vấn đề này tuy không quá lớn nhưng là dấu hiệu mà bạn cần thận trọng giải quyết, trước khi chúng biến thành cờ đỏ, khiến cho mối quan hệ rơi vào ngõ cụt (1).
Khác với những dấu hiệu cờ đỏ rất rõ ràng, như việc người yêu có tính cách thô lỗ, có xu hướng bạo lực, thường xuyên đổ lỗi, hay chỉ trích tấn công... thì những lá cờ hồng lại không quá rõ ràng và nghiêm trọng. Đó có thể chỉ là việc đối phương không hay thể hiện tình cảm, không ra mắt bạn với bạn bè, thường xuyên tránh né tranh cãi…
Những dấu hiệu này có thể không làm bạn lo lắng trong những lần đầu, nhưng theo thời gian, bạn dần hoài nghi: "Liệu mình có đang nghiêm trọng hóa vấn đề không?" hoặc "Vấn đề thực sự ở đây là gì?".
Điều tích cực của cờ hồng là giúp hai người trong cuộc có thể sớm phát hiện và cùng nhau xử lý những vấn đề này, tạo cơ hội cho mối quan hệ phát triển tốt đẹp về sau. Dưới đây là 4 dấu hiệu lớn bạn có thể cần lưu ý (2):
1. Sự khác biệt trong cách thức giao tiếp và thể hiện tình cảm
Nhà tâm lý học Rachel Needle cho rằng một dấu hiệu cờ hồng tiềm tàng chính là việc hai bạn không có cùng ngôn ngữ tình yêu, bao gồm một trong năm loại biểu hiện tình yêu như: nói lời mật ngọt, hành động quan tâm, dành thời gian bên nhau, tặng quà và/hoặc những tiếp xúc thân mật. Có thể bạn thích được trao nhẫn những món quà bất ngờ nho nhỏ, nhưng người kia lại cho rằng việc cả hai dành thời gian cạnh nhau đã là món quà quý giá nhất.
Những bất đồng này không mang tính đúng-sai và càng không nói lên điều gì về tình yêu mà hai bạn dành cho nhau, nhưng lại gây cảm giác "chông chênh" và không hài lòng trong mối quan hệ.
Bên cạnh đó, những khác biệt về tần suất và thời gian trò chuyện cũng là yếu tố cần lưu ý.
2. Sự tránh né khi thảo luận những vấn đề cụ thể
Nếu đối phương của bạn đặc biệt tránh né khi thảo luận về những vấn đề cụ thể, như thời gian ra mắt bạn với bạn bè, không bao giờ tranh cãi hoặc luôn có vẻ giấu diếm điều gì đó... Đây là những lá cờ hồng cảnh báo bạn rằng đối phương có thể không thật sự đáng tin cậy hoặc đang trong những mối quan hệ "mập mờ".
Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng đôi lúc, những lá cờ hồng cũng có thể xuất hiện vì chính những bất ổn bên trong bản thân bạn. Trong trường hợp này, có thể những vấn đề ở bạn mới chính là nguyên nhân tạo nên lá cờ hồng, cờ cam hoặc thậm chí là cờ đỏ.
"Nếu bạn cảm thấy rằng đối phương đang giấu bạn điều gì đó, đó có thể là một lá cờ hồng để bạn chiêm nghiệm rằng liệu những cảm xúc này là khách quan hay chỉ xuất phát từ những 'tàn tích' của các mối quan hệ trước" - Chuyên gia trị liệu Alysha Jeney chia sẻ.
Trong những trường hợp bạn vẫn còn bị "ám ảnh" bởi những trải nghiệm trong mối quan hệ trước, bạn có thể giữ một cuốn sổ bên mình và ghi chép về những cảm xúc, chiêm nghiệm lại liệu những cảm xúc này đã từng xuất hiện trong quá khứ hay chưa, từ đó tìm hiểu xem chúng có phản ánh thực tế khách quan hay không.
Chẳng hạn, việc bạn không thoải mái với những cuộc gọi điện thoại của người yêu hiện tại là do bạn vẫn có cảm xúc mạnh với việc từng bị người cũ lừa dối, hay người yêu hiện tại của bạn thực sự có dấu hiệu mập mờ?
3. Sự thay đổi trong cảm xúc và hành động
Sẽ là phiến diện nếu cho rằng những mối quan hệ không bao giờ được phép thay đổi. Thế nhưng, nếu những thay đổi này theo chiều hướng tiêu cực thì đó cũng là một dấu hiệu cờ hồng cần xem xét. Nếu đối phương hoặc bạn không còn đặt nhiều tâm ý vào việc hẹn hò, nuôi dưỡng mối quan hệ, hỏi han nhau thường xuyên, "phubbing"... cũng là những chỉ dấu cờ hồng.
Dẫu biết rằng khoảng thời gian "trăng mật" vui vẻ sẽ dần nhạt phai, chúng ta vẫn cần lưu ý tới những lá cờ hồng đang "bay phấp phới". Theo chuyên gia tâm lý Sarah Weisberg: "Những dấu hiệu cờ hồng sẽ trở thành vấn đề nếu sự an toàn về mặt cảm xúc không được đảm bảo và không có dấu hiệu cho thấy cả hai sẽ nỗ lực để giảm bớt những tổn thương".
4. Những mối quan hệ xung quanh
Đối phương vẫn giữ mối quan hệ thân thiết với người yêu cũ là một trong những dấu hiệu cờ hồng đáng lưu ý nhất (3). Một vài người có thể duy trì những tình bạn đơn thuần với người yêu cũ, nhưng nếu họ trò chuyện quá nhiều, tương tác quá nhiều, lảng tránh khi bạn hỏi về người đó... thì những điều này có thể cho thấy rằng giữa họ còn "vương vấn".
Trong trường hợp này, bạn cần thẳng thắn trao đổi với đối phương.
Tuy nhiên, mọi chuyện sẽ phức tạp hơn nếu người yêu của bạn thường xuyên giao du với nhóm bạn bè có những dấu hiệu cờ đỏ quá rõ ràng. Diễn giả truyền cảm hứng Jim Rohn đã trở nên nổi tiếng với phát biểu "Chúng ta là trung bình của 5 người mà chúng ta dành thời gian nhiều nhất" (4). Ông lập luận rằng chúng ta bị ảnh hưởng rất nhiều bởi vòng tròn xã hội xung quanh, chính vì thế, nếu đối phương dành nhiều thời gian bên cạnh những người bạn không tốt cũng là một lá cờ hồng cần lưu tâm.
Chẳng hạn, nếu bạn phát hiện ra trong nhóm bạn thân thiết của người yêu, ai cũng đều ngoại tình hoặc có những mối quan hệ mập mờ không chính thống, bạn có thể tự hỏi: "Tại sao cô ấy/anh ấy lại chấp nhận tiếp tục làm bạn thân tới mức này, với nhóm người này?". Dĩ nhiên, điều này có thể chỉ là võ đoán, nhưng cũng là một yếu tố đáng cân nhắc xem liệu người yêu của bạn có xu hướng tán đồng những mối quan hệ mập mờ giống vậy hay không, hoặc quá dễ tính trong việc chọn bạn mà chơi.
Cả hai điều này đều có thể là dấu hiệu cờ hồng.
Quy trình 4 bước sau đây có thể giúp bạn phần nào trong tiến trình "xử lý" cờ hồng (5):
Và cuối cùng, cờ hồng không phải dấu chấm hết. Cờ hồng phần nhiều chỉ cho thấy sự khác biệt trong lối sống. Có rất nhiều lý do khiến chúng xuất hiện và khiến bạn hoặc cả hai người phiền lòng, nhưng chúng không nói lên được nhiều về giá trị sống và cảm xúc trong mối quan hệ này.
Chẳng hạn, việc rạch ròi trong tài chính của người bạn hẹn hò có thể xuất phát từ một tuổi thơ không đầy đủ, việc họ không trả lời tin nhắn trong ngày có thể vì công việc chất chồng, cũng như việc họ tránh né những mâu thuẫn có thể đến từ những mối quan hệ thất bại trong quá khứ.
"Đến cuối cùng, cờ hồng không nói lên rằng mối quan hệ của bạn phải kết thúc" - Jessica Alderson, chuyên gia về các mối quan hệ và cũng là nhà Đồng Sáng lập ứng dụng hẹn hò So Syncd chia sẻ (6).
Việc chú ý đến các dấu hiệu là một con dao hai lưỡi, một mặt, chúng cổ vũ chúng ta nhìn nhận những khác biệt và sự hài lòng trong một mối quan hệ để tìm cách khiến chúng trở nên bền vững trong tương lai. Mặt khác, việc dán nhãn các hành vi và phân tích quá đà dễ khiến chúng ta kiệt sức và đánh mất niềm tin vào mối quan hệ.
Vì vậy, hãy thật sự tỉnh táo, tôn trọng những khác biệt và giải quyết vấn đề trước khi chúng trở nên không thể giải quyết.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Tâm Lý?
Cập nhật những nghiên cứu và khám phá mới nhất về tâm lý.