Một số người e ngại việc xác lập mục tiêu nghề nghiệp vì nỗi sợ không thể hoàn tất kế hoạch đó. Tuy nhiên nếu không xác định rõ mục tiêu cho chính mình, chúng ta sẽ khó có thể nhìn thấy các tiến bộ mình đã đạt được trong sự nghiệp. Việc thiết lập mục tiêu, cụ thể là ngắn hạn và dài hạn, sẽ giúp mỗi người giữ vững được sự tập trung và có định hướng khi làm việc.
Chúng ta thường dễ bị cuốn vào những nhiệm vụ hằng ngày mà quên cân nhắc xem mình muốn làm những gì trong tương lai. Vì vậy nhiều người dù vẫn làm việc chăm chỉ nhưng song song đó, họ luôn cảm thấy như thể đang hành động trong vô định và không biết mọi việc sẽ dẫn đến đâu. Cách tốt nhất để cải thiện tình trạng này là bắt đầu đặt ra những mục tiêu có thể đạt được và mang lại giá trị cho bản thân cũng như doanh nghiệp của bạn.
Ngay cả khi mọi thứ không diễn ra chính xác theo kế hoạch mong đợi, có mục tiêu vẫn giúp chúng ta cảm thấy ý nghĩa và biết nên phấn đấu vì điều gì. Suy nghĩ về những điều muốn hoàn thành trong ngắn hạn và dài hạn là bước đệm để chúng ta trở thành một người có chiến lược, có sự chuẩn bị và tập trung hơn.
Đặt mục tiêu là phần quan trọng khi lập kế hoạch nghề nghiệp. Để có một sự nghiệp thành công và duy trì mức độ hài lòng trong cuộc sống, mỗi người cần tự xác định các mục tiêu và đưa ra chiến lược để hiện thực hóa nó. Kế hoạch này bao gồm mục tiêu dài hạn và ngắn hạn, cùng với các bước cần thực hiện và những thách thức sẽ phải trải qua.
Dưới đây là bảng so sánh sơ lược về mục tiêu ngắn hạn và dài hạn:
Mục tiêu ngắn hạn
Mục tiêu dài hạn
Hoàn thành trong 3 tháng - 3 năm.
Hoàn thành trong 3-5 năm.
Đòi hỏi hành động hằng ngày hoặc hằng tuần.
Để đạt được mục tiêu dài hạn, trước hết bạn cần hoàn thành một loạt các mục tiêu ngắn hạn.
Có thể được gắn với một kế hoạch lớn (một mục tiêu dài hạn) hoặc đơn giản là các mục tiêu độc lập để cải thiện bản thân và công việc hiện tại.
Cần nhiều cam kết và thời gian hơn so với mục tiêu ngắn hạn, có thể không rõ chính xác mốc thời gian đạt được.
Ví dụ: học một kỹ năng mới, tạo CV/portfolio chuyên nghiệp, đọc một quyển sách liên quan đến lĩnh vực của bạn…
Ví dụ: kiếm được bằng cấp hoặc học bổng, thăng chức, trở thành lãnh đạo, thành thạo ngôn ngữ mới…
Tùy mỗi cá nhân sẽ có những mục tiêu ngắn hạn và dài hạn khác nhau. Vì mỗi người sẽ biết điều gì quan trọng với chính mình và điều gì mang lại lợi ích cho sự phát triển bản thân, góp phần làm cuộc sống thêm ý nghĩa. Tuy vậy, nhiệm vụ này có thể sẽ khó khăn nếu chúng ta chưa biết xây dựng mục tiêu một cách chính xác và hiệu quả.
Hãy thử xem xét các tiêu chí thiết lập mục tiêu sau đây để ứng dụng vào kế hoạch nghề nghiệp cho riêng bạn.
Cụ thể hóa mục tiêu: Suy nghĩ "muốn thành công” có lẽ chưa đủ cụ thể để chúng ta hình dung mình cần làm gì sắp tới. Xác định mục tiêu dài hạn là "hạnh phúc hơn" hoặc "giàu có hơn" cũng không cung cấp chi tiết cho chúng ta biết những nỗ lực cần phải cố gắng. Thay vào đó, hãy suy nghĩ kỹ về những điều bạn thực sự muốn và hành động nào sẽ giúp bạn làm được điều đó.
Cần đo lường được: Phải có khung thời gian để thực hiện mục tiêu và xác định khi nào sẽ hoàn thành. Có thể chia nhỏ chúng thành các mốc nhỏ hơn mà bạn đo lường được trong suốt quá trình. Điều này sẽ giúp gia tăng đáng kể động lực mỗi ngày cho chúng ta.
Theo dõi tiến trình: Việc theo dõi xem mình đã làm gì giúp bạn có cảm nhận về sự tiến bộ theo từng ngày hay từng cột mốc cụ thể. Một số cách hay để theo dõi bao gồm: viết nhật ký về những gì bạn đã hoàn thành mỗi ngày, đánh dấu X trên lịch khi thực hiện xong một hành động, chia sẻ sự tiến bộ với cố vấn hoặc một người đáng tin cậy để giúp bạn luôn có trách nhiệm…
Tránh sự tiêu cực: Mục tiêu nên hướng đến thứ bạn muốn hơn là điều bạn cần tránh. Chẳng hạn như chúng ta nên đặt mục tiêu là “Tôi muốn cải thiện kỹ năng giao tiếp/viết lách/thuyết trình của mình trong một năm tới” thay vì “Tôi không muốn mắc kẹt ở tình trạng hiện tại thêm một năm nữa”.
Thực tế: Nhiều mục tiêu nghề nghiệp (chủ yếu là ngắn hạn) thất bại là vì chưa đủ tính thực tế. Mục tiêu nằm ngoài tầm với ngay từ đầu sẽ rất khó thực hiện, ví dụ như thông thạo tiếng Trung trong 3 tháng mà chưa có bất kỳ kinh nghiệm nào liên quan trước đó. Thời gian này quá ngắn, gần như là không thể giúp chúng ta thông thạo một ngoại ngữ hoàn toàn mới.
Tiếp nhận thử thách: Chinh phục các mục tiêu là một hành trình thử thách bản thân quý giá, rèn luyện cho chúng ta sự kiên nhẫn và sức chịu đựng bền bỉ. Những mục tiêu dễ dàng không hẳn đã tốt cho sự phát triển và tiến bộ trong nghề nghiệp của chúng ta. Đừng ngại những thách thức ngắn hạn hoặc dài hạn mà bạn cần xử lý, có thể đây mới là những mục tiêu xứng đáng để theo đuổi.
Tích cực và linh hoạt: Hãy tiếp tục cố gắng khi gặp trở ngại khiến bạn nản chí và muốn bỏ cuộc. Điều cần làm lúc này là linh hoạt sửa đổi mục tiêu để phù hợp với hoàn cảnh. Hoặc khi chúng ta tiến bộ trong sự nghiệp, mục tiêu có thể sẽ thay đổi theo và điều đó hoàn toàn bình thường. Nên dành thời gian đánh giá nghề nghiệp, học vấn, kinh nghiệm và kỹ năng của bạn 6 tháng hoặc mỗi năm một lần để sắp xếp lại những mục tiêu bạn muốn rèn luyện.
Các nghiên cứu đã cho thấy, những người thường xuyên đặt mục tiêu gặp ít khó khăn hơn trong học tập hoặc công việc. Bởi nó giúp mọi người đi đúng hướng và đạt được những cột mốc quan trọng mà họ đặt ra cho chính mình (1).
Điều quan trọng vẫn là chúng ta không lường trước được hết những gì sắp xảy ra, các trở ngại có thể xuất hiện mà không có dự đoán trước. Hãy linh hoạt và giữ một tâm trí tích cực với những thay đổi xảy đến, sau đó từ từ điều chỉnh kế hoạch hành động hướng đến mục tiêu của bạn. Sự kiên trì và lạc quan chính là hai yếu tố then chốt giúp chúng ta thành công trong bất kỳ mong muốn ngắn hạn hay dài hạn nào.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Giáo Dục?
Hoa NguyenTrong nhiều năm làm việc ở bộ phận truyền thông của các công ty và tổ chức khác nhau, Hoa Nguyễn đã tích góp được những kinh nghiệm hữu ích để xây dựng hình ảnh thương hiệu và lan tỏa những giá trị nhân văn đến cho xã hội. Cô nhận thấy rằng, để thay đổi nhận thức của cộng đồng và hướng mỗi người đến một lối sống tốt đẹp, chúng ta cần tạo nên những câu chữ, bài viết về các chủ đề hữu ích, khoa học và nêu bật những vấn đề cần giải quyết của xã hội. Bởi khi tư duy đã thay đổi, chúng ta sẽ thay đổi được hành động theo hướng tích cực hơn. Một cá nhân thay đổi sẽ góp phần vào thay đổi chung của toàn thế giới.