Sự kiên cường (resilience) là một phẩm chất đáng quý, nhưng không phải là không có mặt trái. Tính kiên cường này đôi khi lại khiến chúng ta phát triển chậm và không tối ưu được những nguồn lực vốn có. Vậy phải làm sao để ta có thể tiếp tục kiên cường và tránh được mặt trái này?
Sự kiên cường (resilience) được hiểu là tiến trình thích ứng với khó khăn, thử thách trong cuộc sống, thông qua khả năng thích nghi hoàn cảnh với một tâm trí, tinh thần linh hoạt (1). Từ này có nguồn gốc tiếng Latin là từ "resilire", có nghĩa là "sức bật" hoặc "bật ngược lại" – tương tự như sợi dây cao su sẽ co lại sau khi bị kéo dãn. Trong vật lý ngày nay, từ "resilience" vẫn được dùng với ý nghĩa gốc đó.
Từ thập niên 1970, "resilience" đã bắt đầu xuất hiện trong ngành Tâm lý học, ban đầu được dùng để mô tả khả năng của những đứa trẻ bị bạo hành phản ứng và chữa lành sau chấn thương (2). Dần dần, từ này mang nghĩa "khả năng phục hồi sau nghịch cảnh" như phần lớn chúng ta ngày nay vẫn đang hiểu.
Kể từ sau đại dịch COVID-19 và sự đi xuống của nền kinh tế, từ khóa "resilience" lại được nhắc đến nhiều hơn bao giờ hết. Khi thực hiện khảo sát Từ ngữ của Năm 2022 với các độc giả, tờ Harvard Business Review nhận thấy đây là một trong những câu trả lời phổ biến nhất (3). Tần suất "resilience" xuất hiện trong các cuốn sách cũng tăng vọt và đạt đỉnh vào năm 2019 – thời điểm mới bùng phát đại dịch (4). Trên nền tảng TikTok, hashtag #resilience cũng đã thu về khoảng 1 tỷ lượt xem.
Sự kiên cường sẽ giúp chúng ta không từ bỏ để tiếp tục đứng dậy sau những tổn thương và đối mặt với những khó khăn trong công việc, tài chính, sức khỏe cá nhân... Nó đã trở thành một năng lực cốt lõi của mỗi cá nhân, giúp chúng ta chống chọi và tiếp tục phát triển trong thời kỳ đầy biến động.
Nhìn chung, đây là một phẩm chất tốt. Song, giống như những thớ cơ sẽ chịu tổn hại nghiêm trọng nếu chịu áp lực quá độ trong thời gian dài, sự kiên cường quá mức cũng tiềm ẩn tác dụng phụ.
Sự lạc quan và lòng tự tôn là hai yếu tố tạo nên sự kiên cường. Tuy nhiên, ở mức độ quá lớn, chúng có thể biến thành sự lạc quan độc hại, hội chứng ảo vọng (false hope syndrome) và thậm chí là đề cao bản thân (self-enhancement) (5).
Hội chứng ảo vọng xảy ra khi chúng ta đặt kỳ vọng quá cao hoặc đề ra những mục tiêu thiếu tính thực tế. Bất chấp những bằng chứng cho thấy rằng mục tiêu đó không phù hợp, chúng ta vẫn bám đuổi và phí hoài năng lượng một cách vô nghĩa (6). Nếu không đạt được mục tiêu đã đề ra, chúng ta dễ thất vọng, mất động lực và tự coi bản thân là một nỗi thất bại.
Như vậy, điểm mấu chốt để sự lạc quan không trở thành độc hại hay hội chứng ảo vọng chính là mục tiêu của chúng ta.
Trong khi đó, sự đề cao bản thân (self-enhancement) lại là xu hướng trở nên lạc quan quá mức (7). Một ví dụ dễ quan sát nhất là trong các kỳ thi, nhiều người cho rằng việc đạt điểm số cao là do năng lực, còn nhận điểm thấp là do không may hoặc do giám khảo chấm sai kết quả. Thiên kiến tự đề cao này dần khiến nhiều người không thể phân tích tình huống một cách khách quan và thấu đáo, hoặc dẫn đến lối tư duy theo chủ nghĩa hiện thực thơ ngây (naive realism).
Thêm nữa, kiên cường và lạc quan quá mức có thể khiến chúng ta trở nên dễ chấp nhận nghịch cảnh. Chẳng hạn, đang làm việc trong một môi trường độc hại với công việc quá căng thẳng và sếp thường xuyên tạo áp lực vô lý, bạn lại cho rằng chỉ cần kiên cường vượt qua giai đoạn này, mọi thứ sẽ ổn. Thế nhưng, trên thực tế, môi trường này không giúp bạn phát triển, thậm chí làm uổng phí khả năng của bạn. Nếu bạn đổi chỗ làm, bạn có thể vận dụng được hết kỹ năng đã được đào tạo. Như vậy, bạn đang gặp tình trạng "ở lâu trong cái khổ, Mị quen khổ rồi".
Bên cạnh đó, đây cũng là một lý do khiến nhiều người chấp nhận tiếp tục cam kết với một mối quan hệ độc hại.
Sự kiên cường chỉ phát huy tác dụng thực sự khi nó đi kèm cùng một mục tiêu thực tế, rõ ràng. Với mục tiêu này, chúng ta có thể biết rõ mình đang ở đâu, làm sao để đạt được mục tiêu đó mà không trở nên vô vọng, mất niềm tin. Các tiêu chí đặt mục tiêu hiệu quả đã được đề cập tới trong lý thuyết về đề ra mục tiêu, theo Edwin A. Locke (8).
Cụ thể, một mục tiêu cần thỏa mãn đủ năm yếu tố sau (8), (9), (10):
Bên cạnh đó, độc giả có thể tham khảo bài đăng trên LeLa Journal về cách đặt mục tiêu theo mô hình S.M.A.R.T.
Ngoài ra, chúng ta cũng có thể trao đổi vấn đề mình đang gặp phải với những người xung quanh để có thêm góc nhìn từ bên ngoài. Bởi lẽ, đôi khi, ở trong "cái khổ" quá lâu, chúng ta cho rằng đó là chuyện bình thường và tiếp tục bám trụ, cố gắng kiên cường. Song, chỉ khi nhìn nhận vấn đề từ góc độ khách quan, chúng ta mới nhận ra nhiều vấn đề mà trước nay chưa cân nhắc kỹ. Biết đâu, đây lại chính là lúc chúng ta hiểu rằng: Hóa ra nỗ lực kiên cường từ trước đến giờ là "công cốc".
Cuối cùng, hãy nhớ rằng kiên cường vẫn luôn là một phẩm chất tốt đẹp. Thế nhưng, nếu tình huống trở nên quá khó khăn, quá khắc nghiệt và quyền quyết định vẫn nằm trong tay bạn, bạn vẫn có thể rời đi hoặc tìm cách thay đổi môi trường. Điều đó không có nghĩa là bạn yếu đuối hay thiếu kiên cường, mà chỉ là đang lựa chọn những điều tích cực, lành mạnh và phù hợp hơn, thay vì mãi níu kéo những gì không phù hợp với mình.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Tâm Lý?
Cập nhật những nghiên cứu và khám phá mới nhất về tâm lý.