Mỗi khi bắt đầu một hành trình mới, bất kể là trong công việc, học tập hay cuộc sống, chúng ta lại hào hứng liệt kê hàng loạt mục tiêu để rồi nản lòng vì không thể hoàn thành một nửa trong khi thời gian cứ vùn vụt trôi đi. Để rút ngắn đường về đích, bên cạnh ý chí và năng lực, bạn còn cần một mục tiêu theo chuẩn S.M.A.R.T và những chiến thuật thông minh.
Cùng một mục tiêu, người thành công, kẻ thất bại. Liệu ta có nên "nghe theo tín hiệu vũ trụ" và mặc chuyện đến đâu thì đến? Đáp án là không, vì hiếm người có thể tiến lên mà thiếu đi vạch đích.
Sở dĩ có lời khuyên "trước khi bỏ cuộc, hãy nhớ về lý do bạn bắt đầu" là bởi mục tiêu luôn gắn liền với động lực. Khác với một mong muốn đơn thuần, mục tiêu đóng vai trò như chiếc la bàn định hướng mọi đường đi nước bước của chúng ta trong cuộc sống (1).
Theo Thuyết Đặt mục tiêu (Goal-Setting Theory) của tiến sĩ Edwin Locke và Gara Latham, hơn cả lời cổ vũ "làm hết sức", một mục tiêu đầy thách thức sẽ thôi thúc một người nỗ lực hơn bao giờ hết. Một khi mục tiêu đã được thiết lập, cơ thể chúng ta như được tiếp thêm năng lượng, sự kiên trì và sức chịu đựng cũng được tăng thêm.
Tiến sĩ Edwin Locke khẳng định, đặt ra mục tiêu chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, mục tiêu chỉ phát huy sức mạnh tối đa khi thỏa mãn một số tiêu chí nhất định (2). Bằng không, chúng sẽ vĩnh viễn là những "ô trống không thể đánh dấu" khiến chúng ta thêm sầu não.
Năm 1981, chuyên gia tư vấn George T.Doran đã công bố mô hình S.M.A.R.T đề ra những tiêu chí trong việc thiết lập mục tiêu quản lý doanh nghiệp (3). Kể từ đấy, mô hình này cũng liên tiếp xuất hiện nhiều biến thể khác nhau. Bạn có thể tham khảo phiên bản dưới đây trong hoạch định mục tiêu cá nhân và công việc (4).
Một mục tiêu không nhất thiết cùng lúc thỏa mãn cả năm tiêu chí trên, nhưng phải đáp ứng đa số. Nếu mong muốn của bạn là nấu ăn thành thạo và ngon miệng, mục tiêu S.M.A.R.T sẽ là:
S - Tôi có thể nấu ăn tại nhà thường xuyên, nêm nếm ngon và trình bày đẹp mắt hơn.
M - Nấu ít nhất 10 bữa/tuần, một bữa ít nhất 3 món.
A - Tôi đã có sẵn dụng cụ nhà bếp, nguyên liệu cần thiết và một người hướng dẫn.
R - Tôi nấu ăn để cải thiện sức khỏe và tiết kiệm chi phí.
T - Tôi sẽ hoàn thành mục tiêu trong vòng 3 tháng, bắt đầu từ tháng 4.
Với một mục tiêu thông minh, bạn có thể dễ dàng lên kế hoạch và nhanh chóng bắt tay vào việc, thay vì trì hoãn không biết bắt đầu từ đâu và mông lung không biết phải làm thế nào (5). Tuy nhiên, đừng kỳ vọng rằng việc áp dụng S.M.A.R.T sẽ đảm bảo mọi mục tiêu đều trở thành hiện thực (6). Mục tiêu không tự "mọc chân" chạy đến đích, nhưng bạn có thể sẽ tiến bước nhanh hơn nếu áp dụng những chiến thuật dưới đây.
Theo Thuyết bốn lò lửa (The four burners theory) của David Sedaris, có bốn chiếc lò đại diện cho các yếu tố thiết yếu trong cuộc sống: gia đình, bạn bè, công việc và sức khỏe. Hãy tắt đi một lò để thành công và tắt đi hai lò để chạm đến đỉnh cao (7). Nghĩa là, bạn không thể cùng lúc ôm đồm nhiều việc mà vẫn đảm bảo kết quả hoàn hảo cho tất cả mọi thứ. Thay vào đó, ở mỗi mốc thời gian, bạn nên tập trung sức lực, thời gian và năng lượng để hoàn thành một mục tiêu đã xác định.
Mục tiêu bền vững và truyền động lực lớn khi đồng thời thỏa mãn những nhu cầu bên ngoài và giá trị bên trong. Bạn có thể giảm cân do muốn mặc chiếc áo đầm xin, những vì muốn cảm thấy tự tin hơn khi soi gương.
Theo đuổi mục tiêu khó thì nhanh nản lòng nhưng đặt mục tiêu quá dễ lại không tạo cảm giác phấn khích. Bạn có thể cân bằng hai trạng thái này bằng cách đặt mục tiêu cao, rồi chia nhỏ thành những cột mốc ngắn hạn dễ thực hiện (8). Một phương pháp khác là đặt mức "tối thiểu", ví dụ như đọc ít nhất 30 trang sách trong một ngày, sau đó nếu có thể thì tiếp tục.
Đừng sợ "nói trước bước không qua". Bạn có thể chia sẻ mục tiêu của mình với một người bạn để có thêm áp lực tích cực. Việc viết mục tiêu lên giấy cũng giúp tăng tính cam kết và tỷ lệ hoàn thành (9).
Thành công sẽ đến khi chúng ta biết đặt mục tiêu và thực hiện chúng bằng những chiến thuật thông minh.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Sự Nghiệp?