Ngày nay, nhiều người bắt đầu quen dần với cụm từ "sự kiện gây chấn thương tâm lý", lý do là vì đã từng lắng nghe và chứng kiến người khác, hoặc chính bản thân trải qua biến động đau thương. Dù là bất kỳ ai, chấn thương tâm lý vẫn là một vấn đề không thể chối bỏ trong xã hội hiện đại. Nếu đã trải qua những khoảnh khắc không mong muốn ấy, bạn có thể làm gì để quay lại như xưa, thậm chí tiếp tục phát triển sau đó?
Câu trả lời nằm trong khả năng phát triển hậu chấn thương tâm lý (post-traumatic growth - PTG).
Cần lưu ý rằng trong bài viết dưới đây, "sang chấn" và "chấn thương tâm lý" có thể được dùng thay thế cho nhau, do cùng được dịch từ "trauma".
Khi bàn về vấn đề này, khái niệm phổ biến hơn cả là "rối loạn căng thẳng hậu chấn thương tâm lý" (post-traumatic stress disorder - PTSD), đi kèm với những hệ quả tiêu cực, trầm trọng và kéo dài lên thể chất, tâm lý... (1), (2). Khi đã có trải nghiệm tồi tệ như vậy, người chịu PTSD cần được can thiệp kịp thời với sự hỗ trợ tâm lý từ chuyên gia.
Đại dịch COVID-19 có thể được xem là ví dụ tiêu biểu về một sự kiện gây chấn thương tâm lý.
Phản ứng của mỗi cá nhân với sự kiện gây chấn thương là khác nhau, thậm chí, một người cũng có thể có phản ứng trái ngược trước các sự kiện. Chẳng hạn, một người có thể có phản ứng nôn mửa, đau đầu khi phải hứng chịu một thảm họa thiên nhiên tàn khốc, còn khi bị tấn công trực diện thì cơ thể lại đông cứng không thể cử động, sau đó là có những hồi tưởng bộc phát dữ dội (intense flashback).
Trong những trường hợp tiến triển khả quan, nhiều người từng gánh chịu khổ đau tâm lý có thể phục hồi và phát triển trở lại, thậm chí là vượt bậc hơn trước. Hai nhà tâm lý học là Richard Tedeschi và Lawrence Calhoun đã chỉ ra khả năng này của con người từ vào những năm cuối thế kỷ XX (3), (4). Do đó, nhiều nhà khoa học xã hội ngày nay đang mở rộng nghiên cứu về khả năng này của con người, gọi là phát triển hậu chấn thương tâm lý (post-traumatic growth - PTG).
Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng gần 50% những người từng chịu sang chấn (đã được chẩn đoán) phát triển hơn rất nhiều sau sự kiện đó (5).
Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Tâm thần học (Journal of Psychiatry) đã phát hiện ra rằng 88% trong số 385 người được hỏi chia sẻ rằng họ vẫn thấy được ảnh hưởng tích cực từ hoàn cảnh đầy thử thách của đại dịch COVID-19 dẫn đến tình trạng học trực tuyến, mất nguồn thu nhập, ảnh hưởng sức khỏe... (6). Cụ thể hơn, những người được hỏi đã ghi nhận những cải thiện tích cực trong mối quan hệ gia đình và cho biết rằng họ thấy "trân trọng cuộc sống hơn". Một số khác nói rằng hậu sang chấn do COVID-19, họ còn có những thay đổi tích cực ở khía cạnh tâm linh và được cải thiện sức khỏe tinh thần (6)
Cần lưu ý rằng cả PTG và PTSD đều là cách con người phản ứng trước nghịch cảnh và không ai có thể "chọn trước" cách phản ứng của bản thân khi chưa thực sự trải qua một sự kiện đau thương.
Tuy nhiên, các nhà khoa học đã chỉ ra rằng vẫn có một số yếu tố ảnh hưởng đến phản ứng sang chấn của chúng ta, bao gồm nhưng không giới hạn trong các yếu tố sau (3), (7):
Khi đi sâu vào nghiên cứu các tiến trình tư duy của người chịu chấn thương tâm lý, các nhà khoa học nhận thấy điểm mấu chốt để phát triển chính là mức độ khám phá đầy đủ và trọn vẹn các cảm xúc, suy nghĩ liên quan tới sự kiện gây chấn thương.
Đây là một trong nhiều thách thức, khiến nhiều người bị "lún sâu" vào PTSD - tức nguồn cơn gây khủng hoảng - thay vì tập trung vào PTG - cách giải quyết. Do trải nghiệm trong quá khứ là quá đau buồn hoặc thậm chí là kinh hoàng, nhiều người thường tránh né trải nghiệm (experiential avoidance), tức là có xu hướng trốn tránh những điều tiêu cực bằng mọi giá, bao gồm việc tránh nghĩ về nó, chối bỏ cảm giác... Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người ít tránh né trải nghiệm sẽ có thể phát triển tốt nhất và tìm thấy nhiều ý nghĩa cuộc sống nhất (9).
Bên cạnh đó, trong một số ca nặng hơn, người chịu chấn thương thậm chí còn không thể phục hồi nguyên vẹn ký ức về trải nghiệm tồi tệ đã qua.
Một nguyên nhân có thể kể đến là thùy đảo (insula) nằm ở thùy thái dương giữa với chức năng xử lý trí nhớ và cảm xúc, khi bị ức chế hoạt động do chấn thương tâm lý, có thể khiến nạn nhân mất khả năng cảm nhận cơ thể, cảm xúc cá nhân, thậm chí là không nhận biết được mọi người (10), (11), (12), (13).
Khi phát triển hậu sang chấn, một cá nhân thường duy trì được khám phá nhận thức (cognitive exploration), tức là cá nhân đó vẫn tò mò về thông tin, gồm cả sự phức tạp và linh hoạt khi xử lý thông tin đó. Khả năng này giúp con người "đào sâu" vào những tình huống khó hiểu, giúp thêm ý nghĩa mới cho những điều dường như không thể hiểu được (14).
Ngoài ra, nhiều người chịu chấn thương tâm lý thường nghiền ngẫm (rumination) và khó thoát khỏi vòng lặp "bật đi bật lại" những chuyện tiêu cực trong đầu, dù đó là ký ức cũ hay viễn cảnh tương lai.
Tuy nhiên, nghiên cứu đã chứng minh được rằng nếu vận dụng "nguồn lực xã hội" gồm gia đình, bạn bè... cùng với hành động "nghiền ngẫm chủ đích" (deliberately ruminating), chúng ta vẫn có thể phát triển hậu sang chấn (15).
Do đó, có thể nói rằng việc có chỗ dựa tinh thần là vô cùng quan trọng trong những giai đoạn khổ đau.
Ngay từ cuối thế kỷ XX, hai nhà tâm lý học Richard Tedeschi và Lawrence Calhoun đã đề ra thang đo phát triển hậu chấn thương tâm lý (posttraumatic growth inventory - PTGI) giúp xác định mức tích cực trong đời sống hậu sự kiện gây chấn thương (3), (16). PTGI gồm 5 khía cạnh sau:
Hơn thế nữa, có một điểm quan trọng không thể bỏ qua là dù bạn đã từng trải qua PTSD, bạn vẫn có thể hướng tới PTG để thực sự được chữa lành (17).
Như vậy, cho dù hành trình chữa lành của bạn không mấy thuận lợi và dù bạn vẫn đang chịu PTSD ngay lúc này, với sự hỗ trợ tâm lý phù hợp, bạn vẫn luôn còn cơ hội để phục hồi, thậm chí là "quay trở lại và lợi hại hơn xưa".
Điều này cũng giống với điều mà bác sĩ tâm thần học Viktor Frankl đã nhắc tới trong cuốn Đi tìm lẽ sống:
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Tâm Lý?
Cập nhật những nghiên cứu và khám phá mới nhất về tâm lý.