Bên cạnh những nhu cầu thiết yếu về ăn uống, ngủ nghỉ, học hành trong suốt quá trình trẻ lớn lên thì sự hiện diện và đồng hành của cha mẹ cũng là một nhân tố quan trọng góp phần hình thành nhân cách của bé. Tuy nhiên, điều này lại chưa được nhìn nhận đúng và đủ trong bối cảnh xã hội hiện nay.
Hầu hết các bậc cha mẹ hiện đại đều đồng ý rằng chúng ta đang sống trong một thế giới phát triển và biến đổi không ngừng. Để thích ứng với sự dịch chuyển không ngừng và tất bật của cuộc sống xung quanh, chúng ta làm việc nhiều hơn, du lịch nhiều hơn, chi tiêu và giao tiếp cũng nhiều hơn trước. Cùng với đó, chúng ta dành ít thời gian cho bản thân và những người quan trọng với mình, đặc biệt là gia đình và con cái.
Sự gắn bó mật thiết với cha mẹ trong những ngày đầu đời ảnh hưởng đến cách một đứa trẻ lớn lên và hình thành nhân cách. Cụ thể, nếu nhu cầu gắn bó được đáp ứng từ người chăm sóc chúng, đứa trẻ sẽ có cảm giác vững chãi để bắt đầu khám phá thế giới theo cách riêng. Nghe có vẻ là nghịch lý, nhưng sự gắn bó với người chăm sóc có thể hình thành tính độc lập của trẻ khi lớn lên (1). Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, nếu muốn tìm hiểu lý do tại sao trẻ em thành công trong cuộc sống (về mặt cảm xúc, quan hệ, xã hội, giáo dục...), chúng ta có thể kiểm tra xem chúng có phát triển sự gắn bó an toàn với ít nhất một người chăm sóc luôn ở bên chúng trong ấu thơ hay không (2) (3).
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) từng nhận định về tầm quan trọng của việc cha mẹ phải luôn hiện diện trong suốt những năm tháng đầu đời của con. Trong tài liệu với tựa đề “Chăm sóc nuôi dưỡng cho sự phát triển của trẻ nhỏ” đã giải thích tầm quan trọng của các mối quan hệ bền chặt và sự hiện diện của cha mẹ trong đời sống một đứa trẻ được coi là "động cơ để thúc đẩy sự phát triển trí não" (4).
Không chỉ vậy, việc gắn bó và tham gia của cha mẹ còn giúp con cái có được sự tự tin và hình thành lòng tự trọng. Khi bậc làm cha mẹ ưu tiên sự đủ đầy về vật chất hơn sự có mặt bên cạnh con mình, đứa trẻ sẽ bỏ lỡ những cơ hội để xây dựng lòng tự tôn và bản lĩnh. Hậu quả là khi lớn lên, có nhiều khả năng chúng sẽ trở nên bất an và cảm thấy không xứng đáng. Ngược lại, khi bạn cùng tham dự các buổi hòa nhạc, trò chơi vận động và sự kiện tại trường, trẻ sẽ cảm thấy vững tin và cảm nhận được tình thương yêu. Hoặc khi bạn giúp trẻ cùng làm bài tập về nhà, kiểm tra lại các đáp án xem đã đúng hay chưa, điều đó cũng thúc đẩy ý thức về giá trị bản thân của đứa bé ngay từ nhỏ.
Món quà bạn tặng có thể khiến con bạn trầm trồ trong một khoảnh khắc, nhưng sự hiện diện của bạn mới là điều đi theo con bạn trong cả cuộc đời. Sự hiện diện, gắn bó mật thiết với con cái tạo điều kiện để cha mẹ nhìn được những giới hạn của con mình, biết điều gì có thể chấp nhận và điều gì không, từ đó dễ dàng khuyến khích trẻ thể hiện bản thân, phát triển tài năng cũng như khám phá những tương tác xã hội sau này.
Một nghiên cứu do Hiệp hội Nghiên cứu về Phát triển Trẻ em thực hiện đã nhận định rằng sự tham gia của cha mẹ vào đời sống giáo dục và gia đình của trẻ ảnh hưởng đến sự phát triển học tập và xã hội của chúng. Nghiên cứu xác định rằng sự tham gia nhất quán của cha mẹ trong cuộc sống ở nhà và ở trường của trẻ, đặc biệt là trong giai đoạn đầu đời sẽ giúp trẻ đạt được điểm số cao hơn ở trường. Cùng với đó, những trẻ có cha mẹ tham gia tích cực và gắn bó với chúng thường có tương tác xã hội tốt hơn và ít gặp các vấn đề về hành vi hơn (5).
Đặc biệt, không chỉ tác động đối với trẻ, sự hiện diện của cha mẹ còn có thể giúp chính những bậc phụ huynh có cơ hội nhìn sâu vào chính mình, khắc phục những sang chấn tâm lý hoặc những thiếu thốn trao truyền từ thế hệ trước vô tình để lại trong tiềm thức của mình. Điều này cũng mang tính chất chữa lành cho cả chính cha mẹ (3).
Tài liệu của WHO nêu trên cũng chỉ rõ rằng những tương tác ban đầu giữa cha mẹ và con cái được thể hiện qua những hành vi nhỏ, đặc biệt là trước khi khả năng nói của trẻ phát triển, ví dụ như ôm ấp, giao tiếp bằng mắt, nụ cười hay giọng nói.
Những tương tác về mặt vật lý sẽ được thể hiện thông qua quá trình hiện diện cùng con, điển hình như một cái ôm đúng lúc, một ánh mắt động viên lúc cần thiết sẽ ý nghĩa hơn bao giờ hết trong việc cổ vũ con lớn khôn. Song song đó, các tương tác động chạm một cách trực tiếp với con cũng làm tăng sự phát triển của não bộ và bảo vệ trẻ khỏi cảm giác bị bỏ rơi hay tách biệt.
Sự gắn bó và hiện diện của cha mẹ còn thể hiện qua chính hành vi của họ, đặc biệt là khi các điệu bộ, cử chỉ, lối hành xử... đó sẽ trở thành hình mẫu cho hành vi của trẻ về sau. Trẻ em hình thành hành vi của mình từ việc quan sát người lớn. Ví dụ khi thấy cha mẹ thực hiện một hành vi nào an toàn, đứa trẻ sẽ cảm thấy an tâm để lặp lại. Chính vì thế, hành vi mà mỗi bậc cha mẹ thể hiện trong đời sống của con thông qua việc gắn bó mật thiết có sức ảnh hưởng rất lớn đến nhân cách và hình mẫu mà đứa trẻ trở thành sau này.
Có nhiều sự hiện diện được gọi tên, nhưng cũng dễ gây hiểu nhầm. Cụ thể, cha mẹ có thể hiện diện về mặt vật lý, nhưng về mặt tinh thần và cảm xúc thì không. Ví dụ, khi bạn cho con ăn cơm, nhưng đưa cho con một chiếc điện thoại và chính bản thân mình cũng đang bận rộn với công việc khác. Điều này chỉ phản ánh sự hiện diện về mặt vật lý chứ không có đầy đủ sự hiện diện về tinh thần và tình cảm. Nó chẳng khác gì sự vắng mặt của cha mẹ trong đời sống con trẻ. Chính vì thế, sự hiện diện ở đây đòi hỏi cả những tương tác về mặt tinh thần, cảm xúc. LeLa Journal gợi ý một vài cách để cha mẹ có thể hiện diện nhiều hơn với con, đồng hành cùng trẻ trong hành trình khôn lớn:
Điện thoại hoặc các thiết bị điện tử là công cụ tiện lợi giúp các bậc phụ huynh giải quyết công việc. Tuy nhiên, trong liên hệ gia đình và tương tác với con cái, các thiết bị điện tử hoàn toàn có thể khiến chúng ta bị phân tâm. Nếu cầm điện thoại khi đang ở bên cạnh con, bạn sẽ nghĩ là mình vẫn đang hiện diện, nhưng thực chất đó chỉ là sự hiện diện vật lý. Việc đa nhiệm và sự phân tâm sẽ khiến khoảng thời gian dành cho con cái một cách trọn vẹn bị giảm sút. Chính vì thế, tách biệt với các thiết bị điện tử, đặt điện thoại xa khỏi tầm tay và dành hẳn một khoảng thời gian thực sự có mặt để chơi đùa, bên cạnh con cái là điều bạn có thể thực hành ngay từ bây giờ.
Bản chất của việc hiện diện sâu sắc hơn trong đời sống con cái còn là việc nhìn nhận được sự hiện diện của chính mình và toàn tâm toàn ý dành thời gian có mặt cùng con. Nếu bạn không thể tập trung để ở bên cạnh con mình một cách trọn vẹn vì còn bị phân tâm bởi nhiều điều vướng bận, thì việc dành một chút thời gian để thực hành chánh niệm (mindfulness) và thiền định có thể hữu ích. Hít một hơi thật sâu, sau đó tập trung vào các giác quan của bạn như: nghe, chạm, ngửi, nhìn... để giúp bản thân hoàn toàn thư giãn, buông bỏ mọi xáo trộn trong đầu óc. Thực hành chánh niệm này giúp bạn tái tạo năng lượng để có thể dễ dàng hiện diện toàn vẹn và có mặt thực sự trong cuộc sống của con bạn.
Phản ứng đồng cảm của cha mẹ cho phép bộ não của con trẻ cảm thấy an toàn, cũng như mang lại cho trẻ khả năng bình tĩnh và suy luận. Trẻ em cần sự thấu hiểu và lòng trắc ẩn hơn bao giờ hết để giúp chúng vượt qua thời điểm khó khăn vì cảm xúc tiêu cực chỉ mang lại hành vi tiêu cực. Thế nên, các bậc phụ huynh cần dùng sự bình tĩnh và đồng cảm trong mọi cách giải quyết vấn đề. Trước tiên hãy đáp lại bằng sự đồng cảm, sau đó nhắc nhở trẻ về các quy tắc và kỳ vọng. Sau khi trẻ bình tĩnh trở lại, bạn có thể thảo luận lý do tại sao hành vi ấy là không phù hợp hoặc gây tổn thương cho người khác.
Vào những buổi sáng bận rộn hoặc cập rập về giờ giấc, cha mẹ thường quên bẵng sự hiện diện của con trẻ mà chỉ tập trung vào công việc. Nhưng thay vì vội vã rời khỏi nhà không một lời chào, cha mẹ có thể thử dành thêm một chút thời gian để nở một nụ cười hay trao con một cái ôm, cũng như hỏi han thêm về kế hoạch trong ngày của con. Điều này khiến trẻ có cảm giác được yêu thương, quan tâm và ý thức được sự hiện hữu của mình với cha mẹ ngay cả trong lúc người lớn bận rộn nhất.
Cùng với đó, khoảng thời gian quý giá vào cuối ngày trước khi đi ngủ cũng giúp cha mẹ có thể ở bên cạnh con cái nhiều hơn. Kể một vài câu chuyện nhỏ, những lời hỏi han về một ngày đã qua, những cuộc trò chuyện thân mật sẽ mang đến cho trẻ cảm giác gắn kết hơn với cha mẹ.
Khi đứa trẻ trải qua một số cảm xúc khó khăn như buồn bã hoặc hoặc thất vọng về điều gì đó đã xảy ra ở trường, với bạn bè... chúng sẽ tìm đến một người có thể hiểu và đồng cảm cũng như sẽ xoa dịu, giúp chúng bình tĩnh lại. Đó chính là một "khoảnh khắc hiện diện" quý giá mà bạn có thể kết nối với con mình.
Lưu ý là ngôn ngữ cơ thể của chúng ta đóng vai trò quan trọng trong việc làm cho trẻ cảm thấy được lắng nghe và thấu hiểu. Khi lắng nghe, hãy gác lại những gì bạn đang làm, hoàn toàn hướng cơ thể và sự chú ý của bạn về phía con bạn. Thỉnh thoảng, nhớ nhắc lại với trẻ về những gì chúng ta đã nghe để biết chắc rằng mình đã hiểu đúng. Khi không thể chú ý lắng nghe hoàn toàn, hãy cho con bạn biết khi nào là thời điểm tốt hơn để nói chuyện. Tập trung để kết nối và hiện diện hoàn toàn cùng con trẻ không phải là một cách dễ đối với cha mẹ trong xã hội gấp gáp ngày nay nhưng hoàn toàn là điều người lớn có thể luyện tập.
Khi bạn tập trung vào lòng biết ơn, bạn sẽ nhận ra những phần thiết yếu trong cuộc sống của mình. Nhật ký về lòng biết ơn có thể giúp bạn ghi nhớ những điều bạn biết ơn trước khi đi ngủ mỗi tối. Nó nhắc nhở bạn rằng bạn ở đây để khuyến khích và nuôi dưỡng con mình chứ không phải tập trung vào sự giàu có hoặc bất kỳ điều gì khác. Khi bạn tập trung vào lòng biết ơn, điều đó cũng dạy con bạn làm điều tương tự để giúp trẻ hình thành thói quen của cha mẹ và sống một cuộc sống hạnh phúc hơn ngay từ khi còn nhỏ, trân trọng khoảng thời gian mà gia đình hiện diện cùng nhau.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Cha, Mẹ & Bé?