Trò chuyện với LeLa Journal, Dustin Phúc Nguyễn đã chia sẻ về những cơ hội và thách thức, những nốt thăng và trầm, cũng như về sự dịch chuyển của nghề sáng tạo nội dung mà bản thân anh đã đúc kết được trong suốt hành trình 10 năm làm nghề cùng với kênh YouTube Dustin On The Go.
Xuất thân từ nghề VJ/MC cho kênh MTV và nhiều chương trình âm nhạc, văn hóa, giải trí, Dustin Phúc Nguyễn dần chuyển sang làm người sáng tạo nội dung chuyên nghiệp với kênh Youtube mang dấu ấn và màu sắc riêng mang tên Dustin On The Go. Có lẽ vì vậy mà anh thấy rõ cả hai dòng dịch chuyển của công việc này, từ người dẫn chuyện (narrator) sang người kể chuyện (storyteller). Và, chính anh - một nhà sáng tạo nội dung Gen Y - cũng đang muốn vượt qua khoảng cách thế hệ để tiếp cận nội dung nhanh-và-ngắn của Gen Z.
Lần đầu gặp anh trong một buổi sáng thứ Hai, người viết lập tức bị ấn tượng với sự gần gũi mà anh chủ động tạo ra ngay từ những phút đầu trò chuyện. Thậm chí, đôi lúc, chính người được phỏng vấn - là anh - còn chủ động hỏi ngược lại người đi phỏng vấn - là tôi. Có lẽ, "bệnh nghề nghiệp" của "người dẫn chuyện" lâu năm đã trở thành bản năng và tính cách của anh chàng VJ/MC Dustin Phúc Nguyễn.
Nhấp vội ly nước, anh bắt đầu kể tôi nghe về hành trình 10 năm theo đuổi nghề sáng tạo nội dung với những thăng trầm và những bài học đắt giá mà anh đúc kết và cô đọng thành một quyển tiểu thuyết chương hồi.
Sau khi quyết định chuyển hướng sự nghiệp, Dustin rời công việc VJ tại kênh MTV vào năm 2016 và lập kênh YouTube Dustin On The Go cùng cộng sự. Tại không gian riêng này, anh đã sản xuất ra nhiều chương trình khai thác những chủ đề mới lạ, thậm chí "khó nói" của những người nổi tiếng với lối dẫn chuyện hóm hỉnh, giàu tính gợi mở.
Khi được hỏi về những nguyên tắc thành công khi sáng tạo nội dung, Dustin không ngần ngại trả lời ngay:
Tuy vậy, trong cuộc trò chuyện với LeLa Journal, Dustin và ekip thường xuyên đề cập ba nguyên tắc làm nội dung mà anh luôn tâm niệm sâu sắc:
Theo chia sẻ của Dustin, điều quan trọng đầu tiên của nội dung trong thời đại số là phải khiến khán giả được giải trí, bằng những chi tiết hook (điểm nhấn – PV). Khi cảm thấy thú vị, người xem mới hứng thú tiếp nhận thông điệp đằng sau đó. Sau cùng, khi hiểu được thông điệp mà nhà sáng tạo nội dung đang thể hiện, chúng ta mới bắt đầu thay đổi suy nghĩ hoặc hành vi theo chiều hướng tốt đẹp hơn.
Thế nên, theo Dustin, người làm sáng tạo cũng cần phải có trăn trở của riêng mình và trăn trở đó phải nói lên được nỗi lòng của khán giả.
Dù mang tính giải trí, nhưng xuất phát điểm của kênh Youtube Dustin On The Go khi thực hiện các chương trình như Bar Stories, Love Is Blind hay Sexy Talk chính là truyền cảm hứng và tiếp thêm động lực để mỗi người bước tiếp con đường bản thân đã lựa chọn.
Nếu như Bar Stories cho mọi người góc nhìn mới về cocktail bar vừa trò chuyện, tâm sự thân mật vừa thưởng rượu, thì Love Is Blind là một định dạng hẹn hò giấu mặt không phân lằn ranh tính dục. Trong khi đó, Sexy Talk thành công tạo dựng một không gian cởi mở để mọi người trao đổi về văn hóa, sở thích về tình dục của bản thân với đối tượng hẹn hò, người yêu, vợ chồng và thậm chí là bạn bè một cách "bình thường hóa".
Để có thể nói ra những điều "khó nói, khó bàn" mà không cảm thấy khó chịu, chúng ta mong đợi người làm nội có một cách tiếp cận tinh tế và thông minh. Trong suốt buổi nói chuyện, tôi vẫn cảm nhận được sự gần gũi, nhẹ nhàng và sự hóm hỉnh của anh trong từng câu chữ. Một Dustin tinh tế, nhất quán từ video ra đời thực.
Có lẽ, chính sự duyên dáng và chỉn chu đã giúp kênh Dustin On The Go thu hút hơn 266.000 lượt đăng ký (tại thời điểm 9/2023), nhờ vào các chương trình mang đậm dấu ấn rất riêng.
Kể chuyện cho một người thì dễ, nhưng để câu chuyện làm hài lòng được cả một cộng đồng 266.000 người thì không dễ. Đằng sau những lượt xem, những lời tán dương và số lượng thả tim là những góc khuất của người làm sáng tạo mà chúng ta không bao giờ có thể thấy trên kênh của họ.
Như một điều hiển nhiên, nghề nào cũng có thăng trầm riêng cả, người làm sáng tạo nội dung cũng buộc phải thay đổi mình khi thời cuộc thay đổi. Và Dustin cũng không nằm ngoài dòng dịch chuyển được.
Ngập ngừng đôi chút, giọng Dustin có chút lạc đi khi được hỏi về sự mệt mỏi và áp lực của người làm sáng tạo. Sự hào hứng và vẻ hóm hỉnh ban nãy dần trở nên trầm lắng hơn khi anh kể về những bình luận tiêu cực, những lần burn-out vì áp lực ra nội dung, và giai đoạn thu mình.
Trong một thoáng, tôi cảm nhận được vẻ bùi ngùi của Dustin khi anh kể lại giai đoạn kiệt quệ về sức khỏe và tinh thần cũng như đổ vỡ tình cảm trong đợt dịch vừa rồi đã khiến anh và kênh YouTube Dustin On The Go buộc thay đổi một cách toàn diện ra sao.
Từ 2021 cho đến 2022 là giai đoạn không mấy khởi sắc của Dustin, nếu không muốn gọi là "trầm buồn" theo cách gọi của anh. Chưa hết loay hoay khi vừa phải đi tìm nhà tài trợ mới trong thời điểm đại dịch, vừa phải tìm thêm nền tảng mới để phát triển, Dustin phải nhận thêm cú shock lớn về mặt tình cảm và công việc. Người yêu, người tri kỷ và cũng là người đồng hành từ những ngày đầu gầy dựng Dustin On The Go không còn tiếp tục sát cánh bên anh nữa.
Tổn thương tình cảm đã đành, khi không còn người đồng hành, Dustin giờ phải tự sản xuất video, tự tìm nhà tài trợ mới, tự đính hướng nội dung để chuyển đổi sang nền tảng mới như TikTok, bởi khán giả cũ lẫn khán giả mới đều đang chuộng nội dung nhanh hơn.
Nhấp thêm một ngụm nước để tư lự suy ngẫm, Dustin từ tốn nói tiếp: "Ngày trước, mình chỉ cần 'vào vai' thôi vì mọi thứ đã có ekip và bạn đồng hành hỗ trợ hết mình. Giờ độc mã đơn thương, ít việc lại, khán giả đang đổi gu, bắt buộc mình phải tự thay đổi nếu không muốn bị quên lãng".
Nếu MC hay VJ là người đi kể câu chuyện của người khác theo kịch bản, và theo sự sắp đặt của nhãn hàng, đến khi làm host (người dẫn dắt khách mời - PV) thì vẫn là gợi chuyện, đặt vấn đề cho người khác nói, chứ bản thân vẫn chưa nói gì cả. Anh kể như tự chất vấn với tôi, rằng đến khi nào thì chúng ta mới có thể tự kể câu chuyện của mình?.
Tôi cũng không rõ, có lẽ phải có trải nghiệm giống như anh. Có lẽ, phải ở trong câu chuyện và thật sự trải qua nó, thì cá nhân mới có thể kể câu chuyện một cách trọn vẹn, chân thật và mới chạm tới được khán giả. Phải trải mình qua hàng loạt biến cố như vậy mới có đủ "chất liệu", đủ vốn sống để có thể bắt đầu tự kể câu chuyện của mình.
Cách anh đi qua giai đoạn này không dễ. Tiếp tục nghe những băn khoăn, chất vấn mang tính hiện sinh và cách anh cùng ekip thử nghiệm nhiều định dạng nội dung khác nhau, tôi mới nhận ra những nỗ lực của anh nhiều đến cỡ nào khi phải tự mình kể câu chuyện và phải tự biến tấu sao cho câu chuyện đó phù hợp với khán giả mới lẫn khán giả cũ, cả trên YouTube lẫn TikTok.
Và Dustin Đi Bộ được ra đời trong hoàn cảnh như thế.
Dustin Đi Bộ được xem là một sự chuyển mình về hướng đi, khi Dustin tập trung nhiều hơn vào hành trình đi vào bên trong. Sau những thăng trầm trên hành trình cảm xúc, Dustin Đi Bộ giống như một liều thuốc tự chữa lành cho chính anh, cũng như cho những người đồng cảm, đồng cảnh ngoài kia. Dustin Đi Bộ gần như là một cuốn nhật ký chữa lành ghi chép lại sự trưởng thành sau những đổ vỡ, cũng đồng thời là lời kêu gọi về sự cần thiết của những khoảng lặng và lối sống chậm trong thời đại nội dung nhanh-và-ngắn.
Đồng hồ điểm giữa trưa, Dustin vẫn ngồi đó, nhưng nét mặt anh đã dần giãn ra, giọng điệu tươi vui và nét hóm hỉnh thường thấy cũng dần quay trở lại. Cũng như sự phản tỉnh trong đời sống tình cảm đã giúp anh "chữa lành" vết thương lòng, sự phản tỉnh trong cách nhìn nhận công việc cũng đem đến cho anh những định hướng nghề nghiệp mới.
Theo anh, nhảy nền tảng là điều khó khăn nhất đối với người làm sáng tạo. Bởi khi đó, chúng ta phải xây dựng lại cộng đồng từ con số 0, phải học ngôn ngữ của nền tảng, phải biết lắng nghe khán giả trẻ đang nói gì và muốn gì, đồng thời phải học thêm công cụ mới để tạo ra sản phẩm mà khán giả muốn xem.
"Khi nhảy qua TikTok, Dustin phải học lại cách làm nội dung mới, cách tiếp cận mới, ngôn ngữ của giới trẻ và cách vận hành của ứng dụng này. Nội dung đưa ra phải làm sao để mọi thành phần lứa tuổi đều coi được, không gây phản cảm hay bị kiểm duyệt, nhưng vẫn phải sắc sảo và câu khách và phù hợp đa nền tảng (TikTok, YouTube, Facebook) là một bài toán khó".
Có lẽ, hơn ai hết, người làm sáng tạo nội dung biết rõ nhất "tuổi đời" của một loại nội dung. Cái gì thành trào lưu thì cũng có lúc sẽ thoái trào. Mọi sự khởi đầu nào cũng cần có một kết thúc đối với cái cũ.
Chính suy nghĩ này đã thôi thúc anh sáng tạo thêm một thử nghiệm khác mới mẻ hơn Dustin Đi Bộ, đậm tính giải trí hơn, ngôn ngữ cũng "bắt trend" hơn. Đó cũng là lý do anh cho ra mắt loạt chương trình mới hướng tới Gen Z mang tên Tới Nái Êiii.
Bar Stories, Love Is Blind hay Sexy Talk đã hoàn thành xong sứ mệnh đã đặt ra. Đây đều là những cột mốc rất đẹp trong sự nghiệp mà Dustin tâm đắc. Giờ mọi người đã có nhiều cái nhìn khác hơn về nghề bartender, về văn hóa vừa thưởng rượu vừa trò chuyện. Đã đến lúc Dustin On The Go cần khoác áo mới.
"Nếu không nghĩ ra được format độc đáo, không có câu chuyện riêng, thì hãy cứ 'bắt trend' (chạy theo trào lưu - PV). Bởi đó là cách để bạn thực tập cách xây kênh. Nếu không đu trend thì bạn sẽ lạc hậu, còn đu trend thì ít nhất bạn cũng học được cách quay, cách dựng một nội dung ngắn nhưng có tính replay cao. Khi đã biết về công cụ và cách thức, mình mới nghĩ đến chuyện sáng tạo ra một trào lưu riêng".
Để bắt kịp với giới trẻ thì phải "đu trend", nhưng để sáng tạo nội dung "đu trend" lên được xu hướng thì cũng có nhiều thứ cần phải học lại từ đầu. Từ việc quay dựng ra sao, đầu tư thiết bị, kịch bản cô đọng trong 10 – 30 giây mà phải có đủ drama (sự kịch tính), có hook (điểm nhấn) là một bài toán không hề dễ. Video thì được tăng speed, hoặc dùng hiệu ứng vòng lặp... để nén thật nhiều nội dung trong một khoảng thời gian ngắn.
Đó cũng là những thứ Dustin đã học được khi làm việc với các bạn cố vấn thuộc Gen Z trong ekip Dustin On The Go và Tới Nái Êiii ra đời như một thử nghiệm để tiếp cận Gen Z của Dustin và ekip, dựa trên sự quan sát về hành vi và thói quen tiêu thụ nội dung hiện nay của người dùng trẻ tuổi. Loạt chương trình mới vận dụng nhiều kỹ thuật làm nội dung nhanh-và-ngắn, cũng như sử dụng ngôn ngữ gần gũi với giới trẻ.
Toàn bộ chương trình Tới Nái Êiii tập trung hướng đến trải nghiệm xem gần gũi của Gen Z, được quay bằng điện thoại và được biên tập thành nhiều định dạng short form (định dạng ngắn như reel, short của YouTube) và long form (định dạng dài như các video trên 5 phút). Đó là sự thích ứng với thời đại về hoạt động đa nền tảng, đa định dạng và phi tập trung mà ekip Dustin On The Go đang hướng tới.
Ngược lại với Dustin Đi Bộ, chương trình giải trí thực tế kinh phí thấp Tới Nái Êiii tối ưu trải nghiệm xem một ngón trên điện thoại của người dùng. Từ nhạc hiệu là câu rap của Datmaniac, phụ đề, video khổ dọc, cho đến những hiệu ứng "Capcut giật giật", sử dụng hiệu ứng và ảnh meme, cùng nhiều tiếng lóng quen thuộc với Gen Z... khán giả có thể thấy được sự đổi mới theo hướng trẻ hóa của Dustin On The Go.
Trong tập mới nhất với Mai Ngô, Dustin vẫn giữ lại được chất riêng của mình qua cách hỏi chuyện duyên dáng, giúp cả anh và Mai Ngô đều thoải mái trải lòng, cũng như "quậy banh nóc" với những trò chơi đậm dấu ấn riêng của Dustin On The Go.
Và "trộm vía", theo chia sẻ của anh, khán giả cũng bắt đầu đón nhận và phản hồi tích cực.
Khép lại buổi tâm sự dưới cái nắng trưa gay gắt, Dustin tiết lộ rằng anh đang theo học lớp diễn xuất điện ảnh chuyên nghiệp và đang tìm các cơ hội tham gia dự án điện ảnh.
Diễn xuất cho phép người làm sáng tạo được trải nghiệm với những cảm xúc mạnh, những góc khuất không tiện thể hiện trên các kênh truyền thông đại chúng dưới vai trò là người ảnh hưởng và người làm sáng tạo. Khi được làm việc với các cảm xúc mạnh, với những "góc tối", những cấm kỵ của bản thân nói riêng và của con người nói chung, Dustin nhận ra nhiều phần bản ngã trong anh đòi hỏi được gọi tên và điều đó gợi mở cho anh nhiều kiến thức mới về cách tiếp cận khán giả.
Anh chia sẻ rằng vẫn sẽ tiếp tục học cách bắt nhịp với Gen Z: chạy theo xu hướng, học từ vựng tiếng lóng giới trẻ, thử nhiều định dạng nội dung khác và tập trung hơn vào các short, reel, video ngắn. Bên cạnh đó, anh vẫn duy trì công việc MC và VJ như một cách để tự nhắc nhở rằng, giữa người dẫn chuyện và người kể chuyện luôn tồn tại một khoảng cách về sáng tạo.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về LeLa Talk?
Kinh doanh, khởi nghiệp, kinh nghiệm sống và những cuộc trò chuyện truyền cảm hứng.
Nếu bạn không muốn bỏ lỡ những bài viết thú vị