Công nghệ AI đã phát triển ở mức chúng ta có "nhan nhản" các app tích hợp AI tiện dụng, từ theo dõi sức khỏe, dinh dưỡng tới hỗ trợ bảo đảm an toàn... Vậy đâu là ưu và khuyết điểm của những app tích hợp AI này? Bạn có thể sẽ bất ngờ về những chức năng của các app này đấy.
Bài viết cũng tổng hợp và phân tích các ứng dụng (app) tích hợp AI hữu ích trong đời sống và đang được ưa chuộng hiện nay, đồng thời nêu ra một số vấn đề mà người dùng nên cân nhắc trước khi sử dụng.
Các ứng dụng AI đang khiến cuộc sống của chúng ta dễ dàng hơn bao giờ hết. Điểm sơ qua, "bác sĩ" AI có thể giúp bạn chẩn đoán và theo dõi sức khỏe từ xa, đồng thời gửi cảnh báo khi cơ thể bạn có dấu hiệu bất thường; bạn cũng có thể "nhờ" AI nhớ hộ rất nhiều thông tin hoặc yêu cầu công cụ này thực hiện những nhiệm vụ thường nhật nhằm tiết kiệm thời gian…
Tuy nhiên, sự phát triển quá nhanh của chúng có thể đi kèm với nhiều rủi ro. Rủi ro lớn nhất là khả năng xảy ra các vụ lừa đảo. Có hai hình thức lừa đảo thường thấy.
Thứ nhất là hành vi giả mạo các ứng dụng (app) nổi tiếng để đánh cắp thông tin người dùng như truy cập vào camera, danh bạ, hình ảnh… Tiếp đó là việc một số kẻ tạo ra một ứng dụng chỉ bao gồm các tính năng được tích hợp từ ChatGPT và yêu cầu người dùng trả mức phí cao ngất ngưởng, trong khi bạn hoàn toàn có thể sử dụng những tính năng đó trên ChatGPT hoặc một ứng dụng miễn phí khác.
Một rủi ro nữa cũng khiến nhiều người lo lắng là tình trạng rò rỉ dữ liệu, nguyên nhân có thể do lỗ hổng bảo mật, hoặc ứng dụng có chính sách chia sẻ dữ liệu người dùng với bên thứ ba.
Life360 là một ví dụ. App này giúp hàng chục triệu người dùng, đặc biệt là trẻ em, người già và phụ nữ dễ dàng phát tín hiệu cầu cứu khi gặp nguy hiểm trên đường đi, cũng như thông báo địa điểm đến người thân. Cụ thể, AI tích hợp được sử dụng để nhận diện khi có tai nạn. Khi người dùng di chuyển trên 25 dặm/h (khoảng 40,2 km/h), nếu họ đột ngột dừng lại, app sẽ xác nhận lại với người dùng và gửi cảnh báo đến người thân của họ (1). Tuy nhiên, vào năm 2021, app này bị khiếu nại về việc bán dữ liệu người dùng. Năm 2022, Life360 cam kết sẽ ngừng việc bán những dữ liệu về vị trí của người dùng, nhưng vẫn chia sẻ các dữ liệu tổng hợp và ẩn danh cho bên thứ ba (2), (3).
Về nguyên tắc an toàn và mục đích thiết kế app ban đầu, việc chia sẻ vị trí và lộ trình di chuyển cho người thân có thể giúp chúng ta trong lúc khẩn cấp. Tuy nhiên, khi những thông tin này bị tiết lộ và sử dụng ngoài tầm kiểm soát của người dùng, hình thức hoạt động của app này sẽ tiềm ẩn rủi ro xảy ra các vụ theo dõi hoặc tấn công, trái với nguyên tắc an toàn ban đầu.
Một ví dụ nữa là việc app theo dõi chế độ ăn uống và tập luyện Myfitnesspal của công ty Under Armour đã bị tin tặc tấn công vào năm 2018. Vụ tấn công này đã làm lộ email và mật khẩu của hơn 150 triệu người dùng. May mắn là Under Armour đã kịp thời xử lý trước khi tin tặc kịp tiếp cận các dữ liệu sức khoẻ và thông tin thanh toán (4).
Tuy nhiên, theo một nghiên cứu năm 2020 trên Tạp chí Nghiên cứu Internet Y tế (Journal of medical internet research), Myfitnesspal vẫn được giới chuyên gia đánh giá có khả năng tính toán chính xác calorie, các chất dinh dưỡng đa lượng (protein, carbohydrate và chất béo), đường và chất xơ, tuy vẫn chưa tính hoàn toàn chính xác về lượng cholesterol và muối (5).
Điều này dẫn tới một vấn đề mới: Tính chính xác của các "cố vấn" AI cũng là một điều đáng quan ngại, đặc biệt đối với các ứng dụng chatbot sức khỏe, tâm lý hoặc tư vấn tài chính. Chúng có thể được dùng để tham khảo, nhưng không thể hoàn toàn thay thế các chuyên gia.
Cuối cùng, những thay đổi đột ngột của các công ty công nghệ cũng có thể tạo ra ảnh hưởng không nhỏ đến người dùng, điển hình như biến động nhân sự của OpenAI về việc sa thải và tái bổ nhiệm CEO Sam Altman trong vỏn vẹn 4 ngày, từ 17 tới 21/11/2023 (6), (7). Hành động đột ngột đã khiến người dùng trên toàn thế giới lo lắng về sự phát triển tiếp theo của ChatGPT.
Vậy, bên cạnh những vấn đề đáng lo khi sử dụng app tích hợp AI, đâu là những app thực sự hữu ích trong đời sống hiện đại của chúng ta?
Nhiều ứng dụng sau đây có lẽ đã quen thuộc với bạn đọc, người viết và LeLa Journal cũng giới thiệu thêm một số ứng dụng có thể bạn chưa biết, đồng thời phân tích ưu - nhược điểm, bao gồm tính năng và độ bảo mật của từng ứng dụng.
Ưu điểm: Ứng dụng sức khỏe của Apple (đi kèm Apple Watch) giúp người dùng nắm bắt tình hình sức khỏe của bản thân, bao gồm các thông tin về tim mạch, giấc ngủ và vận động… Đồng thời, Apple Health nhắc nhở lịch uống thuốc, cũng như cảnh báo tín hiệu tim mạch bất thường hoặc nguy cơ té ngã.
Một nghiên cứu năm 2019 đăng trên Tạp chí Y tế New England (The New England Journal of Medicine) cho thấy khả năng thông báo hoạt động bất thường của tim mạch của Apple Watch chỉ có mức chính xác là… 0,52% (8). Song, trên thực tế, thiết bị này cũng đã nhiều lần kịp thời cứu người dùng khỏi tình trạng nguy hiểm (9).
Người dùng cũng có thể chia sẻ dữ liệu sức khỏe đến người họ tin tưởng - như người thân hoặc bác sĩ - để những đối tượng này có thể giúp đỡ khi nhận được cảnh báo. Điều quan trọng là Apple Health đã cam kết mã hóa dữ liệu người dùng, không chia sẻ dữ liệu với bên thứ ba và cho phép xóa dữ liệu khi cần (10).
Nhược điểm: Ứng dụng này đi liền với Apple Watch và chỉ có mặt trên iOS. Vì vậy, không phải ai cũng có thể tiếp cận những tiện ích mà nó mang lại. Dù Apple nổi tiếng về bảo mật, nhưng vẫn có thể có rủi ro bị tấn công. Tuy nhiên, việc mã hóa dữ liệu đã giúp tính bảo mật được nâng cao hơn nhiều.
Ưu điểm: Ứng dụng này có mặt trên cả Android và iOS. Ngoài những chức năng theo dõi sức khỏe thông thường, We do pulse còn có chatbot AI giúp giải đáp các thắc mắc cơ bản về sức khỏe, cũng như tính năng khám bệnh từ xa với bác sĩ (người dùng sẽ phải thanh toán thêm phí cho mỗi lần sử dụng). Tuy nhiên, người dùng vẫn nên tìm đến bác sĩ thay vì hoàn toàn tin tưởng thông tin từ chatbot.
Nhược điểm: Ứng dụng cho biết có chia sẻ dữ liệu người dùng với một số bên thứ ba nhất định. Một điều cần lưu tâm nữa là ứng dụng này thuộc sở hữu của Tập đoàn Bảo hiểm Prudential. Một nghiên cứu năm 2021 cho thấy người dùng thường lo ngại về vấn đề chi trả bảo hiểm khi chia sẻ dữ liệu sức khỏe với các công ty công nghệ (11). Ví dụ, những dữ liệu về thông tin liên lạc hoặc các chủ đề sức khỏe mà bạn quan tâm có thể giúp nhân viên bán hàng của hãng dễ thuyết phục bạn mua gói bảo hiểm hơn. Bên cạnh đó, trong tình trạng lo lắng, người dùng đôi khi "tự chẩn bệnh" và cung cấp các triệu chứng sai lệch cho app thông qua hỏi đáp với chatbot.
Tại Hoa Kỳ, đã có trường hợp công ty bảo hiểm Cigna dựa vào thuật toán AI để từ chối chi trả bảo hiểm (12). Đồng thời, cũng có rủi ro là công ty bảo hiểm sẽ dựa vào thông tin sức khỏe trên app để tăng phí bảo hiểm của người dùng. Hiện tại, thị trường Việt Nam chưa xảy ra tình trạng này và những dữ liệu thế này vẫn được xem là không chính thống, nhưng đây vẫn là một vấn đề mà người dùng cần thận trọng.
Flo:
Ưu điểm: Flo nhận được sự tin tưởng của hàng trăm triệu người dùng, giúp theo dõi và dự đoán chu kỳ kinh nguyệt, thời điểm rụng trứng, các dấu hiệu tiền kinh nguyệt (PMS), hỗ trợ tránh thai, lên kế hoạch sinh con, chăm sóc cơ thể trong kỳ kinh hoặc khi mang thai... Dự đoán của Flo được tổng hợp dựa trên nhiều chỉ số như thời điểm hành kinh, nhiệt độ cơ thể, tâm trạng, hoạt động tình dục…
Nhược điểm: Năm 2021, Ủy ban Mậu dịch Quốc gia (Federal Trade Commission) tại Hoa Kỳ đã cáo buộc Flo vi phạm cam kết bảo mật khi chia sẻ dữ liệu người dùng với bên thứ ba (13). Trong khi đó, ứng dụng này lại đang chứa những thông tin nhạy cảm của phụ nữ như khả năng sinh sản, tần suất hoạt động tình dục và chất lượng tình dục… Năm 2022, Flo giải quyết vấn đề này bằng cách ra mắt tính năng ẩn danh và cam kết chỉ chia sẻ dữ liệu khi người dùng đồng ý (14).
Nhưng chế độ ẩn danh này lại khiến một số tính năng bị hạn chế. Do đó, việc có tiếp tục tin tưởng Flo hay không lại... hoàn toàn phụ thuộc vào người dùng.
Ngoài ra, bên cạnh theo dõi và dự đoán miễn phí, người dùng cần trả phí để dùng trọn bộ tính năng của ứng dụng, gồm kế hoạch hằng ngày, nội dung được viết bởi chuyên gia và AI hỏi đáp... với mức cao nhất là 49,99 đô la/năm (hơn 1,2 triệu đồng/năm).
Drip:
Ưu điểm: Nếu bạn lo ngại về việc Flo chia sẻ dữ liệu người dùng với bên thứ ba, Drip có thể là một lựa chọn thay thế tốt. Drip là ứng dụng miễn phí cho phép người dùng lưu trữ dữ liệu trên chính điện thoại của họ và không chia sẻ dữ liệu với bên thứ ba, giúp đảm bảo dữ liệu người dùng được an toàn. Đây là ứng dụng mã nguồn mở (open-source: công khai mã nguồn, nhờ đó người dùng có đủ thông tin để tìm hiểu và xác minh cách thức hoạt động của Drip) và đặc biệt là không có quảng cáo (15).
Tính năng và cơ chế hoạt động của Drip tương tự như Flo, nhưng tạm thời chưa thể dự báo thời điểm rụng trứng hoặc PMS, cung cấp tin tức về sức khỏe, hoặc chăm sóc mẹ bầu…
Nhược điểm: Drip là ứng dụng mới với số lượng người dùng vẫn còn hạn chế, với mức độ chính xác của các dự báo và nhiều tính năng vẫn đang tiếp tục được cải thiện.
Tuy nhiên, một nghiên cứu năm 2018 cũng cho thấy khả năng dự báo thời điểm rụng trứng của hầu hết các ứng dụng theo dõi kinh nguyệt hiện nay chỉ có mức chính xác không quá 21% (16). Một nghiên cứu năm 2022 cho thấy việc dự đoán thiếu chính xác này đã gây thất vọng và thậm chí là gây lo lắng, hoang mang cho người dùng (17).
Từ năm 2018 đến nay, khi AI đã "bùng nổ", chức năng này có thể đã có nhiều cải thiện, nhưng người dùng vẫn chỉ nên xem các dự báo đó như thông tin tham khảo, không nên dựa vào đó để tránh thai hoặc lên kế hoạch mang thai.
Ưu điểm: Đây là ứng dụng quản lý tài chính cá nhân miễn phí tích hợp AI. Wally cung cấp cho người dùng các biểu đồ theo dõi thu-chi và cảnh báo về việc thâm hụt ngân sách hoặc nhắc nhở tiết kiệm… Bên cạnh đó, người dùng còn có thể nhận được câu trả lời chi tiết cho từng thắc mắc về tình hình tài chính của mình qua việc hỏi đáp với chatbot Wally GPT, như là khoản chi nào có thể cắt giảm, khoản chi nhiều nhất là gì, yêu cầu chatbot lập kế hoạch để đạt một mục tiêu tài chính cụ thể…
Wally có chính sách quyền riêng tư tương đối an toàn, với việc mã hóa dữ liệu người dùng, cam kết không chia sẻ hoặc bán dữ liệu cho bên thứ ba (18).
Nhược điểm: Ứng dụng này chưa hỗ trợ tiếng Việt dù đã có sử dụng đơn vị tiền tệ Việt Nam đồng. Điều này vẫn khá bất tiện cho một số người dùng Việt Nam khi dùng chatbot. Ngoài ra, người dùng cũng cần cẩn trọng khi liên kết tài khoản ngân hàng của mình với Wally. Việc này có vẻ tiện lợi khi quản lý các khoản thu một cách tự động, nhưng cũng đi kèm rủi ro mất cắp tài khoản ngân hàng hoặc mất tiền.
Hiện nay, Wally chưa có báo cáo nào như những trường hợp xâm phạm thông tin kể trên, nhưng bất cứ ứng dụng nào cũng có thể tồn tại lỗ hổng bảo mật.
Việc cung cấp quyền truy cập vào tài khoản ngân hàng cho một ứng dụng bên thứ ba sẽ luôn tồn tại rủi ro khó lường.
Ưu điểm: Đây cũng là một app quản lý tài chính cá nhân được đông đảo người Việt đón nhận. Ứng dụng này sử dụng trí tuệ nhân tạo để đánh giá tình hình tài chính của người dùng và đưa ra lời khuyên.
Nhược điểm: Ứng dụng cũng cho biết rằng có chia sẻ một số dữ liệu phi tài chính của người dùng cho bên thứ ba nhằm mục đích quảng cáo hoặc vận hành (19). Đầu năm nay, TrustWave - một công ty an ninh mạng của Hoa Kỳ công bố rằng đã tìm ra lỗ hổng bảo mật trên Money Lover. Lỗ hổng này khiến mọi người dùng (đã xác thực danh tính) đều có thể nhìn thấy giao dịch của nhau. Điều này đặt người dùng vào rủi ro bị theo dõi và tấn công bởi tin tặc (20).
Dù là các ứng dụng uy tín như Money Lover, Wally… thì vẫn luôn tồn tại rủi ro có lỗ hổng bảo mật. Vì thế, người dùng nên cẩn trọng khi sử dụng các ứng tài chính cá nhân, sức khỏe… đặc biệt là khi liên kết với thông tin quan trọng về tài khoản ngân hàng.
Có hai giải pháp khả thi cho vấn đề này: Một là nhập thủ công tất cả các khoản thu - chi. Hai là sử dụng nhiều tài khoản ngân hàng và chỉ liên kết với ứng dụng bên thứ ba thông qua một tài khoản tiêu dùng với số tiền nhỏ, thay vì tài khoản nhận lương hoặc tiết kiệm.
Đồng thời, bạn cũng nên sử dụng mật khẩu riêng cho từng tài khoản, tránh việc chúng bị tấn công đồng loạt.
Ưu điểm: Email có thể chứa khá nhiều thông tin riêng tư của mỗi người. Canary Mail giúp mã hóa email của bạn (thành những ký tự ngẫu nhiên), từ nội dung, tiêu đề, địa chỉ và nhiều thứ khác… Sau đó, bạn vẫn có thể gửi email đã được mã hóa này thông qua địa chỉ email mà bạn đang sử dụng như Gmail, Yahoo Mail, Outlook… Không ai có thể xem nội dung email (kể cả Canary Mail), ngoại trừ bạn và người nhận email. Dữ liệu sẽ được lưu trữ trên máy tính của bạn và ứng dụng này chỉ thu thập dữ liệu khi người dùng đồng ý hoặc đồng bộ hóa dữ liệu cá nhân với hệ thống đám mây của ứng dụng (21).
Ngoài ra, ứng dụng này còn có AI hỗ trợ viết email tự động, sắp xếp email và phân loại ưu tiên, tự động dọn dẹp email rác…
Nhược điểm: Phiên bản miễn phí của ứng dụng cho phép bạn mã hóa email và sử dụng các công cụ AI cơ bản. Để sử dụng đầy đủ các tính năng và nâng cấp mức độ bảo mật, bạn cần trả 20 đô la/năm (hơn 480 ngàn đồng).
Ưu điểm: Evernote là app ghi chú với giao diện đơn giản, dễ sử dụng và nhiều mẫu (template) ghi chú tiện dụng. App có 2 tính năng AI nổi bật là AI Cleanup và AI Power. Trong đó, AI Cleanup tự động giúp người dùng trình bày lại các ghi chú theo định dạng và cấu trúc rõ ràng, mạch lạc hơn, cũng như sửa lỗi chính tả. AI Power giúp người dùng dễ dàng tìm lại các ghi chú cũ của mình bằng các từ khóa liên quan, kể cả khi bạn đã quên tiêu đề và ngày tháng cụ thể. Thậm chí, công cụ này còn trả lời được những thông tin chi tiết trong các ghi chú của bạn.
Độ bảo mật của app tương đối ổn, dữ liệu dự phòng (backup) trong máy chủ Evernote đều được mã hoá, người dùng cũng được tùy chọn mã hóa từng ghi chú trong máy cá nhân (22).
Nhược điểm: Người dùng phải trả phí để sử dụng tính năng AI Cleanup. Và tính năng này cũng không hoạt động với những ghi chú ít hơn 100 từ hoặc nhiều hơn 6.000 từ. Ngoài ra, dù dữ liệu được mã hoá, nhưng Evernote là bên nắm giữ khoá giải mã, dẫn đến rủi ro lộ thông tin người dùng nếu app bị tấn công. Tuy nhiên, lần "gần nhất" app bị tin tặc đột nhập là hơn 10 năm về trước (tức là vào năm 2013) (23).
Mong rằng qua bài viết này, bạn đọc đã có thêm nhiều góc nhìn về các ứng dụng AI trong đời sống để lựa chọn ứng dụng phù hợp và thận trọng hơn trước những vấn đề khi sử dụng AI.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Giáo Dục?
Cập nhật những thông tin mới nhất về giáo dục.