Sự ra đời của ChatGPT cũng như những phần mềm trí tuệ nhân tạo (AI) đã thổi bùng lên một cơn sốt trên toàn cầu về khả năng máy móc thay thế con người. Thời đại của AI dường như không còn xa vời khi theo thống kê của McKinsey, số lượng doanh nghiệp ứng dụng các công nghệ này vào quy trình làm việc đã tăng gấp đôi chỉ trong vòng năm năm, với số vốn đầu tư ngày một lớn (1). Đứng trước "lực lượng lao động" mới và năng suất đó, người lao động cần "kết thân" với AI để giữ vững vị thế của bản thân và tiếp tục thăng tiến trong công việc.
Thông minh hơn, năng suất hơn, tiết kiệm chi phí hơn... có vô vàn lý do để doanh nghiệp tìm đến trí tuệ nhân tạo. "Lực lượng lao động mới" này khiến nhiều nhân viên, đặc biệt là cấp thừa hành/thực thi (executive), rơi vào thế đứng ngồi không yên vì lo sợ rằng mình có thể mất việc chỉ sau một đêm, nhất là trong giai đoạn kinh tế biến động không ngừng, với sự suy thoái cuối 2022 đầu 2023.
"Cơn ác mộng" đó của người lao động đang dần trở thành hiện thực khi báo cáo của Ngân hàng Goldman Sachs (Hoa Kỳ) khẳng định rằng ở thời điểm hiện tại, AI có khả năng "thế chỗ" con người trong phạm vi khoảng 300 triệu việc làm toàn thời gian (2).
Theo ước tính, chỉ trong khoảng tháng 4 và 5/2023, có khoảng 4.000 người đã mất việc do bị AI thay thế trong nhiều lĩnh vực đa dạng, cả tập đoàn công nghệ máy tính IBM lẫn tổ chức khoa học xã hội như Hiệp hội Rối loạn Ăn uống Quốc gia (tại Hoa Kỳ) (3).
Theo nhiều phân tích, một số ngành nghề có thể bị AI thay thế trong tương lai gồm có nhân viên trạm xăng, lính cứu hỏa, lái xe, phiên dịch viên… (4) và thậm chí là nhân viên thiết kế đồ họa, nhân viên truyền thông, giáo viên… (5).
Vậy truyền thông và chính bản thân mỗi chúng ta, đều đặt ra một câu hỏi rằng: Liệu AI sẽ hoàn toàn thay thế lực lượng lao động hay sao? Đáp án là đúng và sai.
Đúng, AI có khả năng hoàn thành một số tác vụ mà trước đây là của con người. Sai, bởi về bản chất, trí tuệ nhân tạo được phát minh không vì mục đích thay thế mà để hỗ trợ các nhân sự, giúp tiết kiệm thời gian và công sức. Trên thực tế, "không ai bị thay thế bởi AI", mà chúng ta bại trận trước những người lao động biết tận dụng AI để mang lại lợi ích cho bản thân và doanh nghiệp.
Do đó, nếu không muốn nằm trong nhóm "bị thay thế", bạn cần học cách bắt tay với AI, bắt đầu từ việc hiểu về các tác dụng của trí tuệ nhân tạo.
Như đã đề cập tới trong bài Hóa ra trí tuệ nhân tạo (AI) đang tạo thêm nhiều việc làm cho con người chứ không phải lấy bớt đi, bài viết này tập trung vào sự tiện ích của AI như là một công cụ của người lao động.
Theo thống kê của Nielsen Norman Group, AI giúp tăng khoảng 66% hiệu suất làm việc của các nhân viên, tùy vào tính chất của từng ngành nghề (6). Lý do là bởi AI giảm thiểu những nhiệm vụ lặp đi lặp lại như gửi email chăm sóc khách hàng, nhập và hệ thống dữ liệu, hoặc sản xuất nội dung theo mẫu sẵn có. Thêm vào đó, AI có thể làm việc liên tục trong nhiều giờ và nhiều ngày không ngơi nghỉ, nhờ vậy đẩy nhanh tiến độ công việc.
Trải qua nhiều năm làm việc, các nhân viên khó tránh khỏi những chiếc bẫy thiên kiến nhận thức (cognitive bias) và chọn đi theo những "lối mòn" an toàn nhưng không còn hiệu quả. Khi đó, chúng ta có thể tìm đến AI để cập nhật những biến đổi trong thị trường và bồi đắp tri thức.
Thống kê của Harvard Business Review chỉ ra rằng, có đến 95% trường hợp tổ chức hoặc người dùng lựa chọn một hướng đi khác với ý định ban đầu sau khi "giao tiếp và học hỏi" từ trí tuệ nhân tạo (7).
Một người trong số đó là Mir Imran - nhà phát minh y học và người sáng lập InCube Labs. Theo chia sẻ của Imran, nhờ những thông tin liên kết từ đa ngành bởi AI, nhóm của ông vừa tạo ra một phát minh đột phá là viên thuốc Rani, được ví như "mũi tiêm nhỏ có thể nuốt" giúp truyền thuốc vào mạch máu mà không gây đau đớn (7).
Với những tác vụ yêu cầu độ chính xác cao như nhập liệu hoặc tiểu phẫu, AI thậm chí còn có thể… làm tốt hơn con người, bởi chúng không bị chi phối bởi các yếu tố như cảm xúc hoặc điều kiện ngoại cảnh. Chẳng hạn, một số trí tuệ nhân tạo như Grammarly còn có khả năng chỉ ra lỗi và gợi ý chỉnh sửa cho người dùng, giúp hạn chế tối đa những sai sót không mong muốn.
Một khi đã hiểu về những lợi ích của trí tuệ nhân tạo, bạn đã có thể bước đầu hình dung ra những nhiệm vụ công việc mình nên tận dụng AI để nâng cao hiệu suất. Dưới đây là một số gợi ý từ LeLa Journal.
Khi nhận được một đề bài bất kể là trong lĩnh vực nào, chúng ta đều phải bắt đầu từ bước nghiên cứu. Ở mức độ cơ bản, bạn có thể sử dụng các thanh công cụ tìm kiếm phổ biến như Google hoặc Bing để thu thập thông tin tổng quan, sau đó dành thời gian để tìm hiểu sâu hơn những nội dung chi tiết.
Thế nhưng, nếu bạn không dư dả thời gian và muốn tìm ra câu trả lời càng nhanh càng tốt, bạn có thể cân nhắc sử dụng những ứng dụng trí tuệ nhân tạo ở cấp độ cao hơn như ChatGPT (bản đã được nâng cấp) và Consensus - chuyên cung cấp câu trả lời chi tiết dựa trên các nguồn khoa học, hoặc ChatPDF - lọc và tổng hợp thông tin dựa theo từng câu hỏi riêng biệt.
Thay vì tốn hàng giờ nhập liệu thủ công, bạn có thể tận dụng trí tuệ nhân tạo để thu thập, xử lý và trực quan hóa dữ liệu một cách nhanh chóng. Trên thực tế, các ứng dụng như Excel hay Google Sheet đều đã tích hợp đa dạng tính năng liên quan đến dữ liệu, việc của chúng ta là học và thử nghiệm để có thể tối ưu hóa những công cụ này trong công việc.
Ngoài ra, nếu bạn là người làm việc trong lĩnh vực kỹ thuật số, bạn có thể tìm hiểu thêm về các AI đặc thù như Google Analytics để phân tích và đánh giá thông tin theo thời gian thực.
Người làm sáng tạo có lẽ ai cũng từng trải qua cảm giác "ăn bí". Khi cạn ý tưởng, bạn có thể tìm đến AI để khai mở tâm trí hoặc kết hợp những ý tưởng cũ lại với nhau - Một chú voi và đôi tai làm từ hai cánh bướm sặc sỡ chẳng hạn.
Ví dụ, khi sử dụng AI Bard của Google, bạn sẽ nhận được một số gợi ý từ khóa để mở rộng tìm kiếm về vấn đề vừa hỏi, giúp bạn đào sâu được vấn đề kỹ càng hơn và nhanh chóng hơn.
Hơn hết, trí tuệ nhân tạo cho phép tất cả mọi người được thỏa mãn đam mê sáng tạo của bản thân, vượt trên những hạn chế về ngôn ngữ hoặc hình ảnh. Bất kể là vì mục đích lợi nhuận hay giải trí, bạn đều có thể sử dụng AI để "nâng cấp" khả năng viết, vẽ hoặc thiết kế của mình.
Một khi đã "kết thân" thành công với trí tuệ nhân tạo, bạn sẽ không còn mất ăn mất ngủ trước nỗi lo bị thay thế, bởi "kẻ thù" giờ đây đã trở thành cánh tay phải đắc lực giúp bạn tiến xa hơn trên con đường sự nghiệp.
Mời độc giả đọc các bài viết cùng chủ đề, đã được đăng tải trên LeLa Journal như sau:
Nghề nghiệp nào "an toàn" trước viễn cảnh AI thay thế con người?
AI hiểu về luật và viết hợp đồng nhanh hơn cả... luật sư?
Công nghệ "đọc suy nghĩ": Khi AI học lỏm não bộ của con người
Đối thoại với trí tuệ nhân tạo: ChatGPT hiểu thế nào về chữ "hiếu"?
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Sự Nghiệp?