Tốc độ phát triển ngày một nhanh và tính ứng dụng cao của AI đang đòi hỏi con người phải mau chóng tiếp cận với công nghệ mới, cũng như không ngừng học hỏi, nâng cao chuyên môn và mở rộng bộ kỹ năng để thích ứng với những thay đổi "chóng mặt" trên thị trường. Giữa áp lực của cuộc sống bận rộn, làm sao để người lao động lớn tuổi có thể tận dụng các nguồn lực nhằm học tập hiệu quả?
Một nghiên cứu năm 2019 trên tạp chí Nghiên cứu Quốc tế về Đào tạo (International Journal of Training Research) đã kết luận rằng "sẵn lòng học hỏi" là một tiêu chí quan trọng để được các nhà tuyển dụng chào đón (1). Năm 2023, sự bùng nổ của AI đã tạo ra sự dịch chuyển lớn trong thị trường việc làm càng củng cố tầm quan trọng của tiêu chí đó. Trong đó, ông Alexander Sukharevsky - chuyên gia AI của McKinsey dự báo rằng 70% các công việc tương lai sẽ được tự động hóa bởi AI (2). Trước những thách thức đó, làm sao để người lao động lớn tuổi, thậm chí là những người quản lý quan trọng trong tổ chức có thể tận dụng công nghệ AI?
Trong hai thập kỷ qua, tại Việt Nam, nhu cầu tuyển dụng đối với các công việc đơn giản như nhập liệu đang giảm dần, đặc biệt là khi các công việc đó ngày càng dễ dàng được tự động hóa bởi AI. Thay vào đó, các công việc ngày càng phức tạp và đòi hỏi khả năng tư duy cao vẫn đang nằm trong nhóm an toàn, tức là khó bị AI thay thế. Những công việc này thường bao gồm, nhưng không bị giới hạn bởi các bộ kỹ năng ra quyết định, phân tích, sáng tạo, giao tiếp...
Công nghệ đúng là đã buộc chúng ta phải liên tục học tập để nâng cấp bản thân, nhưng cũng góp phần giúp việc học và làm trở nên thuận lợi hơn (3).
Với những người dùng trên 65 tuổi, một nghiên cứu năm 2006 chỉ ra rằng họ thường gặp khó khăn khi tiếp cận công nghệ, song, đây cũng là nhóm người dùng cực kỳ kiên nhẫn.
Việc học nói chung và sử dụng công nghệ nói riêng vừa mang lại niềm vui khám phá, vừa hỗ trợ phần nào cho cuộc sống của những người ở độ tuổi này. Ví dụ, họ có thể sử dụng app đặt xe, gọi thức ăn, lên mạng tra cứu thông tin sức khỏe hoặc kết nối với người nhà, cũng như dễ dàng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế hơn (4)… Một nghiên cứu năm 2010 còn cho thấy rằng ở độ tuổi này, khả năng nhận thức, trí nhớ và tốc độ xử lý thông tin bắt đầu suy giảm. Tuy nhiên, việc thường xuyên học kiến thức mới sẽ tạo cơ hội để não bộ hoạt động, giúp các chức năng trên cải thiện đáng kể (5).
Khác với giai đoạn đi học, phần lớn người trưởng thành đều phải dành thời gian cho những ưu tiên khác nhau, như là công việc, gia đình, con cái, quan hệ xã hội… dẫn đến khó khăn trong việc sắp xếp thời gian và không đủ tinh thần để tập trung học tập. Việc học của những người trong độ tuổi lao động chịu nhiều ảnh hưởng từ các yếu tố tâm lý như lòng tin vào bản thân, nhận thức về lợi ích của việc học, mục tiêu sự nghiệp, cũng như khả năng giao tiếp và xử lý các vấn đề cá nhân (6).
Tuy nhiên, người trưởng thành cũng có những lợi thế nhất định khi học tập và đặc biệt là tiếp xúc với công nghệ.
Năm 1984, nhà giáo dục người Hoa Kỳ là Malcolm Knowles đề xuất lý thuyết về việc học tập ở người lớn (andragogy), chỉ ra những khác biệt trong cách tiếp thu kiến thức mới giữa người lớn và trẻ nhỏ. Lý thuyết này của Knowles đưa ra các giả định dựa trên nền tảng tâm lý học, rằng người trưởng thành có nhận thức tốt về bản thân và tính tự chủ hơn so với trẻ nhỏ. Nhiều nghiên cứu hiện nay đã và đang có những kết luận tương tự với lý thuyết này. Cụ thể, Knowles đưa ra những giả định như sau (7):
Hai giả định đầu tiên có thể được chứng minh qua một nghiên cứu năm 2021 so sánh giữa hai nhóm là sinh viên đại học toàn thời gian và những người vừa học vừa làm. Kết quả cho thấy nhóm sau có thành tích tốt và động lực học tập rõ ràng hơn (8).
Một nghiên cứu năm 2009 cũng cho thấy việc học tập ở người lớn cũng giúp nâng cao sức khỏe tinh thần (9).
Học theo dự án (project-based learning) là mô hình học tập hướng đến việc kết nối các kiến thức thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau để giải quyết một vấn đề cụ thể. Đây là cách học phổ biến của người trưởng thành, với nhược điểm là không đi sâu vào lý thuyết nền tảng, nhưng lại có ưu điểm là tính ứng dụng cao (10). Mô hình này thường được các doanh nghiệp áp dụng để đào tạo nội bộ, nhằm phát triển năng lực của nhân viên (11).
Đặc biệt, khi nhiều vị trí quản lý và lãnh đạo được nắm giữ bởi người lao động lớn tuổi có nhiều kinh nghiệm, họ càng phải quan tâm tới việc vừa học, vừa làm, vừa đào tạo nhân viên. Công nghệ nói chung và công nghệ AI nói riêng có thể hỗ trợ không nhỏ cho nhóm lao động lớn tuổi này.
Trước tiên, bạn cần tìm hiểu phong cách học tập của bản thân. Bạn có thể thử tham khảo bài viết về mô hình học tập VARK trên LeLa Journal để xác định phong cách học phù hợp.
Nếu bạn yêu thích hình ảnh (visual), hãy ưu tiên học qua video hoặc các nền tảng có tính tương tác và minh họa trực quan như Brilliant. Nếu bạn thuộc nhóm vận động (kinesthetic), hãy thử các chương trình học theo dự án. Ví dụ, nếu muốn học thiết kế đồ họa, bạn có thể tham gia một khóa học ngắn hạn, trong đó chỉ giới thiệu sơ lược các lý thuyết cơ bản về bố cục, màu sắc, chữ viết… rồi sau đó tập trung thời gian vào việc tạo ra một sản phẩm cụ thể.
Người hướng nội thường thích học 1-1 thay vì lớp đông thành viên. Bên cạnh đó, có người thích học trực tuyến, có người thích lên lớp trực tiếp, còn số khác lại thích kết hợp cả hai phương án (12)...
Forage là một nền tảng học theo dự án được thành lập năm 2017, cho phép người học thực hành dự án thật từ các công ty nổi tiếng như JPMorgan Chase, SAP USA, General Electric, BCG, Red Bull, Walmart, PwC… với các công việc từ bán hàng, giao dịch, phát triển phần mềm, phân tích dữ liệu, kiểm toán, thuế… Các chương trình này hoàn toàn miễn phí và được chính các công ty trên cung cấp nội dung.
Bên cạnh đó, người dùng lớn tuổi chưa bắt kịp với công nghệ cần ưu tiên những phương thức cơ bản nhất, gồm những cách đơn giản tới không ngờ như nghe sách nói. Những nhân viên lớn tuổi trong tổ chức, khi cảm thấy bản thân khó có thể theo kịp lứa trẻ, vẫn có thể tận dụng AI trong việc đào tạo, trao truyền kiến thức và kinh nghiệm cho nhân viên ít tuổi đời lẫn tuổi nghề hơn (13)...
Ngoài ra, nếu bạn quyết định tìm người hướng dẫn thay vì tự học, việc chọn một giáo viên phù hợp cũng rất quan trọng. Với người trưởng thành, lý tưởng nhất là chọn những giáo viên khuyến khích người học tự tư duy và thường xuyên giúp họ củng cố kiến thức, tiết kiệm thời gian (14).
Mời độc giả tham khảo bài LeLa Talk với tựa đề GS.TS.NGND. Nguyễn Lân Dũng: ChatGPT là một "người thầy" thông tuệ, nhã nhặn và khiêm tốn.
Lợi thế của người trưởng thành là sở hữu lượng kiến thức được tích lũy qua nhiều năm. Do đó, dựa vào lý thuyết về trí thông minh lưu chuyển và trí thông minh kết tinh, người cao tuổi có thể có một số lợi thế trong việc học.
Việc liên kết và tổng hợp kiến thức mới-cũ sẽ giúp việc học đỡ vất vả và có tính ứng dụng cao hơn.
Ví dụ, một người làm marketing chuyển sang học phân tích dữ liệu có thể sẽ gặp chút khó khăn về toán và lập trình, nhưng lại tận dụng được hiểu biết về thị trường để đưa ra những nhận định sâu sắc hơn người chỉ tập trung học kỹ thuật.
Ngày nay, người học có thể dễ dàng tiếp cận các nguồn học liệu chất lượng từ khắp nơi trên thế giới. Thậm chí, bạn có thể nghe miễn phí bài giảng của các trường đại học danh tiếng như Harvard, Yale, Stanford… thông qua các nền tảng MOOC (tức là "Massive Open Online Course" - khóa học mở trực tuyến cho đại chúng) như Coursera, Edx, FutureLearn và thậm chí là YouTube…
Công nghệ cũng khiến việc học trở nên sinh động hơn. Ví dụ, bạn có thể học ngoại ngữ qua các app như Duolingo, LingoDeer, Elsa..., học lập trình với các nền tảng thực hành trực tiếp như Freecodecamp, Codelearn.io (có hỗ trợ tiếng Việt)... Thậm chí, một nghiên cứu còn cho thấy rằng học tập với các nhân vật được tạo ra từ AI giúp cá nhân hóa trải nghiệm học tập và tăng hứng thú (15).
App ghi chú Obsidian sẽ hỗ trợ bạn liên kết kiến thức một cách hiệu quả. Điểm đặc biệt của app là chức năng tạo đường dẫn (backlink) để liên kết và tổ chức các ghi chú dưới dạng sơ đồ (graph), giúp bạn có cái nhìn tổng quan về hệ thống kiến thức của mình.
Hoặc, thay vì đặt câu hỏi với ChatGPT, bạn có thể nâng cấp trải nghiệm học tập với Perplexity. Công cụ này giải tỏa nỗi lo về tính chính xác của AI thông qua việc trích dẫn nguồn. Nhờ đó, người dùng có thể kiểm tra lại câu trả lời từ Perplexity và sử dụng các nguồn mà công cụ này đưa ra để đào sâu thêm kiến thức nếu muốn. Bard của Google cũng có chức năng dẫn nguồn này.
Tuy nhiên, ChatGPT có thể làm tốt nhiều nhiệm vụ khác, ví dụ như tóm tắt văn bản, thậm chí biểu diễn kiến thức dưới dạng sơ đồ cho những ai thích tư duy hình ảnh. Nếu muốn đọc nghiên cứu khoa học thay vì các bài viết phổ thông, bạn có thể thử bộ công cụ AI chuyên sâu như Scispace, giúp tóm tắt nghiên cứu khoa học, viết tổng quan nghiên cứu (literature review), hoặc điều chỉnh cách diễn đạt (hỗ trợ viết tiếng Anh tốt hơn tiếng Việt hoặc ngôn ngữ khác).
Nếu muốn học lập trình nhưng lại "sợ" code, bạn có thể bắt đầu với các công cụ no-code. Ví dụ, Webflow sẽ hỗ trợ bạn tạo giao diện web bằng cách kéo-thả (drag-and-drop), đồng thời vẫn giúp bạn hiểu cấu trúc và cách vận hành một website. Scratch cũng là một chương trình kéo-thả nổi tiếng được nhiều người lựa chọn khi bắt đầu học lập trình, thậm chí còn được đưa vào bài giảng đầu tiên trong khóa Nhập môn Lập trình CS50 của Trường Đại học Harvard. Sau đó, bạn có thể đủ tự tin để học viết web bằng ngôn ngữ lập trình nếu cần thiết.
Người lớn tuổi vẫn có khả năng áp dụng các phương pháp kể trên. Tuy nhiên, một nghiên cứu năm 2019 cho thấy, nếu người trên 65 tuổi gặp khó khăn khi sử dụng công nghệ thì nên bắt đầu bằng những thiết bị thân thiện với người dùng như máy tính bảng (tablet).
Ngoài ra, họ có thể thử tiếp cận công nghệ bằng nội dung giải trí hoặc các ứng dụng trò chơi, vì các chương trình này rất thu hút và dễ học (16). Những app "vừa học vừa chơi" như Duolingo vừa có thể khơi gợi hứng thú học tập ở người lớn tuổi, vừa giúp họ làm quen với công nghệ nhanh hơn. Một nghiên cứu năm 2020 cũng cho thấy việc sử dụng các app học ngoại ngữ giúp người lớn tuổi cải thiện chức năng nhận thức, giảm lo âu, tăng sự tự tin (17). Các nền tảng như italki là môi trường để tìm giáo viên bản ngữ hoặc bạn cùng học ngôn ngữ, đồng thời cũng là cơ hội để người lớn tuổi tham gia các kết nối xã hội bổ ích.
Việc bật tính năng đọc văn bản bằng giọng nói, sử dụng trợ lý ảo (như Siri của iPhone, Google Assistant của Android) và dùng app phóng to văn bản (khi đọc sách, tài liệu) như EyeReader cũng giúp cuộc sống của người lớn tuổi trở nên dễ dàng hơn.
Tựu trung lại, mỗi người, mỗi độ tuổi sẽ có nhu cầu, khả năng và phong cách học tập khác nhau. Việc hiểu sở thích, lợi thế của bản thân cũng như tận dụng công nghệ sẽ giúp chúng ta học tập hiệu quả, đồng thời chủ động hơn trước các thay đổi trong công việc và cuộc sống.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Sự Nghiệp?