Nhiều người có thể đam mê "quẹt phải", tìm kiếm niềm vui trong những cuộc hẹn, tích lũy chuyện yêu đương thành một lịch sử tình trường dày dặn... nhưng lại không sẵn sàng để gắn bó lâu dài với bất kỳ mối quan hệ tình cảm nào. Không hẳn họ là "trap boy", "trap girl" muốn lừa bạn lọt lưới tình rồi tung lưới bỏ chạy, chỉ là họ sợ cam kết, sợ ràng buộc và vì vậy, cũng sợ việc kết hôn. Các nhà tâm lý học đã gọi tên tình trạng này bằng thuật ngữ Gamophobia.
Người mắc chứng Gamophobia mang nỗi sợ thường trực, dai dẳng và thái quá về chuyện kết hôn. Họ vẫn yêu và mong muốn được yêu nhưng nếu đối phương bày tỏ mong muốn gắn bó lâu dài, tính toán chuyện tương lai hay đề cập đến việc kết hôn, họ sẽ cảm thấy lo lắng, sợ hãi và ngay lập tức tìm cách đẩy người kia ra xa (1).
Gamophobia được xem là một dạng rối loạn ám ảnh sợ đặc hiệu và có thể kéo dài ít nhất sáu tháng. Người mắc hội chứng sợ kết hôn biết rằng những suy nghĩ của mình là phi lý nhưng vẫn không sao thoát khỏi "tấm lưới" sợ hãi mà bản thân tự giăng mắc (2).
Theo một nghiên cứu được thực hiện vào năm 2019 đăng trên tạp chí tâm thần học Perspectives in Psychiatric Care, tỷ lệ người mắc Gamophobia đã tăng mạnh mẽ trong vài năm trở lại đây (3). Chính điều này đã khiến cho một số quốc gia rơi vào tình trạng khủng hoảng nhân khẩu học, điển hình trong đó là Trung Quốc. Năm 2020, chỉ có khoảng 8,1 triệu người ở đất nước tỷ dân đăng ký kết hôn. Con số này được cho là đã giảm 12,2% so với năm trước và đã chạm đến ngưỡng thấp nhất kể từ năm 2003 (4).
Những người mắc hội chứng sợ kết hôn thường có một số biểu hiện như (5):
Ngoài ra, những người mắc Gamophobia còn gặp phải một số triệu chứng về mặt thể chất như: tim đập mạnh, run rẩy, chóng mặt, thở gấp, buồn nôn, đổ mồ hôi hay những vấn đề về đường tiêu hóa… Các triệu chứng này ập đến khi họ bị thúc ép phải xác định danh phận với nửa kia.
Nguồn cơn dẫn đến hội chứng Gamophobia có thể đến từ yếu tố khách quan hoặc chủ quan, bao gồm:
Đối mặt với cuộc hôn nhân thất bại của bố mẹ, một số người sẽ không muốn lặp lại những đớn đau, tổn thương tương tự trong cuộc đời mình. Khi phải lớn lên trong tiếng la hét và chửi bới, chứng kiến cảnh bố mẹ đánh đập và xô xát nhau, hôn nhân trở thành cơn ác mộng khủng khiếp đối với những đứa trẻ.
Tất thảy những trải nghiệm tồi tệ đó sẽ phủ lên họ "bóng đen" tâm lý và càng khiến họ không dám tin vào một tương lai êm ấm khi về chung một nhà với nửa kia. 82% những người lớn lên trong một gia đình tan vỡ sẽ ít tin tưởng vào đối phương của mình và dễ có xu hướng chỉ trích người khác (7).
Những vấn đề tranh chấp pháp lý, giành giật tài sản mà một cuộc ly hôn để lại sẽ lấn át những niềm hạnh phúc trong tâm trí họ. Cảm giác đau đớn, buồn bã khi phải đứng trước lựa chọn ở với cha hay đi theo mẹ hằn sâu trong trí nhớ, khiến họ sợ hãi tột độ mỗi khi nghĩ về hôn nhân.
Người mắc Gamophobia có thể từng có một mối quan hệ yêu đương tệ hại và chưa quên được trải nghiệm xấu xí của cuộc tình đã qua. Sự phản bội, bỏ rơi, dối trá… đã cứa vào lòng họ vết thương sâu hoắm. Điều này làm họ nghĩ rằng hạnh phúc trong tình yêu chỉ là nhất thời.
Những người từng ly hôn cũng có khả năng mắc hội chứng này khi ký ức, trải nghiệm tệ hại trong quá khứ trở thành nỗi ám ảnh khiến họ thu mình, lảng tránh khỏi các mối quan hệ (8).
Đây là điều xảy ra ở phần đông nữ giới (9). Chưa kết hôn nhưng đã nhìn thấu những khó khăn đằng sau, họ chẳng mấy mặn mà với việc lập gia đình. Áp lực mang thai, sinh con, nuôi con, chuyện mẹ chồng - nàng dâu, nghĩa vụ "gánh vác giang sơn nhà chồng"... khiến họ sợ hãi trước cả khi dấn bước vào hôn nhân.
Tuy vậy, không ít nam giới cũng e dè khi nghĩ đến chuyện lấy vợ sinh con vì họ cũng không muốn áp lực làm trụ cột kinh tế đè nặng trên vai (10).
Một người mang trong mình nỗi sợ kết hôn có thể vì họ đang các vấn đề tâm lý như trầm cảm (11). Họ sẽ liên tục tưởng tượng điều tồi tệ sẽ xảy đến nếu như bước chân vào mối quan hệ hôn nhân. Mặt khác, người có bệnh tâm lý sợ rằng mình sẽ hành động bộc phát gây tổn hại đến đối phương. Điều này khiến họ nghĩ mình không xứng đáng có được sự gắn kết tốt đẹp với bất kỳ ai.
Dẫu biết rằng kết hôn hay không là quyền tự do lựa chọn của mỗi cá nhân nhưng nếu hội chứng Gamophobia là nguyên nhân ngăn bạn tận hưởng vẻ đẹp, sự kỳ diệu của tình yêu và sự gắn kết sâu sắc, đã đến lúc bạn cần gỡ rối cho chính mình bằng những cách sau:
Điều đầu tiên chúng ta có thể làm là thẳng thắn trò chuyện với đối phương về nỗi sợ vô hình của bản thân. Mối quan hệ tình yêu hay hôn nhân đều cần sự xây dựng, đồng hành từ cả hai phía. Có thể người kia sẽ không chấp nhận được một mối quan hệ vô định, họ cũng không đủ mạnh mẽ để cùng bạn vượt qua nỗi sợ này và chọn đặt dấu chấm hết cho tất cả mọi chuyện. Thế nhưng, cũng có thể bạn đã tìm được một người thấu hiểu và sẵn sàng đồng hành cùng mình trong hành trình vượt qua nỗi sợ.
Chandler (một nhân vật trong series F.R.I.E.N.D.S) - đã tìm thấy Monica - người tự nguyện ở bên cạnh, cảm thông và nỗ lực chứng minh cho anh thấy rằng kết hôn không đáng sợ đến thế. Và bạn hãy cứ mở lòng, biết đâu bên cạnh bạn đã là một Monica rồi đấy.
Nếu nỗi sợ bên trong biến thành một "bức tường" ngăn cách bạn với khao khát được gắn bó, đã đến lúc bạn cần tìm gặp chuyên gia tâm lý. Các chuyên gia sẽ hướng dẫn bạn liệu pháp hành vi - nhận thức (Cognitive Behavioral Therapy) (12). Liệu pháp này yêu cầu người điều trị luyện tập một số kỹ thuật thư giãn như điều hòa hơi thở, viết nhật ký, thiền định với mục đích giúp họ kiểm soát cảm xúc tốt hơn và điều chỉnh được khả năng giao tiếp trong các mối quan hệ.
Sau khi phá vỡ được "bức tường" sợ kết hôn, bạn sẽ có cơ hội được nhìn thấy một khía cạnh tốt đẹp, màu nhiệm của tình yêu. Hãy tin rằng, dù kết cục có thể không viên mãn như chúng ta mong, sự gắn bó trong tình yêu và cam kết trong hôn nhân vẫn chứa đựng ý nghĩa vô cùng thiêng liêng mà bất kỳ ai cũng đều xứng đáng được một lần tận hưởng.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Tâm Lý?
Cập nhật những nghiên cứu và khám phá mới nhất về tâm lý.