Khi chúng ta già đi, não bộ cũng như các giác quan trong cơ thể sẽ hoạt động chậm lại và kém nhạy bén hơn. Đây là điều gây phiền muộn cho nhiều người, nhất là khi các giác quan không lão hóa cùng một tốc độ. Vậy giác quan nào sẽ lão hóa trước? Và chúng ta có thể làm gì để giữ các chức năng này vẫn sắc bén khi cao tuổi?
Lão hóa là một tiến trình tự nhiên của cơ thể mà trong đó, chức năng hoạt động của tất cả các giác quan sẽ kém đi. Thông thường, thính giác và thị giác sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất (1).
Hầu hết mọi người trên 55 tuổi đều cần sử dụng kính do thị lực giảm dần, với các vấn đề thường gặp là khó nhìn gần, đục thủy tinh thể, gặp khó khăn trong việc phân biệt màu sắc, phản ứng chậm với việc thay đổi ánh sáng... (2).
Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng thị lực kém ở người cao tuổi có liên quan đến sự suy giảm trí lực (3). Cơ chế cụ thể vẫn chưa rõ ràng, nhưng giả thiết đưa ra là thị lực suy yếu dẫn tới việc khi đọc sách hoặc hoạt động cần phối hợp tay-mắt, người già sẽ bị hạn chế khả năng thực hiện các bài tập tăng cường trí não.
Sự phối hợp giác quan cũng tương đồng với cách chúng ta hay mô tả về người cao tuổi là "mắt mờ chân chậm".
Khi già đi, các cấu trúc và chức năng của các bộ phận bên trong tai bắt đầu suy giảm. Khả năng tiếp nhận âm thanh của người cao tuổi giảm đi. Chức năng tiền đình cũng có nguy cơ bị rối loạn. Do đó, dễ nhận thấy rằng nhiều người lớn tuổi gặp vấn đề trong việc giữ thăng bằng khi ngồi, đi và đứng (4).
Những bữa ăn ngon và mùi thơm dễ chịu có thể tăng cường chất lượng cuộc sống, nhưng một khi vị giác và khứu giác đã lão hóa, người già khó có thể tận hưởng được những điều đó như trước nữa.
Từ khi sinh ra, mỗi người có khoảng 10.000 chồi vị giác, giúp chúng ta cảm nhận được hương vị ngọt, mặn, chua, đắng và umami (5). Khi lão hóa, số lượng chồi vị giác giảm và mỗi chồi cũng co lại, sự nhạy cảm với hương vị cũng từ đó mà giảm xuống. Điều này càng diễn ra rõ hơn sau tuổi 60. Ngoài ra, miệng người cao tuổi cũng tiết ra ít nước bọt hơn, gây ra tình trạng khô miệng, ảnh hưởng đến vị giác của họ (6).
Khứu giác cũng giảm sút theo thời gian, đặc biệt là sau tuổi 70. Điều này có thể liên quan đến việc mất các đầu dây thần kinh và mũi sản xuất ít chất nhầy hơn (7). Chất nhầy này giúp mùi lưu lại trong mũi đủ lâu để các đầu dây thần kinh có thể phát hiện được (7), (8).
Những thay đổi xúc giác xảy ra do giảm lưu lượng máu đến các đầu dây thần kinh ở tủy sống và não bộ, trong khi chức năng của tủy sống là truyền tín hiệu thần kinh còn não bộ sẽ diễn giải những tín hiệu này (9).
Sau 50 tuổi, nhiều người giảm độ nhạy cảm với cơn đau, hoặc họ không còn thấy quá đau đớn như khi còn trẻ (10). Ví dụ, khi một người cao tuổi bị thương, họ có thể không thấy đau nhiều vì cơ thể kém nhạy cảm hoặc não bộ không nhận biết điều đó như một cảm giác đau đớn.
Nhìn chung, tình trạng phổ biến khi các giác quan lão hóa vẫn là một hoặc nhiều bộ phận chức năng đã bị thoái hóa trong khi các bộ phận khác thì vẫn hoạt động bình thường. Ví dụ, khi thủy tinh thể trong mắt bị đục, ánh sáng ít lọt được vào võng mạc. Như vậy, dù võng mạc vẫn còn hoạt động tốt, thị lực của người già vẫn bị sụt giảm. Đây được gọi là tình trạng "đục thủy tinh thể" (1).
Các giác quan và sức khỏe tổng thể sẽ có xu hướng suy giảm khi già đi, thế nhưng, ở những nhiệm vụ đòi hỏi phải lập kế hoạch, phân tích và tổ chức thông tin thì não bộ người già vẫn có thể thực hiện tốt.
Đặc biệt, ở một số lĩnh vực, năng lực trí tuệ thực sự tăng lên theo thời gian. Ví dụ, xét trong điều kiện không có bệnh tật, người già sẽ có vốn từ vựng phong phú và kỹ năng ngôn ngữ nhạy bén hơn.
Đó là lý do nhiều người lớn tuổi vẫn có khả năng "gánh vác" những chức vụ quan trọng trong các tổ chức lớn, điển hình là việc độ tuổi trung bình của các Giáo hoàng là khoảng 70 tuổi (11).
Về điều này, mời độc giả tham khảo bài viết đã được đăng tải trên LeLa Journal với tựa đè Trăm hay không bằng tay quen: Bạn phát triển nhiều trí thông minh "lưu chuyển" hay "kết tinh"?
Chức năng và vai trò của các giác quan suy giảm dẫn đến tình trạng khó khăn trong cuộc sống khi đã cao tuổi.
May mắn thay, tập thể dục cho não sẽ tăng cường chức năng hoạt động và làm chậm tiến trình lão hóa các giác quan trên cơ thể.
Điều này bắt nguồn từ việc khi cơ thể già đi, việc giảm sút chức năng não bộ cũng khiến tình trạng lão hóa của các giác quan trở nên trầm trọng hơn. Bộ não lão hóa dẫn đến các tế bào thần kinh mất đi, gây ra tình trạng kém nhận biết cảm giác và xử lý thông tin.
Tập thể dục đã được chứng minh là có tác động tích cực đến sức khỏe não bộ, với những lợi ích tiềm tàng đối với chức năng cơ thể và nhận thức giác quan. Những lợi ích này bao gồm việc thúc đẩy khả năng vận động, tăng lượng máu não... (12), (13), (14).
Việc tập thể dụng cho não cũng được khuyến khích nhằm hỗ trợ cải thiện các giác quan. Theo Patricia S. Daniels, tác giả của cuốn sách Cơ thể & hướng dẫn sử dụng, bộ não con người là một cơ quan rất khỏe mạnh và có khả năng phục hồi cao. Đó là một lý do khiến chúng ta cần phải giữ được sự lạc quan và tích cực trong việc chăm sóc sức khỏe não bộ (15), (16).
Không nên để đến khi về già mới bắt đầu tập luyện não bộ, bởi hiện nay, nhiều chứng bệnh tưởng như chỉ có ở tuổi già đã bắt đầu xuất hiện sớm hơn. Nguyên nhân có thể là trong đời sống ngày nay, lượng thông tin mỗi người nhận được mỗi ngày là rất lớn dẫn đến tình trạng não phải làm việc quá nhiều...
Hơn nữa, việc luyện tập thể dục, thể thao từ sớm sẽ giúp chúng ta có một nền tảng sức khỏe tốt và làm chậm tiến trình lão hóa hơn. Để chống lại sự suy giảm chức năng và đặc biệt là ở các giác quan, các chuyên gia y tế thường khuyến nghị một số bài tập tăng cường và trẻ hóa não bộ.
Suy nghĩ tích cực và lạc quan là một cách hiệu quả để duy trì sức khỏe, ngay cả khi chúng ta còn trẻ. Becca R. Levy, Giáo sư Khoa học Nhận thức và Hành vi tại Đại học Yale (Hoa Kỳ) chia sẻ trên tờ National Geographic rằng ông và các cộng sự đã nghiên cứu những người mang gen APOE ε4 - loại gen làm tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer, tức là chứng bệnh mất trí nhớ ở người cao tuổi. Khi bắt đầu dự án, tất cả các đối tượng đều không mắc chứng mất trí nhớ. Kết quả cho thấy rằng những người có quan điểm lạc quan về tuổi già có nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ thấp hơn 47%, so với những người mang gen APOE ε4 và có quan điểm hà khắc về tuổi già (17).
Trong một nghiên cứu khác, Giáo sư Levy phát hiện ra rằng ở những đối tượng trẻ, khỏe, có nhận thức đúng đắn nhưng có cái nhìn tiêu cực về sự lão hóa, não bộ lại dễ sản sinh các mảng bám và rối loạn - những dấu hiệu bệnh lý của bệnh Alzheimer (18).
Không chỉ vậy, ở những người này, hồi hải mã (hippocampus) - phần não quan trọng trong tiến trình lưu giữ ký ức - co lại nhanh gấp ba lần bình thường (18).
Giáo sư Levy còn phát hiện ra rằng việc suy nghĩ tích cực khiến cho những người trong nghiên cứu sống lâu hơn đến 7 năm rưỡi (19).
Theo tác giả Patricia S. Daniels và bác sĩ y khoa Richard Restak, có một số hoạt động tốt cho não (15), (16), bao gồm:
Theo tạp chí Sức khỏe Đại học Harvard, các hoạt động não bộ sẽ kích thích các kết nối giữa các tế bào thần kinh và thậm chí, có thể giúp não tạo ra các tế bào mới, phát triển độ linh hoạt của thần kinh.
Bất kỳ hoạt động kích thích tinh thần nào cũng sẽ giúp phát triển trí não. Đọc, tham gia các khóa học, thử "tập luyện trí óc" như câu đố chữ hoặc giải toán, những trải nghiệm đòi hỏi sự khéo léo của đôi tay như vẽ, tô màu, các nghề thủ công... Tất cả đều có lợi trong việc khiến một bộ não trở nên minh mẫn hơn (20).
Tựu trung lại, những phương pháp sau đây cũng được đề xuất để giúp chúng ta gìn giữ chức năng của các giác quan và duy trì sự minh mẫn (20), (21):
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Sức Khỏe?
Thông tin khoa học về các chế độ dinh dưỡng thiết thực. Kiến thức y học cần biết và cần thiết trong đời sống hằng ngày. Hướng dẫn thực hành Yoga, Thiền, Fitness và những kiến thức giúp bạn có một đời sống thể trạng lẫn tâm trạng bình an