AI đang làm thay đổi hầu hết các ngành nghề, giảm chi phí và tối ưu hóa năng suất công việc. Mời độc giả cùng LeLa Journal tìm hiểu cách sử dụng AI hiệu quả để bắt kịp xu hướng và làm chủ đà phát triển thuận lợi trong công việc nhé.
Mới đây, từ điển Collin đã lựa chọn "AI" ("artificial intelligence" - "trí tuệ nhân tạo") là từ vựng của năm (1). Dù các nghiên cứu về AI đã được thực hiện từ những năm 1950, nhưng 2023 gần như là năm bùng nổ của công nghệ này, khởi đầu từ ChatGPT và theo sau đó là rất nhiều công cụ khác, từ tạo ảnh, video cho đến giọng nói. Nhiều chuyên gia nhận định rằng trong tương lai, thành thạo AI sẽ là một yêu cầu tất yếu đối với người lao động (2).
Trên thực tế, AI có rất nhiều ứng dụng khác nhau, như dự báo chứng khoán hay đề xuất phim trên Netflix và nhạc trên Spotify… Hơn nữa, có một ứng dụng AI cực kỳ quen thuộc mà chúng ta vẫn sử dụng hằng ngày, chính là công cụ tìm kiếm Google.
Ngoài ra, còn có hàng loạt công cụ AI chuyên ngành khác như Hubspot, SEMrush… hỗ trợ phân tích và triển khai các dự án marketing; Grammarly, Hemingway… hỗ trợ các nhiệm vụ viết; hay Zia giúp quản lý doanh nghiệp, với rất nhiều khả năng như chăm sóc khách hàng, lập báo cáo và dự đoán xu hướng, tự động phân tích và quảng cáo sản phẩm theo sở thích và nhu cầu của khách hàng…
Những AI tạo sinh (Generative AI) như ChatGPT, Bing AI, Bard… đã tạo ra cuộc cách mạng mới trong lĩnh vực AI.
Cũng như các mô hình AI trước đó, AI tạo sinh cũng được đào tạo từ nguồn dữ liệu đầu vào rất lớn nhằm thực hiện một nhiệm vụ nhất định. Tuy nhiên, chúng có khả năng tạo nội dung hoàn toàn mới chỉ từ một câu mô tả (prompt) đơn giản của người dùng - điều mà các AI trước đó chưa làm được (2).
Ứng dụng của AI tạo sinh rất đa dạng, như ChatGPT, Bard… có thể viết nội dung, dịch thuật… Midjourney, DALL-E 3, Canva… có khả năng tạo hình ảnh dựa trên mô tả bằng văn bản, hay DeepBrain giúp tạo video tự động và chèn giọng đọc mô phỏng tiếng nói thật của người dùng…
Khi hỏi-đáp với chatbot AI, người dùng có thể vô tình tiết lộ nhiều thông tin, từ những vấn đề cá nhân cho đến các bí mật thương nghiệp - đặc biệt là khi họ phụ thuộc quá nhiều vào các công cụ này để tạo ra sản phẩm trong công việc. Nếu các nền tảng này bị tin tặc tấn công, thông tin của bạn hoàn toàn có thể bị tiết lộ cho bên thứ ba (thậm chí là công chúng).
Đó cũng là lý do khiến một số công ty đã cấm nhân viên sử dụng những AI như ChatGPT trong giờ làm việc (2).
Việc cung cấp ảnh cá nhân cho các công cụ AI cũng dẫn đến nguy cơ bị giả mạo danh tính (có thể bị lợi dụng để lừa đảo hoặc đăng nhập vào các ứng dụng yêu cầu nhận diện khuôn mặt). Tin tặc thường dùng deepfake để tạo ra "người ảo" từ ảnh người thật (3). Một ví dụ nổi tiếng là đoạn video ghép gương mặt của cựu tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump vào bài nói chuyện của nam diễn viên Alec Baldwin, cho thấy hình ảnh tạo ra bởi deepfake có thể "chân thật" đến mức nào.
Đây là đoạn video về trường hợp kể trên:
Có thể thấy rằng cuộc đua giữa deepfake và các công cụ phát hiện vẫn đang tiếp diễn. Năm 2020, người ta đã tìm ra cách phát hiện hình ảnh deepfake thông qua cử động của mắt. Tuy nhiên, vài năm sau đó, các công cụ deepfake đã kịp thời cải tiến để "chống lại" kỹ thuật này (4).
Nội dung AI phụ thuộc rất lớn vào dữ liệu được dùng để đào tạo. Tuy nhiên, người dùng không thực sự biết rõ nguồn và tính chính xác của các dữ liệu đó. Không những thế, dữ liệu chỉ là nguồn tham khảo ban đầu, bản chất AI là một mô hình tự học, nên các nhà phát triển cũng không thể kiểm soát cách mà chúng hoạt động và cho ra kết quả cuối cùng (2). Đã có nhiều ví dụ về việc người dùng "trêu chọc", khiến AI đưa ra những câu trả lời dở khóc dở cười. Bởi AI không nhận định được đâu là câu trả lời đúng và có xu hướng sáng tạo quá mức khi gặp câu hỏi mình không biết. Ví dụ như trong hai hình dưới đây:
*CẢNH BÁO: Hai hình dưới đây chứa thông tin sai lệch mà AI đưa ra.
Những câu hỏi-đáp với người dùng cũng là một nguồn dữ liệu để đào tạo AI. Điều này đồng nghĩa với việc người dùng có thể đưa cho AI những đáp án sai, hoặc lợi dụng giới hạn của thuật toán để tạo ra các nội dung độc hại như phân biệt chủng tộc, bạo lực, khiêu dâm… Từ đó, AI cũng có thể "học tập" những câu trả lời này.
Do pháp luật chưa có quy định cụ thể, nên đôi khi, các công cụ AI sẽ sử dụng các sản phẩm có bản quyền để học. Điều này gây bất lợi cho người dùng vì sản phẩm mà bạn tạo ra từ AI rất có thể sẽ bị cảnh báo bởi các công cụ phát hiện đạo văn, dẫn đến nhiều rắc rối khác như hạ mức xếp hạng trên Google, hoặc thậm chí là rắc rối về pháp luật (5).
Ngoài rủi ro đạo văn thông thường, AI cũng tạo ra rủi ro về gian lận học thuật, khi mà học sinh lạm dụng AI để làm bài tập, bài thi hoặc viết bài luận (6).
Hiện tại, các công cụ phát hiện AI hiện tại vẫn đang trong giai đoạn phát triển. Đôi khi, chúng sẽ nhầm lẫn nội dung từ AI là do con người tạo ra, hoặc ngược lại (5).
So với các công cụ tìm kiếm truyền thống mang đến cho người dùng hàng triệu kết quả cho một lần tìm kiếm, AI tạo sinh thường đưa ra một câu trả lời cụ thể được tổng hợp cho mỗi câu hỏi của người dùng. Điều này thoạt nhìn có vẻ tiện lợi vì người dùng ngay lập tức có câu trả lời mà mình cần, thay vì phải đọc từ vài đến vài chục trang web khác nhau, từ đó có thể tổng hợp thông tin và viết lại thành nội dung hoàn chỉnh.
Tuy nhiên, nếu không cẩn thận, người dùng sẽ dần phụ thuộc vào AI và bị "mai một" khả năng tư duy độc lập. Thêm vào đó, như đã nêu trên, nội dung do AI tạo ra luôn có khả năng sai lệch hoặc có tính thiên kiến, đòi hỏi người dùng nhận ra những sai sót và tra cứu nhiều nguồn thông tin đa chiều để có cái nhìn toàn diện về vấn đề (2).
Như đã nhắc tới về dự báo nhu cầu sử dụng AI, người lao động hiện nay cần bổ sung ngay khả năng sử dụng AI trong hồ sơ cá nhân. Để chuẩn bị cho một năm lại tới, chúng ta cần cân nhắc 3 điều dưới đây để sử dụng AI thật hiệu quả.
Mỗi công cụ AI đều công khai chính sách quyền riêng tư, trong đó thể hiện cách họ bảo mật và sử dụng dữ liệu của người dùng, ví dụ như dữ liệu có được mã hóa hay không?, các dữ liệu đã xóa có được lưu lại trong máy chủ của công cụ không?...
Bạn nên dành thời gian đọc kỹ các thông tin này trước khi lựa chọn tin tưởng bất kỳ công cụ nào.
Tuy nhiên, không có công cụ nào hoàn toàn đáng tin. Người dùng nên hạn chế chia sẻ những thông tin riêng tư hoặc bí mật doanh nghiệp. Đồng thời, hãy xóa lịch sử dữ liệu của bạn nếu có thể. Ví dụ, Bard của Google cho phép người dùng tùy chọn xóa dữ liệu trong quá khứ, cũng như chủ động lựa chọn trong việc lưu hoạt động.
Riêng với trường hợp AI tạo sinh, một trong những "bí thuật" để sử dụng hiệu quả là đặt đúng câu hỏi (prompt). Bạn đọc có thể tham khảo 3 mẹo đặt câu hỏi dưới đây:
Ngoài ra, bạn cũng có thể cung cấp "văn mẫu" để giúp AI hiểu rõ hơn về yêu cầu cần thực hiện. Ví dụ, nếu bạn muốn viết một bài thơ theo phong cách của nhà thơ Xuân Diệu, hãy đưa luôn một (vài) bài thơ của ông vào yêu cầu dành cho AI.
Để không bị thay thế hoặc phụ thuộc bởi AI, chúng ta cần tập trung vào những thế mạnh của con người mà AI không thể cạnh tranh. Bạn có thể tham khảo thêm bài viết trước của LeLa Journal về chủ đề 4 kỹ năng cần thiết trong thế kỷ mới, gồm tư duy sáng tạo (creative thinking), tư duy biện luận (critical thinking), giao tiếp (communication) và hợp tác (collaboration).
Trong đó, tư duy biện luận (critical thinking) là tối cần thiết khi làm việc với AI mỗi ngày. Tư duy biện luận là khả năng nhận định vấn đề, phân tích thông tin và tính thuyết phục của các lập luận, chọn lọc nguồn tin và ra quyết định hợp lý (7). Chẳng hạn, trước thông tin sai mà AI đưa ra về việc chị Dậu yêu Chí Phèo, chúng ta cần biện luận và thậm chí là cần chất vấn ngược lại AI, cốt để "truy tầm" được đúng kiến thức mà ta đang cần nghiên cứu.
Để rèn luyện tư duy biện luận khi sử dụng AI, bạn có thể áp dụng 3 bước sau:
Một số công cụ AI có cung cấp nguồn cho mỗi câu trả lời của chúng, ví dụ như Bing AI. Bạn có thể trực tiếp kiểm chứng nguồn tin để bước đầu nhận định liệu thông tin có xác thực hay không.
Trong những trường hợp khác, ví dụ như nhận được cuộc gọi video yêu cầu chuyển tiền từ một người thân quen/đồng nghiệp/cấp trên, bạn cũng nên tìm cách xác nhận xem đó có phải một vụ lừa đảo được tạo ra từ deepfake hay không, chẳng hạn, hỏi đối phương những thông tin mà chỉ hai người nắm được.
Liệu thông tin này có mắc lỗi ngụy biện không? Lập luận có liên kết và chặt chẽ từ đầu đến cuối không?...
Tra cứu nhiều nguồn khác để xác định tính đúng đắn của thông tin, đồng thời cho bản thân góc nhìn đa chiều hơn về vấn đề. Bạn cũng có thể kiểm tra lỗi đạo văn bằng nhiều công cụ khác nhau để tránh các rắc rối phát sinh. Hơn nữa, nội dung từ AI chỉ nên được xem là thông tin tham khảo thay vì sản phẩm cuối cùng.
Tựu trung lại, AI có thể làm tốt các tác vụ lặp lại, nhằm tiết kiệm thời gian cho con người. Tuy nhiên, nếu không có người sáng tạo nội dung mới thì các sản phẩm mà AI tạo ra sẽ chỉ là sự lặp lại lẫn nhau. Để có được sản phẩm chất lượng, chúng ta có thể nhờ sự hỗ trợ của AI để tìm kiếm câu trả lời cho những câu hỏi đơn giản, lấy cảm hứng và ý tưởng khi cần thiết, sau đó dành thời gian cho hoạt động sáng tạo đòi hỏi tâm huyết và hàm lượng trí tuệ cao hơn.
Cuối cùng, khi đã thực hành những điều trên và đủ bộ kỹ năng để sử dụng AI, hãy mạnh dạn bổ sung kỹ năng này vào CV của bạn nhé.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Sự Nghiệp?