Lạc quan bi tráng (tragic optimism) được coi là một nguồn động lực quý giá cho cuộc sống con người, đặc biệt là những ai đang trải qua khó khăn, thử thách và đau khổ. Minh chứng rõ ràng chính là quãng thời gian đại dịch COVID-19 bùng nổ toàn cầu. Tuy nhiên, tâm thế sống lạc quan bi tráng (tragic optimisn) không chỉ xuất hiện mới đây, mà đã được thể hiện qua lý thuyết lẫn thái độ sống của nhà tâm lý học người Áo từ thế kỷ XX - Viktor Frankl.
"Sự tích cực độc hại" (toxic positivity) là thái độ nhìn nhận mọi việc từ góc độ tích cực quá mức, có thể dẫn đến việc trốn tránh thực tế và bỏ lỡ cơ hội phát triển. Ngược lại, tinh thần lạc quan bi tráng (tragic optimism) liên quan đến việc chấp nhận và đối mặt với các sự kiện đau buồn, thậm chí là tổn thương sâu sắc. Đây là khả năng phát triển thông qua việc đối mặt và vượt qua sự kiện đau thương, hướng tới việc tìm kiếm ý nghĩa từ những mất mát đã trải qua (1), (2).
Viktor Frankl, nhà tâm lý học người Áo, không chỉ là "cha đẻ" của khái niệm "tragic optimism", mà còn là minh chứng sống cho tâm thế này khi ông đã sống sót, vượt qua hoàn cảnh tàn khốc của nạn diệt chủng Holocaust.
Trong cuốn Đi tìm lẽ sống (Man’s Search for Meaning, 1985), Viktor Frankl đã khẳng định rằng cuộc sống vẫn ẩn chứa ý nghĩa tiềm tàng dù trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào.
Dựa vào quan điểm của Viktor Frankl, mô hình lạc quan trong bi tráng đã được tổng hợp và phát triển, hỗ trợ con người tìm kiếm những giá trị tích cực trong cuộc sống. Mô hình này dựa trên 5 yếu tố cốt lõi là khẳng định giá trị cuộc sống, dũng cảm đối diện với nghịch cảnh, hiện thể hóa (self-transcendence) vì mục đích cao cả hơn, củng cố niềm tin và chấp nhận thực tế không thể thay đổi (2).
5 yếu tố được diễn giải cụ thể như sau:
Khác với sự lạc quan độc hại là chối bỏ tính tiêu cực, sự lạc quan bi tráng giúp con người thừa nhận khía cạnh trầm buồn trong những trải nghiệm đau thương, thậm chí là những chấn thương tâm lý (trauma) của họ. Chỉ có như vậy, tinh thần lạc quan bi tráng mới có thể giúp ta chữa lành, cũng như tìm thấy những ý nghĩa quan trọng trong cuộc sống (3).
Có thể nói rằng, lạc quan bi tráng chính là tinh thần "chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo".
Nếu thiếu đi khả năng cảm thấy lạc quan bi tráng, một người có thể cảm thấy mất niềm tin khi đứng trước khó khăn, dẫn đến cảm giác thất vọng, chán chường và thậm chí là trầm uất.
Từ vào mô hình trên, chúng ta có thể thực hiện một số cách thức để chuẩn bị cho mình một tâm thế lạc quan bi tráng, nhờ đó sớm được chữa lành khỏi những tổn thương tâm lý.
- Chấp nhận: Tập đối mặt và chấp nhận sự thật, nhưng hãy nhớ rằng điều này không có nghĩa là chúng ta phải hài lòng với nó, mà chỉ là nhận diện thực tại, coi đó là một phần của cuộc sống. Chẳng hạn, một người vừa nghe tin người thân của mình qua đời. Người này không cần phải ngay lập tức vượt qua nỗi đau đó, mà chỉ cần chấp nhận rằng đây là hiện thực của bản thân và cố gắng chuẩn bị tang lễ.
Điều này có lẽ cũng có điểm tương đồng với lý thuyết về tiến trình cận tử, đối mặt với đau buồn của Elisabeth Kübler-Ross. Tuy nhiên, việc "chấp nhận thực tế" ở đây không hẳn là chấp nhận và vượt qua đau buồn ngay lập tức, mà chỉ đơn thuần là không chối bỏ những gì đang diễn ra.
- Tìm kiếm ý nghĩa: Chúng ta hiểu rằng mình sẽ học hỏi được từ trải nghiệm này hoặc có thể vận dụng nó để giúp đỡ người khác. Ví dụ, bạn nhận ra rằng công việc cũ không phù hợp và hiện tại - khi bạn đang thất nghiệp - chính là cơ hội để tìm kiếm một công việc phù hợp hơn với khả năng và đam mê của bản thân.
Hãy tự hỏi bản thân một số câu hỏi sau: "Sự kiện này đã thay đổi cuộc đời tôi như thế nào? Nó có thể đã đóng những cánh cửa nào? Nó có thể mở được những cánh cửa nào?"... (4)
- Tăng cường mối quan hệ: Sự ủng hộ từ gia đình, bạn bè và cộng đồng có thể giúp chúng ta cảm thấy bớt cô đơn và dễ vượt qua khó khăn. Do đó, hãy cố gắng dành thời gian để xây dựng và duy trì các mối quan hệ chất lượng. Thậm chí, vào những giai đoạn buồn rầu nhất, hãy cố gắng duy trì các tương tác xã hội thường nhật nếu có thể.
- Hành động vị tha: Hãy cố gắng chuyển đổi sự tập trung của bản thân từ những gì chúng ta "đã đánh mất" sang những việc tích cực mà ta "sẽ thu được", cũng như những gì mà ta có thể giúp người khác.
Điểm mấu chốt giúp chúng ta biến hoàn cảnh khó khăn thành cơ hội chính là phải biết tìm hiểu cặn kẽ về những suy nghĩ và cảm xúc liên quan đến một sự kiện, trải nghiệm nhất định, để từ đó tìm ra đúng ý nghĩa, mục tiêu, bài học... (5)
Đây chính là một điểm thách thức khi bước đầu tiếp nhận tâm thế lạc quan bi tráng. Bởi lẽ, một số trải nghiệm có thể gây đau buồn quá độ, đến nỗi nhiều người khó có thể nghĩ tới nó mà không bị xúc động mạnh. Việc cố gắng lạc quan lúc này sẽ chỉ gây phản tác dụng, xoáy sâu vào nỗi đau.
Trong những trường hợp đó, chúng ta cần sự hỗ trợ của chuyên gia tâm lý lâm sàng, nhà trị liệu chuyên về chấn thương tâm lý.
Cũng trong tác phẩm Đi tìm lẽ sống, Viktor Frankl đã đề xuất tới 3 "nguồn ý nghĩa" cơ bản của đời người, bao gồm thành tựu trong công việc, sự quan tâm chăm sóc đối với những người thân yêu và lòng can đảm khi đối mặt với những thời khắc gay go của cuộc sống. Đồng thời, ông cũng đề cao 3 giá trị là lòng quả cảm, sự bao dung, phẩm giá-đức hạnh con người.
Lấy chính Viktor Frankl làm ví dụ, trong nạn diệt Holocaust, thay vì đầu hàng trước cuộc sống và mất hết hy vọng về tương lai, Frankl đã "tập trung lý giải nguyên nhân có những người sống sót trong trại tập trung của phát xít Đức", cũng như gìn giữ ước mơ được quay về và gặp lại vợ mình, thậm chí là mong muốn cơ hội được thuyết giảng về các bài học tâm lý sau chiến tranh.
Cuối cùng, Frankl đã có đủ sức mạnh để vượt qua nạn Holocaust và đạt được tất cả những điều đó, như ông đã hy vọng (6).
Tựu trung lại, sau những mất mát và khó khăn của COVID-19, cộng dồn với những biến động kinh tế, khí hậu... tinh thần lạc quan bi tráng (tragic optimism) không chỉ là một công cụ đối mặt với khó khăn, mà còn là một nguồn động lực để chúng ta được chữa lành và phát triển bản thân, ngay trong những điều tưởng như nhỏ nhặt nhất trong cuộc sống.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Tâm Lý?
Cập nhật những nghiên cứu và khám phá mới nhất về tâm lý.