Khi người ta chẳng còn bận tâm ai yêu nhiều hơn mà chỉ đau đáu chuyện người kia tiêu tiền nhiều hơn mình là khi đó, hôn nhân mất đi một phần màu hồng.
Thế giới của hai người yêu nhau chỉ có ánh mắt, nụ hôn, lời yêu, nỗi nhớ nhưng thế giới hôn nhân chất chứa thêm cả tiền điện, tiền nước, tiền xăng, tiền nhà… Thế nhưng, nỗi lo cơm áo gạo tiền không biến hôn nhân trở thành "nấm mồ" tình yêu mà sự bội phản trong nỗi lo này mới là nguyên nhân phá vỡ hạnh phúc.
Người ta thường đùa giỡn về việc vợ/chồng mình giấu "quỹ đen", thậm chí, một số người còn mắt nhắm mắt mở khi để đối phương cất giấu tiền riêng. Thế nhưng, dù xem đó là chuyện thường tình đến mấy, chúng ta cũng nên biết rằng bội tín tài chính (financial infidelity) có thể dẫn đến rạn nứt trong hôn nhân.
Cuộc sống hôn nhân không chỉ đơn giản là hai người sống cùng nhà, ăn cùng mâm, ngủ cùng giường mà còn là tiêu cùng một túi tiền. Mọi vấn đề của cả hai đều trở thành của chung, tài chính đôi bên cũng được gộp lại để chi tiêu các khoản của gia đình. Tuy nhiên, tương tự như việc ngoại tình, những tưởng cả hai cùng vun vén tình cảm thì có một người lại lén lút có "tình riêng". Bội tín tài chính là một người giấu "tiền riêng" trong khi hai người đã thống nhất sử dụng cùng quỹ.
Một trong hai người giấu các khoản nợ lớn không cho đối phương biết hoặc chi tiêu khoản tiền lớn một cách tùy ý mà không hề bàn bạc với người kia, đây cũng là một dấu hiệu của bội tín tài chính (1).
Ở Việt Nam, khảo sát năm 2018 của nhà nghiên cứu Vũ Mạnh Lợi cho thấy có đến 20,3% các cặp vợ chồng ly hôn vì chi tiêu không thống nhất, kết quả này chỉ đứng sau tỷ lệ ly hôn do ngoại tình (37,9%) (2). Nỗi đau, sự tổn thương do tiền bạc gây ra có thể khiến chúng ta ngã quỵ, mất niềm tin vào người đầu gối tay ấp và dần nảy sinh cảm giác như đang sống với một người xa lạ.
Không chỉ giấu tiền, một số người còn giấu nợ với bạn đời của mình. Khi mọi chuyện vỡ lở, cả hai bắt đầu quay sang trách móc, đổ lỗi vì trở thành gánh nặng cho mình. Daniel Coombes - giám đốc một công ty luật gia đình - còn cho biết: "Nhiều trường hợp, chỉ khi ra tòa người ta mới vỡ lẽ về mức độ 'chung thủy về tài chính' của đối phương" (3).
Bội tín tài chính còn khiến chất lượng cuộc sống hôn nhân giảm đi. Nhiều cặp vợ chồng cùng nhau lập quỹ chung và đặt mục tiêu cho tương lai như mua nhà, sắm xe… Thế nhưng, mơ ước này mãi mãi không thể thành hiện thực khi một trong hai nói dối về thu nhập của mình và tiêu xài khuất tất.
Theo một cuộc khảo sát gần đây từ U.S News & World Report, có đến 30% cặp vợ chồng gặp phải tình trạng đối phương cất giấu "quỹ đen" (4). Bên cạnh đó, sự phát triển của các hình thức thanh toán trực tuyến và thẻ tín dụng đã giúp các cặp đôi dễ dàng hơn trong việc tiêu xài mà không cần phải thông qua đối phương. Cũng vì vậy mà giữa hai người phát sinh những khoản tiêu pha bí mật hoặc che giấu nguồn thu nhập của mình.
Khi đề cập đến chuyện tiền bạc, một trong hai người lại có thái độ lảng sang chuyện khác thì rất có thể họ đã lừa dối với đối phương. Theo kết quả khảo sát của National Endowment for Financial Education thực hiện năm 2018, có 18% người tham gia thấy xấu hổ và sợ hãi về bê bối tiền bạc của mình nên không muốn bạn đời phát hiện ra (5).
Nhiều cặp vợ chồng có một tài khoản chung và mọi khoản chi tiêu đều được thông báo về cả hai. Thế nhưng, một trong số họ lại có khoản chi tiêu quá mức cho việc mua sắm, du lịch mà không kèm theo lời giải thích thỏa đáng. Đây là dấu hiệu phổ biến cho hành vi bội tín tài chính công khai.
Theo chuyên gia tâm lý tài chính Alex Melkumian, nguyên nhân dẫn đến "financial infidelity" là do tâm lý cá nhân của mỗi người. Họ sợ mất quyền tự chủ, không được tiêu tiền theo ý mình nên dẫn đến lừa dối (6). Vì vậy, để vượt qua sự phản bội này, các cặp đôi nên ngồi lại, nói chuyện thẳng thắn và thống nhất quan điểm về tài chính.
Trước tiên, hai vợ chồng nên thành thật với nhau về tình hình tài chính và những dự định, kỳ vọng của cả hai trong tương lai. Đây là bước quan trọng giúp cả hai xây dựng lại niềm tin sau một lần bị bội tín tài chính. Sau đó, hai người cùng tìm ra một giải pháp quản lý tiền bạc tốt hơn. Ví dụ, cả hai tạo một tài khoản dành cho mục đích chung như phí sinh hoạt, bảo hiểm, tiền nhà...
Hằng tháng, mỗi người sẽ bỏ vào quỹ chung một số tiền nhất định. Tất cả thu chi trong quỹ này đều thuộc sự quản lý của cả hai. Ngoài ra, mỗi người sẽ giữ một khoản tiền riêng trong tài khoản cá nhân để tiêu xài tùy thích nhằm đảm bảo cả hai vẫn có quyền tự chủ tài chính.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Tâm Lý?
Cập nhật những nghiên cứu và khám phá mới nhất về tâm lý.