Khi nhắc đến ngày sinh nhật, chắc hẳn nhiều người sẽ nghĩ ngay đến không khí vui tươi, đầy ắp tiếng cười với tiệc tùng, quà tặng, thổi nến ước nguyện giữa giai điệu "Happy Birthday"... Thế nhưng, thực tế thì không phải ai cũng thế. Nhiều người thậm chí còn thấy buồn, lạc lõng và không muốn ăn mừng sinh nhật của mình. Đây có thể là tình trạng “birthday blues” hay “birthday depression”.
"Birthday blues" (hoặc "birthday depression") là cụm từ diễn tả cảm giác trầm uất, buồn bã tột cùng trong dịp sinh nhật của chính mình. Đây là một cảm xúc bình thường và không hẳn là một dạng bệnh lý.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là các nhà khoa học thấy rằng tỷ lệ tự tử ở những người có birthday blues tăng cao vào dịp sinh nhật, khoảng 6 - 40%, đặc biệt là ở nam giới trên 35 tuổi.
Nguyên do là bởi nỗi buồn này có liên quan đến các bệnh tâm lý khác như trầm cảm và rối loạn lo lâu (1), (2), (3), (4), (5), (6).
Cần lưu ý rằng trạng thái cảm xúc buồn bã, u uất và tình trạng trầm cảm là khác nhau. Để xác định được chính xác, độc giả cần được chẩn đoán bởi chuyên gia, nhà tham vấn trị liệu tại những cơ sở y tế và phòng tham vấn tâm lý uy tín.
Áp lực này có phần giống với lời tự nhủ "new year, new me", (tạm dịch là "năm mới, tôi cũng mới") vào mỗi đầu năm. Vào sinh nhật thêm tuổi mới, chúng ta cũng thường xem đó là một cột mốc quan trọng, đánh dấu những thay đổi mới, giống như một sự "sang tuổi, sang trang mới" (7).
Một ví dụ điển hình là sinh nhật tuổi 60 trong văn hóa Á Đông thường được cho là quan trọng, vì nó đánh dấu một khởi đầu mới, tính theo hệ thống Thiên Can Địa Chi. Điều này nghĩa là nếu bạn sinh năm Canh Thìn (2000) thì năm bạn 60 tuổi, tức 2060, năm Canh Thìn được lặp lại.
Ở Việt Nam, chúng ta bắt đầu sử dụng cụm từ dịp lễ "thượng thọ" kể từ sinh nhật 60 tuổi, tức là "thượng thọ lục tuần". Sau đó, năm 70 tuổi là "thượng thọ thất tuần"... Tại Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc, có những nơi có tên gọi riêng cho dịp sinh nhật 60 tuổi, lần lượt là "Kanreki", "Hwangap" và "Jiazi" (8), (9).
Điều này không chỉ phổ biến ở văn hóa Á Đông, mà còn ở phương Tây. Cụ thể là những kết quả của một bài báo khoa học, gồm 6 nghiên cứu nhỏ của Giáo sư Tâm lý Adam Alter tại Đại học New York và Hal Hershfield tại Đại học California (Hoa Kỳ). Theo đó, ngoài tuổi 18 và 21 – độ tuổi được cấp quyền công dân và trách nhiệm như người lớn, nhiều người thấy số tuổi tròn, như 30, 50, 60, 100… là số tuổi quan trọng hơn những số tuổi khác (10).
Bởi lẽ, mỗi khi đạt đến tuổi này, chúng ta cảm thấy như được cấp “giấy chứng nhận” đã đạt tuổi cột mốc (milestone age). Những cột mốc này đánh dấu rằng bản thân đã "có tuổi" hơn và có nhiều nhu cầu phản tư, thậm chí là tập trung hơn trong việc tìm hiểu những vấn đề hiện sinh, như là sứ mệnh cuộc đời…
Đây là cũng một lý do khiến cho khi vào tuổi chuyển giao, cụ thể là tuổi kết thúc bằng chữ số 9 như 29, 39, 49… nhiều người có hành vi khác lạ, giống như người đi tìm lẽ sống. Chẳng hạn, tập thể dục chăm chỉ hơn, hoặc thậm chí là những trải nghiệm tồi tệ như toan tự tử (suicidal attempt).
Nhà nghiên cứu về tự tử, hay còn là "nhà tự tử học" (suicidologist) Stacey Freedenthal, cũng là tác giả cuốn sách Yêu thương một người có ý định tự tử (Loving someone with suicidal thoughts), đã đưa ra ý kiến về birthday blues. Cụ thể, đây có thể là hệ quả của những áp lực về thành tích và địa vị mà xã hội gán lên từng độ tuổi.
Mỗi quá trình đánh giá lại cuộc đời này có thể khơi gợi lại áp lực xã hội hoặc áp lực đồng trang lứa về những thành tựu mà một cá nhân phải đạt được. Chẳng hạn, 30 tuổi phải lên trình độ quản lý, xây nhà cho bố mẹ, lập gia đình…
Vào sinh nhật, nếu bạn chưa đạt được như "tiêu chuẩn" như vậy, bạn sẽ có xu hướng cảm thấy mình chưa đủ tốt như mong đợi hoặc tin rằng mình cũng sẽ chẳng đạt được gì trong tương lai. Từ đó, bạn có thể mang cảm giác tuyệt vọng và sợ sinh nhật (11), (12), (13).
Một lý do khác có thể khiến bạn sợ ngày sinh của chính mình là vì bạn đã từng có những trải nghiệm tệ hại vào ngày này. Thế nên, mỗi khi dịp sinh nhật trở lại, bạn sợ quá khứ sẽ lặp lại hoặc thậm chí còn tệ hơn trước.
Một số người có thể ám ảnh với việc trở thành tâm điểm của sự chú ý vì họ đã từng có trải nghiệm "rùng mình" khi mọi người tổ chức tiệc sinh nhật bất ngờ nhưng lại gây ra âm thanh náo loạn quá lớn, gây sốc cho "khổ chủ".
Hoặc như trong báo cáo của cha đẻ ngành dịch tễ học thần kinh (neuroepidemiology) là Milton Alter, một cụ già 74 tuổi bị trầm uất vào sinh nhật tuổi 75 vì mẹ bà đã mất lúc 75 tuổi, sau đó, cụ bà sợ điều tương tự cũng sẽ xảy ra với mình ở đúng độ tuổi đó (14).
Tính năng nhắc nhở sinh nhật và các xu hướng tổ chức tiệc trên mạng xã hội cũng có thể khiến khái niệm "sinh nhật" bị phóng đại trong lòng nhiều người, khiến họ vô tình hình thành nhiều góc nhìn sai lệch về nó.
Một người có thể nghĩ rằng nếu bạn không tổ chức như trên mạng thì nghĩa là sinh nhật của bạn chưa đúng, chưa đặc biệt, hoặc thậm chí là bạn không được yêu thương đủ đầy bởi mọi người xung quanh. Suy nghĩ này vừa cho thấy tình trạng FOMO, vừa làm bạn bị áp lực "phải vui vẻ" vào sinh nhật trong khi bạn không cảm thấy như vậy, từ đó sinh ra nỗi sợ mỗi khi bước sang tuổi mới (15), (16).
Các nhà sử học đã tìm thấy nhiều ghi chép cổ về việc tổ chức sinh nhật từ trước khi đạo Kitô giáo ra đời vào thế kỷ thứ nhất. Lúc bấy giờ, người theo ngoại giáo (paganism) tin rằng linh hồn ma quỷ sẽ quấy rầy một người vào sinh nhật, nên họ sẽ tụ họp lại để bảo vệ người đó khỏi ánh mắt của ma quỷ cũng như hát vang và nhảy múa để trừ tà (7).
Sau đó, những nghi lễ này dần bị thay đổi và chỉ có những người thuộc dòng dõi quý tộc mới được tổ chức sinh nhật. Đến thế kỷ thứ ba, người Roman cổ đã khuyến khích mọi người tổ chức sinh nhật với bánh, rượu và nến. Truyền thống tổ chức sinh nhật cho trẻ em lần đầu được khởi động bởi người Đức vào thế kỷ thứ 18.
Vì thế, có thể thấy ngoài mục đích đơn thuần và những lời cầu chúc tốt đẹp ra, sinh nhật ban đầu không có tập tục tặng quà và tổ chức theo ý nghĩa như con người hiện đại.
Giáo sư nghiên cứu văn hóa tại đại học Bar-Ilan (Israel) - Hizky Shoham - cho rằng sinh nhật là kết quả của công cuộc hiện đại hóa và thói quen tiêu dùng (17). Bên cạnh đó, cũng có một số ý kiến trái chiều cho rằng phong tục này có thể khiến trẻ em trở nên ham vật chất và ích kỷ hơn (18).
Ngoài ra, văn hóa sinh nhật và ma chay của người phương Đông và phương Tây cũng có điểm khác biệt. Người phương Đông chú trọng "ngày mất" với nhiều phong tục thờ cúng, cúng rằm, cúng cô hồn, đám giỗ... đồng thời cũng có nhiều kiêng kị nghiêm ngặt, như là tránh nói điềm chẳng lành, đặc biệt là về cái chết (19), (20), (21). Trong khi đó, người phương Tây lại chú trọng ngày sinh hơn, điển hình là theo các kết quả nghiên cứu kể trên, khái niệm "sinh nhật" cũng chủ yếu bắt nguồn từ phương Tây và du nhập vào phương Đông (7), (17), (18).
Sự khác biệt này có thể tới từ cách tính tuổi của xã hội phương Đông từ thời trước. Chẳng hạn, một người có ngày sinh vào tháng 11 (gần cuối năm) thì chỉ cần bước sang năm mới âm lịch, người này ngay lập tức được tính thêm một tuổi mà không cần chờ tới tháng 11 mới thấy lo lắng về việc "sang tuổi, sang trang mới" nữa. Bên cạnh đó, người Á đông cũng thường cộng cả tuổi mụ. Dựa vào sự khác biệt này, có thể thấy rằng nỗi lo lắng và áp lực tuổi tác của chúng ta dường như được "dàn trải" xuyên suốt năm, chứ không chỉ tập trung đơn thuần vào một cột mốc sinh nhật như đang nói tới trong khái niệm "birthday".
Bạn không cần phải ép bản thân thay đổi quan điểm để phù hợp với xu hướng xung quanh nhưng việc nhận biết và làm rõ cảm xúc của bản thân là điều cần thiết bởi hiểu cội nguồn của nỗi sợ sẽ giúp bạn đỡ lo lắng hơn.
Hãy để ý khoảng thời gian gần sinh nhật, khi birthday blues bắt đầu xuất hiện, và viết ra hoặc gọi tên những điều khiến bạn lo lắng. Đó có thể là vì bạn sợ tuổi tác lại tăng lên, vừa có chuyện buồn, sợ đồng nghiệp lại tổ chức sinh nhật bất ngờ, sợ điều tồi tệ xảy ra trong những sinh nhật cũ lặp lại…
Một câu hỏi gợi ý bạn có thể hỏi chính mình là: "Tại sao mình lại cảm thấy khó chịu/lo lắng/buồn khi càng gần đến sinh nhật?"
Sau khi đã hiểu rõ cội nguồn của cảm xúc xung quanh sinh nhật, hãy phản hồi lại những tâm tư này bằng lòng từ bi và chấp nhận bản thân. Bạn thật sự không cần phải tổ chức sinh nhật nếu bản thân không muốn.
Vì đây là ngày của bạn, bạn có thể lắng nghe lòng mình và sắp xếp nó theo ý thích cá nhân. Hãy làm những điều bạn thích và cần, theo ngôn ngữ tình yêu của bạn. Đó có thể là dành buổi tối xem phim một mình cùng món snack bạn yêu thích, hoặc chẳng làm gì cả.
Bạn chấp nhận được bản thân không đồng nghĩa với việc mọi người sẽ biết và "tuân thủ" theo. Cũng sẽ thật khó xử nếu trong ngày này, những người thân, bạn bè... lại cảm thấy rằng họ nên chúc mừng và tổ chức tiệc cho bạn.
Nếu bạn không muốn chia sẻ quá sâu về cảm xúc cá nhân, hãy chỉ thông báo với mọi người rằng bạn chỉ muốn ngày này diễn ra một cách bình thường, hoặc theo một kiểu nào đó mà bạn muốn. Tuy nhiên, nhiều người có thể vẫn chưa quen với điều này và cảm thấy áy náy nếu không chúc mừng hoặc tặng quà khi đã biết sinh nhật của bạn. Để chuẩn bị trước cho viễn cảnh này, bạn có thể chọn không tiết lộ ngày sinh cụ thể cho mọi người (và kể cả các mạng xã hội cũng đã có chức năng "Ẩn hiển thị" ngày sinh để chúng ta khỏi phải nhận hàng loạt những tin nhắn chúc mừng theo kiểu công nghệ).
Quan trọng nhất, hãy nhớ rằng sinh nhật là ngày của bạn và bạn hoàn toàn có quyền quyết định dành thời gian đó để làm bất cứ điều gì khiến bản thân an lòng - dù là tổ chức tiệc, hay chỉ đơn giản là nuông chiều cảm xúc bản thân.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Tâm Lý?
Cập nhật những nghiên cứu và khám phá mới nhất về tâm lý.