Đấu trường sinh tử (The hunger games) - series truyện của nhà văn Suzanne Collins được chuyển thể thành phim từng thu hút đông đảo sự quan tâm của giới trẻ - đang trở lại rạp với phần tiền truyện mang tên Khúc hát của chim ca và rắn độc (The ballad of songbirds and snakes). Đã 15 năm kể từ ngày cuốn tiểu thuyết phản địa đàng "Đấu trường sinh tử" ra mắt công chúng nhưng lượng fan của "vũ trụ điện ảnh" này vẫn chưa hề giảm độ hot. Điều gì khiến những tác phẩm này ăn khách tới vậy? Có phải thể loại phản địa đàng (dystopia) chính là lý do?
"Dystopia" nghĩa là "phản địa đàng".
Đối lập với nó là "Utopia" tức "địa đàng", hay "thế giới lý tưởng".
Vào khoảng năm 1844, "dystopia" vẫn được dùng trong y khoa, với nghĩa "cơ quan nội tạng sai vị trí", do từ "topos" gốc Hy Lạp là "địa điểm/nơi chốn". Tới năm 1868, từ "dystopia" mới được chuyển đổi, thoát khỏi ý nghĩa trong ngành y khoa (1). Cũng phải tới năm 1919, từ này mới được sử dụng với nghĩa "phản địa đàng" phổ biến như hiện nay (2).
Trong đó, dystopia là một thế giới, thường là trong tương lai, phát triển theo hướng lệch lạc, đi ngược lại với những gì tốt đẹp nhất, hoặc thậm chí là suy thoái tới cùng cực. Những tác phẩm văn học, giải trí dystopia thời đầu đã phát triển mạnh mẽ, thổi một làn gió mới vào nền văn học phương Tây. Bên cạnh Đấu trường sinh tử là tác phẩm dystopia gần như kinh điển của giới trẻ đầu thế kỷ XXI, nhiều người cũng đã quen thuộc với 1984 của George Orwell ra mắt năm 1949, Chuyện người tuỳ nữ (The handmaid's tale) của Margaret Atwood được xuất bản lần đầu năm 1985...
Theo thời gian, thể loại phản địa đàng (dystopia) cũng đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều tác phẩm truyện và phim ảnh toàn cầu. Ở châu Á, tiêu biểu là Đại dịch cúm và Tro tàn sắc đỏ của Hàn Quốc, Attack on Titan của Nhật Bản... (3). Tác phẩm nổi tiếng Tam thể (The three-body problem) của Lưu Từ Hân tại Trung Quốc cũng có thể được xếp vào dòng phản địa đàng... (4)
Ngoài ra, cần lưu ý rằng nhiều tác phẩm phản địa đàng nói riêng và truyện giả tưởng nói chung thường hướng tới giới trẻ, tiêu biểu như Đấu trường sinh tử mà chúng ta đang nói tới ở đây. Các độc giả trẻ yêu mến thể loại này đến nỗi đã có thêm một nhánh phân loại tác phẩm dành riêng cho giới trẻ (young adult novels - YA novel). Trong đó, chúng ta cũng có YA dystopia với một số gợi ý sách ngoại văn tại đây.
Thành công của các tác phẩm kể trên đã phần nào chứng tỏ sức hút của thể loại phản địa đàng. Nhưng tại sao thể loại này lại "hút fan" tới vậy?
Sức hút của thể loại phản địa đàng trước hết nằm ở cách xây dựng thế giới giả tưởng với những bối cảnh khác lạ, khiến người đọc tò mò.
Điểm qua nội dung của một số tác phẩm, ví dụ như trong Đấu trường sinh tử, chúng ta có thể thấy tác giả Suzanne Collins đã xây dựng một đất nước Panem với nền độc tài đáng sợ. Tại đây, hằng năm, tổng thống Snow cho tổ chức Đấu trường sinh tử - nơi 24 vật tế là các bạn trẻ phải chiến đấu cho tới khi chỉ còn 1 người sống sót. Mục đích của đấu trường là ngăn người dân nổi dậy một lần nữa. Còn trong 1984, nhà văn George Orwell cũng đã vẽ nên một xã hội độc tài toàn trị, nơi tính cá nhân dường như bị xoá bỏ hoàn toàn nhằm phục vụ cho cuộc chiến tranh phi nghĩa.
Có thể thấy, bối cảnh độc đáo vượt ngoài sức tưởng tượng của độc giả chính là đặc trưng của thể loại dystopia, bên cạnh nhiều tác phẩm giả tưởng khác.
Không chỉ vậy, các "plot-twist" khó lường đủ sức thách thức suy nghĩ, quan điểm của người đọc cũng là điểm hấp dẫn của thể loại này. Khi sáng tác truyện phản địa đàng, các nhà văn phải tập trung vào việc xây dựng thế giới (worldbuilding), cụ thể là lồng ghép nhiều điều bí ẩn vào thế giới giả tưởng. Điều này dường như không quá khác biệt so với các tác phẩm truyện giả tưởng khác. Tuy nhiên, khoảnh khắc những bí mật được khám phá có thể là bước ngoặt quan trọng, đảo ngược những giá trị trong thế giới tưởng tượng mà người đọc đã hình dung từ đầu.
Đặc biệt, một dạng plot-twist hấp dẫn của thể loại này là ngay từ những trang đầu, tác giả mô tả thế giới trong truyện như một địa đàng (utopia), để rồi sau đó, cho người đọc thấy đó là một nơi chốn phản địa đàng với những giá trị và ý nghĩa đã bị lật ngược, bóp méo, xuyên tạc.
Cũng vì thế, plot-twist trong các tác phẩm thuộc thể loại phản địa đàng không chỉ khiến người đọc, người xem ngỡ ngàng, mà còn đặt ra những câu hỏi về đạo đức và những vấn đề xã hội.
Lấy ví dụ về nội dung tác phẩm Người truyền ký ức (The giver) của Lois Lowry, thế giới trong truyện ban đầu tưởng như một địa đàng hoàn hảo, cho tới khi người đọc và nhân vật chính nhận ra bản chất phản địa đàng ở đó.
Bên cạnh đó, hầu hết chúng ta từ thuở ấu thơ đã quen thuộc với những câu chuyện cổ tích tươi sáng và kết thúc có hậu, đến khi tiếp xúc với những tác phẩm phản địa đàng, ta mới được thấy những nhân vật chính có hành trình phát triển gian nan, gập ghềnh hơn. Chẳng hạn, không còn là nàng Bạch Tuyết ngay từ đầu đã là công chúa, nhân vật trong phản địa đàng có thể là một người vô danh chịu vô vàn cực khổ, rồi vươn lên trở thành anh hùng.
Ngay như trong Khúc hát của chim ca và rắn độc (The ballad of songbirds and snakes), nhiều người sẽ muốn biết bằng cách nào mà Lucy Gray Baird có thể vươn lên trong Đấu trường sinh tử, trở thành quán quân đầu tiên từ Quận 12. Tâm lý này càng dễ xảy ra khi các fan vốn đã thích series Đấu trường sinh tử gốc.
Như vậy, xét theo một khía cạnh nào đó, phản địa đàng thực chất vẫn là một dạng cổ tích có hậu, với nhân vật chính bị "vùi dập" ngay từ đầu, khiến độc giả - khán giả phải mủi lòng thương.
Vậy, một thể loại với đặc trưng là viễn cảnh tương lai tăm tối như phản địa đàng sẽ có ảnh hưởng thế nào tới tâm lý giới trẻ?
Một số nghiên cứu và quan điểm cho rằng thể loại phản địa đàng có thể giúp người trẻ có góc nhìn đúng đắn, tích cực hơn. Trước hết, các phẩm này có thể mang lại cho người đọc hy vọng rằng những điều tốt đẹp vẫn tồn tại và tiếp cho họ sự dũng cảm để đấu tranh vì những điều đúng đắn.
Khác với hy vọng về một kết thúc với kết cục có hậu trong cổ tích, phản địa đàng hướng niềm tin của độc giả - khán giả vào khả năng tiềm tàng của con người để vượt khỏi những hoàn cảnh tăm tối. Đối với giới trẻ - những người có góc nhìn mới mẻ về thực trạng xã hội và nắm quyết định tương lai - thì niềm tin và tâm thế này là điều hết sức cần thiết (5).
Không chỉ vậy, sự tăm tối của thể loại phản địa đàng còn truyền tải những bài học phần nào hợp với sự vận động của thời cuộc, như là sự bùng nổ của công nghệ, trí tuệ nhân tạo (AI), đại dịch COVID-19...
Xem qua những tác phẩm phản địa đàng, giới trẻ dễ thấy rằng những viễn cảnh tưởng tượng dường như không còn quá xa vời.
Vì vậy, các tác phẩm thuộc thể loại này có thể được coi là lời cảnh báo, hay thậm chí là hướng giải quyết cho các vấn đề hiện hữu. Chẳng vậy mà vào năm 2022, khi chính phủ Hoa Kỳ ban lệnh cấm phá thai, một lượng lớn người đã so sánh đời sống thực tế đó với những gì đã được mô tả trong Chuyện người tùy nữ (The handmaid's tale) của Margaret Atwood (6), (7).
Ngoài ra, trong các tác phẩm, đôi khi các nhà văn cũng khắc họa mặt ích kỷ, hẹp hòi của con người khi bị dồn tới đường cùng. Từ đây, người đọc có thể rút ra những bài học đạo đức, về công lý, về ranh giới giữa đúng và sai. Bằng cách truyền đạt khéo léo, các tác phẩm nhắc nhở chúng ta cần trân trọng, nuôi dưỡng những gì tốt đẹp nhất của bản thân và những người xung quanh (8).
Ở phương Tây, một số tác phẩm phản địa đàng đã được đưa vào chương trình giảng dạy, điển hình là trong danh sách đọc của học sinh Hoa Kỳ có cuốn 1984 của George Orwell. Theo một số nghiên cứu, việc đọc và phân tích các tác phẩm với một thế giới được xây dựng cầu kỳ như vậy có thể khuyến khích học sinh tìm hiểu thêm về chính trị, các vấn đề xã hội và khoa học.
Việc này không chỉ giúp học sinh mở rộng kiến thức mà còn cải thiện khả năng tư duy phản biện, cũng như gia tăng hứng thú với việc đọc, giúp mở rộng vốn từ, cấu trúc văn phạm... (9)
Tuy nhiên, các tác phẩm dòng phản địa đàng cũng có thể mang lại một số tác động tiêu cực. Dù có khả năng giúp con người điều chỉnh cảm xúc tốt hơn, như giảm xu hướng trốn tránh mỗi khi sợ hãi, thì việc đọc và xem những tác phẩm với bối cảnh tăm tối cũng làm gia tăng cảm giác lo âu. Người đọc, với tâm lý chưa vững vàng hoặc chưa có khả năng điều chỉnh cảm xúc tốt, có thể thường xuyên cảm thấy bất an trước những sự biến chuyển trong thế giới thực. Điều này lại càng gia tăng trong một thế giới VUCA (biến động, bất định, phức tạp và mơ hồ) như hiện nay, như là sau đại dịch COVID-19 (10).
Bên cạnh đó, các tác phẩm này cũng có thể khiến giới trẻ hoài nghi hơn về thế giới và bản thân. Đang ở trong giai đoạn đang khám phá căn tính (identity), người trẻ vốn là đối tượng dễ gặp phải khủng hoảng và thậm chí là nổi loạn. Việc đọc một tác phẩm với quá nhiều mặt trái cùng những hành động nằm giữa ranh giới đúng - sai có thể khiến giới trẻ hoài nghi xã hội, bản thân và thậm chí là cả thế giới thực xung quanh.
Chính điểm đặc biệt về nhận thức và tâm lý này đã tạo ra sự khác biệt giữa các tác phẩm dystopia thông thường và YA dystopia. Để so sánh, bạn có thể thấy một YA dystopia như Đấu trường sinh tử vẫn còn nhiều tình tiết "nhẹ nhàng" hơn Chuyện người tùy nữ, Tam thể...
Độ sâu sắc, phức tạp trong tình tiết và diễn biến tâm lý nhân vật giữa những tác phẩm này cũng có sự khác biệt nhất định. Nhìn chung, YA dystopia vẫn giữ được nét độc đáo của thể loại phản địa đàng, nhưng chứa nội dung phù hợp với giới trẻ hơn (11).
Có thể thấy, sức hút của thể loại phản địa đàng chưa hề có dấu hiệu giảm, mà vẫn còn có khả năng tăng cao trong tương lai. Nếu đã ưa thích series Đấu trường sinh tử với phần tiền truyện Khúc hát của chim ca và rắn độc, bạn có thể tham khảo thêm những tác phẩm sau:
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Giải Trí?