Trong thời hiện đại, có nhận định cho rằng Triết học không còn phù hợp với cuộc sống và cũng không liên quan gì đến quản trị doanh nghiệp - một lĩnh vực đòi hỏi những phản ứng nhanh nhạy trên thị trường - thay vì tư duy chậm lại và đào sâu vào nội tại.
Nhiều lãnh đạo nổi tiếng khác như Tim Ferriss, Ryan Holiday và Jack Dorsey cũng đang ứng dụng Triết học vào kinh doanh (2). Không chỉ vậy, các trung tâm chuyên dạy tư duy Triết học cho doanh nghiệp cũng đã ra đời (3). Điều này khiến nhiều người tự hỏi liệu bộ môn này giúp ích thế nào trong việc giải quyết các bài toán hóc búa của kinh doanh?
Kinh doanh vốn tồn tại nhiều vấn đề khó khăn: Tìm nguồn hàng, quản lý và hợp tác với các nhà cung cấp, vận hành các mô hình, marketing... Tuy nhiên, các thách thức trên chỉ là bề nổi khi điều hành doanh nghiệp, còn phần dưới của "tảng băng chìm", thứ giúp ta định hình được chính mình trên thị trường khốc liệt lại là triết lý kinh doanh.
Ngay trong cụm từ triết lý kinh doanh (business philosophy) đã thể hiện rõ vai trò của Triết học. Hiểu một cách đơn giản, nó là quá trình vạch ra "bản chất cốt lõi của thương hiệu", chẳng hạn như: Mục đích tồn tại, định vị, tính cách, khách hàng mục tiêu, sự khác biệt của thương hiệu (4). Một khi đã định hình rõ ràng triết lý kinh doanh, chúng ta có thể dễ dàng truyền đạt thông điệp và trao những giá trị hữu ích đến người dùng, cũng như xây dựng được lòng tin vững bền. Các doanh nhân, công ty đã tận dụng triết học để tìm câu trả lời cho những vấn đề như vậy.
Reid Hoffman, người đồng sáng lập LinkedIn và là đối tác của công ty đầu tư mạo hiểm Greylock Partners, cho rằng Triết học giúp ích nhiều cho công việc kinh doanh của ông hơn tấm bằng Thạc sĩ Quản trị kinh doanh (MBA). Hoffman đặc biệt nhấn mạnh khái niệm "eudaimonia" của Aristotle, tạm dịch là "sự hưng thịnh của loài người". Triết lý này đã định hướng tầm nhìn của Hoffman về LinkedIn như một nền tảng cho phép chúng ta phát huy hết tiềm năng và thăng hoa trong sự nghiệp (5).
Triết lý kinh doanh có vai trò như một lộ trình hướng dẫn (roadmap) cho các tổ chức, giúp giám đốc điều hành và nhân viên hiểu được mục tiêu và giá trị mà họ đang hướng tới. Một triết lý kinh doanh đúng đắn sẽ giúp nhân viên làm việc hiệu quả nhất, cũng như cung cấp dịch vụ cho khách hàng theo cách tốt nhất có thể.
Một lý do khác để các doanh nghiệp chú trọng đến triết lý kinh doanh là bởi vì khách hàng tìm đến với chúng ta không chỉ vì sản phẩm mà còn là câu chuyện đằng sau. Đó là khi người tiêu dùng hiểu được các giá trị mà thương hiệu đại diện và muốn tham dự một phần vào câu chuyện này.
Nhà triết học Yuval Noah Harari đã mở đầu cuốn sách nổi tiếng Sapiens: Lược sử về loài người của mình với nhận định rằng: "Loài người khởi đầu từ những câu chuyện" (6). Và nền kinh tế cùng tất cả mô hình kinh doanh của chúng ta cũng đều được mở đầu như thế. Thị trường chứng khoán là một câu chuyện (về những nhà đầu tư có tính kỷ luật và nhạy bén rồi sẽ được thị trường đền đáp), các sản phẩm và thương hiệu cũng là những câu chuyện. Vậy nên, một trong những vai trò quan trọng hàng đầu của nhà lãnh đạo chính là trở thành người kể chuyện hấp dẫn (7).
Trong một nghiên cứu bàn về mối liên quan giữa Triết học và nghệ thuật kể chuyện, tác giả Megan Craig đã cho rằng bộ môn này là một trong số các phương tiện kể chuyện có thể mổ xẻ, phơi bày, làm xáo trộn và định hướng chúng ta đến với một thế giới hấp dẫn hơn (8).
Luciano Florida - Giám đốc nghiên cứu tại Đại học Oxford - trong bài phân tích "Giám đốc phải là người kể chuyện bậc thầy" nhận định rằng CEO giống như con lai của triết gia và nghệ sĩ. Với vai trò là triết gia, một giám đốc điều hành phải giải quyết "các vấn đề mở" mà không bao giờ có được câu trả lời sáng tỏ do bị giới hạn bởi dữ kiện, số liệu. Và giống với người nghệ sĩ, một CEO giỏi phải sáng tạo ra những giải pháp khả thi cho doanh nghiệp, mang lại hiệu quả cho cổ đông và được các bên liên quan chấp nhận (9). Để kết hợp hai yếu tố này, CEO phải hình thành toàn bộ câu chuyện trong đầu với chi tiết là mọi thách thức hiện có và cao trào nằm là ở cách gỡ nút thắt.
Trong lịch sử Triết học cũng có rất nhiều câu chuyện thú vị có thể giúp các doanh nhân tìm thấy lời giải cho con đường đi của mình như "Con mèo" của Schrödinger, "Suy tư và giấc mơ" của Descartes hay "Zarathustra" của Nietzsche, nhưng quen thuộc hơn cả vẫn là dụ ngôn về "Cái hang" của Plato.
Một nhóm người bị giam cầm trong hang động và chưa từng được bước ra thế giới bên ngoài. Thứ duy nhất họ nhìn thấy mỗi ngày là bóng của cây cối, sinh vật bên ngoài được phản chiếu từ ánh sáng của ngọn lửa lên bức tường. Họ cho rằng những cái bóng ấy là thật và đó là chân dung của thế giới này. Cả đám người bám víu vào niềm tin của họ đến mức họ không chấp nhận bất cứ ý kiến khác biệt nào. Kẻ nào chống đối lại đều phải nhận lấy cái chết.
Câu chuyện "Cái hang" của Plato là dụ ngôn về nhận thức của con người. Đôi khi chúng ta bị mờ mắt bởi niềm tin mù quáng của mình mà từ chối sự thật và sẵn sàng bài trừ những ai dám nói điều gì trái ngược (10).
Cách đây chỉ vài chục năm hãng máy ảnh Kodak từng là một trong những công ty danh tiếng nhất thế giới. Thế mà ngày nay, doanh nghiệp này có vốn hóa thị trường chưa tới 1 tỷ USD. Sự gục ngã của Kodak đã trở thành bài học "vỡ lòng" cho giới kinh doanh. Trong giai đoạn hoàng kim của những cuộn phim chụp ảnh, Kodak không có đối thủ. Họ là gã khổng lồ tiên phong trong lĩnh vực này và không đế chế nào có thể thách thức họ.
Thế nhưng, vì quá cố chấp đầu tư vào những cuộn phim, Kodak (như những "kẻ trong hang động") đã bỏ lỡ sự phát triển của công nghệ kỹ thuật số. Khi người tiêu dùng chuyển sang sử dụng máy ảnh số và quay lưng với những cuộn phim đắt đỏ, Kodak đã lao dốc thảm hại và không thể nào lấy lại vị thế khi xưa (11).
Vào năm 1921, triết gia Ludwig Wittgenstein đã xuất bản cuốn sách "Tractatus Logico-Philosophicus" rồi gọi đó là cuốn duy nhất trong đời mình muốn viết. Thế nhưng, tám năm sau đó, khi tiếp tục con đường nghiên cứu Triết học, ông nhận ra nhiều sai lầm của mình trong công trình trước. Tác phẩm tiếp theo của ông có tên "Philosophical Investigations" xuất bản vào năm 1953 và được công nhận là một trong những công trình quan trọng nhất của thế kỷ XX về ngành học này (12). Wittgenstein và tác phẩm xuất sắc của ông đã dạy chúng ta bài học quý giá về việc chấp nhận những thiếu sót của bản thân.
Sự thiếu hiểu biết và ngoan cố chứa đầy cạm bẫy nguy hiểm. Nhận ra hạn chế của mình, chấp nhận thay đổi để tạo nên thành công chính là câu chuyện của Reed Hastings, nhà sáng lập kiêm CEO của Netflix.
Cuối những năm 1990, Hastings thành lập Netflix dưới dạng dịch vụ cho thuê DVD qua thư. Tuy nhiên, công ty đã phải đối mặt với một thất bại nặng nề vào năm 2000 khi cố gắng hợp tác với Blockbuster - chuỗi cho thuê video thống trị vào thời điểm đó. Từ đây Hastings nhận ra rằng dựa vào những chiếc đĩa DVD không phải là một chiến lược bền vững và đã xoay chuyển công ty sang hướng mới bằng cách ra mắt dịch vụ truyền phát trực tuyến (streaming) vào năm 2007. Hiện nay, Netflix là đế chế trong lĩnh vực này với hơn 230 triệu người đăng ký trên toàn thế giới (13).
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Sự Nghiệp?