Làm cha mẹ là một hành trình thiêng liêng và ý nghĩa. Tuy nhiên, không ai có thể khẳng định đây là một hành trình dễ dàng, đặc biệt với những ai mới lần đầu làm cha mẹ hoặc chưa có sự chuẩn bị chu đáo. Tình trạng kiệt sức, quá tải trong quá trình làm cha mẹ (parental burnout) giờ đây không còn xa lạ trong bối cảnh xã hội hiện đại, nhưng nếu hiểu rõ dấu hiệu, nguyên nhân cũng như cách thức đối mặt, quá trình chữa lành sẽ trở nên đơn giản hơn.
Khái niệm "kiệt sức khi làm cha mẹ" (parental burnout) đã xuất hiện từ những năm 1980 của thế kỷ trước, đặc biệt là khi phụ nữ bắt đầu bước ra ngoài xã hội và tham gia vào thị trường lao động. Tình trạng này càng trở nên rõ nét và bùng nổ khi các bậc cha mẹ trải qua mức độ căng thẳng và lo lắng ngày càng cao do đại dịch COVID-19 gây nên. Các nghiên cứu của y bác sĩ và giới khoa học đều nhìn nhận giống nhau rằng tình trạng kiệt sức của cha mẹ là "quá trình kiệt quệ về thể chất, tinh thần lẫn cảm xúc mà một người cảm thấy do căng thẳng kinh niên trong việc nuôi dạy con cái" (1).
Trong đó, theo Tạp chí Quốc tế về Nghiên cứu Môi trường và Sức khoẻ Cộng đồng, tình trạng kiệt sức được hiểu là “sự kiệt quệ về cảm xúc, mất nhân cách và sự suy giảm khả năng thỏa mãn bản thân”. Đây cũng là kết quả của việc tiếp xúc lâu dài với những môi trường cạn kiệt cảm xúc (1) (2).
Những nghiên cứu tiên phong và chuyên sâu của Tiến sĩ người Bỉ Isabelle Roskam và cộng sự chỉ ra rằng tình trạng này không đơn giản chỉ là những triệu chứng căng thẳng hay lo lắng đơn thuần của phụ huynh. Hơn hết, sự kiệt quệ nặng nề trong hành trình làm cha mẹ của mỗi cá nhân có thể khiến cho một người trở nên tách rời cảm xúc với con cái và nghi ngờ khả năng liệu mình có thể trở thành một người cha hoặc người mẹ tốt hay không?
Vào năm 2018, Roskam và các đồng nghiệp của cô đã thực hiện một bảng đo lường mang tên "Đánh giá sự kiệt sức của cha mẹ" sau khi khảo sát hơn 900 phụ huynh đang rơi vào tình trạng này. Từ đó, nghiên cứu đã rút ra bốn khía cạnh/cấp độ của tình trạng này: sự kiệt sức trong vai trò làm cha mẹ của một cá nhân, sự tương phản với con người trước đây của chính cha mẹ, cảm giác chán nản với vai trò làm cha mẹ và sự xa cách về mặt cảm xúc với con cái (1) (3).
Phép đo lường theo bốn khía cạnh/cấp độ này cũng đồng thời chỉ ra những triệu chứng của tình trạng kiệt sức mà các phụ huynh trải qua. Theo giáo sư - tiến sĩ Mikolajczak, người đồng chủ trì nghiên cứu, những triệu chứng này thường xảy ra theo các giai đoạn.
Ngoài ra, những bậc phụ huynh rơi vào khủng hoảng tâm lý này cũng cần lưu ý một số dấu hiệu bên ngoài như: tính khí thất thường, đãng trí, nhạy cảm quá mức, mất ngủ, đau đầu, thiếu kiên nhẫn, căng thẳng, hoặc cảm thấy quá sức, hoặc nghiêm trọng hơn là trầm cảm.
Tình trạng kiệt sức của cha mẹ làm gia tăng nghiêm trọng quá trình hoạt hóa nội tiết thần kinh mãn tính và sự hao mòn cơ thể. Đây được cho là nguyên nhân làm giảm khả năng bảo vệ của cơ thể trước virus và mầm bệnh.
Bên cạnh đó, sự kiệt sức của cha mẹ cũng làm tăng nguy cơ trẻ em bị bỏ rơi hoặc bị bạo hành bởi cha mẹ ngay cả khi chính người cha, người mẹ ấy đã từng phản đối những hành vi này về mặt triết lý. Trong một nghiên cứu được công bố vào năm 2020, giáo sư Annette Griffith (Giáo sư Tiến sĩ Tâm lý học tại Trường Tâm lý học Chuyên nghiệp Chicago) phát hiện ra rằng các bậc cha mẹ có mức độ kiệt sức cao hơn thường nuôi dạy con cái một cách ép buộc hơn hoặc có mức độ trừng phạt con cái cao hơn (4).
Bối cảnh đại dịch COVID-19 chỉ là một trong những yếu tố khiến tình trạng này trở nên bùng nổ. Vì thế, những nguyên nhân then chốt vẫn cần được tách lớp và làm rõ.
Một nghiên cứu công bố vào năm 2021 thực hiện tại 42 đất nước với 17.409 phụ huynh đã cho thấy rằng tỷ lệ cha mẹ kiệt sức giữa các quốc gia có sự khác biệt. Các phân tích về giá trị văn hóa chỉ ra những quốc gia theo nền văn hóa theo chủ nghĩa cá nhân thì tỷ lệ về mức độ kiệt sức của cha mẹ cao hơn đáng kể. Theo đó, chủ nghĩa cá nhân đóng một vai trò đáng kể gây ra tình trạng kiệt sức của cha mẹ so với nguyên nhân từ bất bình đẳng kinh tế giữa các quốc gia, hoặc bất kỳ đặc điểm cá nhân và gia đình nào khác đã được kiểm tra cho đến nay, bao gồm số lượng, độ tuổi của trẻ em và thời gian dành cho con trẻ. Kết quả này cũng nhận định các giá trị văn hóa ở các nước phương Tây có thể khiến cha mẹ bị căng thẳng ở mức độ cao hơn (1) (2).
Những người có kỹ năng ứng biến kém, khả năng chịu đựng thất vọng thấp hoặc kỹ năng phục hồi chậm cũng sẽ dễ bị kiệt sức hơn trong quá trình làm cha mẹ. Nhiều gia đình có thể đang gặp căng thẳng gia tăng do thường xuyên làm việc ở nhà (work from home) và thêm vào đó, việc dạy con cái của họ ở nhà trong suốt thời gian giãn cách xã hội cũng là một vấn đề gây đau đầu. Bởi vì nhu cầu và khả năng của trẻ ở các độ tuổi sẽ khác nhau, thế nên áp lực khác nhau cũng sẽ đè nặng lên các cha mẹ có ít hoặc không có kinh nghiệm giảng dạy và nguồn tài chính có hạn.
Một số bậc cha mẹ có tuổi thơ buồn bã thường có xu hướng mang niềm tin tiêu cực về vai trò làm cha mẹ của họ. Những người mang bóng đen tâm lý tuổi thơ sẽ tin rằng họ không có năng lực như các bậc cha mẹ khác vì họ chưa bao giờ trải qua một quá trình trưởng thành và phát triển tâm sinh lý bình thường kể từ khi còn bé. Sự tự ti đó có thể góp phần rất lớn vào tình trạng kiệt sức trong nuôi dạy con.
Theo giáo sư tiến sĩ Annette Griffith, Giáo sư Tiến sĩ Tâm lý học tại Trường Tâm lý học Chuyên nghiệp Chicago, các yếu tố như mất an ninh tài chính, thiếu hỗ trợ từ cộng đồng và bị cô lập xã hội trong khoảng thời gian đại dịch được coi là những yếu tố rủi ro khiến tình trạng kiệt sức của cha mẹ vốn đã có từ trước càng trở nên trầm trọng. Song song với đó, sự hỗ trợ không chỉ dừng lại ở vật chất mà còn ở những giá trị tinh thần. Nếu phụ huynh thiếu đi bạn đời hoặc những điểm tựa cần thiết khi gặp vấn đề với con cái, họ cũng dễ rơi vào cảm giác cạn kiệt tinh thần, chán nản, buông xuôi.
Một điểm tích cực là sự kiệt sức của cha mẹ chỉ là tình trạng tạm thời. Và có nhiều cách để các bậc cha mẹ nhìn nhận vấn đề cũng như tìm cách giải quyết cho tình trạng này.
Một trong những điều đầu tiên mà bất cứ phụ huynh nào cũng có thể (và nên) làm nếu cảm thấy kiệt sức là nói chuyện với vợ/chồng, người đồng hành, cha mẹ, người thân của mình. Chia sẻ cởi mở về cảm giác kiệt sức có thể tạo điều kiện để nhận được sự hỗ trợ cần thiết. Tuy vậy, việc thừa nhận rằng mình đang gặp khó khăn không phải lúc nào cũng dễ dàng. Những người cha người mẹ đang lâm vào cảnh "túng quẫn cảm xúc và năng lượng" thường cảm thấy bị cô lập và xấu hổ, điều này có thể ngăn cản họ đối thoại lành mạnh với những người hỗ trợ, vì họ cho rằng người khác sẽ dễ dàng dị nghị, đánh giá họ không biết chăm sóc con trẻ.
Nếu tình trạng kiệt sức đang làm suy giảm chức năng hoặc gây ra những ý định tiêu cực một cách nghiêm trọng, các bậc phụ huynh nên tìm đến các những chuyên gia hoặc những nơi cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần chuyên nghiệp để được hỗ trợ.
Giấc ngủ rất quan trọng đối với sức khỏe tinh thần. Ngủ đủ giấc có thể là một vấn đề khó khăn với những bậc phụ huynh có trẻ sơ sinh hay trẻ nhỏ, nhưng ưu tiên ngủ đủ để tinh thần thư thái và giảm căng thẳng là việc mà các bậc cha mẹ nên làm. Ngoài ra, giấc ngủ cũng có thể cải thiện sự tập trung và giúp bạn điều chỉnh cảm xúc tốt hơn.
Bên cạnh đó, việc dành thời gian tập thể dục tưởng chừng như không liên quan hoặc mâu thuẫn với tình trạng cơ thể kiệt sức nhưng vận động có thể làm giảm căng thẳng và tăng năng lượng tích cực của bạn. Thực hành thói quen yoga cũng có thể hữu ích. Đi bộ cũng là một hình thức chăm sóc bản thân tuyệt vời. Cả giấc ngủ và việc luyện tập là điều cần thiết cho sức khoẻ của các bậc cha mẹ về mặt vật lý.
Song song đó, hãy hạn chế sử dụng rượu, bia, thuốc lá để giảm bớt căng thẳng hoặc mang tính chất đối phó. Việc lạm dụng các chất kích thích có thể khiến cho tình trạng căng thẳng, mệt mỏi càng trở nên tồi tệ hơn hoặc dễ gây nghiện.
Bên cạnh việc chăm sóc thể chất thì sức khoẻ tinh thần cũng là điều quan trọng mà các bậc cha mẹ cần lưu ý. Quan trọng hơn, điều này nên được diễn ra đều đặn. Ví dụ, bạn có thể dành 2 phút mỗi sáng để hít thở và nghĩ về bản thân. Bạn cũng có thể thiền hoặc viết nhật ký nếu có thời gian vào cuối ngày. Ngoài ra, một mẹo nhỏ là tắm vào cuối ngày có thể giúp bạn thư giãn cả về thể chất lẫn tinh thần.
Các nghiên cứu đều cho thấy những bậc cha mẹ cầu toàn và những người tự gây áp lực cho bản thân sẽ có tỷ lệ kiệt sức cao. Vì thế, tìm cách thiết thực để đừng tạo áp lực có thể giúp giảm nguy cơ hao mòn tâm trí lẫn thể chất cho phụ huynh .
Natalie Dattilo, Tiến sĩ và nhà tâm lý học lâm sàng tại Brigham (Anh) cho biết: “Đôi khi những đòi hỏi của chúng ta rất cao bởi vì chúng ta có quá nhiều kỳ vọng cụ thể, giống như là việc chúng ta nên làm mọi việc hoàn hảo như thế nào và chúng ta nên vui vẻ ra sao khi thực hiện hoàn chỉnh mọi thứ”. Tuy nhiên, hãy hạn chế ép uổng bản thân bằng những mệnh đề có các từ như “nên”, "phải", "buộc"... để tránh tạo áp lực khi không hoàn thành được các yêu cầu mình đề ra (1).
5. Tìm lại ý nghĩa thật sự của việc làm cha mẹ
Tiến sĩ và nhà tâm lý học Debbie Sorensen tại Denver (Mỹ) nhận định rằng việc cha mẹ tìm cách định hướng bản thân trở lại với những giá trị cốt lõi của việc nuôi dạy con cái là một giải pháp hữu ích. Bất kỳ ai cũng có thể lạc lối trong công việc mệt nhọc và chúng ta cần phải tạo ra những khoảnh khắc đặc biệt cùng con cái để nhắc nhở bản thân rằng việc nuôi dạy con cái vẫn có thể là một hành trình đong đầy niềm vui trọn vẹn (5).
Nhớ lại khoảnh khắc thiêng liêng mà bạn từng cảm thấy trong quá khứ khi vừa đón con chào đời cũng có thể mang lại một nguồn động lực tinh thần cần thiết. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể tự nhắc nhở bản thân về những hành động dễ thương, tính cách đáng yêu của con trẻ, cũng như những kỹ năng và phẩm chất tính cực mà bạn mang đến cho con trong hành trình làm cha làm mẹ.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Cha, Mẹ & Bé?