Không phải là dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm như cờ đỏ (red flag), nhưng cờ vàng (yellow flag) cũng là điều đáng quan ngại trong một mối quan hệ tình cảm.
Thuật ngữ "cờ vàng" có nguồn gốc từ giới thể thao, đặc biệt là bộ môn đua ô tô. Trong các giải đua xe thể thức 1 (formula one racing), một lá cờ màu vàng sẽ được vung lên khi có cảnh báo hoặc nguy hiểm xuất hiện trên đường đua, các tay đua buộc phải giảm tốc độ hoặc nếu tiếp tục chạy thì phải thận trọng.
Cờ vàng (yellow flag) trong mối quan hệ cũng có ý nghĩa báo hiệu giảm tốc tương tự. Nếu như cờ đỏ (red flag) là chỉ dấu nguy hiểm khuyên bạn nên tránh xa và cờ xanh (green flag) là tín hiệu lạc quan cho một cuộc tình an toàn thì cờ vàng cũng mang một ý nghĩa biểu tượng, đó là nên cảnh giác. Những dấu hiệu được đề cập dưới đây chính là các lá cờ vàng mà bạn nên cảnh giác, vì nếu phớt lờ nó trong giai đoạn đầu của tình yêu, những biểu hiện này sẽ ngày càng tiêu cực khi cả hai bước vào một mối quan hệ lâu dài.
1. Tiến tới vội vã
Theo một khảo sát ở lứa tuổi sinh viên, nhiều bạn trẻ không nghĩ rằng "yêu từ cái nhìn đầu tiên" là một dấu hiệu của cờ vàng (1). Nhưng trên thực tế, việc đối phương thúc đẩy mối quan hệ một cách quá vội vã là một điểm đáng ngờ. Họ gọi bạn bằng những nickname thân mật ngay từ những buổi hẹn đầu tiên hoặc tặng bạn những món quà đắt tiền như thể bạn là người yêu của họ. Một cách vô tình, bạn bị cuốn theo và chấp nhận đối phương như một phần trong cuộc sống của mình. Điều này chẳng có gì là sai, nhưng việc bỏ qua bước tìm hiểu ban đầu có thể khiến cả hai gặp khó khăn trong việc duy trì mối quan hệ này. Bởi lẽ, sau giai đoạn ngọt ngào đó, bạn sẽ nhận ra sự khác biệt không thể dung hòa giữa hai người và đã quá muộn để cứu vãn.
2. Giữ liên lạc quá thân thiết với người cũ
Không ít cặp đôi chia tay trong hòa bình và trở thành bạn của nhau. Do đó, việc giữ liên lạc với người yêu cũ không hẳn là một vấn đề. Tuy nhiên, việc quá gắn bó với người yêu cũ vô tình tạo ra cảm giác không an toàn cho người mới. Điều này có ảnh hưởng rất lớn một mối quan hệ.
Ngoài ra, việc so sánh - dù là khen người mới hay nói xấu người cũ - cũng cần được xem xét. Những hành động này chỉ nói lên rằng họ vẫn còn nhớ về cuộc tình đã qua.
3. Không có hoặc ít có một mối tình lâu bền trước đó
Đây vốn không phải một dấu hiệu quá nguy hiểm. Theo một khảo sát tại Mỹ, những người trẻ Gen Z lười yêu đến nỗi thay vì hẹn hò online, họ thà… đi chùi toilet (2). Do đó, việc một người chưa từng có một mối tình lâu dài trong thời đại hiện nay không phải là một điều gì xa lạ. Tuy nhiên, nếu đối phương chia sẻ với bạn rằng họ chỉ có những mối tình chóng vánh trước đó thì đây chính là cờ vàng, bạn cần cân nhắc có nên tiếp tục mối quan hệ này hay không.
4. Tự mình lên kế hoạch cho cả hai
Yêu đương là chuyện hai người nhưng cớ sao bạn luôn đứng ngoài rìa trong những quyết định quan trọng? Ví dụ như việc nửa kia tự lên kế hoạch cho cuộc hẹn hò của cả hai, có thể đó là một nhà hàng bạn rất thích, nhưng sẽ thế nào nếu món ăn của quán đó khiến bạn bị dị ứng? Sự bất ngờ chỉ nên diễn ra với tần suất hạn chế để tránh gây ảnh hưởng tới cuộc sống và mối quan hệ của đôi bên. Chúng ta sẽ khó cảm thấy hài lòng nếu không được đưa ý kiến, đặc biệt là trong các vấn đề có liên quan trực tiếp tới bản thân.
5. Suy nghĩ tiêu cực và khó mở lòng chia sẻ
Khoa học đã chỉ ra rằng, những người tiêu cực không chỉ hành xử bạo lực với bản thân mà còn có thể hành hạ tinh thần người yêu của họ (3). Việc ít chia sẻ sẽ khiến mối quan hệ ngày một bức bối và ngột ngạt. Trong nhiều trường hợp, im lặng được xem như một hình thức bạo hành tinh thần người khác.
Trên thực tế, còn rất nhiều lá cờ vàng khác, tùy thuộc vào từng mối quan hệ. Đây chính là những dấu hiệu mà bạn đã lờ mờ nhận ra, nhưng trong "giai đoạn trăng mật" (honeymoon phase), dường như mọi thứ đều được che phủ bởi màu hồng của những cảm xúc dạt dào lúc ban đầu.
Trạng thái "lúc mới yêu thật vui biết bao nhiêu" khiến bạn không thể nhận diện những lá cờ đang chờ phất sẵn.
Trò chuyện thẳng thắn với đối phương về những vướng mắc của mình có lẽ là một giải pháp phù hợp cho những vấn đề này. Sally, một chuyên gia trong lĩnh vực trị liệu, đã chia sẻ với tờ Metro rằng: "Chúng ta không phải nhà ngoại cảm, vì vậy, hãy cố gắng tạo ra một cuộc trò chuyện cởi mở và không đổ lỗi, để xem liệu cả hai có thể đồng thuận hay không" (4).
Sự thật là ai cũng có thể phạm phải những dấu hiệu của lá cờ vàng, dù ít hay nhiều.
Nếu có thể, hãy cố gắng giải quyết những lá cờ vàng này ngay khi vừa nhận ra được những dấu hiệu để tránh ảnh hưởng đến mối quan hệ của cả hai trong thời gian dài. Khi không thể tìm thấy tiếng nói chung trong những điều tưởng như nhỏ bé, sẽ rất khó để hai người bên nhau lâu dài.
Ngoài ra, bạn cũng nên cân nhắc và bỏ qua đối tượng này nếu cảm thấy không an toàn. Phần lớn những dấu hiệu cờ vàng sẽ chuyển đỏ nếu bạn thỏa hiệp với những hành vi kể trên. Theo một nghiên cứu vào năm 2017, việc chấp nhận những lá cờ vàng là tiền đề cho việc biến chúng thành màu đỏ và trầm trọng hơn là trở thành một hình thức bạo hành với người yêu (5).
Về bản chất, cờ vàng chỉ có ý nghĩa cảnh báo, chứ không phải là "phán quyết" buộc bạn ngay lập tức chấm dứt mối quan hệ. Những lá cờ vàng không thật sự ảnh hưởng đến mối quan hệ của bạn trong thời gian trước mắt, và nếu cả hai có thể cùng nhau cải thiện thì nó cũng sẽ vô hại trong tương lai.
Gặp cờ vàng cũng như gặp đèn vàng giao thông, bạn nên đi chậm lại để suy nghĩ thêm về mối quan hệ trước khi đưa ra những quyết định quan trọng.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Tâm Lý?
Cập nhật những nghiên cứu và khám phá mới nhất về tâm lý.