Bạn có để ý rằng trong một lớp học, mỗi nhóm học sinh sẽ tiếp thu bài giảng và ôn bài theo những phong cách khác nhau không? Một vài người thích đọc lại bài giảng của giáo viên, có người chỉ bật điện thoại lên ghi âm lời giảng để khi rảnh rỗi lại cắm tai nghe để "tua" lại từ đầu, người khác lại cặm cụi ghi chép hoặc có người chỉ thích những buổi ngoại khóa để được trực tiếp quan sát, học hỏi… Sự thật là nhìn nhận từ góc độ khoa học hành vi, mỗi người lại phù hợp với những kiểu học tập khác nhau. Bạn đã nắm rõ cách học tập của bản thân chưa?
Được Neil Fleming và Colleen Mills phát triển, mô hình VARK nhanh chóng được nhiều người trên thế giới công nhận và áp dụng vào tiến trình lĩnh hội tri thức nhờ tính cá nhân hóa cao, phù hợp với khả năng tiếp nhận theo nhiều giác quan (1).
Mô hình VARK được đặt tên theo 4 chữ cái đầu tiên của 4 phương pháp học tập theo diện đa thể thức (multimodal) bao gồm thị giác – khả năng lĩnh hội khi nhìn bằng mắt (visual - V), thính giác – khả năng lĩnh hội khi nghe qua tai (auditory - A), đọc/viết – khả năng lĩnh hội khi đọc bằng mắt/miệng và viết bằng tay (reading/writing - R) và vận động – khả năng lĩnh hội bằng hoạt động tay, chân… (kinesthetic – K) (2).
Theo cách phân loại này, khi đứng trước một tập hợp các đơn vị kiến thức mới, chúng ta có thể vừa là người học áp dụng một phương pháp (unimodal learner) hoặc người học áp dụng nhiều phương pháp (multimodal learner) (3). Ví dụ, việc học ngoại ngữ hiệu quả đòi hỏi chúng ta nắm bắt và thành tạo 4 kỹ năng nghe – nói – đọc – viết, tương ứng với các phương pháp V (thị giác), A (thính giác) và R (đọc/viết) và đôi khi là cả K (vận động). Trong khi đó việc học làm bánh chỉ cần tập trung vào phương pháp V (thị giác) để quan sát các động tác của người hướng dẫn và K (vận động) để thực hành các bước nhào bột, tạo hình, nướng bánh, trang trí. Còn đối với việc học và luyện thanh nhạc, ca sĩ có thể chỉ cần vận dụng phương pháp A (thính giác) hoặc kết hợp cùng K (vận động) là được…
Mô hình học tập VARK được khái quát với những nét chính như sau (4):
1. Học qua thị giác (Visual - V):
Người học có xu hướng hình dung ra các khái niệm từ các thông tin họ thấy và mô hình hóa trong đầu cách các thông tin đó kết nối hoặc không có mối quan hệ với nhau. Những người hợp với mô hình học qua thị giác thích tóm tắt các thông tin theo dạng biểu đồ, đồ thị, thông tin dạng ảnh, dàn ý hoặc thậm chí là mô phỏng bằng hình ảnh hoặc slide để người học ghi chép lại các ý chính mà không mất nhiều thời gian học thuộc. Hoặc ít nhất, người học sẽ hướng đến việc sắp xếp nội dung ghi chép theo cách kích thích thị giác để nâng cao khả năng tiếp thu.
Đối với nhóm người học này, thông tin chỉ được đọc hay nghe đơn thuần sẽ không mang lại hiệu quả.
2. Học qua thính giác (Auditory - A):
Người học ưa thích phong cách này có khuynh hướng lắng nghe thông tin hơn là đọc hay viết. Lắng nghe là cách hiệu quả nhất để xử lý thông tin, bởi phương thức này cho phép người nghe xử lý thông tin cùng lúc với dòng suy nghĩ của chính mình. Việc trích dẫn thông tin và đọc to thành tiếng cũng rất có ích, bởi đó là một hành động chủ động – chủ đích, không như khi nghe lời nói hay diễn giải của người khác. Việc này giúp chúng ta có cơ hội nói lên những gì mình nghĩ trong đầu và đi đến kết luận nào đó cho bản thân, điều mà người học sẽ không thể làm được nếu chỉ nghe và viết đơn thuần.
Để đạt hiệu quả học qua thính giác, người học nên ghi âm những gì mọi người nói, kể cả những gì mình phát biểu, và mạnh dạn nói lên những gì mình nghĩ sau khi nghe và rút ra kết luận về vấn đề đó. Một số hình thức phục vụ cho việc lĩnh hội kiến thức qua thính giác bao gồm nghe giảng trực tiếp, nghe podcast, thảo luận và nghe ghi âm nội dung.
Bên cạnh đó, do có khả năng học tập qua việc lắng nghe, đây là nhóm người học có thể thu lượm kiến thức khi nghe người khác tranh luận hoặc được học gián tiếp khi nghe lời giảng, lời giáo huấn...
3. Học qua đọc/viết (Reading/writing - R):
Dấu hiệu nhận biết của phương pháp này là việc bạn thích "tương tác" với tài liệu ở dạng văn bản. Hình thức này sẽ giúp người học xử lý thông tin cẩn trọng và phù hợp với tốc độ của mình. Việc đọc lại những gì bản thân ghi chép và tóm tắt lại sẽ giúp chúng ta học kiến thức mới tốt nhất. Người học có thể sử dụng các kỹ năng mô hình hóa như sơ đồ tư duy… để nhìn ra sự liên quan giữa các khái niệm. Cách làm này có phần tương đồng với học tập bằng thị giác, nhưng khác biệt lớn nhất nằm ở chỗ người học trực tiếp đọc hoặc viết các thông tin cần tiếp thu.
Để đạt được hiệu quả học tập thông qua đọc/viết, bạn nên chú thích vào các bản ghi chép như sách và vở ghi chép của mình những suy nghĩ và lưu ý của bản thân. Theo cách này, bạn có thể rút ra kết luận của riêng mình và ghi nhận được mối quan hệ giữa các khái niệm, yếu tố liên quan.
Phương pháp học qua đọc/viết phù hợp với các loại hình như đọc sách, tra từ điển, ghi chú, đọc các bài bình luận – đánh giá và học qua trường hợp cụ thể.
4. Học qua vận động (Kinethetics - K):
Những người yêu thích phương pháp này có một điểm dễ nhận thấy là không thể ngồi yên một chỗ trong thời gian dài để tập trung chú ý vào bài giảng, thay vào đó họ muốn được tự mình trải nghiệm thực tế về chủ đề đó. Người học khao khát được thử, được nghiên cứu và khám phá về bản thân để hiểu rõ bản chất của sự việc, do việc nghe giảng một cách đơn thuần không để lại nhiều ấn tượng.
Theo phong cách học qua vận động, bạn cần phải được tự mình giải quyết các vấn đề, tự hoàn thành bài tập và trả lời các câu hỏi đố. Việc người học tham gia và chủ động phân tích các vấn đề rất có lợi cho quá trình lưu trữ ký ức, cụ thể hơn, chúng ta sẽ học tốt nhất khi nhìn thấy kiến thức đó được mô phỏng trong thực tế ra sao, và sau đó tự mình thực hành để hiểu được kỹ hơn những chi tiết mà trước đó chúng ta có thể đã trót bỏ qua. Học tập thông qua vận động hướng người học đến việc nhập vai, đào tạo theo kịch bản tình huống và thực hành cụ thể.
Nhìn chung, học qua vận động là hình thức học có tính tự chủ cao, người học sẽ lĩnh hội tri thức tương đối hiệu quả, bất kể họ có nhận ra hay không.
Nếu không nhìn nhận đúng đắn về VARK và khả năng phát huy của mô hình này, người học sẽ dễ rơi vào tình trạng áp dụng máy móc dẫn đến việc không đạt được hiệu quả lĩnh hội kiến thức. Người đọc và LeLa Journal giới thiệu quy tắc 3C (Categorization – Context – Change) dễ nhớ dưới đây để độc giả tham khảo khi xác định phương pháp học tập tương ứng.
1. Phân loại đối tượng kiến thức trước khi chọn phương pháp tương ứng (Categorization): Bạn cần xác định nội dung kiến thức mình sẽ học xem nó có liên quan đến một hay một nhóm giác quan nào để có sự kết hợp linh hoạt thay vì chỉ tập trung vào vận dụng một phương pháp cho tất cả các đối tượng kiến thức.
2. Chú ý đến hoàn cảnh học tập (Context): Nếu việc học trên lớp, tại trung tâm ngoại ngữ hay thư viện diễn ra thường xuyên, bạn hoàn toàn có thể sử dụng phương pháp thị giác (V) và phương pháp đọc/viết (R) do tính lặp lại của nội dung giúp ghi nhớ thông tin trong não bộ qua mắt tốt hơn. Song hãy cân nhắc đến những sự kiện có tần suất ít hơn như hội thảo, workshop, lễ hội văn hóa, đợt đào tạo của công ty... Trong những lúc này bạn sẽ cần khẩn trương lưu lại thông tin qua việc tập trung nghe – ghi âm qua phương pháp thính giác (A) hay chủ động thực hành bằng phương pháp vận động (K) vì có thể kiến thức sẽ chỉ "vụt" qua một hoặc vài lần ít ỏi.
3. Thay đổi phương pháp mới nếu phương pháp cũ không đem lại hiệu quả phù hợp (Change): Đừng ngại bắt đầu lại nếu thấy cách học ban đầu đang phản tác dụng so với những lần trải nghiệm trước, vì có thể đối tượng kiến thức bạn đang gặp không phù hợp với phương pháp đó. Ví dụ, khi cần ghi nhớ các sự kiện lịch sử, người học thường đi theo lối mòn khi áp dụng phương pháp thính giác (A) và đọc/viết (R), song những con số và thông tin khô khan sẽ khiến bạn không tài nào nhớ chuẩn. Lúc đó, hãy "chuyển đổi" các sự kiện sang dạng hình ảnh để học theo phương pháp thị giác (V), bạn sẽ thấy việc học lịch sử thú vị và dễ nhớ hơn.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Giáo Dục?
Cập nhật những thông tin mới nhất về giáo dục.