Đến hẹn lại lên, các nhà ngôn ngữ học làm việc tại các cơ quan biên soạn & cập nhật các bộ từ điển như Cambridge Dictionary, Oxford Dictionary, Collins hay Merriam-Webster đều đồng loạt công bố danh sách từ của năm 2023 (Word of the Year 2023).
Có thể thấy, các trang từ điển dường như có sự thống nhất về chủ đề của các từ khóa nổi bật trong năm. Theo Từ điển Merriam-Webster, trong năm vừa qua, rất nhiều diễn ngôn về "công nghệ, trí tuệ nhân tạo, căn tính, người nổi tiếng và mạng xã hội" đã được bàn luận thường xuyên trên nhiều diễn đàn.
Sau đây là một số từ của năm theo các nhà ngôn ngữ học của các từ điển chính thống.
Những mô hình học máy, ngôn ngữ lớn như ChatGPT hay các chương trình sáng tạo hình ảnh như Dall-E đã khiến chúng ta phải đặt dấu chấm hỏi về tính xác thực của thông tin.
Giữa một thế giới "vàng thau lẫn lộn" giữa sự thật và tin ngụy tạo, tin giả (mis-/disinformation), cùng sự phổ biến của các thuật toán AI tái tạo hình ảnh, chúng ta càng phải thận trọng hơn trong việc bảo vệ căn tính kỹ thuật số cá nhân lẫn của những người mình yêu thương. Bởi lẽ, việc phân biệt độ chính xác của thông tin đang càng lúc càng khó hơn.
Cũng chính vì vậy mà Từ điển Cambridge đã chọn từ khóa của năm là từ "hallucinate" (nghĩa là "gợi ảo giác") (1). Tuy nhiên, ý nghĩa của nó đã được chuyển đổi, khác xa cách chúng ta sử dụng từ trước tới giờ.
"Ảo giác" trước nay vốn là từ chỉ dành cho con người – ám chỉ những người nghe thấy, nhìn thấy và tri giác thấy những điều không có thật. Các nhà nghiên cứu ngôn ngữ tại Cambridge đã liên tục theo dõi việc sử dụng từ này trong nhiều văn cảnh và nhận ra rằng đã có sự thay đổi về chủ thể của hành vi ảo giác, từ con người sang trí tuệ nhân tạo, cụ thể:
Theo định nghĩa của các nhà soạn Từ điển Cambridge, khi trí tuệ nhân tạo cho rằng một đối tượng là không tồn tại hoặc vô giá trị trước năng lực nhận thức của con người, nó đang gặp ảo giác (hallucinate), từ đó, nó sẽ tạo ra thông tin sai lệch. Chẳng hạn, ở bài trước, LeLa Journal đã nhắc tới một trường hợp AI "hồn nhiên" khẳng định thông tin sai lệch sau khi bị người dùng đặt câu hỏi chứa thông tin sai.
Bên cạnh từ "hallucinate", nhiều người còn dùng thuật ngữ "confabulation" để chỉ việc AI có thể tạo ra thiên kiến (bias) và thông tin sai lệch. Thậm chí, theo nhiều phân tích và nhận định trên các nhóm và bài đăng công khai, nhiều người đưa ra quan điểm rằng "confabulation" là chính xác hơn, bởi trí tuệ nhân tạo (AI) không hề có tri giác để có thể được gọi là gặp ảo giác (2), (3), (4). Tuy nhiên, dường như số đông vẫn đồng tình với từ "hallucinate" vì đây là từ thông dụng, dễ hiểu cho người dùng đại chúng hơn.
Theo dòng trào lưu cùng với Cambridge, Từ điển Collins và Từ điển Macquarie cũng báo cáo từ khóa năm 2023 của họ lần lượt là "AI" và "generative AI". Các nhà soạn Từ điển Collins cho biết thêm:
Từ điển Collins định nghĩa AI là "viết tắt của trí tuệ nhân tạo (artificial intelligence): mô hình hóa chức năng tinh thần của con người bằng các chương trình máy tính". Theo thông cáo của các nhà soạn từ điển này, AI được chọn làm từ khóa của năm (6).
Trong khi đó, sau khi trải qua nhiều vòng bình chọn từ người dùng, Từ điển Anh-Úc Macquarie bình chọn cụm từ "generative AI" đoạt giải "Từ được người dùng bình chọn" trong năm 2023.
Trên trang blog của mình, các nhà biên soạn từ điển này chia sẻ:
Bên cạnh AI và công nghệ, những người nổi tiếng, các chuyên gia sức khỏe và các tỷ phú cũng bắt đầu nói về "bản ngã đích thực" (authentic selves). Cũng vì tần suất phủ sóng rộng khắp mà Từ điển Merriam-Webster chọn "authentic" (tạm dịch là "đích thực") làm từ khóa năm 2023 của họ. Song, nhà soạn từ điển này cũng chỉ ra rằng, các chuyên gia về sức khỏe (wellness guru) cũng có xu hướng "khoe mẽ" (flexing) về bản ngã đích thực.
Có vẻ như, chúng ta giả vờ chân thật dễ hơn là sống đời chân thật (8).
Theo Từ điển Merriam-Webster, "authentic" là "không ngụy tạo hay sao chép", đồng nghĩa với "thực" (real) và "có thật" (actual); mang hàm nghĩa "sống đúng với nhân cách, tinh thần và cá tính". Mặc dù xét về nghĩa, đây là một phẩm chất đáng quý, nhưng dường như tính đích thực rất khó để định nghĩa, do đó, thường gây ra tranh cãi (9).
Những người nổi tiếng như Sam Smith hay đặc biệt như Taylor Swift đã khiến các tiêu đề có dòng chữ authentic xuất hiện phổ biến trên các mặt báo trong năm 2023 (10). Những tuyên bố của người nổi tiếng dùng từ "authentic" nhằm gắn phẩm chất này với văn hóa đại chúng, bằng cách nhấn mạnh vào việc tìm kiếm "giọng nói đích thực" và "bản ngã đích thực".
Trong khi tính chân thật và xác thực cần phải là một điều hiển nhiên trong việc sáng tạo nội dung thì ngịch lý thay, trong xã hội ngày nay, "nội dung đích thực" lại được nhìn nhận như một tiêu chuẩn để xây dựng lòng tin (9), (11).
Bên cạnh đó, sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo và công nghệ deepfake (một trình AI chỉnh sửa hình ảnh) sao chép gương mặt, giọng nói và cử chỉ của người dùng càng khiến việc phân biệt thật và giả – hay nói cách khác, xác định tính đích thực – trở nên khó khăn hơn.
"Authentic" cũng là từ khóa mà các thương hiệu, nhãn hiệu và người có ảnh hưởng (influencer) sử dụng vì mục đích thương mại, theo như cách Elon Musk chia sẻ và đặt vấn đề về tính chân thật của con người trên mạng xã hội, các ứng dụng và nền tảng... (12). Đơn cử như mạng xã hội BeReal sử dụng tính chân thật trong trải nghiệm của người dùng để làm mục đích kinh doanh, cụ thể là yêu cầu người dùng sử dụng ảnh không qua chỉnh sửa, filter và nhất là phải dùng ảnh được chụp trong những khoảnh khắc đời thường, ít ngờ tới nhất (13).
Ban đầu, điều này tưởng như có một mục đích tích cực, song, thực tế thì nó cũng góp phần khiến nhiều người nảy sinh suy nghĩ rằng "mình phải đẹp, mọi lúc, mọi nơi". Tờ Guardian cũng đã đặt ra nghi vấn rằng liệu sự lạm dụng về tính đích thực của BeReal có liên quan gì đến con số tăng trưởng là 19% (kể từ năm 2019) của ngành phẫu thuật thẩm mỹ hay không? (8), (14)
Tóm lại, như Rebeca Jenning của tờ Vox đã nói, "Bất cứ nơi nào có những người (nổi tiếng hoặc bán hàng) được cư dân mạng cho là đích thực thì dòng tiền sẽ đổ về đó" (15).
Từ khóa năm 2023 của Từ điển Oxford tiếp tục là một từ lóng, tiếp nối từ "goblin mode" được bình chọn vào năm 2022 (16). Được thêm vào kho dữ liệu ngôn ngữ của Oxford chỉ mới từ hồi tháng 9, từ "rizz" đã nhận được hơn 32.000 phiếu bình chọn. Và sau khi qua vòng thẩm định của hội đồng chuyên gia ngôn ngữ, "rizz" đã chính thức trở thành từ khóa của năm 2023 (16).
Một số từ lóng có nghĩa tương đương với "rizz" trong tiếng Việt là "bánh cuốn", "cháy", "bén", "hút", "mlem mlem"...
Theo Từ điển Oxford, rizz có nghĩa là:
rizz (danh từ): vẻ thu hút quyến rũ hoặc lãng mạn.
rizz up (động từ): lôi cuốn, rù quến, gạ gẫm ai đó.
Hiểu một cách đơn giản, "rizz" ám chỉ khả năng thu hút người khác bằng phong cách, nét quyến rũ hoặc điểm hấp dẫn của bản thân. "Rizz" được cấu thành bằng cách sử dụng âm tiết giữa của từ "charisma" (tạm dịch là "vẻ lôi cuốn") để làm từ hoán dụ cho chính nó. Các học giả cho rằng "rizz" có cùng cách thức cấu thành tương tự như "fridge" trong "refrigerato", hay "flu" trong "influenza" (17).
Cũng theo từ điển này, "rizz" xuất phát từ một YouTuber là Kai Cenat (hoặc bạn bè của anh này). Trái với niềm tin của nhiều người rằng "rizz" là một lối chơi chữ của "charisma", nhưng Kai Cenat lại phủ định điều đó. Từ "rizz" trở nên viral trong lượt tìm kiếm trên trang web của Từ điển Oxford vào tháng 6/2023, khi diễn viên Tom Holland sử dụng từ này trong một buổi phỏng vấn (18).
Bên cạnh "rizz", "authentic", "AI" và "hallucinate", dưới đây là những từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất và lọt vào danh sách chung cuộc "Từ của Năm" theo các từ điển uy tín trên (19), (20).
Anthropomorphise: Việc thể hiện thái độ, cảm xúc hoặc đối xử với các đối tượng, động vật, đồ vật, thánh thần... như thể đối tượng đó mang hình dáng, đặc điểm tính cách và hành vi giống con người.
Shadow-ban: Một biện pháp của các công ty truyền thông nhằm hạn chế đối tượng có thể xem bài đăng của một người nào đó, mà chủ bài đăng có thể không hay biết.
Vibe check: Một hành động để biết người khác đang cảm thấy gì, hoặc cho người khác biết bản thân đang cảm thấy gì, hoặc để thông báo tâm trạng cụ thể tại một địa điểm hoặc tình huống của cá nhân ra sao.
Ennui: Cảm giác chán chường, mệt mỏi về tinh thần vì không hứng thú làm bất cứ điều gì.
Dystopian: Liên quan hoặc thuộc về một thế giới hoặc xã hội giả tưởng, nơi con người bị phi nhân hóa, sống đời sợ hãi; có liên quan hoặc là thuộc tính của phản địa đàng (dystopia).
EGOT: Viết tắt của bốn giải thưởng quan trọng trong ngành nghệ thuật và giải trí Hoa Kỳ, gồm có Emmy (giải phim truyền hình), Grammy (giải âm nhạc), Oscar (giải phim điện ảnh) và Tony (giải kịch nghệ, sân khấu).
X: Tên gọi của Twitter sau khi được Elon Musk tái cấu trúc thương hiệu.
Implode: Được hiểu là "co sập". Một vật co sập là vật phát nổ từ bên trong do trải qua sự nén dữ dội. Từ này được tìm kiếm nhiều sau vụ nổ tàu lặn Titan trong chuyến nghiên cứu và tham quan xác tàu Titanic dưới đáy đại dương.
Greedflation: Hành động lợi dụng sự lạm phát kinh tế để làm cớ gia tăng giá thành sản phẩm, dịch vụ.
Skimpflation: Cắt giảm chất lượng hoặc tần suất dịch vụ trong khi vẫn giữ nguyên giá.
Shrinkflation: Cắt giảm khối lượng, thể tích của các sản phẩm đóng hộp mà vẫn giữ nguyên giá.
De-platform/no-platform: Được hiểu như "phong sát". Đây là hành động tước đoạt cơ hội phát ngôn của một cá nhân tại các diễn đàn công cộng, hoặc trên các phương tiện truyền thông.
Ulez (viết tắt của cụm từ "ultra-low emission zone"): Được dùng để nhắc tới khu vực mà chỉ những phương tiện giao thông ít khí thải mới được phép lưu thông mà không phải đóng phí môi trường.
Nepo baby: Chỉ một người được hưởng lợi từ sự thành công, quyền lực, mối quan hệ của cha mẹ hoặc các bậc trưởng thượng trong gia đình. Cụ thể trong năm 2023, từ này được dùng nhiều trong chủ đề ngành giải trí, khi nhiều người bàn luận về những ngôi sao trẻ với sự nghiệp thuận lợi do được nâng đỡ bởi tiếng tăm của bố mẹ.
Prompt: Câu lệnh đầu vào để gợi ý cho các chương trình trí tuệ nhân tạo, thuật toán xác định và định hướng cho nội dung mà các trình này sẽ tạo ra.
Situationship: Một mối quan hệ tình cảm hoặc tình dục không được xem xét là danh chính ngôn thuận. Nói một cách khác, đây chính là những "mối quan hệ mập mờ chứ không chịu... mập rõ" trong "truyền thuyết" của Gen Z thời nay.
Parasocial: Ám chỉ một mối quan hệ với cảm giác thân mật chỉ từ một phía, không được đáp lại. Từ này thường được sử dụng khi khán giả, người hâm mộ đi theo dõi một nhân vật nổi tiếng hoặc nổi bật trên không gian mạng. Trong đó, người theo dõi cảm thấy (một cách vô căn cứ) rằng họ biết rõ người nổi tiếng đó như thể đôi bên là bạn bè của nhau.
Swiftie: Tên fandom của những người hâm mộ nhiệt thành của Taylor Swift.
Beige-flag: Đây là "cờ be", ám chỉ tính cách của đối tượng hẹn hò có vẻ nhàm chán hoặc thiếu độc đáo. Đó cũng có thể là một đặc điểm hoặc thói quen "vô thưởng vô phạt", không tốt cũng chả xấu của "nửa kia" khiến bạn cảm thấy không thể hoàn toàn cam kết trong mối quan hệ tình cảm.
De-influencing: Một cách sử dụng các công cụ marketing, truyền thông để hướng đến việc không khuyến khích mọi người mua các sản phẩm cụ thể, hoặc khuyến khích mọi người giảm tiêu dùng một loại hàng hóa đặc biệt nào đó.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Giải Trí?