Các nhà nghiên cứu, chuyên gia tâm lý và tác giả sách nổi tiếng có quan điểm như thế nào về trí tuệ cảm xúc? Những trích dẫn sau đây sẽ mang đến cho bạn góc nhìn sâu sắc và đa dạng hơn để hiểu thêm về EQ, một khái niệm quan trọng đối với đời sống của mỗi con người và toàn xã hội.
“Trong khoảng một thập kỷ gần đây, khoa học đã khám phá nhiều điều về vai trò của cảm xúc trong cuộc sống con người. Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra EQ thậm chí còn trọng yếu hơn cả IQ. Nhận thức về cảm xúc và khả năng xử lý cảm xúc quyết định sự thành công và hạnh phúc của chúng ta trong mọi lĩnh vực xã hội.”
Có quá nhiều thay đổi đang diễn ra, đến mức gần như chúng ta không thể biết điều gì sắp tới. Không ai hình dung rõ thế giới vào năm 2050 trông như thế nào, trừ việc nó thay đổi rất nhiều so với ngày hôm nay.
Trừ khi bạn đã ở độ tuổi 80, nếu không thì bạn cần liên tục tái tạo bản thân trong những thập kỷ tới. Chúng ta thậm chí chưa tiếp cận hết khả năng của AI và nó sẽ chỉ tăng tốc hơn. Vậy nên, thế giới sẽ có nhiều thay đổi vào năm 2025, nhưng sau đó còn nhiều thay đổi lớn hơn vào năm 2035 và tiếp tục có nhiều biến chuyển lớn hơn nữa vào năm 2045, cứ như vậy chúng ta phải liên tục đổi mới và thích nghi với một thế giới nhiều biến động.
Tôi nghĩ điều quan trọng nhất cần phải nhấn mạnh trong giáo dục là trí tuệ cảm xúc (emotional intelligence) và một tinh thần ổn định, cân bằng (mental balance) vì những thử thách khó khăn phần lớn sẽ là về tâm lý.
Khoản đầu tư cần thiết nhất cho chúng ta không phải là học một kỹ năng cụ thể nào như cách viết code hay học tiếng nước ngoài, mà đó là việc xây dựng trí thông minh cảm xúc, rèn luyện một tâm trí linh hoạt.
Nghiên cứu đã chứng minh trong tất cả các nghề, trí tuệ cảm xúc là thành phần quan trọng gấp đôi khả năng nhận thức và trình độ kỹ thuật cộng lại, giúp tạo ra hiệu suất vượt trội trong công việc. Vị trí càng cao trong tổ chức, trí thông minh cảm xúc càng quan trọng hơn. Đối với những cá nhân ở vị trí lãnh đạo, 85% năng lực của họ chính là EQ.
Nếu bạn không trau dồi trí tuệ cảm xúc, nếu bạn không có nhận thức về bản thân, nếu bạn không thể quản lý những cảm xúc căng thẳng hay đồng cảm với người khác, dù có thông minh đến mức nào, bạn cũng khó có thể đi xa được.
Điều khó khăn với não bộ chúng ta là một khi đã bị tâm trạng tiêu cực chiếm lấy, chúng ta sẽ quên mất những điều tốt đẹp và các thành tựu trong cuộc đời mình. Đột nhiên bạn cảm thấy không hài lòng với công việc của mình, thất vọng về gia đình và bạn bè, sự tích cực về tương lai của bạn tự động biến mất. Trong sâu thẳm, bạn biết rằng mọi thứ không tồi tệ đến vậy, nhưng bộ não của bạn không thực sự lắng nghe điều đó.
Trí tuệ cảm xúc giúp ta nhận ra và hiểu được cảm xúc của bản thân và của người khác, từ đó dùng sự nhận thức này để quản lý hành động và các mối quan hệ của mình. Những người có khả năng nhận thức tốt thường biết rất rõ họ làm được những gì, điều gì giúp họ hài lòng và tạo động lực cho họ, những người và hoàn cảnh nào sẽ thúc đẩy họ trong cuộc sống.
Có lẽ điều quan trọng nhất là trí thông minh cảm xúc đem lại các kỹ năng giúp chúng ta tạo ra điều kiện cho hạnh phúc lâu dài. Nhà sư Matthieu Ricard định nghĩa hạnh phúc là “cảm giác viên mãn sâu sắc xuất phát từ một nội tâm lành mạnh… không phải là một cảm giác vui vẻ đơn thuần, một cảm xúc thoáng qua, hay một tâm trạng, mà là trạng thái hiện hữu trọn vẹn”.
Và trạng thái hiện hữu trọn vẹn đó là sự cân bằng cảm xúc sâu sắc đạt được thông qua việc am hiểu tinh tế cách hoạt động của tâm.
Những kỹ năng trau dồi trí thông minh cảm xúc sẽ giúp chúng ta xác định và phát triển các yếu tố tạo cảm giác an lành sâu bên trong chúng ta. Những kỹ năng xây dựng trí thông minh cảm xúc cũng giúp chúng ta tạo ra các điều kiện cho hạnh phúc của mình. Do đó, hạnh phúc lúc này là một phản ứng phụ chắc chắn sẽ xảy ra của việc trau dồi trí thông minh cảm xúc.
Một điều cần thiết mà trẻ em nên được học ở trường là làm sao để nhận diện cảm xúc của mình. Trẻ em thường có nhiều cảm xúc mạnh. Nếu không có khả năng hiểu được cảm xúc, có khả năng nó sẽ hoàn toàn chiếm lấy chúng ta. Điều đó nghĩa là, khi dòng cảm xúc dấy lên, nó có thể kiểm soát những lời chúng ta nói, những suy nghĩ và hành động chúng ta làm.
Nếu không có nhận thức vững vàng về bản thân, chúng ta sẽ cuốn theo dòng cảm xúc và để nó chỉ huy chính mình.
Khi một cảm xúc khởi lên, hãy nhận biết và quan sát nó, như vậy là bạn đã thắng được một nửa. Nhận biết và có mặt ở hiện tại như một nhân chứng, một người quan sát, nhận biết rằng tâm trí bạn đang có một xúc cảm rất mạnh, chẳng hạn như “ồ, một giờ vừa qua tôi đã nghĩ những điều tiêu cực về cuộc đời mình, nhưng nó có thực sự tệ đến vậy không?” Khi sự nhận thức xuất hiện, cảm xúc có thể vẫn sẽ ở đó, nhưng bạn không còn bị chiếm hữu bởi nó, thay vào đó bạn thoát ra khỏi câu chuyện và mang tâm trí trở về với khoảnh khắc hiện tại.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Tâm Lý?
Cập nhật những nghiên cứu và khám phá mới nhất về tâm lý.