Bên cạnh AI, sự nổi lên của việc phát triển ứng dụng không cần code (low-code/no-code - LCNC) cũng được nhận định là một cuộc cách mạng sẽ thay đổi cách chúng ta làm việc.
Low-code là một phương pháp tạo ra sản phẩm công nghệ với ít code hơn các cách thức lập trình "truyền thống". Nhờ sự hỗ trợ của các nền tảng như FlutterFlow, người dùng chỉ cần thực hiện các thao tác kéo-thả (drag and drop) để xây dựng khung sườn cho sản phẩm, sau đó là code (viết mã bằng ngôn ngữ lập trình) một phần nhỏ để tùy chỉnh.
Low-code vẫn yêu cầu khả năng viết code, nên chỉ phù hợp với lập trình viên hoặc người có ít nhiều kiến thức lập trình.
No-code lại là lựa chọn tối ưu cho hầu hết "dân ngoại đạo", giúp chúng ta tạo ra các sản phẩm công nghệ mà hoàn toàn không cần viết code. Các nền tảng no-code hiện nay rất đa dạng với nhiều tính năng như tạo trang web (Webflow), xây dựng ứng dụng (Bubble), tạo cơ sở dữ liệu (Airtable) hoặc phát triển game (Unity)...
Hiện nay, một số nền tảng no-code như Webflow đã bổ sung thêm tính năng AI, cho phép người dùng tùy chỉnh sản phẩm thông qua hỏi đáp với chatbot. Bubble cũng công bố rằng họ sẽ phát triển tính năng này vào năm 2024. Nền tảng hosting (lưu trữ web) nổi tiếng Hostinger cũng đã ra mắt tính năng xây dựng trang web với AI.
LCNC giúp tiết kiệm chi phí và thời gian đáng kể. Với các công cụ này, người dùng có thể tạo ra sản phẩm dưới nhiều định dạng khác nhau như ứng dụng web, ứng dụng di động, phần mềm máy tính… một cách nhanh chóng thay vì thuê nhân sự chuyên môn cho từng mảng riêng.
Tuy nhiên, khả năng của LCNC vẫn còn hạn chế, nên trước mắt chỉ phù hợp với các dự án nhỏ.
Nền tảng LCNC gần gũi nhất với công chúng có lẽ là Wordpress. Ban đầu, Wordpress chỉ là một nền tảng tạo blog cá nhân đơn giản. Đến nay, Wordpress đã trở thành nền tảng tạo trang web phổ biến, với tính năng tùy chỉnh code và vô vàn phần bổ trợ (plug-in)... ngày càng được tin tưởng trong việc xây dựng nhiều loại website khác nhau, từ landing page (hay còn là "trang đích"), website cá nhân, đến sàn thương mại điện tử…
Những năm gần đây, LCNC đang được mở rộng với ngày càng nhiều công cụ đa dạng và tiện dụng hơn. Ứng dụng phổ biến nhất của công nghệ này là xây dựng sản phẩm mẫu (minimum viable product - MVP) để thử nghiệm thị trường hoặc gọi vốn. Một số công ty nhỏ cũng dùng LCNC để tạo SaaS, viết tắt của "software as a service" - tức là "phần mềm dịch vụ". Bên cạnh đó là một số ứng dụng phổ biến như xây dựng cơ sở dữ liệu người dùng, tạo website bán hàng…
Ví dụ, Swipe Files là một phần mềm SaaS hỗ trợ tạo kế hoạch marketing với hơn 500 người dùng. Swipe Files được xây dựng từ các công cụ no-code gồm Webflow, ConvertKit, Beamer và Jetboost.
LCNC cũng có thể giúp tạo ra một doanh nghiệp có doanh thu lớn. Điển hình như Finn, một công ty chuyên hỗ trợ làm thủ tục đăng ký xe hơi thành lập năm 2019, với doanh thu định kỳ hàng năm khoảng 100 triệu đô la (hơn 2,4 triệu tỷ đồng). Thay vì thuê một đội ngũ lập trình viên hùng hậu, họ dùng các công cụ no-code như Webflow để tạo trang web, Google Sheets để xây dựng cơ sở dữ liệu (database), Make để tự động hóa quy trình cũng như đồng bộ hóa dữ liệu... CTO của công ty nhận xét rằng làm vậy giúp tiết kiệm đáng kể chi phí và quản lý hiệu quả hơn. Hiện công ty vẫn đang kết hợp no-code và low-code, cũng như tích cực đào tạo nhân viên thích nghi với các công cụ này (2).
Tuy nhiên, mở rộng quy mô vẫn là vấn đề muôn thuở của cách thức LCNC, ví dụ như RentLingo - một nền tảng cho thuê căn hộ ở Hoa Kỳ. Ban đầu, họ cũng xây dựng doanh nghiệp dựa trên lập trình truyền thống với đội ngũ lập trình viên nội bộ. Sau đó, trưởng nhóm Jared McKinney phân tích thực trạng công ty và nhận thấy rằng việc này quá tốn kém, cũng như không hiệu quả nên đã chuyển sang các công cụ no-code như Airtable và Webflow. Vấn đề tiếp tục phát sinh khi công ty phải đi tìm cách đồng bộ hóa dữ liệu giữa hai công cụ no-code trên. RentLingo đã phải thử nhiều công cụ khác nhau như Zapier, Nobull và PowerImporter, nhưng chưa công cụ nào đáp ứng được nhu cầu liên tục cập nhật và đồng bộ lượng dữ liệu lớn của công ty.
Cuối cùng, họ chọn được công cụ phù hợp là WhaleSync, giúp cập nhật và đồng bộ hóa dữ liệu chỉ trong vài giây (3).
Dù còn nhiều hạn chế, nhưng LCNC vẫn được một số doanh nghiệp lớn và lâu đời lựa chọn. Trong đó, Saga là một công ty thành lập từ năm 1951, kinh doanh bảo hiểm, tài chính và du lịch. Khi muốn mở rộng sang lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tại gia cho những khách hàng trên 50 tuổi, đội ngũ IT của họ nhận thấy hệ thống này phải mất 3 năm và 1,2 triệu bảng Anh (hơn 36 tỷ đồng) để thực hiện.
Cuối cùng, họ đã tận dụng nền tảng low-code là Mendix để tạo ra công cụ chăm sức khỏe SACHA chỉ trong vòng 6 tháng với chi phí 250.000 bảng Anh (hơn 7,6 tỷ đồng) (4).
Năm 2022, công ty tư vấn và nghiên cứu công nghệ Gartner đưa ra một khảo sát dựa trên doanh thu hàng năm của các nền tảng công nghệ, trong đó cho thấy low-code sẽ là xu hướng chính mà các công ty cần đón nhận vào năm 2026 (5). Điều này càng đặc biệt đúng khi nhiều nghiên cứu cho rằng chuyển đổi số (digital transformation) đang là một xu thế tất yếu (6). Một khảo sát được thực hiện bởi công ty no-code Internal cũng cho thấy 40% thời gian của đội ngũ IT và kỹ sư đang dành cho việc duy trì và vận hành các công cụ nội bộ thay vì thực sự phát triển sản phẩm mang lại doanh thu (7).
Về phía người lao động, một nghiên cứu năm 2019 về chủ đề này đã được đăng tải trong tập Truyền thông trong Khoa học máy tính và thông tin (Communications in Computer and Information Science) của tạp chí Springer. Nghiên cứu này cho thấy rằng người lao động trí óc không thuộc lĩnh vực công nghệ vẫn phải thường xuyên học cách sử dụng các công nghệ mới, với các mức độ phức tạp và khả năng bảo mật đa dạng (7).
Những người dùng này có xu hướng chấp nhận và thích nghi tốt với việc học cách sử dụng LCNC (7).
Nếu bạn làm marketing, trong vòng vài phút, bạn cũng có thể tạo landing page cho chiến dịch của mình với nền tảng no-code Carrd mà không cần nhờ sự hỗ trợ của các lập trình viên.
Sau đây là ví dụ về một số ứng dụng của LCNC dành cho dân văn phòng, freelancer (người làm tự do), thậm chí là các doanh nghiệp nhỏ, lẻ:
1. Tạo website
Có nhiều dạng website khác nhau, tùy mục đích mà người dùng có thể lựa chọn loại website và nền tảng phù hợp:
2. Tạo newsletter
Newsletter là cách để thường xuyên duy trì tương tác với khách hàng, tạo cảm giác vừa chuyên nghiệp vừa gần gũi. Người đi làm và freelancer cũng có thể tự tạo newsletter để xây dựng thương hiệu cá nhân hoặc xây dựng nguồn thu nhập thứ hai từ bản tin trả phí (paid newsletter). Một số công cụ newsletter phổ biến hiện nay gồm Substack (hoàn toàn miễn phí), Mailchimp, beehiiv…
Nếu muốn công cụ chuyên tạo bản tin trả phí với nhiều tính năng hơn, bạn có thể thử Convertkit.
3. Tạo chatbot
Chatbot giúp giảm chi phí và thời gian cho công việc chăm sóc khách hàng. Bản thân bộ phận chăm sóc khách hàng hoặc bán hàng có thể tự tạo chatbot để hạn chế việc khách hàng phải chờ đợi tin nhắn, cũng như "nhờ" chatbot tự động trả lời những câu hỏi thường gặp.
Manychat là công cụ tạo chatbot theo kịch bản, có thể liên kết với nhiều app nhắn tin khác nhau như Facebook Messenger, Instagram, SMS, email… và website của bạn. Nếu muốn tiết kiệm thời gian, bạn có thể thử công cụ Botsonic được tích hợp AI. Thay vì soạn kịch bản chi tiết cho chatbot, người dùng chỉ cần cung cấp đường dẫn đến trang web chứa nội dung về doanh nghiệp, hoặc tải tài liệu của doanh nghiệp lên. Sau đó, Botsonic sẽ tự động đưa ra câu trả lời phù hợp cho từng câu hỏi của khách hàng.
4. Trực quan hóa dữ liệu
Excel là công cụ low-code đời đầu giúp trực quan hóa dữ liệu (data visualization). Sau này, các công cụ như Power BI, Tableau… lần lượt ra đời với nhiều tính năng hơn và dễ sử dụng hơn. Bạn cũng có thể lựa chọn công cụ miễn phí như Looker (tiền thân là Google data studio), dù tính năng không đầy đủ bằng các công cụ thu phí.
5. Quản trị cơ sở dữ liệu
Công cụ quản trị cơ sở dữ liệu phổ biến nhất là Microsoft SQL Server, thường khó học với những người không thuộc lĩnh vực công nghệ. Airtable là một lựa chọn dễ dàng hơn để quản lý lượng dữ liệu vừa phải (như danh sách khách hàng và danh mục sản phẩm cho bộ phận bán hàng và marketing, danh sách ứng viên/nhân viên cho HR…).
Tuy nhiên, Airtable là nền tảng tính phí và không hoạt động tốt với lượng dữ liệu quá lớn.
Trong tương lai, khi ngày càng nhiều doanh nghiệp nhỏ với nhu cầu tiết kiệm chi phí tin dùng LCNC, nhu cầu tuyển nhân sự tự do am hiểu công nghệ này nhiều khả năng sẽ tăng lên. Đồng thời, đây chắc chắn vẫn là một công cụ mạnh và hiệu quả để xây dựng các phiên bản phần mềm thử nghiệm (MVP).
Tuy nhiên, dù hiện nay có rất nhiều nền tảng no-code cho phép nhân viên các công ty tạo công cụ nội bộ để sử dụng, ví dụ như công cụ marketing, bán hàng, chăm sóc khách hàng… nhưng tính bảo mật vẫn là vấn đề mà nhiều người lo lắng. Trong một bài viết trên Forbes, Gil Hoffer - CTO và đồng sáng lập công ty công nghệ Salto - nhận định rằng việc các nhân viên sử dụng no-code để tạo ra ứng dụng hoặc công cụ từ dữ liệu của công ty có thể gây ra nhiều rủi ro bảo mật, đặc biệt là khi các nhân viên ấy không có đủ kiến thức công nghệ và hướng dẫn chặt chẽ từ bộ phận IT (8).
Điều đó cho thấy, các công cụ LCNC cần cải thiện về khả năng mở rộng quy mô, cũng như có chính sách bảo mật rõ ràng hơn nếu muốn tiếp tục mở rộng thị phần.
Các công ty cũng có thể sẽ tạo ra công cụ no-code của riêng mình để giúp nhân viên làm việc hiệu quả hơn, cắt giảm chi phí và thời gian, đồng thời không cần lo lắng về vấn đề bảo mật. Tuy nhiên, nếu khả năng bảo mật của công ty còn yếu thì việc cân nhắc lựa chọn một nền tảng LCNC tốt cũng là một ý tưởng an toàn. Các nền tảng như n8n cho phép người dùng tự lưu trữ dữ liệu cũng là một lựa chọn đáng cân nhắc. Trong các trường hợp trên, bộ phận IT đều cần đưa ra những hướng dẫn cụ thể cho các nhân viên không thuộc lĩnh vực công nghệ, cũng như phía nhân viên cần học cách sử dụng tốt những công cụ mới này.
Trong những năm tới, LCNC chưa hẳn là một kỹ năng bắt buộc đối với người lao động, nhưng chắc chắn sẽ mang lại lợi thế cạnh tranh. Dù đang hoạt động trong lĩnh vực nào thì việc sở hữu kỹ năng công nghệ vẫn sẽ giúp bạn ghi thêm điểm trong mắt nhà tuyển dụng và làm việc hiệu quả hơn.
Nếu các kỹ năng như lập trình với code quá phức tạp, LCNC có thể là một khởi đầu "thân thiện" dành cho bạn, để bạn có thể bổ sung kỹ năng này vào CV của bản thân.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Sự Nghiệp?