Liệu viễn cảnh khải huyền về một ngày trí tuệ nhân tạo thay thế con người sẽ trở thành sự thật, hay chúng ta đang nhìn nhận tương lai dưới con mắt của chủ nghĩa bi quan?
Hội chứng lo âu về trí tuệ nhân tạo (AI Anxiety), tương tự chứng lo âu bắt nguồn từ máy tính, được cho là bắt nguồn vào đầu những năm 1940 của thế kỷ trước (1). Lo âu về trí tuệ nhân tạo được định nghĩa là bao gồm những phức cảm và nỗi âu lo rằng con người sẽ không thể kiểm soát nổi máy móc và trí tuệ nhân tạo, và sẽ bị chúng thay thế hoàn toàn về mọi mặt (2).
Nỗi sợ này có thể được giải thích từ não trạng dễ chấp nhận thuyết âm mưu , thái độ bi quan khi đón nhận làn sóng khủng hoảng kinh tế xã hội, và từ việc tiếp nhận một cách đầy thiên kiến trước những số liệu thống kê vốn chỉ thể hiện một phần bức tranh lớn:
Trí tuệ nhân tạo và robot đã và đang làm dấy lên nhiều thảo luận trái chiều gay gắt về cả kinh tế lẫn trong trí tưởng tượng của đại chúng. Phe cực đoan cho rằng AI và công nghệ tương lai sẽ tạo ra thế giới phản địa đàng (dystopia) cho loài người, nơi nhân lực và lương bổng bị cắt giảm triệt để, nhiều lao động bị thay thế, nới rộng khoảng cách về bất bình đẳng xã hội…
Năm 2021, Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã tổ chức một cuộc khảo sát quy mô lên đến 19.000 người ở 28 quốc gia lớn nhỏ. Kết quả thể hiện có đến 39% người được hỏi cho biết họ bị căng thẳng trước những sản phẩm và dịch vụ sử dụng trí tuệ nhân tạo (9).
Đối mặt trước tình hình kinh tế toàn thế giới đi xuống, chính trị căng thẳng, xen kẽ với dịch bệnh và những bất ổn xã hội, thì việc hình thành thái độ bi quan về tương lai là có thể hiểu được. Tuy nhiên, chúng ta khó lòng chối bỏ giá trị thực sự của tự động hóa và AI.
Một trong những giải pháp để có cái nhìn toàn diện hơn về những gì đang xảy ra trên thế giới và trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo là tự trang bị kiến thức, tư duy phản biện trước các thông tin bi quan và số liệu thống kê mang tính thiên kiến mà các trang tin hay "câu view". Bởi lẽ, sự kiện nào cũng cần được xem xét hai chiều.
Đây không phải là lần đầu tiên nhân loại tập làm quen với một thứ công nghệ mới có khả năng thay đổi cấu trúc xã hội mạnh mẽ, và lịch sử đã cho thấy chúng ta đã từng thích nghi rất tốt.
Trạng thái bi quan đối với công nghệ không mới, ta có thể truy ngược lại những ghi nhận đầu tiên về biểu hiện của thái độ này từ những năm 1850 (10), khi những thợ may ở New York biểu tình để phản đối… máy may vì cho rằng thứ máy móc này cướp đi công việc của họ. Nữ hoàng Anh Elizabeth I cũng từng thể hiện nỗi sợ công nghệ khi từ chối công nhận và cấp bằng sáng chế máy đan móc của nhà phát minh William Lee vì lo ngại rằng phụ nữ sẽ mất đi kế sinh nhai từ đan móc thủ công. Từ thực tại, chúng ta có thể khẳng định ngay rằng viễn cảnh mà những người lo âu công nghệ dè chừng đã không xảy ra.
Vào năm 1985, khi Microsoft cho ra mắt phần mềm Excel, nhiều người hoài nghi rằng công việc của kế toán sẽ bị lung lay vì máy tính có thể thực hiện nhiều câu lệnh và phép tính. Thế nhưng, thay vào đấy, 524.000 nghìn công việc mới (tại Mỹ) đã được tạo ra và ngành kiểm toán/kế toán ứng dụng Excel đã bùng nổ chỉ trong bốn năm sau khi ra mắt.
Từ ba ví dụ trên, chúng ta có thể thấy rằng khi máy móc thay thế một số nhiệm vụ thủ công, chúng ta sẽ có thể trau dồi và nâng cao kỹ năng của mình để xử lý các nhiệm vụ đòi hỏi tính sáng tạo và trình độ tay nghề cao hơn.
Theo báo cáo của hãng tư vấn Mckinsey, máy móc hiện đang ngang hàng hoặc có phần trội hơn sức người về một vài năng lực (như trích xuất thông tin, vận động thô, tối ưu hóa và lập kế hoạch dựa trên các báo cáo). Trong khi đó, một số năng lực khác cần phải được phát triển thêm (trí tuệ cảm xúc, lý luận xã hội, vận động tinh) để tối ưu hóa tiềm năng phát triển (11).
Tuy một số khâu vận hành có thể hoàn toàn thay thế được bằng máy móc tự động hóa, nhưng bài toán chi phí lao động mới quyết định việc các công nghệ này có được áp dụng hay không.
Một ví dụ điển hình là tình hình ứng dụng robot ở Nhật Bản. Đối mặt với tình trạng dân số già hóa nhanh chóng, quốc gia này sớm đưa robot y tế vào chăm sóc sức khỏe người cao tuổi để bù cho số lượng điều dưỡng và y tá lão khoa hạn hẹp. Cụ thể, người máy và các thiết bị y tế thông minh sẽ được lắp đặt tại nhà bệnh nhân nhằm hỗ trợ sinh hoạt, nhắc lịch khám và gửi các tín hiệu sức khỏe về cho trung tâm.
Pato, robot chăm sóc có hình dáng một chú hải cẩu đáng yêu, tiêu tốn hơn 20 triệu USD cho mười năm nghiên cứu và chi phí bán rơi vào 400.000 yên Nhật. Giường thông minh Reyone của Panasonic có giá thành 900.000 yên Nhật. Bộ khung xương trợ lực của Cyberdyne có giá thuê 100.000 yên Nhật/tháng (12), trong khi chi phí lương cho nhân viên điều dưỡng được cấp phép trung bình vào khoảng 320.000 yên Nhật/tháng (13). Vì vậy, để ứng dụng công nghệ mới, các trung tâm chăm sóc hầu hết đều cần đến gói hỗ trợ của chính phủ và bảo hiểm để giảm chi phí cho bệnh nhân.
Sự cần thiết của nhân tố con người trong mảng chăm sóc sức khỏe nói riêng và cho toàn ngành sản xuất công nghệ nói chung là cần thiết. Với việc AI có thể thay thế bàn tay thủ công trong một số thao tác, sự tham gia của con người sẽ dần tập trung vào các hoạt động đòi hỏi trình độ chuyên môn cao hơn. Chính vì vậy, sau một thời gian Nhật Bản áp dụng “kế hoạch robot hóa”, một phần ba cơ sở y tế đã phản hồi rằng họ cần thêm nhân lực để quản lý nhiều dữ liệu bệnh nhân tăng thêm (14).
Trí tuệ nhân tạo không thể làm đảo lộn cơ cấu lao động của chúng ta trong một sớm một chiều bởi việc áp dụng các công nghệ này cần phải phù hợp với bối cảnh xã hội của từng quốc gia, khu vực. Ngoài ra, sự dịch chuyển vốn đầu tư sang các công nghệ mới cần thêm thời gian, cũng như những thay đổi trong quy trình và phương thức vận hành doanh nghiệp.
AI và máy móc cũng tham gia vào việc định hình lại chuỗi cung ứng, vậy nên, nhân sự ở các tổ chức cần trải qua giai đoạn nâng cao năng lực và kiến thức để có thể áp dụng chúng vào thực tiễn. Song song đó, bản thân các công nghệ mới này cũng cần được nghiên cứu và phát triển thêm thêm nhằm giảm thiểu sai sót tối đa, nhất là trong các ứng dụng liên quan đến tính mạng như hệ thống lái tự động, phẫu thuật, chẩn đoán bệnh.
Chúng ta không thể dự đoán chính xác đâu sẽ là những cơ hội nghề nghiệp mới mà AI có thể mang lại bởi công nghệ đang thay đổi liên tục, làm phát sinh ra những nhu cầu lao động khác nhau và thay đổi theo giai đoạn. Chẳng hạn, mảng phát triển Web 3 (hay còn gọi là Semantic Web 3.0) chỉ mới trở nên sốt gần đây, kéo theo đó là những nhu cầu về nghề kỹ sư thiết kế Web 3, người bán hàng điện tử (e-seller), các kênh tiếp thị liên kết... Đó đều là những ngành nghề mới và chỉ vừa xuất hiện trong khi dòng chảy công nghệ được khơi thông.
Bên cạnh đó, AI và tự động hóa giúp giải quyết bài toán về thiếu hụt nhân lực trong tuổi lao động, đồng thời gia tăng năng suất và sản lượng đáng kể. Về mặt cơ cấu lao động, chúng ta buộc phải phát triển năng lực bản thân cao hơn để đảm nhận những nhiệm vụ mới khi doanh nghiệp ứng dụng các công nghệ này, nếu không muốn bản thân bị luân chuyển hoặc cắt giảm nhân sự, hoặc bị đào thải và nhận những công việc có mức lương thấp.
Năm 2022, theo số liệu từ tổ chức Oxford Insights, Việt Nam hiện đang đứng thứ 55/181 trong số các nước sẵn sàng cho trí tuệ nhân tạo toàn cầu (16). Thứ hạng này cho thấy điều chúng ta cần lo lắng không phải là nỗi sợ mơ hồ (như ChatGPT có thể thay thế công việc copy-writer), mà thay vào đó là việc chuẩn bị cơ sở để vận dụng trí tuệ công nghệ vào đời sống, sản xuất.
Hồi tháng Hai vừa qua, các chuyên gia của công ty luật Russin & Vecchi đã đưa ra một số khía cạnh Việt Nam cần quan tâm để chuẩn bị cho sự chuyển mình trên, chủ yếu là ở góc độ pháp lý (17):
Dù còn nhiều thách thức và cần giải pháp sâu rộng, những cơ hội mới khi ứng dụng AI hứa hẹn sẽ thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Tâm Lý?
Cập nhật những nghiên cứu và khám phá mới nhất về tâm lý.