Với nhiều bãi biển đẹp và hệ thống sông ngòi, kênh rạch phong phú, Việt Nam đã trở thành môi trường lý tưởng cho những người có sở thích bơi lội, nhưng điều này cũng đi kèm với nhiều hiểm nguy. Theo số liệu thống kê vào năm 2021, mỗi năm chúng ta có hơn 2.000 trường hợp trẻ đuối nước, tức là trung bình mỗi ngày có tới 5 trẻ đuối nước khi bơi lội ở môi trường nước mở. Mang nỗi trăn trở đó, LeLa Journal đã đến trò chuyện cùng anh Lương Ngọc Duy - chuyên gia bơi lội trong môi trường nước mở, đội trưởng đội cứu hộ Voreto của Pháp, cố vấn an toàn bơi lội cho nhiều cuộc thi.
Thời gian gần đây, các phong trào thể thao ở mọi bộ môn đều phát triển mạnh mẽ dẫn đến việc an toàn khi bơi lội trong môi trường thiên nhiên cũng nhận được quan tâm nhiều hơn từ cộng đồng. Vì lẽ đó, chuyên mục LeLa Talk mong muốn góp thêm góc nhìn về vấn đề này dựa trên các khuyến nghị khoa học và bám sát kinh nghiệm thực tiễn của các vận động viên, huấn luyện viên kỳ cựu.
Từ góc độ chuyên môn cao cũng như kinh nghiệm dày dặn trong thi đấu bơi lội và cứu hộ của mình, anh Lương Ngọc Duy chia sẻ một thông tin quan trọng rằng:
"Không phải kỹ năng bơi lội, mà chính kiến thức an toàn nước mới là yếu tố hàng đầu để phòng tránh đuối nước. Thế nhưng, điều này lại chưa được phổ biến tại Việt Nam".
Hiện nay, khi tìm kiếm trên mạng từ khóa "kiến thức an toàn nước", những kết quả hiện ra rất... không liên quan, cho thấy sự "hổng kiến thức" tối quan trọng trong việc bơi lội. Trong khi đó, nhiều nơi trên thế giới xem đây là một trong những kiến thức bắt buộc và cần phải được đào tạo kỹ càng.
Theo Hội Chữ thập Đỏ Hoa Kỳ, kiến thức an toàn nước (water safety knowledge/water smart) là một trong ba yếu tố thuộc về năng lực liên quan tới nước (water competency) giúp chúng ta phòng tránh các rủi ro liên quan khi bơi lội. Cụ thể hơn, năng lực liên quan tới nước bao gồm kiến thức an toàn nước, kỹ năng bơi lội và kỹ năng giúp đỡ người khác (2).
1. Kiến thức an toàn nước: Đây là những biện pháp an toàn liên quan tới môi trường nước, ngay cả khi chúng ta không có ý định bơi. Theo anh Lương Ngọc Duy, "kiến thức an toàn nước hiểu đơn giản là không xuống nước mà chưa nắm được các điều kiện an toàn", bao gồm:
2. Kỹ năng bơi lội: Kỹ năng này yêu cầu chúng ta thành thạo các bài/động tác bơi lội căn bản.
3. Kỹ năng giúp đỡ người khác: Những hành động đúng cách giúp bản thân và mọi người xung quanh ứng phó với trường hợp khẩn cấp.
Mặc dù tỷ lệ đuối nước hiện nay đã giảm nhiều so với những năm trước, nhưng số liệu thống kê vẫn còn ở mức rất cao, gấp 10 lần số liệu ở các nước phát triển (3). Vậy nên, câu hỏi đặt ra là tại sao những khái niệm cơ bản về phòng chống đuối nước quan trọng lại chưa được biết đến rộng rãi trong cộng đồng, nơi hằng ngày vẫn đang chứng kiến những tai nạn thương tâm?
Chúng ta đã nghe nói nhiều về tính thiết yếu của việc cải thiện kỹ năng bơi lội nhưng chưa được nghe phổ biến nhiều về những kiến thức an toàn nước. Vậy tại sao nó lại quan trọng và được nhiều chuyên gia xem là cần được ưu tiên hơn?
Trong một nghiên cứu được công bố vào năm 2011 tại Hội nghị Quốc tế Phòng chống Đuối nước diễn ra tại Đà Nẵng, Việt Nam, Tiến sĩ Per-Ludvik Kjendlie, trưởng nhóm nghiên cứu đến từ trường Đại học Cao đẳng Vestfold đã nhấn mạnh rằng:
"Giáo dục về an toàn nước quan trọng hơn nhiều so với việc giảng dạy kỹ năng bơi lội" (4).
Đó là lời giải thích cho tình trạng một số người bơi giỏi nhưng vẫn bị đuối nước, và "việc hổng kiến thức về địa hình cũng như dòng chảy chính là chìa khóa dẫn đến số liệu thống kê về đuối nước rất cao" - theo Tiến sĩ Per-Ludvik Kjendlie (4).
Anh Lương Ngọc Duy cũng xếp kiến thức an toàn nước là quan trọng hơn kỹ năng bơi lội trong việc phòng tránh rủi ro, bởi theo anh:
Việt Nam hiện nay có ba môi trường nước mở được ưa chuộng cho việc bơi lội là biển, sông và hồ. Mỗi môi trường đều có những rủi ro luôn rình rập từ địa hình, dòng chảy, sóng, nhiệt độ nước chênh lệch, dị vật đến cả thời tiết… Những rủi ro này ở cả ba môi trường, theo đánh giá của anh Duy, là đều tiềm tàng nguy cơ như nhau.
1. Những rủi ro về địa hình khi bơi ở hồ: Trong nước có khoảng 3.500 hồ chứa có dung tích lớn hơn 0,2 triệu m³ (5), là địa điểm lý tưởng cho những người muốn "cao hứng đi bơi" giữa ngày hè nóng bức. Thế nhưng, nếu không lường trước được những rủi ro thì hậu quả để lại là rất lớn, mà trường hợp hồ Đá nằm cạnh khu Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh là một ví dụ điển hình.
Đó là chưa kể đến địa hình gồ ghề và thảm thực vật dưới lòng hồ cũng gây nguy hiểm cho những người bơi lội, điều này khiến chính quyền địa phương đã đưa ra lệnh cấm nhiều hoạt động diễn ra xung quanh khu vực này.
2. Những rủi ro về địa hình khi bơi ở biển: Khi nhắc đến biển, anh Duy cho rằng rủi ro đặc thù của môi trường này đầu tiên là các loại dòng chảy, như dòng chảy xa bờ, dòng chảy đảo, dòng chảy bãi biển không bằng phẳng và địa hình cao thấp khác nhau.
3. Những rủi ro về địa hình khi bơi ở sông: Tắm sông từ lâu là một thói quen của rất nhiều người bất chấp cả những rủi ro và tai nạn xảy ra quanh năm. Đặc thù của môi trường này là sự không ổn định ở dòng chảy (lúc nhanh, lúc chậm và có lúc đảo chiều). Ngoài ra, tình trạng khai thác cát trái phép cũng khiến cho dòng chảy ở một số khu vực trên sông thay đổi, gây nguy hiểm với những người bơi lội xung quanh.
Việc nắm được nhiều rủi ro này là cách để cho chúng ta ý thức được mức độ nguy hiểm khi bơi lội ở môi trường nước rất cao, nhưng liệu nó có đủ để giúp ta tự mình nhận biết để xem môi trường nào là an toàn, môi trường nào là nguy hiểm để bơi hay không?
Mỗi một khu vực địa lý sẽ có những đặc thù riêng mà không thể chỉ dựa vào quan sát hay kinh nghiệm để phân biệt, đó là một thái độ chủ quan gây nguy hiểm cho bản thân mình và những người xung quanh.
Thử lấy một ví dụ từ bức ảnh dưới đây, bạn có chắc khi nhìn vào là sẽ biết được dòng chảy xa bờ nằm ở vị trí nào không?
Hay với hồ nước trong xanh mát lành này, làm sao mà biết được ở đó có sự chênh lệch nhiệt độ lớn và địa hình hiểm trở dưới bề mặt?
Trên thực tế, nếu chỉ nhìn qua hai hình trên, chúng ta gần như không thể đưa ra kết luận về dòng chảy xa bờ, địa hình, nhiệt độ nước...
Vậy nên, theo lời anh Duy, hỏi "thổ địa" - những người dân sống lâu năm quanh khu vực này - chính là bước đầu tiên và quan trọng nhất để trang bị cho mình kiến thức an toàn nước, bởi chỉ họ mới có thể nắm rõ được những thông tin quan trọng như vậy.
Nhận biết là một chuyện, phòng tránh rủi ro là một câu chuyện khác và nó liên quan nhiều hơn đến yếu tố kỹ năng bơi lội. Có một điều đáng "báo động" là đa số những người đuối nước thường là những người "cho rằng mình biết bơi". Vậy như thế nào mới được gọi là "biết bơi" và việc học bơi từ nhỏ quan trọng như thế nào, liệu lớn lên học có còn trễ quá không? Đó là nội dung của chủ đề tiếp theo mà LeLa Journal sẽ gửi đến độc giả trong thời gian tới.
Cuối cùng, qua ý kiến của các chuyên gia bơi lội hàng đầu, chúng tôi muốn nhấn mạnh lại rằng kiến thức an toàn nước là điều quan trọng cần phải được ưu tiên nếu muốn bơi lội ở môi trường thiên nhiên, và trong những kiến thức đó thì nắm được địa hình và dòng chảy qua việc hỏi người dân địa phương là điều đầu tiên cần phải được ưu tiên.
Độc giả tại TP.HCM có thể tham gia nhóm Bơi và những người bạn do anh Lương Ngọc Duy thành lập tại đây. Nhóm dạy bơi từ cơ bản đến nâng cao để gây quỹ cho trẻ em cơ nhỡ và có hoàn cảnh khó khăn
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về LeLa Talk?
Kinh doanh, khởi nghiệp, kinh nghiệm sống và những cuộc trò chuyện truyền cảm hứng.
Nếu bạn không muốn bỏ lỡ những bài viết thú vị