Đi kèm với sự phát triển về đời sống xã hội chính là mức độ phức tạp của hành vi con người. Ngoại tình cũng vậy. Ngày càng có nhiều hành động tinh vi tưởng như hợp lý, thế nhưng lại khiến đối tác tổn thương và xem như bị “cắm sừng”. Những khảo sát và nghiên cứu mới vẫn đang tiết lộ thêm những hiểu biết xoay quanh hành vi không chung thủy, giúp ích cho nhiều người trong việc nhận diện, đối phó và vượt qua vấn đề này.
Chữ tình trong ngoại tình vẫn thường được hiểu là tình dục hoặc tình yêu. Đó là lí do nhiều người quan niệm rằng miễn sao những hành vi của mình không phạm vào điều cấm kỵ này thì đều có thể chấp nhận được.
Từ đó, chúng ta vẫn có những hành vi tưởng an toàn nhưng lại rất "redflags" như: "follow Insta private nhiều người", "tâm sự mỏng với đồng nghiệp khác giới đêm khuya", "dìu bạn say xỉn về đến tận... giường"...
Với sự mở rộng của tâm lý học, những biểu hiện và hành vi ngoại tình/không chung thủy có thể đa dạng hơn. Và đặc biệt là điều này lại phụ thuộc vào quan điểm riêng của mỗi người.
Điểm quan trọng là những hành vi này phải đi kèm với việc vi phạm thỏa thuận trước đó (dù là cố tình hay vô tình) về mối quan hệ 1-1 và kết cục là gây tổn thương cho đối tác (1).
Nhiều nhà trị liệu thường chia những hành vi này thành 7 dạng, bao gồm (2):
1. Ngoại tình về mặt thể xác (physical infidelity): Dạng bội tín này có thể được hiểu bằng một từ khác thông dụng hơn là "adultery" - chỉ mối quan hệ thể xác với một cá nhân không phải là vợ/chồng hoặc người yêu của họ (3). Ở nhiều quốc gia, đây thường được xem là một căn cứ quan trọng để tòa quyết định việc ly hôn.
2. Ngoại tình về mặt tình cảm (emotional infidelity): Việc gắn bó tình cảm với một người khác ngoài đối tác của mình cũng được xem là hành vi ngoại tình.
3. Ngoại tình trực tuyến (online infidelity/cyber infidelity): Đây được xem là một thách thức mới với những mối quan hệ và cuộc hôn nhân hiện nay, khi mà mạng xã hội giúp mọi người dễ dàng kết nối với nhau hơn. Ngoại tình trên mạng có thể đi kèm với việc xem phim khiêu dâm hoặc tham gia vào các tin nhắn, cuộc trò chuyện, diễn đàn hoặc nhóm có chứa nội dung khiêu dâm (4), (5).
4. Ngoại tình đối tượng (object infidelity): Đây là kiểu ngoại tình mà khi một người phát triển mối quan tâm sâu sắc đến một thứ gì đó, đến mức bỏ bê cuộc hôn nhân/mối quan hệ của mình. Chẳng hạn, một người bị ám ảnh với công việc, sở thích, mục tiêu xã hội hoặc một nhóm, câu lạc bộ hoặc tổ chức nào đó (6).
Tuy nhiên, không phải lúc nào mọi người cũng đồng ý về những gì được coi là "ngoại tình đối tượng" này và nó cần có sự thống nhất giữa hai bên.
5. Ngoại tình tài chính, hay bội tín tài chính (financial infidelity): Trên thực tế, chuyện tiền bạc trở thành tâm điểm gây tranh cãi trong nhiều mối quan hệ không phải là việc hiếm xảy ra. Sự bội tín tài chính này có thể tiến triển đến mức là đối tác lừa dối về số tiền họ kiếm được, hoặc cách họ kiếm tiền, hay các khoản nợ và cách họ tiêu/cho vay tiền.
Trong nhiều trường hợp, một người có thể giấu diếm về các khoản nợ, sau đó chỉ tiết lộ sau khi hai người đã kết hôn. Kết cục là khiến đối tác phải cùng gánh khoản nợ đó.
6. Micro-cheating: Một số những hành vi bị xem là không chung thủy với người này nhưng là bình thường với người kia, các hành vi như vậy được gọi là micro-cheating. Đọc thêm bài viết chi tiết về những hành vi "ngoại tình xíu xiu" tại đây.
7. Ngoại tình kết hợp: Cùng lúc có nhiều hành vi ngoại tình được kể ra ở trên.
Chẳng hạn, một người đang trong mối quan hệ vẫn đăng story vu vơ lên mạng, ẩn ý về việc mình đang "available" và cần "ai đó mới mẻ" đưa đi chơi. Đây có thể vừa là sự ngoại tình trực tuyến, vừa là micro-cheating.
Khi kiểm tra gần 967 đối tượng ở cả hai giới với 21 hành vi thể hiện sự không chung thủy, số liệu chỉ ra 15 hành vi không có sự khác biệt về giới tính (7). Tuy nhiên, ở 6 mục còn lại, kết quả cho thấy có một sự khác biệt nhỏ liên quan đến cách hai giới nhìn nhận về những hành vi ngoại tình. Vào năm 2017, một nghiên cứu khác được tiến hành để bổ sung và khảo nghiệm các kết quả cũ (8).
Từ đây, các nhà nghiên cứu thấy rằng những khác biệt trong giới tính liên quan đến vấn đề ngoại tình, kết quả tổng hợp được như sau:
1. Gắn bó tình cảm với người khác: Dành sự chú ý cho người khác (ngoài gia đình và bạn bè) có thể bị coi là lừa dối đối với nhiều chị em phụ nữ. Ví dụ, khi một anh chàng chia sẻ những suy nghĩ và cảm xúc sâu kín nhất của mình cho bạn bè nghe (nhất là khác giới) thì các cô gái sẽ vẫn xem đây là hành vi ngoại tình.
Hành vi này càng trở nên nghiêm trọng nếu việc chia sẻ này bao gồm tiết lộ những thông tin riêng tư, như là người chồng tiết lộ với một đồng nghiệp nữ về việc anh thấy lo lắng khi hai vợ chồng đang tìm cách có con. Như vậy, người đồng nghiệp nữ này bỗng dưng nắm được thông tin về thời điểm rụng trứng, chu kỳ kinh nguyệt... của người vợ.
Tìm đến bạn bè để được hỗ trợ về mặt tinh thần không có gì sai, nhưng những người này vẫn nên là bạn tâm giao của mình.
2. Gửi tin nhắn tán tỉnh: Trong nghiên cứu trên, 60% phụ nữ coi việc gửi tin nhắn tán tỉnh cho người khác là hành vi ngoại tình (8).
3. Những hành vi khác: Một số hành vi khác có thể làm các cô gái cảm thấy "mọc sừng" gồm:
Tình dục: Nam giới coi trọng vấn đề tình dục hơn vấn đề tình cảm. Họ ít có khả năng tha thứ cho bạn đời của mình khi người đó quan hệ tình dục với người khác. Điều này cũng phù hợp với những nghiên cứu đã chỉ ra việc này. Vậy nên, các nhà tâm lý học đi đến một kết luận là phần nhiều đàn ông hiếm khi coi sự gắn bó tình cảm là lừa dối và thường không lưu tâm đến vấn đề này.
Điều này có nghĩa là đối với phần lớn "đấng mày râu", việc chỉ có cảm tình với người khác mà chưa đi quá giới hạn thì chưa được tính là ngoại tình. Còn với nhiều phụ nữ, đây đã có thể được coi là sự không chung thủy, và chính là khái niệm "ngoại tình trong tư tưởng" mà nhiều người thường nhắc tới.
Ngoài ra, cả hai giới đều coi hành vi "vẫn tiếp tục sử dụng các ứng dụng hẹn hò" thể hiện sự không chung thủy. Nó cho thấy rằng dù đang ở trong một mối quan hệ đã cam kết, nửa kia vẫn đang để ngỏ các lựa chọn của mình.
Thêm vào đó, nghiên cứu tại BBC cho thấy ít nhất 40% nam giới cho rằng việc đối tác của mình vẫn tiếp tục quẹt app là ngoại tình, không chung thủy (9).
Theo Viện Nghiên cứu Gia đình (Institute for Family Studies - IFS) tại Hoa Kỳ, 20% nam giới thừa nhận ngoại tình và chỉ 10% phụ nữ cho biết đã "cắm sừng" bạn đời mình (10). Các nghiên cứu khác cho thấy tỷ lệ này là 23% ở nam và 20% ở nữ (11).
Tuy nhiên, tình trạng phụ nữ ngoại tình ngày nay đang gia tăng, tiệm cận với số liệu thống kê về tình trạng ngoại tình ở nam giới (12).
Có. Theo 7 dạng ngoại tình mà chúng tôi kể trên, hành vi này có thể xếp vào nhóm ngoại tình thể xác vì việc này có thể gây tổn thương cho đối tác, không khác gì hành vi quan hệ tình dục.
Một khảo sát vào năm 2021 đã lấy ý kiến 441 người thừa nhận việc ngoại tình. Kết quả chỉ ra rằng (13):
47,7% số người được hỏi đã thú nhận với bạn đời của mình trong vòng một tuần.
26,6% trong số họ đã chờ cả tháng mới dám nói cho đối tác biết.
25,7% mất 6 tháng hoặc lâu hơn để nói với bạn tình về việc ngoại tình.
Tuy nhiên, nghiên cứu trên chưa đề cập đến những người "không bao giờ khai" nên ắt hẳn vẫn còn những người "sống để bụng, chết mang theo".
Theo Gary W. Lewandowski, Giáo sư Đại học Monmouth (Hoa Kỳ), thì những số liệu này có thể gây bất ngờ, cụ thể là có (14):
Chỉ 20,4% các mối quan hệ kết thúc vì ngoại tình
Chỉ 21,8% các cặp đôi vẫn ở bên nhau mặc dù đối tác của họ phát hiện ra hành vi ngoại tình
28,3% các cặp vẫn ở bên nhau vì... đối tác không hề biết việc ngoại tình
Những mối tình còn lại tan vỡ vì những lý do không liên quan
Đặc biệt, chuyện ngoại tình hiếm khi dẫn đến một kết cục viên mãn. Tỷ lệ là 11,1% (1 trong 10) hai người ngoại tình với nhau trở thành cặp đôi chính thức.
Quyết định tiếp tục mối quan hệ sau khi xuất hiện sự lừa dối hay không là tùy thuộc vào từng cặp đôi. Có những người sẽ vượt qua hoặc cảm thấy khó tin tưởng lại đối tác của mình và quyết định dừng lại.
Bên cạnh đó, không thể phủ nhận rằng trong nhiều trường hợp, ngoại tình chỉ là "phần ngọn" của vấn đề. Chẳng hạn, một người ngoại tình thể xác vì nửa kia đã một năm không đồng ý quan hệ tình dục với mình, mà không vì các vấn đề khoảng cách địa lý, sức khỏe thể chất... Nếu bạn rơi vào những trường hợp đó, vấn đề có thể phức tạp hơn thế. Hãy cùng ngồi lại và tìm hiểu vấn đề, cũng như tìm tới chuyên gia tâm lý, tham vấn trị liệu để được hỗ trợ.
Không tính những trường hợp đặc biệt như vậy, khi ai đó rơi vào trường hợp "đánh mất niềm tin" ở đối tác, người đó cần tự hỏi bản thân xem liệu có thể tha thứ cho lỗi lầm của nữa kia và tiếp tục duy trì mối quan hệ hay không. Quan trọng nhất, nhớ rằng chúng ta không cần cảm thấy có nghĩa vụ phải sửa chữa một mối quan hệ khi đã bị phản bội.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Tâm Lý?
Cập nhật những nghiên cứu và khám phá mới nhất về tâm lý.