Những phụ huynh theo quan điểm "cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy" thường o bế con quá mức cần thiết. Đây là cách nuôi dạy mà cha mẹ, với hy vọng con trẻ sẽ vâng lời, gần như đã tước đi quyền tự chủ của con. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra nguy cơ của kiểu dạy con mang tính áp đặt sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của trẻ, đặc biệt là khả năng hàm dưỡng lòng hiếu thảo.
Cha mẹ thái quá (overparenting parents) hay cha mẹ trực thăng (helicopter parents) là những thuật ngữ được dùng để miêu tả cách dạy con o ép quá mức, đặc trưng bởi sự kèm cặp và giám sát một cách đầy lo âu và thái quá của những ông bố bà mẹ có kiểu hình gắn bó bất an lên con trẻ (1).
Khi nghiên cứu về động lực tâm lý đằng sau kiểu giáo dục "bất an" này, các nhà nghiên cứu Leung và Shek nhận thấy rằng, hai tác nhân chủ chốt cho cơ chế này là phản ứng thái quá và đòi hỏi quá mức (2). Những cha mẹ này có xu hướng cản trở sự phát triển độc lập của con, do phải liên tục kiểm soát và giám sát con cái để duy trì cảm giác làm chủ mọi thứ.
Trong xã hội Việt Nam trước đây, thế hệ Boomers (sinh ra trong khoảng từ 1946 đến 1964) đã chào đời và lớn lên trong thời kỳ chiến tranh, dẫn đến việc họ thường xuyên cảm thấy bất an trong cuộc sống và kèm cặp con cái thái quá là một điều có phần hiển nhiên mà những đứa con đành phải "cắn răng" chấp nhận. Tuy nhiên, trong thời hiện đại ngày nay, sự thái quá của các phụ huynh có thể gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực tới các bạn trẻ.
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng cha mẹ giáo dục càng thái quá thì sức khỏe tinh thần, tâm lý, cảm giác được thỏa mãn và tận hưởng cuộc sống của trẻ vị thành niên càng có xu hướng giảm đi, hoặc khiến trẻ dễ rơi vào trầm cảm hay rối loạn lo âu (3), (4), (5).
Trong độ tuổi vị thành niên, các bạn trẻ thường muốn được tự chủ và tính độc lập trong việc khám phá bản thân, hay cụ thể hơn là đi tìm bản sắc, căn tính cá nhân (6). Trong khi đó, phong cách dạy con thái quá gần như đã "can thiệp thô bạo" vào tiến trình này, cản trở tính tự chủ và độc lập của con trẻ (7). Phản ứng lại với các "chướng ngại vật", trẻ vị thành niên thường chống lại mong muốn của cha mẹ và việc đó càng mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái thêm leo thang (8).
Để hòa giải mâu thuẫn liên quan đến phong cách dạy con thái quá, các nhà khoa học đã nghiên cứu sâu hơn về thuyết tự quyết (self-determination theory). Theo thuyết này, hành vi của con người được điều khiển bởi ba yếu tố là mức độ liên hệ, năng lực và đặc biệt là tính tự chủ (autonomy). Dù tính tự chủ có thể được định nghĩa theo nhiều cách khác nhau, nhưng tựu trung thường bao gồm các yếu tố là sự độc lập về cảm xúc, sự tự nguyện, có khả năng tự chia tách (detachment) và làm việc độc lập (9).
Tính tự chủ là khả năng cân bằng giữa tính độc lập và khả năng liên hệ đến người khác, được phát triển rõ rệt khi cá nhân bắt đầu bước vào tuổi dậy thì (10). Như đã từng nhắc tới về Erik Erikson và các giai đoạn phát triển tâm lý-xã hội, tính tự chủ là một trạng thái tâm lý xung đột với cảm giác xấu hổ và nghi ngờ bản thân, đã được hình thành từ giai đoạn trẻ 18 tháng tới ba tuổi (11).
Điều này có nghĩa là để tránh những hệ quả của việc thiếu tự chủ khi con đã trưởng thành, cha mẹ cần lưu ý ngay từ khi con còn nhỏ (11). Khi được tự chủ hơn, trẻ sẽ biết được rằng cha mẹ tôn trọng và quan tâm đến nhu cầu của chúng và từ đó nảy sinh khao khát muốn đền ơn cha mẹ. Đó cũng chính là tiền đề để phát triển lòng hiếu thảo (12), ý thức trách nhiệm và khả năng đương đầu với rủi ro ở trẻ (13), (14).
Nếu trẻ biết tự chủ, chúng sẽ có thể phát triển các kỹ năng tâm lý xã hội và khả năng thích nghi. Ngược lại, nếu thiếu tự chủ, trẻ sẽ phát triển theo một trong hai xu hướng đối lập là "lệ thuộc kém chức năng" (dysfunctional dependence), tức là trẻ luôn phụ thuộc quá mức vào người khác và cố tìm kiếm cảm giác gắn bó; hoặc "tự lập kém chức năng" (dysfunctional independence), tức là trẻ luôn cố gắng tránh né, không muốn gần gũi với người khác (15).
Theo các nhà nghiên cứu tại phương Đông, thực tế cho thấy rằng không phải sự gò ép thái quá, mà chính những động thái giúp trẻ phát triển tính tự chủ mới là cách thiết lập được mối gắn bó tích cực với trẻ và giúp trẻ nhận ra tầm quan trọng của việc tôn trọng và chăm sóc cha mẹ. Từ đó, trẻ có thể hình thành được lòng hiếu thảo, cũng như giá trị xã hội và văn hóa có liên quan, nhờ vào tiến trình xã hội hóa gia đình (family socialization) - khi các giá trị, trải nghiệm được trao truyền trong gia đình thông qua chia sẻ những câu chuyện và hồi ức (16), (17), (18).
Cũng trong văn hóa Á Đông, lòng hiếu thảo còn đi kèm với việc thỏa mãn mong đợi và hoàn thách trách nhiệm gia đình (19), (20), (21). Khi đã xây dựng được lòng hiếu thảo, trẻ sẽ cố gắng vươn tới sự xuất sắc và cố gắng tự chỉnh đốn hành vi của mình sao cho không vi phạm mong muốn của cha mẹ và địa vị gia đình. Ví dụ, cha mẹ trong gia đình có truyền thống học thuật thường kỳ vọng con cái ăn học thành tài. Khi được cha mẹ phát triển tính tự chủ lẫn lòng hiếu thảo, các bạn trẻ từ những gia đình này sẽ có xu hướng đăng ký và nỗ lực ôn luyện để vào trường tốt, cũng như đánh giá cao và dễ có cảm tình với người có trình độ tương đương, bởi vì "có học thức" và "có trình độ" là một giá trị quan trọng với họ.
Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng người có lòng hiếu thảo thường có các mối quan hệ tốt hơn và dễ nhận được sự hỗ trợ xã hội (từ bạn bè, người thân quen...) hơn trong các vấn đề cá nhân. Chẳng hạn, một bạn trẻ đủ tự lập, hiếu thảo với cha mẹ và ủng hộ giá trị sống của gia đình là sự trung thực, uy tín. Bạn trẻ này có xu hướng kết giao với các nhóm bạn cũng đề cao sự uy tín. Trong trường hợp bạn trẻ này gặp phải vấn đề cá nhân như việc cha mẹ ly hôn, thì những nhóm bạn kia có thể hỗ trợ về mặt tinh thần, thậm chí là tài chính để giúp bạn trẻ vượt qua giai đoạn khó khăn. Không chỉ dừng lại ở đó, những người bạn với giá trị tương tự này sẽ khuyến khích bạn trẻ tiếp tục tôn trọng giá trị gia đình và lòng hiếu thảo dành cho cha mẹ, bất kể họ sống cùng nhau hay không.
Như vậy, khi cha mẹ khuyến khích con trẻ tự chủ, giá trị cốt lõi trong gia đình lẫn lòng hiếu thảo của con cái vẫn được gìn giữ.
Như một kết quả, trẻ có mức độ hiếu thảo cao thường có khả năng tự kiểm soát hành vi tốt hơn. Kể cả khi cha mẹ không hỗ trợ đủ, chúng vẫn có thể tự xoay xở để giải quyết các vấn đề của mình và có thể tiếp tục theo đuổi các mục tiêu. Ngược lại, trẻ có mức độ hiếu thảo thấp thường tìm cách tránh né vấn đề, chẳng hạn như tìm kiếm sự thỏa mãn một cách không lành mạnh (22).
LeLa Journal xin gợi ý một số cách làm thực tiễn để hỗ trợ trẻ phát triển tính tự chủ mà cha mẹ có thể tham khảo như sau:
1. Gợi ý lựa chọn cho trẻ, nhưng hãy để trẻ tự chọn và tôn trọng quyết định của trẻ: Hãy để trẻ tự lựa chọn dựa trên hứng thú, suy nghĩ, niềm tin và hệ giá trị của trẻ. Trong trường hợp trẻ không thể chọn, cha mẹ lúc này mới cung cấp sự hướng dẫn phù hợp. Cha mẹ cần đặt ra các nguyên tắc an toàn khi thử những cơ hội mới, đồng thời cũng đặt ra giới hạn mà can thiệp để trẻ biết được phạm vi mà trẻ có thể tự hành động hoặc cần đến sự giúp đỡ của cha mẹ (23).
2. Trao đổi cởi mở, thông cảm và thừa nhận những suy nghĩ, tình cảm, niềm tin và giá trị của trẻ: Để có thể cho trẻ hiểu rõ và chấp nhận được các nguyên tắc an toàn và tự do khám phá nêu trên, cha mẹ cần trò chuyện cởi mở, lắng nghe mong đợi và suy nghĩ của trẻ. Trẻ đôi khi không nhận thức hết được nguy cơ tiềm ẩn trong hành động của mình, nhưng cha mẹ cần giữ thái độ nhẹ nhàng khi giải thích để giúp trẻ hình dung được những hệ quả có thể lường trước được khi thực hiện hành vi này.
3. Tránh kiểm soát hay tham gia quá mức, đồng thời tránh sử dụng quyền lực để định hướng cho trẻ theo ý mình: Trong giai đoạn từ tuổi dậy thì đến tuổi thành niên, trẻ thường sẽ tham khảo và thực hành theo những gì xã hội và bạn bè đang thực hành, vì chúng đang trong quá trình đi tìm quan niệm sống cho mình. Cha mẹ đừng vội phủ nhận mọi ý kiến trẻ đưa ra vì như vậy giống như đang chối bỏ những gì mà trẻ đánh giá là phù hợp và quan trọng với chúng. Thay vào đó, hãy hỏi trẻ về cảm nhận của bạn bè đồng trang lứa, cảm xúc và suy nghĩ của trẻ về vấn đề đang quan tâm.
4. Giám sát và cổ vũ trẻ đảm nhận những trách nhiệm mới, cơ hội mới: Dù trẻ vị thành niên thường sẽ học tập xu hướng, hành vi niềm tin và suy nghĩ của bạn bè đồng trang lứa, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng trẻ vẫn đánh giá cao và thực sự cần lời khuyên từ cha mẹ cho các vấn đề đạo đức, vấn đề xã hội, hay trong những quyết định lớn (24).
Vậy nên, cha mẹ hãy thử tạo những tình huống nhỏ để trẻ rèn luyện tính tự chủ và thể hiện sự đóng góp. Chẳng hạn, cha mẹ có thể hỏi ý trẻ về vật dụng trang trí cho căn phòng, chiếc váy mới, món quà Trung thu, hoặc nhờ trẻ giúp bạn chuẩn bị bữa tối. Để giúp trẻ làm quen với các vấn đề xã hội, bạn có thể yêu cầu trẻ trình bày lý do nên mua một món đồ chơi nọ, hoặc hỏi ý kiến trẻ về ý tưởng cho buổi dã ngoại cuối tuần.
Thay vì tự quyết hay phớt lờ mong đợi của con trẻ, cha mẹ có thể cùng con ngồi lại, phân tích và khuyến khích trẻ thử các lựa chọn khả dĩ, an toàn. Việc mắc sai lầm không phải là vấn đề quan trọng, vì từ những sai lầm nhỏ này, trẻ sẽ học được những bài học quan trọng hơn như tính tự chủ với cuộc sống của bản thân lẫn lòng hiếu thảo dành cho cha mẹ.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Cha, Mẹ & Bé?