Trong triết học Hy Lạp cổ, có bốn triết lý độc đáo tượng trưng cho cái nhìn khác nhau về ý nghĩa cuộc sống, bao gồm Epicureanism (Khoái lạc), Stoicism (Khắc kỷ), Skepticism (Hoài nghi) và Cynicism (Yếm thế/Khuyển nho). Mỗi triết lý đều có những nguyên tắc và cách thực hành riêng, có thể phù hợp với từng cá nhân khi bắt bầu hành trình tìm cho mình một lý tưởng - một con đường để trải nghiệm thế giới quan muôn màu.
Những chủ nghĩa, triết lý sống dưới đây cũng là 4 trường phái cơ bản trong triết học Hy Lạp cổ (Hellenistic philosophy)
Chủ nghĩa Khoái lạc - được đặt tên theo nhà triết học Epicurus - đặt niềm vui cá nhân làm mục tiêu sống. Nó khuyến khích việc sử dụng thời gian và để tận hưởng niềm vui mà cuộc sống mang lại. Nhưng không chỉ dừng lại ở đó, Epicureanism còn giáo dục về sự tiết chế, tránh xa khỏi những ham muốn không cần thiết và không đạt được (1).
Mặc dù tên gọi của chủ nghĩa này là "khoái lạc" nhưng nó không phải là những khoái lạc theo lối hưởng thụ, lười biếng và xa hoa. Triết lý của Chủ nghĩa Khoái lạc (Epicureanism) vẫn mang ý khuyến khích con người bình tĩnh, không do dự hay sợ hãi (ataraxia) và không đau đớn (aponia).
Như vậy, sự khoái lạc ở đây được hiểu là gì đơn giản, dễ thỏa mãn, thuận theo tự nhiên.
Về chủ đề này, độc giả có thể đọc thêm bài viết trên LeLa Journal với tựa đề Thay vì tìm kiếm hạnh phúc, hãy hướng đến niềm vui.
Stoicism còn được gọi là Chủ nghĩa Khắc kỷ, được đề ra bởi Zeno thành Citium, chú trọng vào việc chấp nhận số phận và kiểm soát tâm trạng của chúng ta. Nó khuyến khích sự kiên nhẫn trước những khó khăn, sự hài lòng với những gì chúng ta có, và sự chấp nhận với những điều chúng ta không thể thay đổi. Stoicism đặt sự tập trung vào lòng can đảm và sự đối mặt với thách thức (2).
Đây là triết lý sống được nhiều triết gia, doanh nhân và nhà lãnh đạo tin làm kim chỉ nam cho những hành động trong cuộc sống của mình.
Hoài nghi là một triết lý sống mà trong đó, người thực hành đặt ra những câu hỏi vô cùng quan trọng về sự đúng đắn của những dữ kiện, kiến thức xung quanh mình. Nhà triết học Pyrrhon - người sáng lập Skepticism - khuyến khích người ta giữ tâm trạng nghi ngờ và tìm kiếm sự thật thông qua tiến trình nghiên cứu và trải nghiệm cá nhân (3).
Chủ nghĩa Hoài nghi không nhất thiết là một tư duy tiêu cực, mà nó có thể là một cách tiếp cận cẩn trọng để đảm bảo rằng quan điểm hoặc thông tin được đánh giá một cách logic và có cơ sở.
Skepticism thường được coi là một tiền đề quan trọng cho phương pháp khoa học hiện đại. Trong khoa học, sự hoài nghi được xem là một phương tiện để bảo đảm tính đáng tin cậy và chất lượng của kiến thức. Khoa học dựa vào việc đặt ra những giả định và giả thuyết, nhưng nó cũng đặt ra yêu cầu cao về bằng chứng và chứng minh thực nghiệm, mà các nhà khoa học chân chính có lẽ ít nhiều đều có phẩm chất hoài nghi trong mình.
Chủ nghĩa Yếm thế là học thuyết triết học chủ trương sống phải giữ gìn đạo đức, hợp với lý lẽ tự nhiên. Con người có thể đạt được sự viên mãn bằng cách rèn luyện thân-tâm và từ bỏ ham muốn của cải, quyền lực, tiếng tăm… (4).
Những người theo Chủ nghĩa Yếm thế không màng đến những giá trị xã hội và đặt sự tự do cá nhân lên trên mọi thứ. Họ luôn hướng đến sự đơn giản trong lối sống và độc lập về suy nghĩ cũng như mối tương quan xã hội
Bốn chủ nghĩa trên mở ra những lối sống khác nhau, thậm chí có vẻ trái ngược nhau, như là Epicureanism và Cynicism, nhưng cũng có một số điểm tương đồng trong triết lý cơ bản, có thể kể đến như:
Các triết lý này đều chú trọng hướng vào nội tâm, gồm kiểm soát tâm trạng và làm đời sống tinh thần phong phú. Chủ nghĩa Khoái lạc tập trung vào việc duy trì trạng thái tâm lý tích cực thông qua niềm vui và hạnh phúc, trong khi Chủ nghĩa Khắc kỷ đặt trọng tâm vào sự kiểm soát và chấp nhận tình thế… Như vậy, bất kể là triết lý nào, nội tâm con người vẫn được đặt lên hàng đầu.
Các triết lý này đều khuyến khích chấp nhận số phận và đối mặt với thách thức của cuộc sống. Chủ nghĩa Khắc kỷ chấp nhận và kiểm soát, trong khi những người theo phe Yếm thế sẽ thách thức những tục lệ xã hội sáo mòn thông qua giáo lý về sự đơn giản và tự do.
Không chỉ những người thuộc Chủ nghĩa Hoài nghi, mà các triết gia Hy Lạp cổ nhìn chung, đều có xu hướng tìm kiếm sự thật và nghi ngờ về kiến thức mà họ tiếp nhận được. Những người theo trường phái Hoài nghi tập trung vào việc đặt nghi ngờ và tìm kiếm sự thật thông qua tiến trình nghiên cứu và trải nghiệm. Trong khi đó, những người khắc kỷ luôn gạt đi những suy nghĩ thừa thãi và vô ích.
Cả bốn triết lý Hy Lạp cổ đều đặt sự tự do và hạnh phúc cá nhân lên trên mọi thứ.
Các triết lý trên đều đề cao khả năng từ chối giá trị vật chất và tập trung vào những giá trị tinh thần và tâm hồn.
Mặc dù mỗi triết lý sống có cái nhìn độc lập và điểm mạnh riêng, chúng có thể được xem xét và áp dụng một cách linh hoạt. Ngày nay, nhiều người chọn kết hợp các yếu tố từ cả bốn triết lý này để tạo ra một cuộc sống có ý nghĩa, đồng thời giữ được sự cân bằng giữa niềm vui cá nhân, kiểm soát tâm lý, tìm kiếm sự thật và tự do cá nhân.
Tổng hợp giữa bốn triết lý sống trên là một cuộc hành trình tìm kiếm ý nghĩa, nơi mà sự đa dạng và sự phát triển cá nhân được tôn trọng. Điều này cho thấy sức mạnh của sự kết hợp và linh hoạt trong việc định hình cuộc sống của chúng ta theo những gì mà những triết gia Hellenistic đi trước đã mở lối.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Sự Nghiệp?