Tập trung cao độ và liên tục giúp tăng hiệu suất công việc lên nhiều lần, thế nhưng, rất ít người có thể "đắm chìm" trong công việc như vậy vì chúng ta vẫn thường để cho tâm trí đi lang thang với hàng tá những suy tư, tưởng tượng. Trò chuyện cùng LeLa Journal, biên kịch Kay Nguyễn chia sẻ cách thực hành phương pháp "Morning Pages" để cân bằng những xáo trộn trong đầu óc, cũng như khơi nguồn sáng tạo tốt hơn cho bản thân.
Trong một bài của phỏng vấn Elizabeth Gilbert, tác giả của nhiều tựa sách nổi tiếng như "Eat, Pray, Love" (tác phẩm đã được chuyển thể thành một bộ phim cùng tên), bà đã chia sẻ ý nghĩa của phương pháp này đối với bản thân là:
Tôi bảo vệ những buổi sáng của mình một cách quyết liệt vì đó là thời điểm rất đặc biệt và thiêng liêng. Đó khoảng thời gian hiếm hoi mà tôi có thể làm những việc mình muốn - phần còn lại trong ngày là để thực hiện những gì phải làm. Khi không viết sách, tôi thường thức dậy vào lúc 7 giờ sáng, tự pha trà, viết "Morning Pages" và sau đó là nhảy múa tự do (2).
Còn với Tim Ferris, doanh nhân - nhà đầu tư mạo hiểm này thú nhận rằng chưa từng đọc "The Artist's Way" vì không có đủ thời gian. Thế nhưng, anh rất vui mừng vì được biết đến và thực hành "Morning Pages", nhất là trong khoảng thời gian áp lực sau khi ra mắt cuốn sách "Một tuần làm việc 4 tiếng". Tim Ferris chia sẻ trên blog của mình:
"Tôi không viết "Morning Pages" để tìm kiếm những ý tưởng mới hoặc chuẩn bị bản thảo cho các tác phẩm xuất bản sau này. Nội dung trong "Morning Pages" không dành cho bất kỳ ai ngoài tôi. Khi ta viết ra những suy nghĩ vu vơ, điên cuồng, khó hiểu, lo lắng, mơ hồ và bồn chồn lên trang giấy, chúng ta sẽ đối mặt với ngày mới của mình với một cái nhìn tỉnh thức hơn" (3).
Trong khoá học làm phim SHOW DON'T TELL do UNESCO và Đại học Hoa Sen phối hợp tổ chức vào năm 2021, giảng viên của khoá học, biên kịch - nhà sản xuất Kay Nguyễn đã chia sẻ cho mọi người về cuốn sách "The Artist's Way" và phương pháp "Morning Pages". Theo chị, đây là một cách rất hay để nuôi dưỡng và theo đuổi đam mê công việc viết lách, hoặc làm phim, hay bất kỳ ngành nghề nào đòi hỏi sự sáng tạo khác.
"Đây là cuốn sách đã thay đổi và cứu vớt cuộc đời tôi" - biên kịch của Cô Ba Sài Gòn đặc biệt nhấn mạnh.
Trong cuộc trò chuyện cùng LeLa Journal, biên kịch Kay Nguyễn đã chia sẻ cách thực hành phương pháp "Morning Pages" mà chị tâm đắc để chúng ta có thể "lôi những suy nghĩ lung tung trong đầu ra và tập trung cho công việc".
"Morning Pages là viết theo dòng ý thức, thực hiện vào buổi sáng sớm, rất dễ dàng và không đòi hỏi kỹ thuật cao. Nó thậm chí còn không phải là "viết" mà là về mọi thứ đi qua tâm trí bạn. Không nên suy nghĩ quá nhiều về nó, chỉ cần đặt bút viết ba trang về bất cứ điều gì nảy lên trong đầu... đừng ngại khi đó chỉ là những suy nghĩ nhỏ nhặt, ngớ ngẩn, ngu ngốc hoặc kỳ quặc" (4).
Đó là những dòng trích dẫn từ Julia Cameron khi giới thiệu về "Morning Pages", nhìn qua sẽ thấy phương pháp này rất đơn giản, chỉ gồm năm bước sau:
Bước 1 - Chọn thời gian phù hợp: Hãy bắt đầu ngay vào buổi sáng sau khi thức dậy. Lúc này, tâm trí bạn sẽ rất tươi mới và linh hoạt, giúp bạn dễ dàng bắt nhịp với việc viết lách.
Bước 2 - Chuẩn bị vật dụng: Bạn cần một cuốn sổ và một cây bút để ghi chép. Hãy chọn sổ và bút mà bạn thích nhất để tạo động lực cho việc viết, hoặc phù hợp nhất là một loại giấy A4 không dòng kẻ.
Bước 3 - Viết liên tục: Hãy viết liên tục trong khoảng 10-20 phút hoặc hoàn thành ba trang giấy (người mới thì thường viết được ít hơn). Đừng ngại trút ra những suy nghĩ, cảm xúc hay ý tưởng đang nhen nhóm trong đầu.
Bước 4 - Không tự chỉnh sửa: Quan trọng nhất là đừng tự chỉnh sửa hoặc lo lắng về ngữ pháp, chính tả khi viết. Đây là khoảng thời gian dành riêng cho bạn và tâm trí của bạn, hãy để mọi thứ trôi chảy tự nhiên.
Bước 5 - Lặp lại mỗi ngày: Thực hành "Morning Pages" mỗi ngày để tạo thành thói quen. Bạn sẽ thấy sự khác biệt rõ rệt về tâm trạng và sự sáng tạo của mình sau một thời gian ngắn.
Chia sẻ cùng LeLa Journal, nhà biên kịch Kay Nguyễn bộc bạch:
Trong quá trình thực hành viết lách để "thải độc tâm trí" mỗi ngày, Kay Nguyễn cũng gợi ý một vài mẹo nhỏ để quá trình đạt hiệu quả cao hơn.
1. Viết ngay lúc mới ngủ dậy, thay vì sử dụng smartphone: Trên thực tế, các nghiên cứu đã cho thấy rằng việc sử dụng smartphone có một mặt trái là làm giảm khả năng tập trung của chúng ta. Việc liên tục tương tác với thiết bị công nghệ có thể khiến cho não bộ kỳ vọng vào "phần thưởng" (tức là những thông báo mới và phản hồi trên smartphone), dẫn đến việc học tập hoặc làm việc (cụ thể ở đây là viết "Morning Pages") gặp khó khăn và xao nhãng (5), (6), (7).
Tuy nhiên, việc hạn chế triệt để thời gian sử dụng smartphone với đa số mọi người là không dễ dàng, thế nên Kay Nguyễn cũng chia sẻ rằng chúng ta có thể bắt đầu bằng việc cắt giảm thời gian sử dụng - đặc biệt là lúc sau khi ngủ dậy, trước khi đi ngủ và những lúc làm việc cá nhân như ăn uống hoặc... đi vệ sinh.
2. Viết liên tục và không chỉnh sửa: Giống như doanh nhân Tim Ferris đã chia sẻ, mục đích viết "Morning Pages" không nhằm để sử dụng những dòng chữ đó cho mục đích xuất bản hoặc thương mại, mà chỉ để "thải độc" cho tâm trí. Vậy nên, điều quan trọng trong lúc viết là nguyên tắc "ba không": không dừng lại, không chỉnh sửa và khi viết xong thì chúng ta cũng không đọc lại. Những suy nghĩ vụn vặt vẩn vơ ở trong đầu là thứ mà chúng ta muốn "tống khứ", chứ không nên nạp vào thêm lần nữa.
Có đôi lúc chúng ta không biết viết gì cả, đặc biệt là khi mới bắt đầu. Lúc này, đừng nên dừng lại và suy nghĩ, hãy tiếp tục viết lên giấy trắng những dòng kiểu như "chán quá, không biết viết gì ra giấy...", hoặc thậm chí có thể kể lại hình ảnh chắp vá còn sót lại từ giấc mơ đêm qua...
3. Thời gian cần thiết để thấy hiệu quả: Đây là điều mà ai cũng muốn biết khi bắt tay vào thực hiện một việc gì đó mới mẻ và hấp dẫn, thế nhưng thực tế thì nó tuỳ thuộc vào mỗi người. Theo chia sẻ của một thành viên trong A Type Machine (cộng đồng dành cho các biên kịch trẻ) thì bạn mất khoảng 1 tuần để cảm nhận rõ rệt về sự thải độc tâm trí. Một bạn khác cũng chia sẻ trên blog cá nhân rằng bạn cần tới 16 ngày. Còn theo cá nhân tác giả bài viết này thì "Morning Pages" mang tới hiệu quả rõ rệt sau 10 ngày kiên trì. Nếu kết hợp thêm với việc thực hành các phương pháp khác trong "The Artist's Way" thì hiệu quả này sẽ đến sớm hơn.
4. Tham gia vào những nhóm "cộng động tinh thần": Như LeLa Journal đã giới thiệu trong bài trước, việc tham gia vào cộng đồng "những người cùng tần số" sẽ giúp bản thân nhận thấy rõ ràng hơn mục tiêu của chính mình. Điều này cũng rất quan trọng khi thực hiện "Morning Pages" và hiện nay, việc thực hành này đã trở thành thói quen của rất nhiều người.
5. Cân nhắc đọc và thực hành "The Artist's Way": "Morning Pages" là một trong nhiều phương pháp được giới thiệu trong "The Artist's Way" - một cuốn sách với mục đích là giúp bạn đọc đánh thức năng lượng sáng tạo, thứ đang ngủ quên trong mỗi chúng ta.
Và đây cũng là điều mà Kay Nguyễn luôn mong muốn chia sẻ đến cho mọi người đặc biệt là các bạn đang theo đuổi đam mê về công việc làm phim, biên kịch hoặc viết lách. Từ khóa học làm phim SHOW DON'T TELL do UNESCO phối hợp với Đại học Hoa Sen tổ chức, Lela Journal đã có dịp trò chuyện ngắn với chị và biết thêm nhiều góc nhìn thú vị xung quanh chủ đề này.
Thứ nhất thì cái nghề này ở đâu cũng gian nan chứ không phải chỉ riêng Việt Nam, tôi đã có một thời gian ở Mỹ và thấy rằng sự khốc liệt ở Hollywood có khi còn lớn hơn nhiều. Chuyện kể trong quán cà phê, nếu một vị đạo diễn hay nhà sản xuất nào vui miệng kiểu đang cần kịch bản thú vị để đọc, thì các bạn bồi bàn xung quanh sẽ chồng ngay trước mặt họ một xấp kịch bản với lời mời chào: "Đây là đam mê và tâm huyết của tôi, xin ông hãy đọc nó...". Vậy nên ta có thể thấy rằng hầu như ai đế L.A đều mang cho mình một ước mơ.
Thứ hai là thật khó để có thể đưa ra lời khuyên cho một ai đó khi vẫn chưa nắm rõ được những vấn đề đang xảy ra xung quanh cuộc sống của họ. Nhưng với góc nhìn cá nhân, tôi thấy việc theo đuổi đam mê viết lách hoàn toàn có thể thực hiện được - nhưng nó cần thời gian và một phương pháp đúng đắn. Tôi đã từng ở trong hoàn cảnh tương tự - chơi vơi và mông lung cho tới khi đọc và thực hành "The Artist's Way".
Đúng là có những người đã sống chết với đam mê của mình và hiện thực hóa được giấc mơ của họ, nhưng trong giới làm phim thì tôi chưa thấy, nhưng câu chuyện về người này người kia bán nhà bán cửa để làm một bộ phim rồi sạt nghiệp thì vẫn diễn ra thường xuyên. Cách này khá rủi ro nên theo tôi, chúng ta nên theo đuổi đam mê một cách khôn khéo và bền bỉ. Tôi thường nói với các bạn trong lớp của mình rằng nên có một công việc ổn định trước, rồi hẵng tính tới việc theo đuổi đam mê bởi nhiều lý do.
Ví dụ như có bạn kia ước mơ làm đạo diễn nhưng chỉ vì thích thú quyền lực và sự nổi tiếng, chứ không phải là công việc vất vả và áp lực của họ trên trường quay - thứ gọi là đam mê. Để xác định được đam mê thì có một "mẹo" nhỏ rất hay của Chris Guillebeau đó là đặt ra hai câu hỏi cho bản thân. (LeLa Journal đã có bài viết cụ thể về hai câu hỏi này, các bạn có thể tham khảo thêm tại đây).
Thứ là khi đã xác định được đam mê rồi thì chúng ta sẽ thấy nó là quá trình chứ không phải đích đến. Và nếu đam mê của bạn là viết lách, thì xin chúc mừng, chúng ta có thể làm nó thường xuyên - nhất là buổi tối sau khi làm về. Thực hiện đúng đam mê của mình "sướng lắm", nó sẽ giúp bạn tạm quên đi những mệt mỏi mà ban ngày đã chịu đựng.
Chính xác, không phải chỉ tôi mới thấy tác dụng của nó đâu, cuốn sách này khác với những cuốn "self-help" thông thường chứa đầy những lời khuyên sáo rỗng. Nó có hiệu quả với rất nhiều người mà tôi biết. Ngoài "Morning Page", cuốn sách còn giới thiệu các phương pháp khác như "Hẹn hò với người nghệ sĩ bên trong", "động sáng tạo", "ngừng đọc" hay "đi dạo cùng nghệ sĩ"... Tất cả được chia thành những bài tập để chúng ta thực hành trong 12 tuần - và tiêu tốn rất ít thời gian của mỗi người.
Nếu các bạn hứng thú với làm phim hoặc viết kịch bản, hãy tham gia vào cộng đồng "A Type Machine" - nơi mà chúng tôi cùng thực hành viết lách, vừa là chữa lành cũng như nuôi dưỡng đam mê của mình. "Kịch bản không được viết, mà là được viết đi viết lại nhiều lần" - câu nói cửa miệng của dân làm phim này cho thấy rằng biên kịch là công việc đòi hỏi sự kiên trì cao. Ví dụ như kịch bản của Cô Ba Sài Gòn đã được viết đi viết lại tới 31 lần. Nhiều kịch bản khác ở Hollywood còn được viết lại nhiều lần hơn - để phù hợp với ý đồ của đạo diễn và đoàn làm phim.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về LeLa Talk?
Kinh doanh, khởi nghiệp, kinh nghiệm sống và những cuộc trò chuyện truyền cảm hứng.
Nếu bạn không muốn bỏ lỡ những bài viết thú vị